Kinh tế hoá để tăng đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường cho nguồn thu ngân sách và GDP
admin
2009-06-22T20:08:14-04:00
2009-06-22T20:08:14-04:00
https://isponre.gov.vn/en/news/kinh-te-hoa/kinh-te-hoa-de-tang-dong-gop-cua-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-cho-nguon-thu-ngan-sach-va-gdp-950.html
/themes/isponre/images/no_image.gif
INSTITUTE OF STRATEGY AND POLICY ON NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT
https://isponre.gov.vn/uploads/logo.png
Monday - 22/06/2009 20:08
Kinh nghiệm thế giới cho thấy đóng góp chính của khu vực ‘tài nguyên và môi trường’ cho ngân sách là thuế đất đai, các loại thuế/phí môi trường, thuế khai thác, sử dụng tài nguyên và một số hình thức thu khác. Tùy theo từng quốc gia và từng giai đoạn khác nhau mà cách thức và phần đóng góp này là khác nhau.Đối với các nước có hình thức sở hữu tư nhân về đất đai, tài nguyên thì họ chỉ thu thuế, phí. Còn các nước có chế độ sở hữu nhà nước về tài nguyên thiên nhiên thì ngoài thu thuế, phí còn có các khoản thu về giao quyền sử dụng, cho thuê đất đai, tài nguyên. Số thu từ bán, cho thuê đất đai, tài nguyên rất lớn so với thuế, phí. Tuy nhiên, những khoản thu này không bền vững như thuế, phí vì đất đai, tài nguyên đều có giới hạn và không tái tạo được. Đây cũng chính là điểm khác nhau giữa quan hệ sở hữu ảnh hưởng đến định đoạt nguồn thu của các nước có chế độ sở hữu đất đai, tài nguyên khác nhau. Có thể tóm tắt về các lĩnh vực như sau:
Từ đất đai. Thuế đất đai là một loại thuế có nguồn gốc lâu đời và tồn tại tại tất cả mọi nơi trên thế giới. Mặc dù không phải chiếm một tỷ trọng cao trong tổng GDP và tổng nguồn thu quốc gia nhưng gần đây, thuế đất đai mới được sử dụng như là một công cụ hữu hiệu để tăng nguồn thu và giúp cân đối ngân sách, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Theo IMF (2006), trên toàn thế giới, thuế đất chiếm trung bình khoảng 2% tổng GDP và 12 % tổng thu từ tất cả các loại thuế. Riêng tại các nước đang chuyển đổi, thuế đất chiếm khoảng 0.95 % GDP và 7.2% tổng thu từ thuế. Tại Trung Quốc, thuế đất chiếm khoảng 2.4% tổng nguồn thu của chính phủ, con số tương ứng của Chi Lê, Ba Lan, Mexico và Nga là 22% , 9.2%, 19% và 8.8% (tất cả đều khá lớn). Cũng có thể thấy một xu hướng rõ ràng là phần đóng góp từ thuế đất trong tổng thu ngân sách đã tăng nhanh chóng từ những năm 1970 cho đến nay tại mọi quốc gia trên thế giới. Lý do lớn nhất là cùng với quá trình phát triển kinh tế, đất đai được chuyển đổi ngày càng hiệu quả hơn cho các mục đích sử dụng mang lại lợi ích lớn nhất trên các mảnh đất, và đa số các quốc gia đều thiết kế hệ thống thuế đất dựa trên hệ số giá trị mà các mảnh đất có thể mang lại. Vì vậy thuế đất nói chung đều có xu hướng gia tăng, thậm chí tăng nhanh như ở Trung Quốc. Cũng cần phải lưu ý rằng, những con số trên chưa tính đến những khoản thu từ hoạt động giao dịch bất động sản, nếu tính cả những khoản thu này thì thu nhập từ thuế đất đai và giao dịch bất động sản có thể lên tới 30% nguồn thu tại các nước phát triển.
