Khai thác, chế biến khoáng sản cho hôm nay và cho mai sau - vấn đề lựa chọn khôn khéo và đánh đổi qua ví dụ sa khoáng titan ven biển miền Trung

Monday - 02/12/2013 16:19
Việt Nam nằm ở vị trí giao nhau của 2 vành đai sinh khoáng: vành đai Tây Thái Bình Dương và vành đai Địa Trung Hải, vì vậy tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đa dạng về chủng loại và tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản ở nước ta đến nay đã phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau.

 

1. Bối cảnh

Việt Nam nằm ở vị trí giao nhau của 2 vành đai sinh khoáng: vành đai Tây Thái Bình Dương và vành đai Địa Trung Hải, vì vậy tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đa dạng về chủng loại và tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản ở nước ta đến nay đã phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản nước ta phần lớn có quy mô trung bình và nhỏ, trong đó một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ điều kiện để tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp như: bauxit, titan-zircon, đất hiếm, apatit… nhưng cần đánh giá chính xác về trữ lượng; Than, dầu khí với trữ lượng đã biết và một số khoáng sản kim loại có quy mô trung bình và nhỏ như: sắt, đồng, chì, kẽm, mangan, cromit, thiếc, volfram, vàng, bạc… chỉ khai thác vài chục năm nữa sẽ cạn kiệt. Khoáng sản phi kim lọai và vật liệu xây dựng như đá vôi, nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, cát trắng... thì nhiều, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, nhưng ít có giá trị xuất khẩu; Một số loại khoáng sản có ít, nhưng có giá trị kinh tế, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá như: molypden, antimon, kim loại hiếm, đá quý rubi, saphia...

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều lọai khoáng sản được khai thác, chế biến để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Hoạt động khoáng sản từng bước hướng tới gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu lợi nhuận, kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Ngành khai khoáng đóng góp GDP mỗi năm khoảng 10% - 11%, thu ngân sách nhà nước khoảng 25%,  về cơ bản ngành này đã đáp ứng kịp thời nguyên liệu (than đá, thiếc, kẽm, sắt, đồng, apatit v.v.) cho các ngành kinh tế sử dụng nguyên liệu khoáng (nhiệt điện, ximăng, hóa chất, luyện kim...). Công nghiệp khai khoáng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước [2].

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn bộc lộ nhiều bất cập: Do chú trọng vào kinh tế, nhất là tăng trưởng GDP, ít chú ý đến bảo vệ môi trường nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng sinh thái đang diễn ra ở nhiều nơi; Gần 10 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, nhưng đến nay vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (vùng than Quảng Ninh); Khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản chưa hợp lý, làm tổn thất, lãng phí tài nguyên quốc gia và gây bức xúc, áp lực lớn cho xã hội ở khu vực có hoạt động khoáng sản; Lập quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; Việc phân cấp cho các địa phương trong cấp phép, quản lý khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường đã được tiến hành, nhưng chưa thanh tra, kiểm tra kịp thời để xử lý các vi phạm pháp luật; Tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân, nhưng lợi ích từ hoạt động khoáng sản hiện tại chủ yếu thuộc về các công ty, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản. Lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội chưa tương xứng với giá trị tài nguyên; Tài nguyên của đất nước bị sử dụng lãng phí, trong khi thu ngân sách được ít, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư phải gánh chịu hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, cần được khắc phục [2]. Trong bài viết này tác giả tổng hợp, phân tích về những vấn đề nêu trên thông qua nghiên cứu mẫu về khai thác, chế biến khoáng sản Titan trong cồn cát ven biển miền Trung Việt Nam.

