Đánh giá ảnh hưởng một số tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng

Sunday - 09/08/2015 17:02
Việt Nam có đới bờ biển dài hơn 3.200km với một chuỗi đô thị lớn, tập trung cư dân đông đúc, kinh tế phát triển đa ngành, nhưng rất dễ bị tổn thương trước tác động do biến đổi khí hậu. Đối với khu vực bờ biển Trung Bộ trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan: bão không theo quy luật; mưa trái mùa; triều cường biên độ lớn… xuất hiện ngày càng nhiều về tần suất, càng mạnh về cường độ; có lúc vượt ngưỡng chịu tải của môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư, dẫn đến thảm họa môi trường, đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các đô thị ven biển.

Mở đầu

Việt Nam có đới bờ biển dài hơn 3.200km với một chuỗi đô thị lớn, tập trung cư dân đông đúc, kinh tế phát triển đa ngành, nhưng rất dễ bị tổn thương trước tác động do biến đổi khí hậu. Đối với khu vực bờ biển Trung Bộ trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan: bão không theo quy luật; mưa trái mùa; triều cường biên độ lớn… xuất hiện ngày càng nhiều về tần suất, càng mạnh về cường độ; có lúc vượt ngưỡng chịu tải của môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư, dẫn đến thảm họa môi trường, đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các đô thị ven biển. Ví dụ, tại Đà Nẵng trung bình hàng năm, trong mùa bão từ tháng 8 đến tháng 11, thành phố bị tác động trực tiếp của 1 cơn bão, hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó cơn bão số 2 vào tháng 5 năm 1989 gây thiệt hại rất lớn cho cộng đồng dân cư và ngư dân. Vì vậy, cần nhận biết bản chất, đặc điểm của những thảm họa do thiên tai, xác định đúng nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp chính là cách tiếp cận tốt nhất để giảm nhẹ thiệt hại do chúng gây ra các đô thị ven biển, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Các giải pháp phòng tránh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần được lồng ghép trong chiến lược phát triển, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch ngành, bao gồm cả quy hoạch bảo vệ môi trường ở các địa phương, các đô thị ven biển trong hiện tại, cũng như trong tương lai lâu dài.

1. Biểu hiện của biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn Đà Nẵng

Cũng như các đô thị ven biển khác của Việt Nam, Đà Nẵng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, mà biểu hiện rõ nhất là sự thay đổi nhiệt độ không khí trung bình năm, lượng mưa năm và mực nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn.

1.1. Gia tăng nhiệt độ không khí

Phân tích chuỗi số liệu quan trắc nhiều năm (1961- 2010) của trạm Khí tượng thủy văn Đà Nẵng cho thấy nhiệt độ không khí trung bình năm trong 50 năm qua thay đổi trong một khoảng rộng, dao động trong khoảng 25,4 - 26,4oC, thấp nhất đạt 25,30oC (1971, 1984), cao nhất đạt đến 26,6oC (1998), (Hình 1a). Nhìn chung nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng có xu thế tăng cao dần theo thời gian, có dạng phương trình hồi quy tuyến tính: Y = 0,0014X + 22.975.

Hình 1a: Biến đổi nhiệt độ trung bình năm (oC) ở Đà Nẵng

Nguồn số liệu: Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ

Trên hình 1a có thể nhận thấy sự tăng nhiệt độ ở Đà Nẵng có đột biến tại thời khoảng 1983-1984, vì vậy chia làm 2 giai đoạn: (1) 1961- 1983 và (2) 1984 - 2010. Trong giai đoạn đầu, hầu như không rõ xu thế tăng nhiệt độ trung bình năm, nhưng trong giai đoạn 2 (1984 – 2010) xu thế tăng nhiệt độ rất rõ rệt với phương trình hồi quy có dạng tuyến tính: Y = 0,017X - 9.687 (Hình 1b), tương đồng về xu thế và xấp xỉ nhịp độ tăng nhiệt độ tại Hà Nội trong cùng thời gian đó.

Với xu thế này, có thể dự báo giai đoạn từ nay và đến những năm 2040, 2050 nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng gia tăng đáng kể, sẽ đạt đến 26,5oC vào năm 2040 và 26,8 oC vào năm 2050. So với năm 1990 của thế kỷ XX thì nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng năm 2040 sẽ tăng thêm 0,8 oC và đến năm 2050 sẽ tăng thêm 1,1oC.