Từ môi trường. Thuế/phí liên quan đến môi trường được áp dụng trước tiên tại các nước Bắc Âu trong chiến lược ‘xanh hóa hệ thống thuế’, sau đó trở nên phổ biến trên toàn thế giới, đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách quốc gia. Doanh thu từ nhóm thuế phí môi trường trung bình chiếm khoảng 5 % tổng GDP (dao động từ 3% tới 13%) tại nhiều quốc gia. Nếu chia theo đầu người thì một người dân phải đóng các loại thuế/phí môi trường dao động từ 100 USD tới 1700 USD tùy từng quốc gia (trung bình là 500 USD/1 người/1 năm). Xu hướng chung cho thấy, phần đóng góp của nhóm thuế/phí này trong tổng thu ngân sách cũng gia tăng trong những năm cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000.
Trong các nhóm thuế/phí môi trường thì nói chung, phần đóng góp từ khu vực giao thông chiếm phần lớn trong tổng doanh thu thuế mà chủ yếu là từ thuế xăng, dầu diezen và phương tiện gắn máy (ô tô, xe máy khi mua mới phải đóng thuế môi trường). Có hai xu hướng trong những năm gần đây là việc áp dụng mới các loại thuế liên quan đến chất thải rắn, đồng thời suất thuế cho chất thải rắn cũng tăng (do việc quản lý chất thải rắn ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém hơn)
Một số loại thuế/phí ô nhiễm môi trường phổ biến bao gồm: phí gây ô nhiễm không khí, thuế carbon, thuế lưu huỳnh, phí gây suy thoái tầng ôzôn, phí nước thải, thuế bãi rác (lanfill taxes), thuế xăng dầu, thuế sử dung khí gas, thuế môi trường khi tiêu dùng điện, thuế môi trường khi sản xuất điện, thuế môi trường do dùng bếp và năng lượng sinh học, thuế đăng ký phương tiện ô tô, xe máy, máy bay.
Từ tài nguyên khác. Tất cả mọi quốc gia đều khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như rừng, khoáng sản, thủy sản, nước mặt, nước ngầm để phát triển kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Đối với người nghèo thì những tài nguyên này càng có vai trò quan trọng (rừng, thủy sản). Như vậy, vai trò quản lý tài nguyên của khu vực chính phủ rất quan trọng nhằm giúp duy trì được sinh kế lâu dài, giảm nghèo và sử dụng bền vững tài nguyên.
Thu thuế khai thác tài nguyên là một công cụ đang được sử dụng phổ biến để đạt các mục tiêu trên. Việc xác định thuế tài nguyên cho từng loại cụ thể nói chung là khá phức tạp nhưng nguyên tắc chung là dựa trên lợi nhuận mà đơn vị khai thác thu về, các chi phí xã hội từ việc khai thác tài nguyên và hệ thống quyền tài sản áp dụng cho từng đối tượng.
Doanh thu từ thuế tài nguyên cũng là một nguồn thu đáng kể tại nhiều quốc gia đang phát triển hiện nay. Một mặt tạo ra doanh thu cho chính phủ, mặt khác hạn chế các hành vi khai thác không hiệu quả, tạo ra động lực sử dụng tài nguyên bền vững hơn. Năm 2006, Trung quốc thu khoảng 21 tỷ nhân dân tê (2.6 tỷ USD) từ thuế tài nguyên và doanh thu từ thuế tài nguyên trung bình tăng tới 40%/năm. Trung Quốc đặc biệt chú trọng vào các loại thuế từ khai thác tài nguyên không phục hồi như dầu mỏ, than và khí đốt cũng như các nhóm kim loại. Thuế được thu qua giá bán của các công ty và lượng sản xuất. Tại các quốc gia đang phát triển khác, doanh thu từ thuế tài nguyên cũng dao động và chiếm khoảng từ 5 đến 15% tổng nguồn thu ngân sách. Tại Campuchia, riêng thuế khai thác rừng đã mang lại cho chính phủ doanh thu chiếm 0.5% GDP. Tại Guine, thuế tài nguyên chiếm tới 30% tổng thu ngân sách.
b) Ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, trung bình khoảng 7.5% trong suốt hơn 10 năm qua cùng với quá trình cải cách và hội nhập kinh tế. Tăng trưởng kinh tế một mặt mang lại phúc lợi xã hội gia tăng cho người dân và toàn xã hội nói chung nhưng mặt khác gây ra ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên với tốc độ nhanh hơn, đe dọa sự phát triển bền vững và những thành quả của tăng trưởng.