2. Thiên nhiên ban tặng

Titan kim loại và hợp kim Titan là một trong những chất có triển vọng nhất thời đại ngày nay. Hợp kim Ti bền gấp 3 lần so với hợp kim Al, 5 lần so với hợp kim Mg; nhẹ bằng nửa so với thép; nhiệt độ nóng chảy cao gấp 3 lần Al với Mg. Chính vì những tính chất ưu việt đó mà Ti được coi là kim loại của thế kỷ 21, là nguyên liệu không thể thiếu trong các ngành công nghiệp quốc phòng, hàng không, y tế và thể thao. Các ngành công nghiệp ở nước ta hiện nay ngày càng cần nhiều sản phẩm của Ti, nhưng hầu hết đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi ta có tài nguyên quặng Titan khá nhiều và có khả năng khai thác, tuyển luyện để sử dụng.

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km, trong đó ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có dải cồn cát hình thành hàng chục ngàn năm trong giai đoạn Holocen thời kỳ Đệ Tứ. Trong cồn cát này tích tụ nhiều loại khoáng sản, nhưng quan trọng và có giá trị nhất là quặng Titan. Quặng Titan sa khoáng ven biển là kiểu quặng có giá trị nhất hiện nay ở nước ta, có thể khai thác với quy mô công nghiệp. Trong loại quặng này, cát thạch anh (SiO2) chiếm tỷ lệ 95-99%, còn lại là các khoáng vật nặng (KVN), chủ yếu gồm: ilmenit (FeTiO3), zircon (ZrSiO4), rutin (TiO2), leucoxen, anataz (TiO2), monazit (Ce, La, Th) [PO4, SiO4]. Có thể gặp các khoáng vật khác như xenotim, manhetit…, nhưng với hàm lượng rất thấp. Sau khi tuyển thô, thường chỉ có ilmenit, zircon, rutil và monazit được thu hồi công nghiệp, trong đó Monazit, Xenotim, Zircon là những khoáng vật có chứa các nguyên tố phóng xạ (U, Th) [5].

Trữ lượng quặng Titan quy ra TiO2 trên thế giới khoảng 1,4 tỷ tấn. Trữ lượng quặng Titan của Việt Nam tính đến cấp C2 khoảng 14,03 triệu tấn, chiếm khoảng 0,5% trữ lượng của thế giới. Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng Titan năm 2004 là 34,57 triệu tấn, trong đó chủ yếu là quặng sa khoáng, 30,17 triệu tấn. Sa khoáng Titan phân bố rộng rãi dọc theo chiều dài miền Trung, nhưng tập trung nhiều ở Thừa Thiên Huế, Bình Định và Bình Thuận. Đặc điểm thành tạo của các sa khoáng Titan tích tụ trong dải cồn cát ven biển là có nguồn gốc biển và gió. Tổng trữ lượng đã xác định năm 2004 của các mỏ sa khoáng Titan ven biển miền Trung đạt tới 8,154 triệu tấn, phân bố ở các tỉnh như sau: Thừa Thiên Huế 4.709.451 tấn, chiếm 57,8%; Bình Định 1.596.763 tấn, chiếm 19,6%; Bình Thuận 967.585 tấn, chiếm 11,9%; Quảng Trị 587.000 tấn, chiếm 7,2%; Khánh Hòa 128.300 tấn, chiếm 1,6%; Phú Yên 110.590 tấn, chiếm 1,4% và Quảng Nam 54.047tấn, chiếm 0,67%. Tổng trữ lượng các khoáng vật đi kèm trong tất cả các mỏ gồm: zircon 1.305.543 tấn, rutil 24.526 tấn và monazit 9.176 tấn. Ngoài ra, kết quả điều tra gần đây (2010) cho thấy sa khoáng Titan tập trung nhiều trong các tầng cát trắng, cát xám, cát đỏ, nhưng chủ yếu là trong tầng cát đỏ ở Bình Thuận – Ninh Thuận với tiềm năng tài nguyên dự báo khoảng 557 triệu tấn với hàm lượng Ilmenit trong các thân quặng thay đổi từ vài kg/m3 đến 195 kg/m3 [3,9].

