1. Mục tiêu
1.1 Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam nhằm góp phần quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, cũng như tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển.
1.2 Mục tiêu cụ thể
Xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể:
- Giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển kinh tế đối với việc sử dụng biển và vùng bờ, bảo đảm phát triển bền vững;
- Bảo tồn và bảo vệ tính đa dạng sinh học và các tài nguyên thiên nhiên của các vùng biển, đặc biệt là đối với các vùng biển nông mà trọng tâm là khoanh vùng các khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phục hồi và duy trì nguồn tài nguyên, các giá trị lịch sử văn hóa tại các hải đảo và dải ven biển;
- Ngăn ngừa các loại hình chất thải và ô nhiễm; đưa ra các giải pháp nhằm thích ứng hơn với các thảm họa thiên nhiên và sự cố môi trường;
- Giảm đói, nghèo và cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của cộng đồng ven biển về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
- Bảo đảm áp dụng các phương thức quản lý biển tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phương thức quản lý biển theo Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á và các sáng kiến khác trong quản lý bền vững biển của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam;
- Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, cũng như các thông tin dữ liệu liên quan đến các ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung các chiến lược và kế hoạch phát triển của mình theo định hướng phát triển bền vững vùng biển Việt Nam;
- Góp phần tăng cường hợp tác, hội nhập với quốc tế và khu vực trong quản lý biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
2. Phạm vi
Dự án xây dựng Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam được thực hiện trên phạm vi cả dải đất liền ven biển và các hải đảo. Phạm vi của dự án mang tính liên ngành, đa lĩnh vực với sự tham gia thực hiện của nhiều Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu), bao gồm:
- Dải đất ven biển của tất cả các quận, huyện, thị xã ven biển thuộc các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên;
- Các vùng biển của Việt Nam là vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của pháp luật về biển.
3. Nội dung
- Nhiệm vụ 1: Phân tích, đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế liên quan đến phát triển bền vững biển; tư duy phát triển bền vững biển của thế giới, xu hướng vận động của kinh tế, chính trị thế giới, khu vực.
- Nhiệm vụ 2: Điều tra, khảo sát và đánh giá các chương trình phát triển theo định hướng phát triển bền vững biển Việt Nam làm cơ sở xây dựng Chiến lược.
- Nhiệm vụ 3: Tập hợp, củng cố và hệ thống hóa thông tin và dữ liệu liên quan về biển Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất bộ tiêu chí phát triển bền vững biển Việt Nam.
- Nhiệm vụ 4: Đề xuất quan điểm và định hướng phát triển bền vững biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Nhiệm vụ 5: Xây dựng những nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam.
4. Sản phẩm của Dự án
- Bản dự thảo Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, các phụ lục kèm theo;
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp của Dự án "Xây dựng Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam đến năm 2020";
- Báo cáo kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước;
- Các loại báo cáo hành chính (giữa kỳ, tổng kết dự án...)
5. Thời gian thực hiện
Dự án xây dựng Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam được thực hiện từ năm 2007. Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam sau khi được phê duyệt có giá trị thực hiện cho thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
6. Đơn vị chủ trì thực hiện
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Newer articles
Older articles