Để chiến lược biển không còn nằm trên giấy

Monday - 11/07/2011 11:12
"Làm gì để chiến lược Biển không chỉ nằm trên giấy" là chủ đề cuộc bàn tròn giữa nhà báo Huỳnh Phan và hai vị khách mời, PGS.TS Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tháng 2/2007, Hội nghị Trung ương 4 thông qua nghị quyết về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", được đánh giá như một bước đột phá về tư duy trong chiến lược phát triển đất nước: đó là tư duy vượt thoát khỏi "tư duy đất liền", mở ra "tư duy đại dương" trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu. Chiến lược này lại càng trở nên quan trọng khi mà Biển Đông, khu vực lợi ích sát sườn của Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chiến lược và tranh giành "không gian sinh tồn" của nhiều quốc gia.

Thế nhưng, 5 năm đã trôi qua nhưng việc triển khai Chiến lược Biển vẫn chỉ nhúc nhích vài bước. Trong khi đó, người láng giềng khổng lồ của Việt Nam thì ngày càng leo thang trong những bước đi khiêu khích, thậm chí gây hấn nhằm việc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của mình.

Nhận thức mới dừng ở cấp độ học giả

Nhà báo Huỳnh Phan: Chúng ta đã có chiến lược biển 5 năm rồi, vậy mà đến mùa hè năm ngoái chúng ta mới làm Diễn đàn đầu tiên về kinh tế biển tại Hải Phòng. Tại sao lại chậm trễ như vậy?

PGS-TS Trần Đình Thiên: Thực ra thì cũng đã có nhiều hội thảo khoa học về biển, rồi diễn đàn về biển. Tôi nhớ đã từng tham dự hội thảo khoa học "Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản", do Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức năm 2007. Tôi và anh Chu Hồi đảm trách đồng tổ chức. Diễn đàn về kinh tế biển năm ngoái tại Hải Phòng là do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Thành phố Hải Phòng và Bộ kế hoạch Đầu tư tổ chức. Và vừa rồi là chuỗi diễn đàn và hội thảo ở Nha Trang nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (5-8/6). Chúng ta đã tổ chức liên tục với ý thức ngày càng rõ ràng hơn về việc cụ thể hóa chiến lược biển mà Hội nghị Trung ương 4, khoá 10, đã đề ra.

Nhà báo Huỳnh Phan: Tiếp sau hội thảo đầu tiên của Viện khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không nhiều cơ quan truyền thông biết đến lắm, từ diễn đàn kinh tế biển lần I ở Hải Phòng đến diễn đàn lần II ở Nha Trang chúng ta đã tiến thêm được những bước nào?

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Hội thảo năm ngoái mà anh nhắc đến, có thể nói là diễn đàn đầu tiên được tổ chức rộng rãi và đạt được mục đích tạo điều kiện để không ít người được nói. Tuy nhiên, cũng nhiều người lại nói nhiều hơn là nghe người khác nói.

Cho nên, năm nay chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Về tổ chức, tại diễn đàn kinh tế biển lần thứ 2 ở Nha Trang, trước diễn đàn chính, chúng tôi đã mở cuộc họp bàn tròn để nghe các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cao cấp liên quan đến biển nói về những kết quả nghiên cứu, tư duy lâu nay về vấn đề tài nguyên và phát triển kinh tế biển, cũng như một số giải pháp còn chưa đi sâu luận bàn ở các khu kinh tế ven biển,...

Nhà báo Huỳnh Phan và hai vị khách mời, PGS.TS Chu Hồi, TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chính nhờ cuộc họp bàn tròn này, những kết quả đưa ra ở đầu diễn đàn chung đã gây được ấn tượng. Đó là một bản kiến nghị của tập thể các chuyên gia cao cấp nhìn về kinh tế biển từ những khía cạnh khác nhau. Nhờ thế diễn đàn có điểm nhấn, và đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời thời lượng của diễn đàn cũng được rút gọn.

