Sau 23 năm đổi mới, nước ta đã dần chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó sự vận hành của nền kinh tế vừa tôn trọng các quy luật khách quan của cơ chế kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Chúng ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tài nguyên và môi trường có vai trò thiết yếu đối với con người, là nền tảng tồn tại và phát triển của xã hội, là đầu vào và chứa đựng chất thải đầu ra của các hoạt động kinh tế, đóng góp quan trọng cho ngân sách và tăng trưởng của mọi nền kinh tế. Trong thế giới hiện đại ngày nay, khi toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, tài nguyên trở thành nguồn lực khan hiếm, là đối tượng tranh chấp quyết liệt giữa các thế lực kinh tế, môi trường đã và đang bị ô nhiễm, suy thoái nhanh, trở thành vấn đề toàn cầu, mối lo chung của toàn nhân loại, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nhiều quốc gia trên thế giới đặt ở tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.
Nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nỗ lực tăng trưởng nhanh và bền vững, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách tụt hậu đối với thế giới. Quá trình này đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản trong cơ chế quản lý và phương thức điều hành của toàn bộ nền kinh tế, từng bộ phận, từng khâu, trong đó có ngành tài nguyên và môi trường.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng kinh tế hoá, thị trường hoá. Một số cơ chế, công cụ kinh tế được đưa vào áp dụng trong quản lý đất đai và bảo vệ môi trường đã phát huy tác dụng, tạo nên bước đột phá về đóng góp ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng tạo nên thành công của tiến trình đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiến trình mở cửa và hội nhập, xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn có bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể:
(1) Thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chậm đổi mới, còn nặng tính hành chính, bao cấp, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao. Cơ chế quản lý tài nguyên và môi trường còn mang nặng tính chất của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp; chưa theo kịp với sự chuyển đổi của cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đang hình thành và vận hành sâu rộng trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Tài nguyên ở nhiều nơi còn bị khai thác lãng phí, sử dụng chưa đúng mục đích, bị định giá quá thấp so với giá thị trường, không phản ánh đúng quy luật cung-cầu trên thị trường; các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên và sản xuất chưa được tuân thủ đầy đủ; chi phí thiệt hại về tài nguyên và môi trường chưa được tính đến, do vậy giá của sản phẩm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chưa phản ánh chi phí xã hội. Hoạt động của các ngành, các địa phương và của nền kinh tế nói chung hiệu quả kinh tế thấp.
(3) Hệ thống quy định, chế tài về các nghĩa vụ tài chính của các chủ thể kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (như thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại, ký quỹ phục hồi môi trường …) đối với các chủ thể kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập, chưa thực hiện tốt chức năng điều tiết hành vi của các chủ thể kinh tế trong xã hội, chưa đem lại nguồn thu ngân sách quốc gia tương xứng với thực tế tài nguyên bị khai thác sử dụng và môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
(4) Quy mô các doanh nghiệp dịch vụ công về cung ứng dịch vụ khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhỏ bé về nguồn lực đầu tư và trình độ công nghệ, chưa đạt được lợi thế về hiệu suất của quy mô lớn, chưa đủ sức phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
(5) Cơ chế vận hành của bộ máy quản lý ngành tài nguyên và môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hiệu lực, hiệu quả quản lý còn thấp, chậm đổi mới về tư duy kinh tế. Dịch vụ do ngành cung cấp còn yếu, hoạt động mang tính theo đơn đặt hàng của nhà nước mà chưa thực sự phát huy được tiềm năng, chưa vận động theo đúng cơ chế thị trường.
(6) Vai trò của ngành đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến những nhìn nhận và đầu tư chưa thoả đáng cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010” cũng đã chỉ rõ: “Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng”, nguyên nhân là do “chậm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “cải cách hành chính còn chậm và kém hiệu quả” và “chưa có chính sách, giải pháp đủ mạnh để huy động và sử dụng tốt nhất các nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội”.
Những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là do Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam mới được thành lập năm 2002 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị đã có sẵn, giai đoạn đầu phải từng bước kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoàn thiện chức năng nhiệm vụ. Các lĩnh vực riêng lẻ của ngành trước đây hầu hết là dịch vụ công, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cho nên hoạt động mang nặng tính bao cấp, kế hoạch; các mối quan hệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường chưa tuân theo hoặc tuân theo chưa đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, đặc biệt quy luật cung-cầu, quy luật giá cả và quy luật cạnh tranh.