Hình 1b: Biến đổi nhiệt độ trung bình năm (oC) ở Đà Nẵng

Kết quả nghiên cứu "Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thành phố Đà Nẵng" [4], dựa trên kịch bản phát thải trung bình (B2) đã đưa ra dự báo mức tăng nhiệt độ trung bình năm ở Đà Nẵng so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 (25,8 oC), đến năm 2030 sẽ là 26,5 oC, tức tăng thêm 0,7oC; năm 2040 sẽ là 26,7oC, tương ứng tăng thêm 0,9oC; năm 2050 sẽ là 27,0oC, tức tăng thêm 1,2oC.    Qua đó nhận thấy rằng, dù dựa vào các Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, hoặc với cách tiếp cận dự báo theo phương thức "hồi cứu quá khứ, dự báo tương lai" dựa trên chuỗi số liệu thực đo nhiều năm (1961- 2010) của trạm Đà Nẵng thì kết quả nhận được về gia tăng nhiệt độ ở Đà Nẵng cũng không khác nhau là bao, nhưng có một điều chắc chắn rằng sự gia tăng nhiệt độ ở Đà Nẵng theo thời gian là một quá trình không đảo ngược.

1.2. Gia tăng lượng mưa năm

Kết quả xử lý thống kê chuỗi số liệu quan trắc nhiều năm (1961- 2010) cho thấy lượng mưa năm tại Đà Nẵng trong 50 năm qua thay đổi trong một khoảng rộng, dao động từ 1.600mm đến 2.200mm: năm mưa ít, chỉ 1.300mm (1982), nhưng có năm lượng mưa đạt đến 3.900mm (1999), (Hình 2). Nhìn chung, trong 50 năm qua lượng mưa năm tại Đà Nẵng gia tăng đáng kể, khoảng 350-400mm, có dạng phương trình hồi quy tuyến tính: Y = 10,5X -17769.

Hình 2: Biến đổi lượng mưa năm (mm) ở Đà Nẵng

Với xu thế này có thể dự báo rằng đến năm 2030, 2040, 2050, lượng mưa năm tại Đà Nẵng gia tăng đáng kể, đạt đến 2.580, 2.750, 2.800mm tương ứng. Tổng lượng mưa trung bình năm tương đối cao, nhưng phân bố không đều theo không gian và thời gian, phổ biến ở đồng bằng ven biển từ 2.000 đến 2.500mm, trên đỉnh Bà Nà có lượng mưa trung bình năm trên 5000mm. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 (lượng mưa tháng trên 100mm); Mùa ít mưa từ tháng 1 đến tháng 8. Lượng mưa trung bình năm khá lớn, lại tập trung trong 4 tháng mùa mưa, có khả năng gây lũ lụt. Tuy nhiên, do bề mặt địa hình dốc và nghiêng theo chiều Tây - Đông nên nước thoát nhanh, tác hại ít. Theo dự báo trên, năm 2050 lượng mưa năm tại Đà Nẵng còn thấp hơn lượng mưa năm của các năm: 1964, 1980, 1995, 1999, 2007, 2009, vì vậy có thể cho rằng sự gia tăng lượng mưa do biến đổi khí hậu đối với thành phố Đà Nẵng gây ra thiệt hại không lớn. Ngược lại, nó làm dồi dào thêm lượng tài nguyên nước mặt và bổ cập cho trữ lượng nước ngầm, góp phần giảm nhẹ áp lực xâm nhập mặn đối với vùng đất Đà Nẵng.

1.3. Nước biển dâng và xâm nhập mặn

1). Nước biển dâng:

Nước biển dâng hiện được nhìn nhận như là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu cùng với tan băng ở các cực. Mặt khác, nước biển dâng cũng có thể xem là do thời kỳ tan băng trong lịch sử phát triển của Trái Đất với sự đan xen các chu kỳ băng hà- tan băng, từng xảy ra nhiều lần trong kỷ Đệ tứ. Dù với cách lý giải khác nhau, nhưng nước biển dâng là một quá trình vật lý của biển đang diễn ra và được cả thế giới công nhận. Tại trạm hải văn Sơn Trà cũng ghi nhận được quá trình này.