 

Tiềm năng sa khoáng Titan lớn vừa là lợi thế, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho các tỉnh miền Trung nhiều thách thức và rủi ro môi trường. Trên thực tế, việc phát triển ồ ạt các hoạt động kinh tế: du lịch, nuôi trồng thủy sản, khai thác sa khoáng Titan và các dự án phát triển kinh tế khác trong thời gian qua đã phá hủy những vùng cồn cát rộng lớn, có thể đẩy miền Trung rơi vào “Cái bẫy tài nguyên” mà nhiều quốc gia giàu tài nguyên ở Châu Phi đã mắc phải. Trong phạm vi bài viết này sẽ phân tích những hạn chế và bất cập trong công tác quản lý nhằm đề xuất những giải pháp hợp lý, phát huy tiềm năng sa khoáng Titan của vùng, thúc đẩy ngành khai khoáng phát triển bền vững, phòng tránh nguy cơ về “Cái bẫy tài nguyên”.

3. Khai thác và chế biến quặng Titan trong cồn cát miền Trung

Khởi đầu hoạt động khai thác Titan: Từ  năm  1993, lần  đầu  tiên ở ven  biển  miền Trung Việt Nam, Công ty Austin - liên doanh giữa Úc và Việt Nam bắt đầu khai thác quặng Titan trên địa bàn Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong phân chia sản phẩm và lợi nhuận đã làm cho Công ty này phải giải tán vào năm 1995. Đến năm 1997 Công ty khai thác chế biến quặng Titan Hà Tĩnh ra đời. Địa bàn hoạt động của họ chủ yếu là ở vùng Cẩm Xuyên và Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.

Cũng trong thời gian đó, ở Bình Định, công ty BIMAL là liên doanh Việt Nam- Malaysia tổ chức khai thác quặng Titan ở mỏ Đề Gi thuộc huyện Phù Cát và chế biến tại chỗ rồi xuất khẩu; Công ty Khoáng sản Bình Định thì tiến hành khai thác quặng Titan tại mỏ Cát Hải, huyện Phù Cát và đưa về chế biến tại thành phố Quy Nhơn. Tiếp theo Hà Tĩnh và Bình Định, từ những năm 2000 đến nay, hoạt động khai thác quặng Titan phát triển rộng khắp trên dải cồn cát ven biển miền Trung từ vùng quặng Hải Thuỷ, tỉnh Quảng Bình; Phú Diên, tỉnh Thừa Thiên Huế; đến vùng Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và nhiều nơi khác [5].

* Phương thức khai thác quặng Titan:Trong thời gian đầu khai thác quặng Titan ở ven biển Việt Nam, phương thức khai thác là thủ côngnhư ở Hà Tĩnh, hiệu suất kém, độ sâu khai thác nông, chỉ lấy phần quặng nằm gần bề mặt cồn cát. Với công nghệ lạc hậu, người ta chỉ tuyển thô, lấy khoáng vật nặng là ilmenit đạt tỷ lệ khoảng 52% TiO2 rồi đem xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, ngoại trừ công ty liên doanh BIMAL ở Bình Định có phân xưởng tuyển tinh để lấy ilmenit sạch, zircon, rồi xuất sang Malaysia. Trong những năm tiếp theo, nhờ nhập khẩu công nghệ tiên tiến, tại nhiều nơi đã tận thu được những khoáng vât nặng có giá trị cao hơn như zircon, monazit. Trong thời gian gần đây trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và một số nơi khác đã tiến hành chế biến quặng Titan ở mức sâu hơn. Các công ty khai thác Titan chẳng những đã thu hồi được zircon, mà còn nghiền zircon thành bột mịn để xuất khẩu. Khoáng nặng ilmenit được tuyển sạch hơn, đạt đến mức hàm lượng 55-57% TiO2, sau đó dùng phương pháp thiêu kết để tạo ra một sản phẩm mới có tên gọi là “xỉ Titan ”, đạt tỷ lệ hàm lượng 92 - 95% TiO2.

