Dự thảo Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường

Monday - 22/06/2009 15:08

 

 

       BAN CÁN SỰ ĐẢNG                 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

----------------------------

Số:     /NQ-BCS

(Dự thảo)

 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

------------------------------

 

Hà Nội, ngày    tháng   năm 2009

 NGHỊ QUYẾT

Về việc triển khai thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường


I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tài nguyên và môi trường có vai trò thiết yếu đối với con người, là nền tảng tồn tại của mọi xã hội, đầu vào của mọi quá trình sản xuất và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ở nước ta, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tư duy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức về giá trị của tài nguyên và môi trường, phương thức quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nặng về hành chính, bao cấp, chậm đổi mới nên kém hiệu quả. Vì vậy, đóng góp của lĩnh vực tài nguyên và môi trường vào thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 10/4/2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 đã chỉ rõ yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội: “Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng”, mà nguyên nhân là do “chậm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “cải cách hành chính còn chậm và kém hiệu quả” và “chưa có chính sách và giải pháp đủ mạnh để huy động và sử dụng được tốt nhất các nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội”.
Với những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội nêu trên, thông qua đổi mới phương thức quản lý và cải cách hành chính, ngành tài nguyên và môi trường đứng trước cơ hội lớn để nâng tầm đóng góp và vị thế của mình trong nền kinh tế quốc dân.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ
1. Quan điểm chỉ đạo
a) Phương thức quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải phù hợp với các nguyên lý vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy hiệu quả kinh tế, tiêu chí phát triển bền vững làm mục tiêu chính.
b) Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường kết hợp với cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
c) Kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình phù hợp với tiến trình đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Mục tiêu
Đổi mới phương thức quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nâng tầm đóng góp và vị thế của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế quốc dân theo định hướng phát triển bền vững.
3. Nhiệm vụ
a) Nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời xác lập mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.
b) Hình thành cơ chế định giá, lượng giá, hạch toán tài nguyên và môi trường và thiết lập hệ thống tài khoản quốc gia về tài nguyên và môi trường; đưa phân tích chí phí - lợi ích thành công cụ chính trong việc đánh giá các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
c) Dự báo tốt và kịp thời xu thế biến động tài nguyên và cung - cầu về tài nguyên đối với phát triển kinh tế - xã hội để có chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý và hiệu quả.
d) Đổi mới phương thức, cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với đổi mới cơ chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước mắt lồng ghép các nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
đ) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế thu từ đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và môi trường; tăng nguồn thu từ tài nguyên và môi trường trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc “Người sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền”, “Người gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phải chi trả”.
e) Hình thành các tập đoàn kinh tế về tài nguyên và môi trường đủ mạnh để chiếm lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong nước, tiến tới mở rộng đầu tư ra nước ngoài; thương mại hoá các thông tin, số liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.
g) Xây dựng tiêu chí hiệu quả kinh tế và áp dụng trong thực tiễn quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
III. CÁC GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường đến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các cán bộ trong toàn ngành và giới thiệu rộng rãi tới các cấp, các ngành và trong toàn xã hội để quán triệt, thống nhất ý chí và hành động trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
2. Tăng cường năng lực nghiên cứu, phân tích kinh tế tài nguyên và môi trường trong các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và trong toàn ngành theo hướng bổ sung cán bộ có chuyên môn hoặc kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích kinh tế trong đội ngũ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các sở tài nguyên và môi trường; hình thành mạng lưới chuyên gia kinh tế, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu, phân tích kinh tế trong nước và nước ngoài trong việc hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
4. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện
a) Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt định hướng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường đến các đảng viên, cán bộ, công chức người lao động trong toàn ngành và định kỳ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.
b) Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các viện, các đơn vị trong bộ, các chuyên gia trong và ngoài ngành tổ chức xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
c) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan xây dựng khung và lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020 theo hướng kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
d) Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức xây dựng đề án về tăng cường năng lực nghiên cứu, phân tích kinh tế trong các đơn vị trực thuộc Bộ, hình thành mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên kinh tế tham gia hoặc định chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
đ) Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế định giá, lượng giá, hạch toán và thiết lập hệ thống tài khoản tài nguyên và môi trường thống nhất trong cả nước; nghiên cứu, áp dụng phân tích chi phí - lợi ích trong đánh giá các chính sách quản lý  tài nguyên và bảo vệ môi trường.
e) Các tổng cục, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tổ chức lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường trong chiến lược, chính sách và pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo.
g) Vụ Tài chính tổng hợp, cân đối và bố trí kinh phí xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
h) Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
i) Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ giới thiệu tới các nhà tài trợ và huy động các nguồn tài trợ quốc tế để thực hiện chủ trương kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
k) Vụ Thi đua – Khen thưởng chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ đưa tiêu chí thực hiện mục tiêu kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường vào việc xét thi đua, khen thưởng của ngành.
2. Giám sát thực hiện và đánh giá kết quả
a) Các uỷ viên Ban cán sự theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo các lĩnh vực và địa bàn đã được Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công phụ trách.
b) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các sở tài nguyên và môi trường, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, cán bộ tài nguyên và môi trường cấp xã có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết tại đơn vị mình và định kỳ hàng năm báo cáo lên cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên trực tiếp để tổng hợp.
c) Định kỳ hàng năm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chủ trương kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường, lập báo cáo trình Ban cán sự Đảng Bộ.

Nơi nhận:

TM. BAN CÁN SỰ ĐẢNG

Bí thư

 

 

 

 

Phạm Khôi Nguyên

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second