Theo kết quả dự báo [4] cho thấy, vào giữa thế kỷ XXI mực nước biển ở khu vực thành phố Đà Nẵng có thể dâng thêm 30cm so với mức trung bình của thời kỳ 1980-1999, tốc độ dâng khá nhanh, trung bình đạt 5mm/năm. Trong công trình này cũng nêu ra tính chưa chắc chắn của các kịch bản phát thải khí nhà kính và của mô hình tính toán kịch bản. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Đà Nẵng 2010, trong 16 năm (1993 - 2008) kết quả đo đạc bằng vệ tinh tại trạm Sơn Trà cho thấy mực nước biển thành phố Đà Nẵng đã tăng xấp xỉ 1,3mm/năm. Về dao động mực nước biển ven bờ [3], với chuỗi số liệu nhiều năm của 24 trạm dọc bờ biển, mực nước biển ven bờ Việt Nam tăng lên là kết quả hiệu ứng tổng cộng của sự nóng lên toàn cầu và sự thăng giáng của nền đáy vùng biển ven bờ. Tốc độ tăng trung bình khoảng 1- 3mm/năm, trong đó tại Đà Nẵng chỉ là 1,2mm/năm. Mực nước biển ven bờ càng dâng cao lên thì sự truyền mặn vào các dòng sông càng mạnh, gây tác hại càng nhiều, nhất là xâm nhập mặn.

2). Xâm nhập mặn

Đà Nẵng là đô thị nằm ở vùng cửa sông ven biển, nơi mà quá trình tương tác sông biển diễn ra hàng ngày theo một quy luật tự nhiên: Khi các yếu tố động lực sông thắng thế thì khối nước ngọt lấn chiếm không gian biển; Ngược lại, khi các yếu tố động lực biển thắng thế thì khối nước biển lấn chiếm không gian sông, dẫn đến sự xâm nhập mặn vào trong sông, làm thay đổi hệ sinh thái nước ngọt và gây tác động mạnh đến các hệ canh tác và đời sống của cộng đồng cư dân ven sông. Đối với Đà Nẵng, sự nhiễm mặn trên sông vùng hạ lưu phụ thuộc vào dòng chảy thượng nguồn các sông đổ về và chế độ triều của biển Đông. Độ mặn lớn nhất trên sông Hàn xuất hiện vào thời kỳ dòng chảy sông Vu Gia kiệt nhất- tức là thường vào tháng III, IV và VII, VIII. Độ mặn lớn nhất trung bình trong các tháng mùa khô tại cầu Nguyễn Văn Trỗi là: 24%o; Tại Cầu Đỏ độ mặn trung bình thường nhỏ hơn 1%0, nhưng có thời kỳ độ mặn tại đây cũng rất lớn, không thể bơm cấp nước cho thành phố. Vấn đề nhiễm mặn trên các sông liên quan chặt chẽ với việc cấp nước ngọt cho thành phố, vì vậy được đề cập chi tiết hơn dưới đây.

2. Mô phỏng nhiễm mặn vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn

Hiện tại Đà Nẵng có 4 nhà máy cấp nước là: Cầu Đỏ, Sân Bay, Sơn Trà và Liên Chiểu  với tổng công suất 210.000 m3/ngày với mạng lưới cấp nước đã phủ kín các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà với 93,68% dân số dùng nước máy. Riêng nhà máy nước Cầu Đỏ trên sông Hàn thuộc hạ lưu sông Vu Gia, nơi cung cấp 81%  tổng lượng nước cấp cho Đà Nẵng nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, thủy điện từ phía thượng nguồn..., đặc biệt là xâm nhập mặn, nên thường bị thiếu nước ngọt trong mùa khô. Như vậy, xâm nhập mặn trên sông Hàn là yếu tố then chốt, quyết định việc cung cấp nước ngọt cho thành phố Đà Nẵng và trực tiếp chi phối mọi hoạt động KT-XH, cũng như sinh hoạt đời sống của đô thị triệu dân này.