    Dần về sau các tỉnh miền Trung chuyển sang khai thác quặng Titan bằng cơ giới, độ sâu khai thác lớn, lấy cả lớp quặng dưới sâu như ở Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Thuận. Kỹ thuật khai thác quặng Titan trên cồn cát về cơ bản tương tự nhau: Dùng sức nước để phá vỡ các lớp cát chứa quặng, dùng phương tiện cơ giới đào xúc, bơm hút bùn cát lên để tuyển thô bằng trọng lực nhờ sức nước thông qua vít xoắn, vận chuyển về xưởng để tuyển tinh, tách riêng các KVN, sau đó tiếp tục chế biến sâu: hoàn nguyên ilmenit, luyện xỉ titan, chế biến rutil nhân tạo, sản xuất bột màu pigment,… tạo  ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn, rồi xuất sản phẩm ra thị trường thế giới và trong nước.

    Phụ thuộc vào đặc điểm địa chất của mỏ sa khoáng Titan và thiết bị khai thác, có sự khác biệt giữa các công ty khai thác Titan, nhưng về đại thể có thể chia ra 3 kiểu công nghệ khai thác: (i) Phá bỏ, thu dọn thảm thực vật -> Gạt ủi, dồn đống lớp cát chứa quặng gần mặt đất -> Bốc xúc đưa lên vít xoắn để tuyển thô -> Thu hồi sản phẩm sau tuyển à Đổ cát thải ra bên cạnh. Điển hình cho kiểu khai thác này là ở Hà Tĩnh. (ii)  Phá bỏ, thu dọn thảm thực vật -> Đào hố sâu đến lớp cát quặng à Bơm hút cát chứa quặng đưa lên mặt đất -> Bốc xúc đưa lên vít xoắn để tuyển thô -> Thu hồi sản phẩm sau tuyển à Đổ cát thải ra bên cạnh. Thường gặp kiểu khai thác này ở Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. (iii) Phá bỏ, thu dọn thảm thực vật -> Mở moong khai thác sâu đến lớp cát quặng, sâu hơn mực nước ngầm trong cồn cát vài ba mét -> Làm bè bằng phao -> Lắp cụm vít xoắn trên bè nổi -> Dùng bơm cao áp hút bùn cát quặng phía trước đưa lên vít xoắn để tuyển thô ->  Bơm nước chứa cát thải ra phía sau -> Đồng thời bơm quặng Titan sau tuyển đến nơi quy định, bốc xúc sản phẩm, vận chuyển về xí nghiệp tuyển tinh và chế biến sâu hơn. Điển hình cho kiểu khai thác này là tại các công ty khai thác Titan ở Bình Định [5,6].

      * Phương thức chế biến quặng Titan: Trên thế giới ngày nay quặng titan được chế biến ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế kỹ thuật của mỗi nước. Quặng sa khoáng titan có hàm lượng 2–5% TiO2 thường được làm giàu bằng phương pháp tuyển khoáng tới tinh quặng 45–52% TiO2. Quặng tinh titan tiếp tục được chế biến theo các công nghệ: (i) Làm giàu luyện kim; (ii) Chế biến sâu; (iii) Chế biến sâu công nghệ cao.

        1) Làm giàu luyện kim: Làm giàu luyện kim bằng công nghệ luyện xỉ titan để nâng hàm lượng TiO2 đạt đến 95%; bằng công nghệ sản xuất rutil nhân tạo để nâng hàm lượng TiO2 đạt đến 92 - 98%. Xỉ titan là nguyên liệu tốt cho sản xuất pigment. Công nghệ sản xuất xỉ titan không khắt khe nguyên liệu đầu vào, rất ít phế thải, thích hợp nhất đối với nơi có nguồn điện giá rẻ. Sản xuất rutil nhân tạo là quá trình tách sắt và các tạp chất để làm giàu quặng ilmenit. Thường áp dụng công nghệ nung luyện theo các quy trình: Quy trình Becher; Quy trình Benelite; Quy trình ERMS.

