Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua vào năm 2005 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Để tạo điều kiện cho việc thực thi trên thực tế và phổ biến rộng rãi tới mọi tổ chức, cá nhân có liên quan về đạo luật này, ngày 01 tháng 6 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt đề án phổ biến, tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường từ năm 2006 đến năm 2008.
Trên cơ sở đó, Vụ Môi trường (trước đây) và nay là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã chủ trì tổ chức, thực hiện và phối hợp với Vụ Kế hoạch và Tài chính (trước đây) và Văn phòng Bộ tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án từ năm 2006 đến năm 2008
Tính đến cuối năm 2008, tất cả các nội dung và mục tiêu của Đề án đã được hoàn thành, được các địa phương đánh giá cao. Một số hoạt động đã trở thành phong trào cho các địa phương triển khai.
Kết quả đã đạt được
1. Về nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật
* Tổ chức biên tập, in ấn và phát hành các ấn phẩm về pháp luật bảo vệ môi trường:
a) Sách Luật Bảo vệ môi trường: trong năm 2006, đã tổ chức in ấn hơn 6,000 cuốn sách Luật Bảo vệ môi trường với hai thứ tiếng: tiếng Việt và Tiếng Anh và được phát miễn phí đến tất cả các cơ quan ở trung ương và đến tận tay cho các cán bộ quản lý môi trường trên cả nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.
b) Tờ rơi về pháp luật bảo vệ môi trường: nội dung tờ rơi được biên soạn theo từng nhóm đối tượng để có thể dễ dàng hiểu các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhóm đối tượng đó.
c) Biên tập, in ấn sách hỏi đáp pháp luật bảo vệ môi trường
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, Vụ Môi trường đã tổ chức xây dựng và in ấn cuốn sách hỏi đáp về Luật Bảo vệ môi trường. Các câu hỏi và các giải đáp được thu thập qua các lớp tập huấn, qua các thắc mắc, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là qua hệ thống giao lưu trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cuốn sách được hoàn thành với sự tham gia biên soạn, biên tập của các chuyên gia luật của Vụ Pháp chế, Vụ Môi trường, Cục Bảo vệ môi trường và Trường đại học Luật Hà Nội.
d) Tổng hợp, hệ thống và in ấn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường
Để đảm bảo cho việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân quản lý ở trung ương và địa phương dễ dàng tra cứu, áp dụng pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức in ấn cuốn sách “Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường”. Đây là cuốn sách tập hợp các văn bản dưới luật từ các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ … được ban hành trước năm 2007.
* Tổ chức hội thảo tập huấn cho cán bộ quản lý môi trường của tất cả các tỉnh, các huyện và các xã trên phạm vi cả nước.
Tài liệu tập huấn được biên soạn bởi các chuyên gia, nhà quản lý, luật gia của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các đơn vị trong Bộ như Vụ Pháp chế, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo vệ môi trường . Và tổ chức in ấn tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật (cho đến thời điểm bấy giờ) để các học viên tham gia hội thảo tập huấn tiện theo dõi.
Sau khi tổ chức xây dựng xong các bài giảng theo chuyên đề, Vụ Môi trường đã thành lập Ban Tổ chức 06 Hội thảo tập huấn cho đối tượng là cán bộ quản lý môi trường từ cấp trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) và các cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực khác có liên quan đến quản lý môi trường như: công nghiệp, kế hoạch và đầu tư, thương mại, giao thông vận tải, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc….tại các khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Hội thảo tập huấn đã giúp các địa phương nâng cao năng lực quản lý môi trường cũng như thực thi các quy định của pháp luật trên thực tế. Đồng thời, các lớp tập huấn cũng là diễn đàn lớn cho những người làm công tác môi trường trên cả nước có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và được các địa phương đánh giá cao sự nỗ lực hướng về địa phương của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Tổ chức giới thiệu, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng
Nhận thức được vai trò của các phương tiện truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn ban hướng dẫn đến mọi tầng lớp trong xã hội, dưới nhiều hình thức khác nhau như đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí (báo Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Bảo vệ môi trường)….
2. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường
* Tổ chức các diễn đàn trao đổi, thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn
Trong 3 năm tổ chức thực hiện đề án, Bộ Tài nguyên và Môi trường (ngoài các lớp tập huấn cho các địa phương nêu ở phần I) đã tổ chức rất nhiều các hội thảo, diễn đàn trao đổi về Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các diễn đàn, hội thảo nêu trên được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân quan tâm, như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường và kể cả các cán bộ quản lý môi trường ở trung ương và địa phương, đặc biệt là tổ chức đối với cán bộ quản lý cấp xã phường của địa phương. Các hội thảo chuyên đề là diễn đàn tốt để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trao đổi, thảo luận về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.
* Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường
Năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 1 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường quy mô toàn quốc dành cho tất cả cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường trên cả nước. Cuộc thi được thực hiện bởi Vụ Môi trường (đơn vị chịu trách nhiệm về chuyên môn) và Báo Tài nguyên và Môi trường. Mục đích của cuộc thi nhằm nắm bắt được trình độ và sự hiểu biết các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các thí sinh, đồng thời cuộc thi cũng là diễn đàn để những cán bộ quản lý môi trường kiểm tra kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường trong xã hội.
Năm 2008, tiếp tục thành công của cuộc thi năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật bảo vệ môi trường lần thứ hai, tuy nhiên, đối tượng dành cho học sinh, sinh viên trong cả nước, tuổi từ 15 đến 22 tuổi. Cuộc thi đã được phổ biến rộng rãi trên cả nước qua Báo Hoa Học Trò, và đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các thí sinh, với 7,000 bài thi được gửi về cho Ban Tổ chức với nhiều phong cách và màu sắc khác nhau. Thông qua cuộc thi có thể thấy tuổi trẻ Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và rất lo lắng về hiện trạng môi trường hiện tại và trong tương lai.
* Thực hiện chương trình giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng
Song song với việc giới thiệu, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành trên các phương tiện, thông tin đại chúng với nhiều hình thức khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng rất chú trọng đến việc giáo dục pháp luật. Năm 2007, Bộ đã phối hợp với VTV2 Đài Truyền Hình Việt Nam tổ chức sân chơi về giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường trên VTV2 (được phát sóng trên cả nước), tập trung vào 02 đối tượng là doanh nghiệp và học sinh sinh viên.
Năm 2009, Bộ phối hợp với Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật về bảo vệ môi trường trên tạp chí Kinh tế môi trường, nhằm hướng đến các thành viên của Hội trên toàn quốc.
* Xây dựng tư liệu, phim, hình ảnh về pháp luật bảo vệ môi trường
Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến, Bộ cũng đã chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm chuyên đề được xây dựng bằng phim, hình ảnh để có thể dễ dàng cho các đối tượng, người dân nắm bắt hơn. Theo đó, năm 2007, Bộ đã tổ chức sản xuất 02 phóng sự giới thiệu về Luật Bảo vệ môi trường. Năm 2008 (năm tổng kết đề án), Bộ tiếp tục cho sản xuất phim về thực thi Luật Bảo vệ môi trường qua hơn 2 năm có hiệu lực thi hành. Đây là các sản phẩm được sử dụng thường xuyên cho công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường của các cấp.
* Đưa pháp luật bảo vệ môi trường và các trường đại học cao đẳng
Luật Bảo vệ môi trường đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học, cao đẳng trên cả nước, tuy nhiên, những nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2005 lại chưa được cập nhật trong các giáo trình, chương trình giảng dạy cho sinh viên. Để đưa các nội dung của luật Bảo vệ môi trường vào các trường đại học, cao đẳng được nhanh nhất, hiệu quả nhất, Bộ đã phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Luật Hà Nội xây dựng giáo trình Bộ môn Luật Môi trường, đây là giáo trình đầy đủ và cơ bản nhất về Luật Bảo vệ môi trường dành cho các sinh viên, đặc biệt là các sinh viên có chuyên ngành về môi trường và quản lý môi trường.
