Giải đáp cho những câu hỏi này chính là nội dung của các nghiên cứu về an ninh sinh thái được thực hiện trong những năm gần đây, chủ yếu là từ đầu thế kỷ 21. Trong những nghiên cứu này, khái niệm “sinh thái” trong thuật ngữ “an ninh sinh thái” không chỉ nhằm vào các đối tượng “cây cỏ, chim chóc, muông thú, cá-tôm-cua, đất, nước…” xung quanh chúng ta (thường được quen gọi là hệ sinh thái), mà ở đây nó đã mang một ý nghĩa mới. An ninh sinh thái theo cách hiểu mới chính là đảm bảo an ninh cho môi trường sinh thái của loài người trong tiến trình phát triển. Như vậy, an ninh sinh thái khi này không chỉ là đảm bảo an ninh cho môi trường xung quanh con người mà còn bao gồm tất cả những yếu tố khác có thể gây nguy hại cho cuộc sống và sự phát triển của loài người, bao gồm cả những yếu tố về dân số học, y tế, quản lý văn hóa – xã hội, …
Khái niệm về an ninh sinh thái
Về định nghĩa, thực tế đã từng có hai cách hiểu về an ninh sinh thái. Cách hiểu thứ nhất là cách hiểu đơn giản của những năm từ giữa thế kỷ 20, coi an ninh sinh thái là đảm bảo an ninh cho các hệ sinh thái trên Trái đất. Với cách hiểu này, đối tượng nghiên cứu chính của an ninh sinh thái là các hệ động, thực vật và môi trường tồn tại của chúng trong mối liên quan với các tác động do con người gây ra do các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội của mình, và do vậy, đến khoảng cuối thế kỷ 20, với sự xuất hiện của khái niệm an ninh môi trường, an ninh sinh thái đã trở thành một phần nằm trong an ninh môi trường. Theo cách hiểu này, một số chuyên gia, thậm chí một số quốc gia, còn dùng thuật ngữ “an ninh môi trường” để thay cho “an ninh sinh thái”. Có thể tham khảo các nội dung cơ bản của an ninh môi trường trong cuốn sách rất đầy đủ của các tác giả Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh [1] về đảm bảo an ninh môi trường cho phát triển bền vững. Cũng trên góc độ nghiên cứu tác động của môi trường tự nhiên và sinh thái đối với phát triển bền vững, có thể nêu ra một vài nghiên cứu tiêu biểu khác như của Duraiappah [2], Boris Khramtsov [3], Virgil [4]. Tác động của toàn cầu hóa đối với an ninh môi trường và sự bền vững của xã hội loài người cũng được đề cập đến khá chi tiết trong nghiên cứu của Becker [5].
Cách hiểu thứ hai về an ninh sinh thái liên quan tới cách quan niệm chú trọng nhiều hơn về an ninh toàn cục cho nhân loại, là mục tiêu được đề cao từ khoảng đầu những năm 1990, và chủ yếu là từ đầu những năm 2000 trở đi, trong đó con người (và xã hội loài người) trở thành đối tượng chính cần được đảm bảo an ninh trong bối cảnh thế giới diễn biến ngày càng phức tạp.
Định nghĩa điển hình về an ninh sinh thái theo quan niệm mới do Viện Nghiên cứu Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế của Hoa Kỳ (IIASA - International Institute of Applied System Analysis) đưa ra là [7]: An ninh sinh thái có nghĩa là không có những đe doạ đối với con người về cuộc sống, sức khỏe, sự thoải mái, các quyền lợi cơ bản, các nguồn đảm bảo cho cuộc sống, các tài nguyên cần thiết, hậu quả về xã hội và các khả năng thích nghi với các thay đổi môi trường, v.v., bao gồm an ninh sinh thái tự nhiên, an ninh kinh tế và an ninh xã hội, …
Liên bang Nga định nghĩa về an ninh sinh thái như sau [8]: An ninh sinh thái là sự bảo vệ môi trường tự nhiên và những quyền lợi sống còn của các công dân, xã hội và quốc gia chống lại các tác động từ bên trong và bên ngoài, các quá trình và xu thế xấu sinh ra do sự phát triển làm đe doạ sức khỏe con người, đa dạng sinh học, các chức năng chịu đựng của các hệ sinh thái, và sự sống còn của nhân loại. An ninh sinh thái là một phần tổng thể của an ninh quốc gia Nga.