        2) Công nghệ chế biến sâu sản xuất pigment titan: Công nghệ sản xuất pigment TiO2 phát triển rất nhanh với các phương pháp sulphat năm 1916, phương pháp clorua năm 1958, công nghệ Altair. Gần 95% titan được sử dụng ở dạng pigment TiO2.

        3) Công nghệ cao chế biến Ti kim loại: Công nghệ cao chế biến sâu này được đưa vào sản xuất năm 1948 theo quy trình Kroll: Clorua hoá nguyên liệu titan để thu nhận TiCl4 à Hoàn nguyên TiCl4 bằng Mg để nhận được titan xốp  à Nấu chảy titan xốp nhận được titan thỏi. Khoảng 5% quặng titan dùng để sản xuất titan kim loại. Titan kim loại chủ yếu sử dụng ở những nước phát triển trong công nghiệp tên lửa, hàng không, vũ trụ... với khối lượng tiêu thụ còn chưa nhiều. Sản xuất titan kèm theo phải sản xuất Mg. Công nghệ sản xuất titan kim loại đòi hỏi thiết bị hiện đại công nghệ cao, chi phí điện năng rất lớn: 2,5 MegaWh/tấn titan, vì vậy chỉ thích hợp với các nước phát triển cao. Sản xuất titan kim loại thực tế phải là Liên hợp sản xuất Ti–Mg.

        Theo quy định của Thủ tướng chính phủ, cấp phép khai thác sa khoáng Titan phải đồng bộ với xây dựng nhà máy chế biến sâu. Thực tế lại khác, ví dụ ở Bình Định cùng lúc có 4 cơ sở chế biến Titan dẫn đến thừa công suất, còn ở Bình Thuận có 16 đơn vị khai thác Titan đăng ký xây dựng nhà máy chế biến sâu, nhưng đến nay mới chỉ có một nhà máy nghiền zircon mịn đi vào hoạt động, thể hiện sự thiếu đồng bộ trong khai thác và chế biến, dẫn đến hiện tượng quặng khai thác qua tuyển thô, tuyển tinh rồi đưa đi xuất khẩu, hoặc bán cho các tỉnh khác.

        4. Tác động của khai thác, chế biến quặng Titan đến môi trường

        Bất kỳ hoạt động phát triển nào cũng có tác động đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội. Khai thác và chế biến quặng sa khoáng Titan trong cồn cát ven biển cũng không phải là ngoại lệ, đã và đang để lại nhiều tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội, cảnh quan ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp, làm suy giảm các tài nguyên khác và gây bức xúc trong cộng đồng [5,6].

        1) Sự thay đổi địa hình cồn cát: Trong quá trình khai thác sa khoáng Titan, bề mặt địa hình cồn cát và trật tự địa tầng của các lớp cát hoàn toàn bị xáo trộn và thay đổi hẳn so với ban đầu. Trên bề mặt địa hình ổn định đã hình thành những hố tròn, trũng, sâu 5 - 10m, hoặc 20m, đồng thời xuất hiện những đụn cát mới có độ cao khoảng 6 - 10m so với mặt bằng xung quanh, cấu thành từ những vật liệu cát tơi xốp, luôn di động do gió.

        2) Thảm thực vật và rừng phòng hộ bị tàn phá: Để khai thác Titan phải phá bỏ hệ thống rừng phòng hộ và thảm thực vật ở bên trên, nhưng hoàn phục lại không dễ dàng vì cát hoàn thổ thiếu dinh dưỡng, thiếu nước. Khi mất các hệ thống rừng phòng hộ này, người dân phải đối diện trực tiếp với các trận cát bay, cát chảy gây ô nhiễm môi trường và xâm lấn đất sản xuất, gây nhiều bức xúc cho cộng đồng dân cư.