Thứ hai là lần này, về mặt tổ chức, cũng thu hút được thêm nhiều nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, kể cả đại biểu quốc hội vừa trúng cử. Họ cũng đã chia sẻ ý kiến của mình từ cuộc họp hẹp đến diễn đàn rộng. Họ đã đóng góp góc nhìn về kinh tế biển từ giác độ của cơ quan hoạch định chính sách, trong tình hình biển hiện nay.

Chẳng hạn, có một câu hỏi được nhấn mạnh là, với chiến lược biển lâu dài thì thể chế quản lý nhà nước, với quy mô một số tổng cục và một số đơn vị nhỏ lẻ rải rác lâu nay, vẫn chơi riêng sân chơi của họ, liệu có cần một thiết chế quản lý ở tầm quốc gia đủ mạnh "để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo", theo đúng tinh thần của chiến lược, hay chưa?

Hay, thiết chế đó có cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ hay không; quy trình xử lý các vấn đề về tình huống, chẳng hạn về an ninh và an sinh, có trực tiếp, hay phải bẩm báo, xin ý kiến vòng vo?

Ví dụ, như có đại biểu ở TP HCM cho rằng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nằm ở Bộ Tài nguyên và Môi trường là một bộ đa ngành quản lý 7 lĩnh vực. Mà đã là bộ đa ngành thì tuy "cái bánh kinh phí" có to hơn một chút, nhưng "nhà con đông" thì mảng biển vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc chia miếng bánh đó trong nội bộ như thế nào. Nếu bây giờ nói vấn đề biển cần được ưu tiên, thì về cấp độ thẩm quyền hiện nay, bộ này không thể chỉ ưu tiên cho biển mà còn phải lo chia sao cho đều. Tức là về khả năng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, trước Nhà nước và Nhân dân về vận mệnh và sự nghiệp phát triển biển đảo, là không rõ, không đúng tầm của yêu cầu nhiệm vụ mới.

Vì thế mọi người phải nghĩ đến việc rằng, trên một đất nước "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", ba phần Tổ quốc là biển mà lại không có một thể chế đủ mạnh, mấy chục Bộ, ngành chỉ tập trung chủ yếu vào quản lý một phần Tổ quốc trên đất liền thì nếu có một "Bộ quản lý biển" thì có gì là không thể!

Năm 2009, khi nói chuyện với Công đoàn viên chức Việt Nam về quản lý nhà nước về biển, tôi đã nói: "Đất nước ta có ba phần là biển như vậy, mà ngay ở Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, nơi đào tạo ra những cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước này, lại không có môn học nào về biển. Từ 2009 mới bắt đầu có các buổi thuyết giảng thử cho lớp chuyên viên cao cấp, và 2010 bắt đầu có các buổi thuyết giảng chính thức, tất nhiên cũng chỉ dưới dạng các buổi nói chuyện chuyên đề trong phạm vi một nửa ngày về biển, có tính chất khơi động nhận thức thôi.

Thứ ba là cái khác lớn nhất là vai trò của truyền thông. Tức là các anh chị cơ quan truyền thông đã vào cuộc, và nhờ thế tác động của diễn đàn lan tỏa nhanh. Các anh chị đã khai thác những ý tưởng mới của các chuyên gia, anh Trần Đình Thiên, anh Võ Đại Lược hay anh Trần Du Lịch,... Nhờ thế sau diễn đàn, những tư tưởng, những kết quả của diễn đàn vẫn sống được. Chính điều này đã tăng khả năng hấp dẫn đối với lĩnh vực tư nhân, khi nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham dự và lắng nghe.

Sau một tuần, Ban Tổ chức diễn đàn có buổi họp lại, có doanh nghiệp đã sẵn sàng hỗ trợ tài chính đủ để công tác chuẩn bị cho diễn đàn lần thứ III triển khai sớm và chu đáo. Nhờ có thêm nguồn hỗ trợ như vậy nên lần tới dự kiến sẽ mời các chuyên gia nghiên cứu riêng theo chủ đề và đào sâu hơn. Tức là diễn đàn tổ chức vào năm 2012 sẽ có phần nghiên cứu trước nhiều tháng, và tại diễn đàn các kết quả nghiên cứu sẽ được dẫn ra, chứ không chỉ là ý tưởng "có sẵn" như vừa rồi. Như thế sẽ hy vọng có những phát hiện mới, thực tế và thu hút hơn.