Trong một cuốn sách được xuất bản năm 2005 [6], Pirages cho rằng an ninh sinh thái là cách nghĩ thiết thực về tổng thể các vấn đề liên quan tới tương lai của nhân loại, trong đó cần tập trung vào những nguy cơ lớn nhất gây mất an ninh cho nhân loại. Các luận cứ của cách nhìn nhận này chủ yếu dựa trên các quan sát thực tiễn rằng trong tương lai gần (có thể thấy được), các yếu tố được cho là các mối nguy cơ đối với nhân loại, ví dụ như sự cạn kiệt tài nguyên, dường như chỉ là vấn đề tương đối nhỏ đối với loài người. Thay vào đó, các yếu tố khác như các loại bệnh dịch truyền nhiễm ngày nay đang là nguyên nhân chính gây ra chết sớm và tàn tật của loài người; bên cạnh đó là các cuộc xung đột của loài người, nạn đói và các loại thiên tai khác nhau. Trên cơ sở này, Pirages đã đưa ra định nghĩa về an ninh sinh thái như sau:
An ninh sinh thái là quá trình dựa trên việc duy trì bốn cân bằng động có liên quan với nhau sau đây:
Sự mất an ninh sẽ tăng lên ngay khi bất kỳ một trong bốn cân bằng này bị phá vỡ do tác động của con người hay do tự nhiên. An ninh sinh thái được thiết lập dựa trên việc duy trì bốn cân bằng động này bao gồm: cân bằng giữa các nhu cầu của con người và khả năng đáp ứng về tài nguyên và dịch vụ của thiên nhiên; cân bằng giữa quy mô và các nhu cầu của con người với nhu cầu của các loài sinh vật khác; giữa các công nghệ y dược và các chính sách y tế với số lượng và bản chất của các loài vi khuẩn truyền bệnh đang thay đổi; và giữa nhu cầu về tài nguyên đang ngày càng gia tăng của con người và khả năng quản lý những xung đột tiềm tàng giữa các nhóm dân chúng/dân tộc. Các thách thức về an ninh sinh thái có thể nảy sinh từ những sự thay đổi trong bản chất tự nhiên hay trong các xã hội. Ví dụ: sự thay đổi về văn hóa-xã hội như sự tăng trưởng dân số nhanh có thể dẫn đến sự phá hủy các hệ thống môi trường hay sự tuyệt chủng của một số loài vật. Tương tự, các thay đổi về lý-sinh, ví dụ như bắt đầu một thời kỳ hạn hán, sự tăng hay giảm số lượng một loài vật, hay những thay đổi về độc tính của những loài vi khuẩn truyền bệnh, cũng có thể tạo ra những sự mất cân bằng và dẫn đến những tổn thất đáng kể về sinh mạng con người. An ninh sinh thái có thể được củng cố bằng cách tăng cường năng lực cho các xã hội để dự phòng và quản lý các thách thức đối với sự toàn vẹn của những mối quan hệ đồng tiến hóa này.
Với cách hiểu mới này, có thể coi an ninh sinh thái là một khái niệm đề cập tới sự an ninh toàn diện cho con người và xã hội loài người trong tiến trình phát triển, trong đó bao gồm tổng hợp một số nội dung cụ thể khác nhau cần được đảm bảo an ninh là:
Như vậy, với cách định nghĩa mới này thì An ninh môi trường là một bộ phận của An ninh sinh thái với nội dung đề cập đến các khía cạnh liên quan đến môi trường sống của con người nói chung mà theo cách nhìn nhận hiện tại ở Việt Nam thì bao gồm các yếu tố: tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học.