        3) Hoang mạc hóa có điều kiện phát triển: Theo quan niệm của tổ chức Khí tượng thế giới (1994), hoang mạc hóa biểu thị sự tăng cường khô hạn, thiếu ẩm, tích đọng muối trong đất, giảm độ phì của đất, giảm độ che phủ thực vật, thay đổi giống loài và mở rộng các bãi cát, hoặc sự xâm lấn của các cồn cát di động. Với quan niệm đó thì có thể xếp hoang mạc ở dải cồn cát miền Trung vào loại hoang mạc ven biển, nóng, nửa cây bụi. Do tác động của con người ngày càng mạnh nên độ che phủ của thảm cây cỏ chịu hạn trên cồn cát ngày càng giảm đi rõ rệt và quá trình hoang mạc hóa phát triển là nguy cơ hiện hữu và trở thành hiểm họa. Đây thực sự là vấn đề bức xúc đối với cộng đồng ven biển [5,6].

        4) Nguy cơ xói lở bờ biển: Hoạt động khai thác Titan có nơi chỉ cách mép nước biển khoảng 80 - 100m, do vậy nguy cơ xói lở bờ biển là rất lớn, điều đó có thể thành hiện thực khi có bão lớn, triều cường, hoặc mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại các khu vực khai thác Titan đã xuất hiện các hiện tượng địa chất động lực ven biển như biến dạng đường bờ biển, sạt lở bờ moong, cát bay, cát chảy…

        5) Suy giảm nguồn nước ngầm: Nước mưa là nguồn cấp nước gần như duy nhất cho cồn cát, do vậy lượng nước ngầm trong cồn cát là hữu hạn, nhưng đây lại là nguồn cấp nước chủ yếu cho cư dân sống ở vùng cát và canh tác nông nghiệp ở ven rìa phía Tây cồn cát. Hoạt động khai thác, tuyển rửa quặng Titan sử dụng nhiều nước, khả năng mất nước do bốc hơi từ các khai trường rất lớn, vì vậy mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, đặc biệt vào mùa khô, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dùng nước của cồn cát. Đã có lúc một công ty khai thác quặng Titan ở sát bờ biển lén lắp đặt các ống hút sử dụng nước biển để tuyển quặng dẫn đến nguy cơ gây nhiễm mặn nguồn nước ngầm trong cồn cát.

        6) Phát tán các chất phóng xạ: Quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến quặng Titan làm phát tán các chất phóng xạ, rất có hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả đo xạ tại khu vực khai thác và chế biến quặng Titan ở Bình Định và Bình Thuận cho thấy cường độ phóng xạ ở đống quặng tuyển ướt khá cao, đặc biệt trong xưởng tuyển tinh, các sản phẩm sau tuyển tinh, đống cát thải ra môi trường sau tuyển quặng tinh đều rất cao, vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ, (tại Bình Thuận vượt 6 – 15 lần, tại Bình Định vượt 4 - 70 lần; nơi để tinh quặng Monazit vượt 100 lần), đặc biệt liều chiếu trong gây nguy cơ ung thư phổi cho người bị nhiễm xạ [1,6].

        7) Hoàn thổ phục hồi môi trường mang tính đối phó: Căn cứ theo Luật khoáng sản và giấy phép khai thác Titan, thì sau thời gian khai thác mỏ phải tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, trả lại thảm thực vật. Công việc này đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí và công sức, nên các công ty khai thác Titan thường thực hiện một cách sơ sài, mang tính đối phó. Một số công ty khai thác Titan đã san ủi mặt bằng, trồng lại rừng phi lao, nhưng nhìn chung diện tích cồn cát sau khai thác Titan còn để trống trọc chiếm phần lớn. Đó là nguy cơ dẫn đến hoang mạc hoá, hạ thấp mực nước ngầm trong cồn cát ven biển [5,6].

        8) Mâu thuẫn xã hội: Mâu thuẫn xã hội nảy sinh do khai thác Titan trong cồn cát là tất yếu, cũng là thực tế, vì sự chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan chưa được minh bạch và công bằng. Vì vậy, đôi khi người dân vùng có khai thác Titan đã tổ chức biểu tình, ngăn cản hoạt động khai thác, thậm chí kéo nhau đập phá thiết bị của công ty khai thác Titan như đã từng xảy ra ở Bình Định. Tại Bình Thuận cũng vậy, khai thác Titan gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, tác động xấu đến môi trường, các vụ khiếu nại, khiếu kiện thường xuyên xảy ra.