Việt Nam đã hình thành khung chiến lược và các khuôn khổ pháp lý dựa trên các nguyên tắc ‘người gây ô nhiễm trả tiền’ và ‘người hưởng lợi trả tiền’ cũng như định hướng sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, huy động nguồn tài chính cho bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xâm hại môi trường của cộng đồng.
Tuy nhiên, có thể nói, phần đóng góp hiện nay của ngành tài nguyên môi trường trong tổng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế là chưa phản ánh đúng nguồn lực của tài nguyên và môi trường của đất nước. Mặc dù Việt Nam đã áp dụng các khoản thu từ tài nguyên và môi trường như: thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, phí về đất đai, tài nguyên và bước đầu áp dụng một vài hình thức thuế/phí môi trường nhưng thu nhập từ những nguồn này còn rất khiêm tốn. Ví dụ, năm 2004, thu từ phí nước thải cả nước chỉ có khoảng 75 tỷ đồng (12 triệu USD) trong khi cả nước có tới 300 ngàn doanh nghiệp với một tỷ lệ lớn không đạt tiêu chuẩn môi trường. Phí thu gom rác thải sinh hoạt không đủ bù đắp được 60% chi phí cung cấp dịch vụ này, hàng năm nhà nước vẫn phải trợ cấp khoảng 40% chi phí. Thuế tài nguyên mặc dù được áp dụng từ những năm 1990 và có được sửa đổi bổ sung năm 1998 nhưng doanh thu thấp, không khuyến khích hành vi bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước mỗi năm chỉ thu trung bình khoảng 80 tỷ đồng thuế tài nguyên, con số tương ứng của Hải Phòng là 15 tỷ đồng, Hải Dương là 2.9 tỷ. Như vậy, nếu tính trung bình mỗi tỉnh thu khoảng 3 tỷ thì cả nước cũng chỉ thu được khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Quản lý và thu thuế đất đai và các hoạt động bất động sản là một lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm tại Việt Nam. Trước năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp (SD đất NN), thuế nhà đất (NĐ) và thuế chuyển quyền sử dụng đất (CQ SD đất), tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2003, Quốc hội đã ra Nghị quyết cho miễn, giảm thuế SD đất NN cho nông dân trên phạm vi cả nước, mức thu từ thuế này chỉ còn khoảng 1/10 của mức trước khi được miễn, giảm. Thuế NĐ mới chỉ tính cho đất phi nông nghiệp (chưa tính cho nhà) với mức 3 - 32 lần mức thuế SD đất NN ở hạng cao nhất trong vùng đối với đất đô thị, với mức 1,5 - 2,5 lần mức thuế SD đất NN ở hạng cao nhất trong vùng đối với đất ven đô, ven đường giao thông chính, với mức bằng mức thuế SD đất NN bình quân tại xã đối với đất tại nông thôn, tổng thu khoảng một, hai trăm tỷ đồng mỗi năm. Thuế CQ SD đất được tính ở mức 10% giá trị đất đối với đất nông nghiệp và 20% đối với đất phi nông nghiệp.
Tổng thu từ đất năm 1999 là 3.641 tỷ đồng, trong đó từ thuế SD đất NN là 1.286 tỷ đồng, từ thuế NĐ - 295 tỷ đồng, từ thuế CQ SD đất - 327 tỷ đồng, từ tiền SD đất - 376 tỷ đồng, từ tiền thuê đất - 339 tỷ đồng, từ bán nhà SHNN - 478 tỷ đồng. Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ các khoản thu từ đất có rất nhiều thay đổi. Ví dụ, tổng thu từ đất năm 2004 là 17.594 tỷ đồng, trong đó từ thuế SD đất NN là 130 tỷ đồng, từ thuế NĐ - 438 tỷ đồng, từ thuế CQ SD đất - 640 tỷ đồng, từ tiền SD đất - 14.202 tỷ đồng, từ tiền thuê đất - 846 tỷ đồng, từ bán nhà SHNN - 1.338 tỷ đồng. Lúc này nguồn thu chính là tiền sử dụng đất, chiếm tới 80% tổng thu từ đất.
