CHÍNH PHỦ Số: 175/2002/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ Công nghiệp tại tờ trình số 2608/TTr-KHĐT ngày 19 tháng 9 năm 2002 và ý kiến các cơ quan tại cuộc họp ngày 19 tháng 9 năm 2002 tại Văn phòng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp với khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường ôtô trong nước, hướng tới xuất khẩu ôtô và phụ tùng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Về loại xe phổ thông: đáp ứng 40 - 50% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 40% vào năm 2005; đáp ứng trên 80% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% vào năm 2010 (riêng động cơ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hoá 50% và hộp số đạt 90%);
- Về loại xe chuyên dùng: đáp ứng 30% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá 40% vào năm 2005, tiến tới đáp ứng 60% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% vào năm 2010;
- Về các loại xe cao cấp: các loại xe du lịch do các liên doanh sản xuất phải đạt tỷ lệ nội địa hoá 20 - 25% vào năm 2005 và 40 - 45% vào năm 2010, đáp ứng 80% nhu cầu các loại xe tải, xe buýt cao cấp đạt tỷ lệ nội địa hoá 20% vào năm 2005 và 35 - 40% vào năm 2010.
II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ÔTÔ VIỆT NAM
1. Về sản phẩm
a) Sản xuất các loại ôtô thông dụng (xe tải nhỏ, xe du lịch, xe chở khách nhỏ, xe buýt,…) và chuyên dùng (xe chở xăng, xe cứu hoả, xe cứu thương loại nhỏ, xe đông lạnh, xe chở xi măng, xe phun nước rửa đường,…) có giá cạnh tranh và phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.
b) Sản xuất các loại xe cao cấp để đáp ứng hợp lý nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
c) Tập trung sản xuất động cơ ôtô đạt tỷ lệ nội địa hoá phù hợp với quy định tại điểm 2 Mục I Quyết định này.
2. Về tổ chức sản xuất
Tổ chức sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô quy mô công nghiệp theo hướng chuyên môn hoá, hợp tác hoá.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất phụ tùng ôtô nhất là sản xuất linh kiện cho động cơ.
3. Một số cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược
a) Đưa Chương trình sản xuất động cơ ôtô vào Chương trình sản phẩm công nghiệp trọng điểm từ nay đến năm 2010.
b) Các dự án đầu tư sản xuất ôtô thông dụng, chuyên dùng theo đúng Quy hoạch phát triển được hưởng một số ưu đãi về đất đai, vay vốn tín dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào,… Các ưu đãi cụ thể được xem xét, quyết định cho từng dự án trong quá trình phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược này; xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2010, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Toàn bộ các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô phải theo đúng quy hoạch, được Bộ Công nghiệp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các chính sách thuế nhằm khuyến khích sản xuất ôtô thông dụng và chuyên dùng theo khoản b điểm 3 Mục II Quyết định này.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thiện và ban hành hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ôtô và phụ tùng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ (Đã ký) Phan Văn Khải |
Newer articles
Older articles