        5. Vấn đề bức xúc trong khai thác và chế biến quặng Titan

          * Kỳ vọng và lo lắng khi khai thác quặng Titan trong cồn cát đỏ

            Theo kết quả đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng Ti-Zr trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa- Vũng Tàu ” do Bộ TN&MT tiến hành 2009-2010: Tài nguyên dự tính sa khoáng Ti-Zr cấp 333 là 347,77 triệu tấn. Tài nguyên dự báo sa khoáng Ti-Zr cấp 334a là 210,17 triệu tấn. Tổng tài nguyên Ti-Zr cấp 333+334a là 557,94 triệu tấn, tức là gấp 2,8 lần so với mục tiêu đề ra. Kết quả này thực kỳ diệu, thật đáng mừng vì nó mở ra một triển vọng làm giàu cho đất nước nói chung và cho các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận nói riêng.

            Tuy nhiên, căn cứ vào những số liệu trong báo cáo đề án [4,10], thì có cơ sở để lo lắng rằng khối lượng tài nguyên dự báo đó không phù hợp thực tế khách quan bởi lẽ: (i) Hàm lượng biên tổng khoáng vật nặng có ích dùng để tính trữ lượng tài nguyên là 0,3% (tương đương 9kg/m3 là rất thấp); (ii) Hàm lượng trung bình tổng khoáng vật nặng có ích trong các khối địa chất tính trữ lượng là 0,45% (tương đương 13kg/m3, chứng tỏ đó là quặng nghèo). Cần nhớ rằng, hàm lượng trung bình của riêng nguyên tố Ti trong vỏ Trái đất đã là 0,45%); (iii) Hàm lượng trung bình tổng khoáng vật nặng có ích trong từng thân quặng dao động từ thấp nhất 0,45% đến cao nhất 0,81% (tương đương 13- 24kg/m3 chứng tỏ không có quặng giàu); (iv) Chiều dày lớp kẹp tối đa tham gia tính tài nguyên là 2,5m, chứng tỏ khối lượng cát không quặng chiếm tỷ lệ cao trong thể tích của khối địa chất tính tài nguyên; (v) Chiều dày thân quặng trong tầng cát đỏ dao động 30-200m, cho thấy quặng ở đây phân bố rất sâu, lại nằm ven bờ biển, nên khi khai thác sẽ gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ mỏ và giá thành sản phẩm quặng sẽ không có tính cạnh tranh. Vì vậy, ở đây cần thăm dò đánh giá trữ lượng chính xác hơn, cần tính toán chi phí-lợi ích mở rộng, hiệu quả kinh tế, hậu quả môi trường, nhất là quá trình sa mạc hóa trong điều kiện khí hậu khô nóng của vùng và cuối cùng là lựa chọn sự đánh đổi giữa khai thác Titan và phát triển các ngành kinh tế khác [6].

              * Không tương thích giữa yêu cầu chế biến sâu quặng Titan và thuế xuất khẩu

                Quặng Titan chế biến càng sâu, thì giá trị càng cao, nhất là các đơn khoáng. Giá thương mại tại thị trường Luân Đôn đối với sản phẩm Titan: Inmenit FeTiO3 ( ≥ 51,5%TiO2) là  120 USD/tấn năm 2010; Rutin TiO2( 88 – 90%TiO2) là 300 USD/tấn, năm 2007; Zircon ( ≥ 65%ZrO2) là 1000 USD/tấn vào năm 2010. Sản phẩm chế biến sâu thì giá xuất khẩu càng cao. Inmenit 51,5%TiO2 giá xuất khẩu chỉ là 120 USD/tấn; chế biến xỉ Titan thì giá sản phẩm tăng khoảng 2,5 lần; sản xuất được Pigment thì tăng khoảng 10 lần; sản xuất được Titan kim loại thì gấp 80 lần.