Các nội dung nghiên cứu về an ninh sinh thái trên thế giới
Các nghiên cứu về an ninh sinh thái trên thế giới chủ yếu xoay quanh 5 lĩnh vực cần đảm bảo an ninh như đã nêu ra ở trên (môi trường, lương thực, năng lượng, y tế, và văn hóa – xã hội) nhưng sự nhấn mạnh vào từng nội dung thì lại tùy thuộc vào mức độ được coi là quan trọng theo quan điểm của mỗi nhà nghiên cứu. Khi xem xét tiến trình phát triển của thế giới từ khoảng nửa cuối thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những điểm mới bất thường, trong đó tiêu biểu là:
Trên cơ sở phân tích các phát hiện trên, các chủ đề chính được nghiên cứu trong những năm qua về an ninh sinh thái tập trung vào các nội dung chính là:
1. Các vấn đề về dân số học: Có hai nguy cơ tiềm tàng của vấn đề dân cư đối với an ninh sinh thái. Thứ nhất là nguy cơ xảy ra xung đột giữa các nhóm/chủng tộc người khác nhau để tranh giành tài nguyên trên một vùng lãnh thổ cụ thể, và thứ hai là sự tăng dân số quá mức dẫn đến nguy cơ không có đủ tài nguyên để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người trong cộng đồng (tại 1 khu vực). Nguy cơ về dân số gia tăng đã từng được gọi là quả bom dân số, từ lâu đã được coi là nguồn gốc của những bất ổn trong tiến trình phát triển của loài người và được cho rằng sẽ là tâm điểm của tương lai nhân loại. Tuy nhiên, điều bất ngờ về dân số học đã xuất hiện là hiện tượng tốc độ tăng dân số bằng không [zero population growth (ZPG)], hay thậm chí nhỏ hơn 0 ở nhiều nước công nghiệp hóa. Đây là cú sốc lớn không mong đợi về dân số đối với các nước công nghiệp hóa và tạo ra áp lực di dân để điền vào những khoảng trống ở các nước phương Bắc từ phương Nam.
Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ sinh và tuổi thọ dài hơn đang tạo ra những dạng thức bất ổn mới mà nó sẽ chỉ rõ rệt trong vòng 25 năm tới. Vào năm 2030, 1/4 dân số tại các nước công nghiệp hóa sẽ ở tuổi từ 65 trở lên, so với mức 1/7 như hiện nay. Cú sốc dân số ngược này sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với các quá trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế, các hệ thống hưu trí và công ích, chăm sóc y tế, giáo dục và di dân. Và chỉ trong một tương lai không xa lắm, cả Trung Quốc và Ấn Độ, đang chiếm hơn 1/3 dân số thế giới, sẽ phải đối mặt với những vấn đề dân số tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn và các thách thức khi dân số của họ già đi nhanh chóng trong bối cảnh các hệ thống hưu trí và công ích lại chưa đủ vững mạnh.
2. An ninh lương thực: Nhu cầu cung cấp đầy đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng của thế giới không phải là mối quan tâm mới. Nỗi lo về nạn đói và thiếu dinh dưỡng tăng lên cùng với sự gia tăng bùng nổ dân số đã xuất hiện từ cuối những năm 1960, thậm chí nó vẫn tiếp tục ngay cả khi người ta đã dự báo được sản xuất lương thực sẽ tăng ổn định ở mức 2,2%/năm cho giai đoạn 1970–2000 và trong khoảng giữa các năm 1982 – 1997, giá lúa mỳ thế giới đã giảm 28%, giá gạo giảm 29%, và ngô giảm 30% theo giá thực. Xét tổng thể trên toàn thế giới, tiêu thụ lương thực trên đầu người đã tăng 15% trong suốt giai đoạn này, nhưng phần lớn sự tiêu thụ gia tăng này là ở các nước giàu.
Sản xuất nông nghiệp tại những nước công nghiệp vẫn còn được trợ giá lớn và có nhiều rào cản đối với việc nhập khẩu nông sản từ các nước kém phát triển hơn. Ví dụ, Hoa Kỳ có chế độ quota nghiêm ngặt đối với nhập khẩu đường, một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của nhiều nước nghèo, và cung cấp hàng năm 3 tỷ USD tiền trợ cấp cho các nông trại trồng bông, điều này giúp họ kiểm soát trên 40% xuất khẩu bông trên thế giới. Hiện tại, số tiền trợ cấp cho nông dân tại các nước công nghiệp phát triển lớn gấp 6 lần số tiền viện trợ ODA từ các nước này cho các nước đang phát triển.
3. Nguồn nước: Hiện tại, lượng nước được sử dụng hàng năm đã chiếm tới 54% tổng lượng nước có thể tiếp cận được. Hiện trên thế giới có hơn 1 tỷ người vẫn còn đang thiếu nước sạch để uống và khoảng 2 tỷ người đang còn thiếu những điều kiện vệ sinh cơ bản.
Rất khó đánh giá khả năng cung cấp đầy đủ nước cho thế giới trong tương lai do phụ thuộc vào nhiều yếu tố bất định:
ü Sự tăng dân số, mức độ phát triển kinh tế, và đổi mới công nghệ;
ü Các vấn đề về xã hội và chính trị: tiến trình tương lai của quan hệ ngoại giao tại các con sông quốc tế, những bất đồng của những bên liên quan về hạ tầng cung cấp nước, và những tranh cãi về cung cấp tài chính để phát triển nguồn nước và giá nước tại nhiều quốc gia.