Nhà báo Huỳnh Phan: Xin được hỏi thêm là giới lãnh đạo và giới hoạch định chính sách đã thực sự quan tâm chưa? Hay điều này mới dừng lại ở mức độ học giả, và phần nào đó là giới truyền thông?

PGS-TS Trần Đình Thiên: Lịch sử quan tâm đến biển của ta, theo ý nghĩa tầm nhìn lớn, thì thật sự còn ít. Đến chiến lược biển được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 4, khóa 10, cũng chỉ mới bắt đầu thể hiện một tầm nhìn gắn với thời đại mở cửa. Đấy là một chiến lược mang định hướng chung. Còn để làm một chiến lược mang tính hành động thật sự thì phải xác định thành từng tuyến, từng mảng cụ thể, và phải gắn vào tư duy phát triển mới. Còn chiến lược biển đề xuất bằng văn bản chỉ là những vấn đề mấu chốt và đặt một dấu mốc thôi.

Với các hội thảo, diễn đàn về biển vừa rồi, các nhu cầu, các ý tưởng phát triển kinh tế biển, những vấn đề liên quan đến chiến lược biển tổng thể bắt đầu được định hình.

Cái cách phát triển cứ túm tụm ở đất liền không thể chấp nhận được nữa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Và điều này xuất phát từ một nhu cầu thực tiễn: Cái cách phát triển cứ túm tụm ở đất liền, tư duy phát triển cứ vẫn là khai thác tài nguyên thô, là không thể chấp nhận được nữa. Bây giờ vấn đề biển đặt ra cả hai áp lực - phải tiến ra biển và phải theo cách thức phát triển mới. Lại thêm cả vấn đề tranh chấp Biển Đông lúc này cũng là một áp lực để chúng ta phải nhìn nhận vấn đề biển một cách nghiêm túc, bài bản, có tầm nhìn và trên những cơ sở thực tế hơn.

Tôi rất đồng ý với anh Nguyễn Chu Hồi là tại diễn đàn ở Nha Trang vừa qua chúng ta đã tập hợp được rất nhiều ý kiến tốt để tiếp cận đến tư duy hành động. Nhưng cũng phải nói rất thực tế là tất cả những cái đó, ngay cả vấn đề phát triển biển gắn với thực tiễn, vẫn đang là những mảnh rời rạc, và tư duy của ta cơ bản vẫn là tư duy phát triển "tiểu nông - đất liền". Chưa phải là một tầm nhìn khác, một cách tiếp cận mới đối với một đối tượng còn rất mới.

Do đó chúng ta còn phải quyết liệt hơn rất nhiều. Sự quyết liệt đầu tiên phải từ Nhà nước, từ cách nhìn tổng thể quốc gia và phải coi đó là một ưu tiên sống còn. Phải thấy là chúng ta đã xuất phát rất chậm trong vấn đề này, và, vì vậy, phải cố đẩy nhanh lên.

Không thể tiến ra biển với tư duy "tiểu nông - đất liền"

Nhà báo Huỳnh Phan: Xin hỏi cả hai vị khách mời là tư duy biển khác tư duy đất liền như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Khác thì nhiều cái khác. Từ góc độ khoa học, trước hết khác về mặt môi trường sinh thái. Nếu muốn coi biển như một môi trường sống của con người, như ở các nước hiện nay đã coi lòng biển (ở dưới lớp nước của các vịnh ven bờ) là nơi du lịch, nghỉ cuối tuần,... thì phải nhớ rằng môi trường đó rất "thụ động" về mặt sinh thái so với môi trường trên đất liền. Và đó là môi trường sống của các sinh vật biển mà đời sống tự nhiên của các loài không gắn với nơi sinh ra nó, sống "kiếp phù du".