2.1. Cơ sở dữ liệu

a/ Sơ đồ mạng lưới sông tính toán thủy lực 1 chiều: Sơ đồ tính thủy lực cho hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tương đối phức tạp, có nhiều nhánh nối với nhau. Trong hệ thống sông này chỉ có hai trạm thủy văn cấp I là trạm Nông Sơn nằm trên sông Thu Bồn và trạm Thạnh Mỹ nằm trên sông Vu Gia. Hai trạm thủy văn cấp I này mới khống chế 48% diện tích toàn bộ lưu vực. Sơ đồ tính toán bắt đầu từ tuyến sông Vu Gia với biên trên là quá trình lưu lượng thực đo tại trạm Thạnh Mỹ, tuyến sông Thu Bồn với biên trên là trạm Nông Sơn. Biên dưới là quá trình biên triều lại Cửa Hàn, Cửa Đại và Cửa Lở [1,6]. Mạng sông tính toán được sơ đồ hóa bao gồm 11 sông và 137 mặt cắt. Các mặt cắt ngang được đo đồng bộ vào mùa khô năm 1997; khai báo vào mô hình gồm lòng dẫn chính và bãi, khoảng cách tới các mặt cắt sau. Khoảng cách giữa các mặt cắt là không đều nhau và có xu hướng thưa ở đoạn thượng lưu và dày ở đoạn hạ lưu. Độ nhám lòng và bãi từng mặt cắt đại diện được xác định trong quá trình hiệu chỉnh và kiểm định mô hình.

Hình 3: Sơ đồ minh họa mạng mô phỏng 1 chiều hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn

Hình 4: Sơ đồ mạng hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn trong MIKE11

b/ Số liệu các biên trong mô hình: biên trên là đường quá trình lưu lượng tại Nông Sơn và Thạnh Mỹ; biên dưới là đường quá trình mực nước triều tại cửa Hàn, cửa Đại và cửa Lở; biên mặn là giá trị mặn được xác định tại các cửa; biên nhập lưu được xác định bằng 0 do tính vào mùa kiệt (không có mưa).

2.2. Hiệu chỉnh và kiểm định mô hình

a/ Hiệu chỉnh, kiểm định thủy lực: Để xác định bộ thông số cho mô hình, lựa chọn hai trận lũ sau để tiến hành hiệu chỉnh và kiểm định: Số liệu hiệu chỉnh: 1/11/ 2007  đến 20/11/2007; Số liệu kiểm định:  1/10/2008 đến 20/10/2008. Quá trình mực nước triều thực đo tại biên dưới: cửa Hàn, cửa Đại và cửa Lở trong thời kỳ tính toán. Lưu lượng nước thực đo đến tại biên trên tại Thạnh Mỹ và Nông Sơn trong thời kỳ tính toán. Kết quả hiệu chỉnh được thể hiện trong bảng 1:

Bảng 1: Giá trị đánh giá hiệu chỉnh thủy lực

Kết quả kiểm định được thể hiện trong bảng 2:

Bảng 2: Giá trị đánh giá kiểm định thủy lực

Qua kết quả đánh giá sai số đường quá trình mực nước tính toán và thực đo tại các trạm, nhận thấy sự chênh lệch về đỉnh lũ ở hầu hết các trạm là không đáng kể. Chỉ số Nash nhận được đều lớn hơn 0,8. Điều này đảm bảo bộ tham số đáp ứng yêu cầu để mô phỏng độ mặn.

b/ Hiệu chỉnh, kiểm định mặn

Bộ thông số thủy lực sau khi hiệu chỉnh và kiểm định được sử dụng cho việc mô phỏng hiệu chỉnh và kiểm định mô phỏng lan truyền mặn. Trên sông Vĩnh Điện có số liệu trong mùa khô từ năm 1977 đến 2004; Trên sông Thu Bồn có số liệu trong mùa khô từ 1977 đến 2004; Số liệu độ mặn trên toàn bộ hai hệ thống sông năm 2000 bao gồm 48 điểm đo. Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định thông số độ mặn cho thấy mức độ phù hợp giữa thực đo và tính toán, sai lệch phần lớn < 5%, một số điểm đặc biệt cũng không quá 10%.

2.3. Kết quả mô phỏng độ mặn

Trên cơ sở bộ thông số thủy lực và độ mặn (độ mặn trung bình theo mặt cắt sông) đã được hiệu chỉnh và kiểm định, nghiên cứu này sẽ sử dụng để mô phỏng độ mặn vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn theo các giả định (kịch bản) sau:

1. Kịch bản hiện trạng (1):  Biên trên: Sử dụng giá trị lưu lượng kiệt nhất (tần suất 95%) thực đo tại trạm Nông Sơn (nhánh Thu Bồn) và Thạnh Mỹ (nhánh Vu Gia); Biên dưới: Sử dụng chuỗi triều hiện trạng Biển Đông tại khu vực cửa Hàn, của Đại và cửa Lở; Biên mặn: Sử dụng giá trị độ mặn hiện trạng tại trạm Cẩm Lệ.