Ngoài ra, việc cung cấp đủ nước có quan hệ chặt chẽ với khả năng có thể cung cấp đầy đủ lương thực cho thế giới trong tương lai.
4. Năng lượng: Hiện tại, thế giới có vẻ chưa có nguy cơ về việc hết dầu mỏ và khí tự nhiên do các nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như các tiến bộ về công nghệ trong tìm kiếm và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, nếu quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc và Ấn Độ và những quốc gia đông dân khác, nhu cầu sẽ tăng nhanh chóng và trữ lượng sẽ bị cạn kiệt nhanh.
Nhu cầu cao về năng lượng cũng sẽ làm nảy sinh các nguy cơ về địa chính trị liên quan tới nguồn cung cấp dầu – khí (các khu vực: Trung Đông, Vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ và những khu vực khác).
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ bị chậm do các lý do về kinh tế - xã hội và chính trị, và các chu kỳ dao động về giá năng lượng trên thế giới trong thực tế đã cản trở sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
5. Vấn đề biến đổi khí hậu: Ngày nay vấn đề biến đổi khí hậu từ chỗ là một vấn đề khoa học mơ hồ đã trở thành mối quan tâm chính sách nổi bật trên toàn cầu. Đây là sự chuyển biến có tính then chốt: coi sinh thái thuộc những ưu tiên chính về chính sách.
Biến đổi khí hậu dường như sẽ tạo ra kẻ thắng và người thua (người được lợi, người bị thiệt hại). Điều này làm phức tạp hóa các vấn đề được thảo luận trong các cuộc đàm phán quốc tế để khắc phục, vì vậy sẽ chỉ có rất ít cơ hội để có thể có những đột phá lớn trong tương lai gần. Tính công bằng tiếp tục có vai trò then chốt trong đàm phán về biến đổi khí hậu theo hai hướng chính:
a/ Phân bổ “công bằng” các mức phát thải: Phát thải các-bon toàn cầu hiện ở mức trung bình khoảng 1 tấn CO2 trên đầu người mỗi năm. Nhật và các nước Tây Âu phát thải ở mức 2 – 5 tấn CO2/ người/ năm trong khi bình quân đầu người của Hoa Kỳ là trên 5 tấn/năm. Mức trung bình ở các nước đang phát triển là 0,6 tấn CO2/người/năm và trên 50% các nước đang phát triển có mức phát thải dưới 0,2 tấn/người/năm. Đây là sự thách thức ghê gớm về chính sách vì mức phát thải trung bình của thế giới cần phải được duy trì ổn định ở mức 0,3 tấn CO2/người/năm cho dân số tương lai cỡ 10 tỷ người của thế giới.
b/ Sự tác động không giống nhau tới các quốc gia của biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu dài hạn sẽ có những tác động lớn hơn tới những người nghèo trên thế giới vì phần lớn những nước có nền kinh tế kém phát triển phải dựa vào những lĩnh vực có độ nhậy cảm cao với khí hậu, ví dụ như nông nghiệp. Tị nạn môi trường do nước biển dâng dường như sẽ trở thành hiện thực đối với một số quốc gia đảo nhỏ cũng như tại những nước có vùng đồng bằng ven biển thấp.
6. Vấn đề môi trường và sự tuyệt chủng của các loài: Đây là tập hợp của hàng loạt các vấn đề nảy sinh do các hoạt động của con người tác động vào môi trường phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Các nội dung ở đây cũng tương tự như của an ninh môi trường. Một số nội dung được đề cập nhiều là:
- Ô nhiễm và suy thoái môi trường đất và nước: hậu quả trực tiếp của sản xuất nông nghiệp thâm canh với việc sử dụng các loại phân hoá học và thuốc trừ sâu để có thể đạt được năng suất cao. Tác dụng ngược xuất hiện khi cơn mưa đến, hàng triệu tấn phân bón và thuốc trừ sâu được rửa sạch trôi vào hệ thống nước. Các hệ sinh thái nước sẽ bị tràn ngập với thuốc trừ sâu, nitơ và kali quá mức. Đây là nguyên nhân làm cho nước có tính axit hơn và chứa ôxy ít hơn, điều này làm sinh sôi các loài hoa tảo độc trong nước và có thể tạo ra những vùng rộng lớn thiếu ôxy.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp chuyên môn hóa là một hệ sinh thái một loài: khó có thể định nghĩa về mức độ ổn định của sự đa dạng sinh học trong trường hợp này. Bên cạnh đó, đất được khai phá để làm nông nghiệp cũng dễ bị xói mòn hoặc sa mạc hóa nếu không có những biện pháp bảo vệ thích hợp.