Đến nay, sau một thời gian tương đối đủ để hoàn thiện chức năng nhiệm vụ và kiện toàn bộ máy tổ chức, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra một chủ trương xuyên suốt trong toàn ngành là “kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường”. Chủ trương này nhằm mục tiêu thúc đẩy việc đổi mới công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng thị trường hoá các nguồn tài nguyên, chủ động vận dụng các quy luật khách quan, khả năng tự điều tiết của kinh tế thị trường, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực tư duy, nghiên cứu và phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường, đáp ứng tốt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Do đó, để thực hiện chủ trương này, việc thực hiện Dự án “Điều tra, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và xây dựng khung chính sách tổng thể đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường” là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự án nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; đánh giá khả năng áp dụng và xây dựng, đề xuất khung chính sách tổng thể đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường ở Việt Nam.
Việc nghiên cứu, đề xuất sẽ được thực hiện với tất cả bảy (7) lĩnh vực quản lý Nhà nước mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công, bao gồm đất đai; tài nguyên nước; địa chất, khoáng sản; môi trường; khí tượng, thuỷ văn; đo đạc, bản đồ và biển, hải đảo.
3.1. Hình thành một hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, từ đó đề xuất các nội dung vận dụng, khung chính sách tổng thể và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
3.2. Nhận dạng các bất cập trong cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện hành trên quan điểm kinh tế hóa và đề xuất việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường.
3.3. Xây dựng hệ thống các nhóm công cụ, biện pháp cụ thể phục vụ đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường ở Việt Nam.
4.1 Điều tra, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, trên cơ sở đó xác lập nguyên tắc, phương thức thực hiện, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
4.2. Rà soát, đánh giá, tổng kết thực tiễn quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên quan điểm kinh tế hóa và đề xuất hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
4.3. Điều tra, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và xây dựng mô hình, phương pháp dự báo xu thế biến động tài nguyên và một số vấn đề môi trường.
4.4. Điều tra, nghiên cứu xây dựng nguyên tắc, phương pháp định giá, lượng hóa, hạch toán và thiết lập hệ thống tài khoản quốc gia về tài nguyên và môi trường.
4.5. Điều tra, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế và ứng dụng kỹ thuật, phương pháp phân tích chi phí lợi ích (CBA) trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4.6. Điều tra, nghiên cứu đề xuất các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
4.7. Điều tra, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế thu từ tài nguyên và môi trường nhằm nâng tầm đóng góp của lĩnh vực tài nguyên môi trường cho ngân sách nhà nước.
4.8. Điều tra, nghiên cứu quan hệ cung - cầu, tiềm năng, cơ hội thiết lập các loại thị trường trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và xây dựng đề án thương mại hóa thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường.
4.9. Điều tra, nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hệ thống tổ chức và nguồn nhân lực phục vụ đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
5.1. Báo cáo cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; Dự thảo khung chính sách tổng thể và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
5.2. Báo cáo đánh giá, tổng kết thực tiễn và đề xuất hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên quan điểm kinh tế hóa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
5.3. Báo cáo đề xuất và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật một số mô hình, phương pháp dự báo xu thế biến động tài nguyên và một số vấn đề môi trường phục vụ đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
5.4. Báo cáo đề xuất các nguyên tắc, phương pháp định giá, lượng hoá, hoạch toán tài nguyên và hướng thiết lập hệ thống tài khoản quốc gia về tài nguyên và môi trường phục vụ đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường
5.5. Dự thảo bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế và báo cáo ứng dụng mô hình, phương pháp phân tích chi phí lợi ích (CBA) trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
5.6. Dự thảo danh mục, khung chính sách và lộ trình áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
5.7. Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế thu từ tài nguyên và môi trường nhằm nâng tầm đóng góp của lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho ngân sách nhà nước.
5.8. Dự thảo khung chính sách thúc đẩy phát triển các loại thị trường trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Dự thảo đề án phát triển thương mại hóa thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường đến năm 2025.
5.9. Dự thảo chiến lược phát triển hệ thống tổ chức và nguồn nhân lực phục vụ đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2025.
5.10. Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Dự án.
Dự án được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở áp dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp kế thừa (tổng hợp, phân tích các công trình nghiên cứu thực hiện trước đây, kế thừa những kết quả điều tra, đánh giá, nghiên cứu đã có cả trong và ngoài nước);
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế thông qua phỏng vấn, gửi phiếu điều tra, tham quan học tập kinh nghiệm của nước ngoài;
- Phương pháp SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức);
- Phương pháp phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin, dữ liệu;
- Phương pháp mô hình hóa;
- Phương pháp Hội thảo chuyên gia;
- Phương pháp xử lý thống kê, dự báo, ...
4 năm ( từ năm 2009 đến năm 2012)
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Các trường Đại học; các Viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế và một số cơ quan liên quan khác.
Newer articles
Older articles