2. Kịch bản nước biển dâng 30cm (2): Biên trên: Sử dụng giá trị lưu lượng kiệt nhất (tần suất 95%) thực đo tại trạm Nông Sơn (nhánh Thu Bồn) và Thạnh Mỹ (nhánh Vu Gia); Biên dưới: Sử dụng chuỗi triều hiện trạng Biển Đông tại khu vực cửa Hàn, cửa Đại và cửa Lở cộng với 30cm; Biên mặn: Sử dụng giá trị độ mặn tối đa 39‰.

3. Kịch bản nước biển dâng 50cm (3): Biên trên: Sử dụng giá trị lưu lượng kiệt nhất (tần suất 95%) thực đo tại trạm Nông Sơn (nhánh Thu Bồn) và Thạnh Mỹ (nhánh Vu Gia); Biên dưới: Sử dụng chuỗi triều hiện trạng Biển Đông tại khu vực cửa Hàn, cửa Đại và cửa Lở cộng với 50cm; Biên mặn: Sử dụng giá trị độ mặn tối đa 39‰.

Kết quả mô phỏng độ mặn được thể hiện trong hình 5, 6 và 7:

Từ kết quả tính toán diễn biến mặn có thể thấy rõ phạm vi xâm nhập mặn trên 2 sông Vu Gia và Thu Bồn tương đương nhau khi nồng độ là 1‰ và 4‰. Tuy nhiên, xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn lớn hơn một ít (Bảng 4, Hình 8 và Hình 9).

Bảng 4.  Kết quả mô phỏng xâm nhập mặn trên sông Vu Gia- Thu Bồn
theo các kịch bản (KB) tính toán.

(1). Kịch bản hiện trạng

Trong điều kiện hiện trạng (chưa xét nước biển dâng). Độ mặn trên sông Vu Gia vào sâu 18,779km (tính từ cửa sông Hàn) với độ mặn 1‰, cách cầu Đỏ 4,5km về phía thượng lưu; 13,92km với độ mặn 4‰ trước cầu Cẩm Lệ 2km và 9,695km với độ mặn 18‰ cách cầu Nguyễn Văn Trổi 1.5km về phía hạ lưu. Độ mặn trên sông Thu Bồn vào sâu 19,2km (tính từ cửa Đại) với độ mặn 1‰ gần nơi cầu đường sắt qua sông Thu Bồn (cầu Kỳ Lam); 17,665km với độ mặn 4‰ các cách cầu Kỳ Lam 1,7km về phía hạ lưu và 12,9km với độ mặn 18‰ gần trạm thủy văn Câu Lâu.

(2). Kịch bản nước biển dâng 30cm

Trong trường hợp nước biển dâng 30cm so với hiện nay: Độ mặn trên sông Vu Gia vào sâu 21,695km với độ mặn 1‰ gần ngã ba sông Cẩm Lệ; 16.127km với độ mặn 4‰ trước cầu Cẩm Lệ 5km; 10.595km với độ mặn 18‰ cách cầu Nguyễn Văn Trỗi 0.5km về phía hạ lưu. Độ mặn trên sông Thu Bồn vào sâu 22,761km với độ mặn 1‰ qua cầu Kỳ Lam 2km về phía thượng lưu; 18.417km với độ mặn 4‰ gần cầu Kỳ Lam và 15.005km với độ mặn 18‰ cách trạm thủy văn Câu Lâu khoảng 4 km về phía thượng lưu.

(3). Kịch bản nước biển dâng 50cm

Trong trường hợp nước biển dâng 50cm so với hiện nay: Độ mặn trên sông Vu Gia vào sâu 22,743km với độ mặn 1‰ trên ngã ba sông Cẩm Lệ; 17.417km với độ mặn 4‰ gần nga ba sông Cẩm Lệ và 11.770km với độ mặn 18‰ cách cầu Nguyễn Văn Trổi khoảng 1km về phía thượng lưu. Độ mặn trên sông Thu Bồn vào sâu 24,148km với độ mặn 1‰ gần ngã ba Đại Hòa; 19.393km với độ mặn 4‰ gần cầu Kỳ Lam và 17.150km với độ mặn 18‰ cách cầu Kỳ Lam 2km về phía hạ lưu.

