Đề xuất ý tưởng xây dựng Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam

Sunday - 20/03/2011 19:08
Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức cho phát triển và đang trở nên khan hiếm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu

 

Bối cảnh quốc tế và trong nước

Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức cho phát triển và đang trở nên khan hiếm, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Để phát triển bền vững, các quốc gia đã chọn và đang đi theo xu hướng xây dựng nền kinh tế xanh, sử dụng ít tài nguyên thiên thiên, giảm thiểu cabon và ít gây ô nhiễm môi trường. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả  tài nguyên thiên nhiên là một trong những nội dung quan trọng của xu hướng đó.

Một số quốc gia phát triển đã thành công với các chính sách, luật pháp nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, cũng như thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn như Nhật Bản đã ban hành và thực hiện chính sách đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn dựa trên việc triển khai cơ chế Giảm thiểu - Tái chế - Tái sử dụng (3R) và Luật Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc với Luật Sản xuất sạch hơn, Luật Thúc đẩy nền kinh tế toàn hoàn. New Zealand cũng đã ban hành, áp dụng Luật Quản lý tài nguyên. Cộng hòa Liên Bang đức cũng đã ban hành và thực thi Luật Tái chế, Luật sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo….

Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế trong những năm trở lại đây. Đi cùng với quá trình phát triển kinh tế, tài nguyên thiên nhiên của đất nước theo đó cũng đang bị khai thác quá mức, thiếu bền vững. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó tài nguyên không tái tạo là chính. Ngoài ra, trình độ quản lý, công nghệ lạc hậu đã gây ra sự lãng phí và kém hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Theo đánh giá của các nhà khoa học thì số lượng, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với thế giới và không phải là quốc gia có “rừng vàng, biển bạc” như được ví trước đây. Việc khai thác, sử dụng thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên kéo theo hệ quả là môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân và phát triển bền vững của đất nước.

 

Khai thác quá mức, lãng phí tài nguyên khoáng sản

Tổng quan về chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Liên quan đến nội dung khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đã sớm có quy định và ban hành khá nhiều các văn bản pháp luật điều chỉnh về nội dung này. Các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan có thể chia thành 02 nhóm:

Nhóm văn bản quy định chung về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả đối với tất cả các loại tài nguyên như: Hiến pháp, Luật Thực hành Tiết kiệm chống lãng phí, Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Nhóm văn bản quy định cụ thể về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đối với từng loại tài nguyên như: Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học….

Tuy nhiên, hầu hết các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ điều chỉnh mang tính nguyên tắc, định hướng và chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện, một số loại tài nguyên được nhiều văn bản tập trung điều chỉnh (khoáng sản) trong khi đó các tài nguyên còn lại thì có rất ít văn bản quy định (đất đai, rừng, đa dạng sinh học).

Đối với nhóm văn bản chung, chủ yếu mới quy định có tính nguyên tắc hay dừng lại ở những quy định có tính “tuyên ngôn” và gần như không có các quy định chi tiết hoặc hướng dẫn cụ thể. Đối với nhóm văn bản điều chỉnh cụ thể từng loại tài nguyên, nội dung sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên lại vẫn tiếp tục được quy định nguyên tắc khi lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên hoặc quy định mang tính chính sách và không có quy định nội dung chi tiết ở trong các luật hay văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, một số chính sách, quy định có liên quan, gián tiếp thúc đẩy tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên như cơ chế giảm thiểu-tái chế-tái sử dụng (3R), cơ chế sản xuất sạch hơn (SXSH), mua sắm xanh của Chính phủ…  cũng chưa được quy định chi tiết và mới được đề cập ở những định hướng chung.

Như vậy, có thể thấy các quy định pháp luật về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau với hiệu lực khác nhau, cách tiếp cận khác nhau (thậm chí xung đột) và mức độ chi tiết khác nhau giữa các văn bản. Điều này dẫn đến một thực tế là các quy định pháp luật về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam hầu như không đi vào thực tiễn cuộc sống mà mới dừng lại ở những quy định pháp luật, tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục bị khai thác, sử dụng quá mức, lãng phí và thiếu bền vững.

Đề xuất ý tưởng xây dựng Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam

Căn cứ vào thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thực trạng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, với mục tiêu đề xuất xây dựng chính sách tổng thể, thống nhất nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UNEP) xây dựng và đề xuất ý tưởng xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Ý tưởng nhận được sự đồng tình cao của các nhà quản lý, nhà khoa học có liên quan. Theo đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành, việc tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là chính sách đúng đắn của Chính phủ và chính sách này không thể đưa ra muộn hơn được nữa, đặc biệt là đối với Việt Nam khi mà tài nguyên thiên nhiên đang bị tàn phá và khai thác quá mức, quá lãng phí và không bền vững như hiện nay.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường việc thúc đẩy, xây dựng nền kinh tế xanh là xu thế chung hiện nay của các nước trên thế giới. Ý tưởng của ISPONRE và UNEP về 01 đạo luật về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là một trong những ý tưởng thúc đẩy nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

Nếu được ban hành, Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẽ là căn cứ pháp lý đủ mạnh, điều chỉnh tổng thể, toàn diện, chi tiết về các nội dung liên quan đến sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện có, đồng thời chi tiết hóa và hướng dẫn, đưa các quy định pháp luật có liên quan hiện có vào thực tiễn cuộc sống.

Phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ quy định việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; các chính sách, biện pháp thúc đẩy khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cách tiếp cận của Luật dự kiến sẽ điều chỉnh cụ thể đối với từng loại tài nguyên: đất đai, khoáng sản, nước, rừng và đa dạng sinh học, các loại tài nguyên khác. Bên cạnh đó, một số cơ chế có liên quan có thể được cân nhắc đưa vào Luật để góp phần tiết kiệm, sử dụng hiệu quả cũng như giảm sức ép lên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như: giảm thiểu-tái chế-tái sử dụng (3R), sản xuất sạch hơn (SXSH), mua sắm xanh của Chính phủ…

Để có thể trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua đạo luật này cần phải có thời gian chuẩn bị, đặc biệt là đối với một đạo luật mới, mang tính liên ngành cao và chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Theo các chuyên gia của ISPONRE, ít nhất phải khoảng 3 đến 4 năm thì mới có thể trình Quốc hội ban hành đạo luật này và thời gian chuẩn bị được chia làm 02 bước: giai đoạn nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế và giai đoạn soạn thảo, tham vấn các bên liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Để triển khai ý tưởng này, hiện nay Luật Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội mới.  Theo kế hoạch dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2014. Tuy nhiên, nếu việc nghiên cứu và chuẩn bị dự án Luật được chuẩn bị kỹ và tốt thì thời gian trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua có thể ngắn hơn so kế hoạch.

Thạc sỹ Phan Tuấn Hùng
Chánh Văn phòng
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second