Vì thế, đối với quản lý sinh vật biển và nguồn lợi hải sản, chúng ta không trực tiếp quản lý loài sinh vật cụ thể, mà quản lý nơi cư trú của sinh vật đó. Ví dụ như con rùa đẻ ở Ninh Thuận thì không phải là rùa ở đó mà là rùa từ nơi khác đến. Ở đó, có bãi rùa đẻ rất thuận lợi, ta phải giữ được khu vực đó cho rùa khắp nới về đẻ,... Hay đối với quản lý việc khai thác cá biển, chúng ta sẽ không quản lý con cá, mà quản lý phương tiện và người đánh bắt cá,...

Một cái khác nữa là tiềm năng. Tiềm năng của biển lớn hơn tiềm năng tài nguyên đất liền, vì biển là kho dự trữ cuối cùng về tài nguyên thiên nhiên của loài người, trong khi, trên đất liền, những tài nguyên "mắt thấy, tai nghe" thì đã khai thác cơ bản cạn rồi. Giờ chỉ còn nhìn xuống biển, mà ở biển thì có nhiều dạng tài nguyên, kể cả sinh vật và phi sinh vật (khoáng sản,...) không có trên đất liền. Có nhiều loại khoáng sản quý, mà người ta thường gọi là "món ăn của công nghiệp quốc phòng", phần lớn lấy từ đáy biển, như Niken, Lithium, Coban,..., và các nguyên tố hiếm.

PGS.TS Chu Hồi: Vấn đề biển bây giờ là vấn đề lợi ích. Ảnh: Lê Anh Dũng

Gần đây có mối quan tâm đến băng cháy (một dạng khí hydrate mêtan, hình thành trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ thấp, trông ngoài như miếng cồn khô), được coi là một nguồn năng lượng mới từ đại dương mà đến cuối 2010 quốc tế đánh giá trữ lượng gấp đôi trữ lượng các dạng năng lượng hóa thạch như than, dầu khí,... đã biết cho đến nay. Và Biển Đông là một trong 4 khu vực trên thế giới được xem là giàu tiềm năng về loại tài nguyên này. Các nước cũng đã tiến hành nghiên cứu, kể cả Trung Quốc. Chúng ta mới có chương trình và đang chuẩn bị hợp tác để điều tra, khảo sát về tiềm năng băng cháy ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Hẳn các nước quanh Biển Đông có điều kiện công nghệ hơn ta cũng đã tìm thấy rồi.

Biển Đông có điều đặc biệt là hiện diện một "cấu trúc nước sâu kiểu đại dương với độ sâu trung bình khoảng 3500m, chiếm diện tích khoảng 66% tổng diện tích Biển Đông. Ở vùng nước sâu này lại có các rãnh sâu, và điểm sâu nhất khoảng 5000m. Sự hiện diện của cấu trúc nước sâu này cho phép chúng ta nghĩ đến khả năng có bùn khoáng, năng lượng địa nhiệt và kết hạch đa kim,... Riêng về triển vọng khoáng sản như vậy đã kích thích khát vọng của rất nhiều quốc gia. Một khi họ đã có tham vọng và lại có điều kiện, thì họ phải đi trước, hành động trước, từng bước giành giật, tìm cách độc chiếm. Về mặt an ninh chủ quyền, ngầm hiểu đây chính là vấn đề rất lớn.

Quan sát trên bình đồ Biển Đông, chúng ta thấy yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc cơ bản vẽ theo rìa cấu trúc nước sâu đó. Chỉ có điều phần cuối của đường lưỡi bò liếm xuống tận vùng thềm lục địa Tư Chính của ta và thếm lục địa Mã Lai, là vùng chắc chắn đã tìm thấy các mỏ dầu khí. Ngày xưa, các cụ nói vui là "chiến tranh chỉ vì đàn bà và miếng ăn". Ở cấp độ quốc gia, đó chính là vì "miếng ăn". Chẳng đời nào mà tốn kém bao nhiêu con tàu, bao nhiêu vạn người, như 5 lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc chẳng hạn, xưng hùng, xưng bá chỉ để "diễu võ dương oai" mà không thu được một cái gì!