Kết luận

Từ những trình bày trên, nhận thấy quá trình xâm nhập mặn vùng hạ lưu các sông chịu ảnh hưởng của những yếu chính sau: Chế độ dòng chảy của các sông thượng nguồn đổ về, chế độ triều vùng cửa sông, địa hình lòng sông. Ngoài ra, sự xâm nhập mặn còn chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác như chế độ gió, sóng và các hoạt động của con người. Sự xâm nhập mặn các sông Vu Gia - Thu Bồn chịu ảnh hưởng chính của dòng chảy từ Nông Sơn - Giao Thủy đổ về, chế độ triều vùng biển cửa Hàn. Độ mặn trên sông Vĩnh Điện chịu ảnh hưởng của dòng chảy từ các sông La Thọ, Quá Giáng và dòng chảy từ sông Thu Bồn đổ vào sông Vĩnh Điện, chế độ  triều vùng cửa sông Hàn. Quá trình xâm nhập mặn trên sông Vĩnh Điện vừa chịu ảnh hưởng của dòng chảy sông Vu Gia - Túy Loan, vừa chịu ảnh hưởng của dòng chảy sông Thu Bồn. Mức độ nhiễm mặn trên từng sông, từng vùng rất khác nhau. Tuy nhiên, quá trình nhiễm mặn ở vùng đồng bằng ven biển có đặc điểm chung là chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, sự thay đổi độ mặn diễn ra theo thời gian và không gian rất phức tạp.

Thành phố Đà Nẵng chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rất dễ bị tổn thương do thiên tai, nhưng đối với đô thị một triệu dân này thì vấn đề bức xúc nhất, nóng nhất trong phát triển KT-XH bền vững chính là nước cấp cho hoạt động kinh tế và sinh hoạt đô thị, vì rằng tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang gây ra xu thế suy giảm tài nguyên nước mặt và nhiễm mặn ngày càng gia tăng trên các dòng sông cấp nước, đặc biệt vào mùa ít mưa. Nhiễm mặn 1‰ trên sông Hàn đã dần vượt qua Cẩm Lệ, rồi Cầu Đỏ và sẽ tiếp tục xâm nhập sâu hơn về phía thượng lưu sông Vu Gia tùy thuộc vào khối lượng nước ngọt từ đầu sông Vu Gia đổ về hạ lưu, càng gây nhiều khó khăn trong việc cấp nước ngọt cho Đà Nẵng.

Giải quyết tình huống bức xúc này không thể bằng giải pháp công trình quai đê, đắp bờ bao ngăn mặn như ở một số nơi khác tại đồng bằng sông Cửu Long, mà cần phải sử dụng giải pháp mềm, giải bài toán cân bằng nước liên tỉnh Đà Nẵng-Quảng Nam, liên ngành thủy điện, thủy lợi, phát triển đô thị trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trước hết cần tổ chức hiệp thương về chia sẻ nguồn nước sông Vu Gia (nguồn cấp nước chủ lực đối với Đà Nẵng) giữa Thành phố Đà Nẵng, ngành thủy điện Bộ Công thương, với sự tham gia của đại diện tỉnh Quảng Nam với tư cách là địa phương sở hữu nguồn tài nguyên nước. Về lâu dài cần xây dựng một văn bản pháp lý “Quy trình khai thác, chia sẻ nguồn nước liên vùng, liên ngành” với sự đồng thuận giữa các bên liên quan đối với tài nguyên nước trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn.

 

Đặng Trung Tú - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường;
Cấn Thu Văn - Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.


Tài liệu tham khảo

1. Ngô Lê An, Nguyễn Ngọc Hoa (2013), Nghiên cứu dự báo dòng chảy lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường, số 43 (12/2013).

2. Báo cáo về tình hình cấp nước trên địa bàn thành phối giai đoạn 2005 - 2009 của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, 2010.

3. Phạm Văn Huấn, (2007). Dao động mực nước biển ven bờ Việt Nam. Tạp chí Khí tượng Thủy văn số 556, tr.30-37.

4. Trung tâm Tư vấn Khí tượng Thủy văn và Môi trường, (2009). Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thành phố Đà Nẵng.

5. Nguyễn Thị Tuyết (2006), Nghiên cứu xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển tỉnh Quảng Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Cấn Thu Văn, Nguyễn Thanh Sơn (2015), Xây dựng phương pháp tính trọng số để xác định chỉ số dễ bị tổn thương lũ lụt lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 31, Số 1S, tr. 93 - 102.

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second