- Suy thoái các hệ sinh thái ven biển: Một phần do sinh vật biển bị đánh bắt, khai thác quá mức, một phần khác là môi trường biển bị ô nhiễm do các nguồn chất thải từ bờ chảy ra. Việc ngăn đập thủy điện đã giữ lại phần lớn phù sa và các nguồn dinh dưỡng tự nhiên trong nước sông ở hạ lưu, đồng thời đưa thêm vào các chất thải ô nhiễm độc hại, gây tác động xấu đến các hệ sinh thái vùng đồng bằng sông và ven biển.
- Nạn phá rừng và suy thoái rừng: Nhu cầu phá rừng là thực tế khi con người cần đất cho nông nghiệp, làm trang trại, xây dựng các khu dân cư, các cơ sở công nghiệp, sân bay, đường cao tốc, … Vì vậy, một trong những yếu tố lớn nhất góp phần phá rừng thực ra không phải là tìm kiếm các sản phẩm gỗ, mà là để phát triển sản xuất nông nghiệp và phục vụ các chương trình phát triển kinh tế khác.
- Khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo và ô nhiễm công nghiệp: Các nguồn tài nguyên không tái tạo nói chung có thể được chia thành hai loại - dầu và khoáng sản. Cả hai đều quan trọng đối với xã hội và việc khai thác cả hai loại này hiện đều đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường – sinh thái mà một số công ty khai thác thường chọn giải pháp là … trốn tránh. Khai thác khoáng sản và xử lý hóa học cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Ví dụ: sau khi đào được quặng lên khỏi mặt đất, phải xử lý rất nhiều quặng để thu được một lượng kim loại tương đối nhỏ: đối với đồng, tỷ lệ chất thải trên kim loại có thể vào cỡ 400/1; đối với vàng: 5.000.000/1.
Kiểm soát ô nhiễm từ lâu đã được tiến hành trong ngành môi trường, mặc dù có rất nhiều loại "ô nhiễm", hầu hết các mối quan tâm chính tập trung vào ô nhiễm không khí, nước và một số loại chất gây ô nhiễm khó phân hủy. Đa số chất gây ô nhiễm khó phân hủy hiện nay là các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dioxin và PCBs (biphenyl), chúng được coi là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có tính đe dọa ô nhiễm nguy hiểm nhất.
- Bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm lấn: Bảo tồn đa dạng sinh học đang là mối quan tâm ngày càng tăng vì cả các lý do vụ lợi và phi vụ lợi. Bảo tồn đa dạng sinh học là điều quan trọng đối với sự sinh sản các loài thực vật và sinh vật tương lai, nhưng có lẽ giá trị lớn nhất của nó là giúp duy trì sự sống của những hệ sinh thái nguyên thủy.
Đa dạng sinh học có cả hai giá trị sử dụng và không sử dụng. Giá trị sử dụng bao gồm các giá trị kinh tế mà thường khó có thể định lượng chính xác được, ví dụ như lợi ích của các tour du lịch sinh thái, các loại thuốc lấy từ các loài khác nhau trong tự nhiên, và những lợi ích đối với nông nghiệp do tính đa dạng nguồn gien của các loài cây trồng hoang dại khác. Các giá trị phi sử dụng của đa dạng sinh học có thể bao gồm các giá trị thẩm mỹ liên quan tới các loài cây hay loài động vật mà chúng ta cho là đẹp đẽ.
Mặc dù còn ít được công nhận nhưng thực sự quan trọng về mặt kinh tế: đa dạng sinh học về nguồn gien là nguồn cung cấp các giống lai tạo khác nhau cho các giống cây trồng và vật nuôi. Hình thức đa dạng sinh học này giúp tạo ra năng suất cao cho nông nghiệp hiện đại, và là một nguồn cung tiếp tục các loại gien mới có các tính ưu việt về tốc độ sinh trưởng, chống lại bệnh tật và có khả năng sinh sản tốt.