Năm 2008, tiếp tục đưa các nội dung của pháp luật về môi trường vào các trường đại học, cao đẳng, Bộ đã phối hợp với Đại học Phương Đông tổ chức điều tra nhu cầu học về chính sách, luật môi trường của sinh viên các trường và thử nghiệm giảng dạy tại Khoa CN Sinh học và Môi trường. Sau thử nghiệm nêu trên, Ban Giám hiệu Đại học Phương Đông đã quyết định học thêm một môn học: Pháp luật, Chính sách môi trường dành cho sinh viên năm thứ tư.
* Đưa pháp luật bảo vệ môi trường vào các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội
Bên cạnh đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân, Bộ cũng rất quan tâm đến các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường.
Năm 2007, Bộ đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức 03 hội thảo ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam về chủ đề “Thanh niên Việt Nam tìm hiểu pháp luật BVMT” (kết hợp với đại hội Đoàn TNCSHCM). Các hội thảo đã thu hút sự tham gia nhiệt tình và rộng rãi của các Đoàn viên, tuổi trẻ ở ba miền.
Năm 2008, Bộ tiếp tục tổ chức 01 diễn đàn về pháp luật bảo vệ môi trường cho các cán bộ công tác tại các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp ở cấp trung ương và cấp tỉnh như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên Đoàn Lao động, Liên Hiệp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
3. Đánh giá, sơ kết, tổng kết
* Tổ chức điều tra, đánh giá xã hội học về mức độ hiểu biết pháp luật bảo vệ môi trường
Với mục đích điều tra, khảo sát tình hình hiểu biết pháp luật của người dân trong xã hội về môi trường, Bộ đã tổ chức biên soạn, thiết kết, in ấn, thiết kế, phát và thu thập một số lượng lớn phiếu điều tra. Đối tượng điều tra rất đa dạng từ học sinh sinh viên, từ người dân hay là cán bộ, công chức. Từ các số liệu điều tra, các cơ quan quản lý có thể có những chính sách hoặc giải pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
* Điều tra, khảo sát mức độ hiểu biết pháp luật của người dân
Bên cạnh điều tra xã hội học, trong 2 năm (2007-2008) Bộ đã tổ chức thực tế điều tra, khảo sát ở rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng điều tra, khảo sát bao gồm 03 nhóm: (1) cán bộ công chức, (2) doanh nghiệp và (3) là học sinh và sinh viên.
Hình thức điều tra, khảo sát lấy thông tin chủ yếu được tiến hành thông qua phiếu hỏi và phỏng vấn trực tiếp đối với từng đối tượng.
* Tổng kết tình hình thực thi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn
Đánh giá xã hội học mức độ hiểu biết pháp luật, bên cạnh tổ chức hội thảo sơ kết, tổng kết 1 năm, 2 năm thi hành Luật, Bộ cũng tiếp tục sử dụng hình thức điều tra xã hội học về tình hình thực thi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để có thể biết được thực trạng các quy định pháp luật có đi vào thực tiễn hay không? Các vướng mắc cần được tháo gỡ và sửa đổi, bổ sung.
4. Kiến nghị
Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường cần được thực hiện lâu dài, thường xuyên hơn nữa. Mặc dù Đề án đã được thực hiện thành công, nhưng không dám chắc rằng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sẽ được duy trì hoặc triển khai trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, nhận thức là một quá trình, không thể nóng vội.
Việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật bảo vệ môi trường cần phải được thực hiện đúng đối tượng, hình thức phù hợp với trình độ, văn hóa và tính phức tạp của nội dung tuyên truyền, tập huấn.
Nguồn: Ban Thể chế và Nguồn lực
Newer articles
Older articles