Tài nguyên sinh vật ở biển khơi cũng rất khác với sinh vật đất liền, chúng rất sạch và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nhóm sinh vật bơi lội. Ví dụ như cua bơi thì có giá trị hơn cua bùn. Và càng những sinh vật ở ngoài xa thềm lục địa thì càng sạch. Vậy thì ở khu vực cấu trúc nước sâu nói trên, chính là khu vực có giá trị kinh tế rất lớn về nguồn lợi sinh vật biển. Và nó còn để ngỏ rất nhiều quy luật, quá trình đối với các nhà nghiên cứu khoa học biển Việt Nam. Ví dụ như loài cá ngừ đại dương, đâu phải từ ngoài quá xa của Thái Bình Dương vào vùng biển của ta, mà chính là ở ngay trong khu vực nước sâu kiểu đại dương đó.

Vì thế, cấu trúc nước sâu này chính là câu chuyện về "chủ quyền", mà Mỹ cho rằng phần giữa cấu trúc nước sâu này không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Cho nên "quyền tự do hàng hải và các quyền tự do khác", nếu theo quan điểm và tuyên bố của Mỹ, thì đó là phần mà chúng ta gọi là vùng biển cả (High Sea) trong Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Và đã là vùng biển cả thì có 6 quyền tự do và không quốc gia nào được ngăn cản Mỹ và đồng minh của Mỹ thực hiện quyền tự do đó.

Thế nên, vấn đề biển bây giờ là vấn đề lợi ích. Không chỉ là lợi ích của các nước khu vực Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, mà có cả lợi ích các nước ngoài khu vực Biển Đông. Vị trí "ngã ba đường" của nó như thế, tài nguyên Biển Đông giàu có như thế, khiến cho khu vực này lâm vào cảnh tranh chấp kéo dài và nhiều bên. Về góc độ pháp lý quốc tế cũng có thể thảo luận được một số vấn đề, tuy nhiên cũng có không ít điều còn chưa rõ ràng, thậm chí vô lý do "sự áp đặt" nào đó. Cho nên, đòi hỏi phải được giải quyết theo cách tiếp cận đa phương, các nước phải có thiện chí, củng cố lòng tin và cùng nhau nhìn lại vấn đề một cách nghiêm túc.

Biển đòi hỏi văn hoá chinh phục ở một tầm nhìn khác hẳn

Nhà báo Huỳnh Phan: Ý ông nói rằng trước đây chúng ta cũng chưa có cách tiếp cận nghiêm túc?

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi không có ý nói rằng vừa rồi chúng ta không nghiêm túc. Nhưng tôi cho rằng nhiều lúc anh em mình vẫn còn "mải chơi", nghiên cứu chưa được hệ thống đâu, đừng chủ quan. Hơn lúc nào hết lúc này rất cần sự "nhất quán về chủ trương và kỷ cương về hành động" đối với các vấn đề liên quan tới Biển Đông và biển Việt Nam. Ta không có ý so sánh với nước láng giềng, nhưng phải hiểu rằng, trong bối cảnh mới chúng ta cần nhất quán hơn, phải xem xét việc tổ chức lại "đội hình" ra biển với tính liên kết cao hơn, tính hiện đại hóa cao hơn,...

Giống như anh Trần Đình Thiên nói, chủ trương thì hay rồi, ít nhất về mặt lịch sử, đó cũng là một dấu mốc. Nhưng cái đó chỉ đưa ra một cái khung chiến lược, một mảng vấn đề chung thôi. Muốn trở thành một chiến lược hành động cần triển khai khác hơn. Nhưng nếu nhận thức chưa đến tầm, đặc biệt là nhận thức của các cấp, các ngành lớn, kể cả bên Chính phủ và bên Đảng, thì đó chính là sự chưa nhất quán.