Một khía cạnh quan trọng có tính toàn cầu hơn của đa dạng sinh học là các dịch vụ hệ sinh thái được tạo ra do tương tác của các loài động thực vật với môi trường vật lý. Những dịch vụ này bao gồm: làm sạch nước và không khí, tái tạo lại độ màu mỡ của đất, kiểm soát lũ lụt, khử độc và làm phân hủy các chất thải. Các loài thụ phấn và những dịch vụ do chúng cung cấp là những ví dụ về việc các thành phần đa dạng sinh học có liên quan tương hỗ với nhau như thế nào. Sự thụ phấn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của hầu hết các loài cây có hoa và có thể coi là một dịch vụ then chốt trong các hệ sinh thái cả trong tự nhiên và do con người quản lý.
Một trong những điều tồi tệ của du lịch và thương mại quốc tế là sự lan truyền các loài ngoại lai nguy hiểm, cả trên mặt đất cũng như ở dưới nước. Sự xâm nhập loài ngoại lai đã làm tiêu tốn hàng tỷ USD tại nhiều quốc gia để kiểm soát thiệt hại do chúng gây ra ở đó. Một số ví dụ điển hình có thể kể ra là: loài thỏ ở Úc đã ăn cỏ nhiều quá mức, từ đó làm gia tăng sa mạc hoá và phá hủy môi trường sống của các loài khác tại nhiều vùng rộng lớn. Cũng tại Úc, người ta ước tính 3.000 loài cỏ dại (hai trong số những loài tồi tệ nhất - mimosa và nho cao su - được đưa vào để trồng làm đẹp phong cảnh) cũng đã gây ra một tổng số thiệt hại và chi phí kiểm soát hàng năm là 2 tỷ đôla, và rất nhiều ví dụ ở các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trên đây là sự điểm qua rất khái quát những nội dung chính của an ninh sinh thái đã và đang được nghiên cứu trên thế giới. Khác với khái niệm an ninh sinh thái theo nghĩa nguyên thủy – là cách hiểu về đảm bảo an ninh cho các hệ sinh thái và do vậy an ninh sinh thái theo nghĩa này đã trở thành một phần của an ninh môi trường – an ninh sinh thái theo cách hiểu mới đề cập tới tầm bao quát về đảm bảo an ninh toàn diện cho con người trong môi trường sống của mình. Vì nội dung của nó rất rộng nên trong thực tế để tiện cho công tác nghiên cứu và quản lý người ta cũng có thể xem xét nó trên từng khía cạnh cụ thể như: an ninh môi trường, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, … Bên cạnh quá trình tiến hóa tự nhiên còn có những tác động có chủ ý của con người, trong đó quá trình toàn cầu hóa trên thế giới đang thực sự ảnh hưởng đến an ninh và cuộc sống của hầu hết những người dân ở các nước mà chúng ta cũng không loại trừ việc có thể ẩn nấp cả những ý đồ chính trị. Những vấn đề này cần được xét đến trong quá trình nghiên cứu chính sách ở mỗi quốc gia.
TS. Nguyễn Lanh
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Sinh, Đảm bảo an ninh môi trường cho phát triển bền vững, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 2010
[2] Anantha Kumar Duraiappah, Ecological Security and Capabilities: A Conceptual Framework for Sustainable Development, 3rd CONFERENCE ON THE CAPABILITY APPROACH: FROM SUSTAINABLE DEVELOPMENT TO SUSTAINABLE FREEDOM, 7-9 September 2003, University of Pavia, Italy.
[3] A Primer on Ecological Security, Boris Khramtsov ed., for delegates of the 34th National Student Commonwealth Forum, Apr 30th – May 5th, 2006 www.rcs.ca/~nscf/en/documents/2006-theme.pdf
[4] Virgil, Environmental Security, http://www.drtomoconnor.com/2010/2010lect05.htm
[5] Globalization, Ecological Security, and the Sustainability of Human Societies, Mimi Larsen Becker, www.unh.edu/academic-affairs/discovery/dialogue/2005/pdf/becker.pdf
[6] From Resources Scarcity to Ecological Security: Exploring New Limits to Growth, edited by Dennis Pirages and Ken Cousins, The MIT Press, Cambridge, Massachusetts, London, England, 2005
[7] Speth, James Gustave, ed, (2003). Worlds Apart: Globalization and the Environment. Washington D.C.: Island Press
[8] Environmental security of Russia. The Security Council of the Russian Federation, Issue 2. Moscow. Environmental Security of Russia, 1996. p.55
Newer articles
Older articles