Như vậy, nếu lấy năm 2004 làm mốc và nếu tính tổng thu ngân sách nhà nước năm 2004 là 190.928 nghìn tỷ đồng và GDP theo giá so sánh là 715.307 nghìn tỷ đồng (Tổng cục thống kê 2005) thì thu từ thuế đất và bất động sản chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách và khoảng 2.45% tổng GDP, thuộc loại thấp trên thế giới.
c) Cơ hội đóng góp cho thu ngân sách trong tương lai
Từ những phân tích thực trạng và xu hướng ‘xanh hóa hệ thống thuế’ và những lợi ích mà nó mang lại tại các quốc gia phát triển và đang phát triển, những định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như sự đóng góp hiện tại của ngành tài nguyên và môi trường cho GDP và nguồn thu ngân sách, có thể thấy rằng nếu biết quản lý và khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của ngành thì trong một tương lai gần, ngành tài nguyên và môi trường chắc chắn sẽ có những đóng góp đáng kể trong ngân sách nhà nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước.
Như vậy, nếu tính sơ bộ theo khung chuẩn của cơ cấu thu ngân sách tại các quốc gia trên thế giới thì tiềm năng tăng nguồn thu từ ngành tài nguyên môi trường là rất lớn, khoảng 110.000 tỷ VND/1 năm so với 18.000 tỷ đồng (năm 2004), điều đó có nghĩa có thể tăng khoảng hơn 400% nguồn thu so với năm 2004 nữa. Trong đó nguồn thu có thể tăng mạnh là là các loại thuế phí liên quan đến ô nhiễm môi trường và thuế tài nguyên.
2. Đóng góp gián tiếp của ngành tài nguyên và môi trường
Ở đây chúng ta sẽ không phân tích các đóng góp của tài nguyên và môi trường với tư cách là ngành cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất ra cơ sở vật chất và sản phẩm tiêu dùng của xã hội mà chỉ dừng lại phân tích đóng góp của ngành trong việc giảm thiểu các thiệt hại do các hoạt động phát triển kinh tế và sinh hoạt của con người gây ra.
Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới (WB), thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên gây ra năm 2004 ở Việt Nam ước tính khoảng 11,44% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Như vậy, nếu GDP năm 2004 là 715 nghìn tỷ đồng thì thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên gây ra trong năm này ước tính lên đến khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Với mức tăng trưởng 7,7% nếu trừ đi thiệt hại do ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên gây ra thì tăng trưởng GDP trong năm 2004 là âm 3,74%. Cùng theo nguồn số liệu trên, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên gây ra năm 2004 ở Nhật Bản là 0,82%, Hàn Quốc là 1,79% và Thái Lan là 4,11% GDP. Như vậy, nếu thời gian tới chúng ta tổ chức tốt công tác quản lý tài nguyên và giải quyết tốt các vấn đề môi trường để đạt được mức của Thái Lan năm 2004 thì gián tiếp đóng góp cho tăng GDP là 7,33%, nếu bằng mức của Hàn Quốc năm 2004 thì gián tiếp đóng góp tăng GDP là 9,65% và nếu đạt được như Nhật Bản thì gián tiếp đóng góp cho tăng trưởng GDP là 10,62%. Những con số này nói lên ý nghĩa hết sức thiết thực của chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.
3. Một số định hướng về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường
Để các phân tích trên đây trở thành hiện thực, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trương thực hiện một số định hướng lớn sau đây để kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường:
1) Tiến hành phân tích chi phí - lợi ích của các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường 20 năm đổi mới phục vụ việc hoạch định chính sách giai đoạn mới;
2) Xây dựng và ban hành các quy định về định giá, lượng giá đầy đủ, minh bạch và thiết lập hệ thống hạch toán tài nguyên và môi trường thống nhất trên cả nước;
3) Cải cách cơ chế thu, đóng góp, nộp ngân sách từ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường trước thông qua việc luật hóa các nghĩa vụ và trách nhiệm này trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường cũng như sửa đổi các văn bản luật về thuế đất đai, thuế tài nguyên;
4) “Xanh hóa hệ thống thuế, phí” thông qua việc mở rộng loại hình thuế, phí và đối tượng nộp thuế, phí liên quan đến môi trường trên các nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền”;
5) Thiết lập cơ chế đền bù thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phù hợp để tiến tới buộc các đối tượng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏa, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và của nhà nước phải thực hiện việc đền bù thỏa đáng;
6) Thiết lập kỹ cương trong chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường;
7) Phát triển sản xuất các sản phẩm môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường đủ mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài.
Viện CLCSTN&MT