Có thể là sang năm tổng kết việc thực hiện chiến lược ta sẽ thấy. Có những chương trình làm hàng chục năm, do nó có gắn chữ "biển" nên ta cứ gắn vào chương trình hành động thực hiện chiến lược biển mà thôi. Lẽ ra, ta phải xác định những hành động mới để làm rõ tư tưởng chiến lược mới này là ở điểm nào, và với chương trình đó ta giải quyết được điểm mới nào trong chiến lược, sản phẩm cụ thể của nó là gì và được đánh giá theo "bộ chỉ số" nào,... Phải xác định hành động đó bắt đầu từ sau chiến lược ban hành vào năm 2007.

Nói như vậy để thấy chúng ta nhận thức chưa đủ và chưa sâu sắc về tư tưởng của chiến lược. Đâu đó, nếu cần xem lại để điều chỉnh chiến lược thì cũng là cần thiết trong bối cảnh mới, nhằm thực hiện tốt nhất quyết tâm chính trị, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và ý chí của toàn dân tộc ta về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

PGS-TS Trần Đình Thiên: Con người ở đâu cũng muốn mạo hiểm. Nhưng biển đòi hỏi văn hóa chinh phục ở một tầm nhìn khác hẳn. Chúng ta tiếp cận biển là chuyển sang cấp độ văn hóa rất khác. Chúng ta là quốc gia có đường bờ biển rất nhiều, nhưng văn hóa chinh phục, phong cách mạo hiểm chưa thực sự rõ. Lý do? Vì chúng ta chú trọng khai thác đất liền, như anh Nguyễn Chu Hồi đã nói. Bây giờ để đòi hỏi tạo lập sự phát triển biển thì chúng ta phải mạo hiểm và mạnh dạn hơn.


Nếu không thực sự hiểu bản chất, thì mơ ước chinh phục biển vẫn chỉ là mơ ước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lại cũng như anh Nguyễn Chu Hồi nói, thiên nhiên của biển rất khác, một đối tượng phong phú và khó khai thác hơn đất liền rất nhiều nên trình độ và phương thức khai thác càng phải khác hẳn. Tức là phải khôn, phải mạnh, phải có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, có công nghệ cao. Và phải can đảm.

Khi đã biết vậy, ta phải có cách tiếp cận triệt để. Đây là cuộc chơi của tương lai, nếu không bắt đầu ngay bây giờ, thì sẽ rất khó bắt đầu. Vì một khi các nước mạnh hơn, giàu hơn, khôn hơn đã đi trước rồi, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và khó hơn.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Một cái khác nữa là đối với biển ta phải có cái nhìn dài hơi. Suất đầu tư vào biển rất lớn, trong khi môi trường biển thì rất khắc nghiệt. Không thể ra biển với công nghệ "lẹt đẹt" được. Tiêu chí của thế giới là muốn thành cường quốc đại dương thì phải có công nghệ cao, hiện đại và bằng sức mạnh của công nghệ.

Với công nghệ lạc hậu mà ra biển thì thế giới không ai thừa nhận, mà sự thực là anh chẳng thể khai thác được gì đáng kể từ biển. Anh chỉ khai thác được những cái nhìn thấy thôi. Trong khi thế giới họ đang khai thác những thứ không nhìn thấy được. Ví dụ, Mỹ làm giầu từ nghề cá biển giải trí, Hàn Quốc có máy lọc Lithium từ nước biển để làm chất bán dẫn. Lọc được chất này từ nước biển thì không biết đến đời thủa nào mới hết, có thể coi là một nguồn tài nguyên "vĩnh cửu".

Nói như thế để khẳng định rằng mình mơ ước là đúng, có nguyện vọng chinh phục biển là chính đáng. Nhưng nếu không thực sự hiểu biết bản chất của nó thì tư duy, cách nhìn, lựa chọn phương thức tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề (đầu tư) đều sẽ vướng.

 

Theo tuanvietnam.net

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second