                Như vậy, khai thác và xuất khẩu quặng thô, thì giá bán quặng rất thấp và nguồn thu của nhà nước không tương xứng với giá trị của tài nguyên. Theo Luật khoáng sản, Nhà nước chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản dạng thô, khuyến khích chế biến sâu, nhưng trên thực tế lại có sự mâu thuẫn với khung thuế xuất: Quặng tinh xuất khẩu chịu mức thuế (20%), còn sản phẩm qua chế biến sâu thì chịu thuế xuất khẩu lại là 18%. Kết quả tính toán của Sở Công thương tỉnh Bình Định 10/2009 cho thấy với mức thuế 18%, xuất khẩu sản phẩm qua chế biến sâu sẽ bị lỗ; Chỉ với mức thuế xuất khẩu < 5% thì mới có lãi. Vì vậy các doanh nghiệp ngại chế biến sâu do phải đầu tư lớn, mà không thu được lợi. Đó chính là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản, cần được khắc phục.

                  * Nguy cơ về “Lời nguyền tài nguyên hay Cái bẫy tài nguyên”

                    Là nước có tiềm năng khoáng sản đa dạng, nhưng với hiện trạng khai thác và chế biến khoáng sản, bao gồm cả quặng Titan trong thời gian qua có thể đẩy Việt Nam rơi vào “Lời nguyền tài nguyên hay Cái bẫy tài nguyên” mà nhiều quốc gia giàu tài nguyên ở Châu Phi đã mắc phải. Cái bẫy tài nguyên (CBTN) là hiện tượng các nền kinh tế giàu tài nguyên thiên nhiên có xu hướng phát triển chậm hơn những nền kinh tế không có các tài nguyên thiên nhiên đáng kể. Trên thế giới có nhiều quốc gia đã rơi vào CBTN như Nigeria, Angola, Hà Lan… là do mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, do nền quản trị yếu kém và lạc hậu về khoa học công nghệ [4]. Ngược lại, có một số quốc gia đã tránh được CBTN bằng những chính sách, chế tài hợp lý và nền quản trị chặt chẽ, điển hình ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia. Liệu Việt Nam sẽ rơi vào CBTN như Nigeria, hay tránh được CBTN như Indonesia ? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào vấn đề quản lý. Một nền quản lý chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong khai thác, chế biến khoáng sản là một trong những mắt xích quan trọng nhằm giúp Việt Nam tránh được CBTN [4].

                    6. Hướng tới bền vững trong khai thác và chế biến khoáng sản

                      * Để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau

                        Vùng ven biển miền Trung là khu vực tranh chấp trong sử dụng tài nguyên và môi trường, nhiều hoạt động phát triển được tiến hành đồng thời trên cùng một không gian lãnh thổ. Vì vậy cần so sánh hiệu quả kinh tế và môi trường của các phương án quy hoạch, để lựa chọn quy hoạch ngành kinh tế ưu tiên phát triển, đem lại hiệu quả cao trong một khoảng thời gian nhất định. Không nhất thiết cứ phải ngay hôm nay khai thác hết quặng Titan trong dải cồn cát ven biển. Đối với khai thác quặng Titan ven biển phải là sự lựa chọn khôn ngoan, thực chất đây là một sự đánh đổi chọn lọc giữa các ngành kinh tế như phát triển du lịch thể thao, giải trí nghỉ dưỡng, nuôi thủy sản, kinh tế biển v.v.. và khai thác quặng Titan, sự đánh đổi giữa kinh tế hôm nay và môi trường trong tương lai.

                        Mặt khác, nhu cầu sử dụng Titan ở nước ta chưa thực sự lớn, thân quặng Titan có nơi (Bình Thuận) đến độ sâu gần 200m, nên việc khai thác rất khó khăn, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sinh thái, an sinh xã hội đối với cộng đồng cư dân ven biển. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, làm kinh tế biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ lâu đã trở thành thế mạnh của vùng ven biển. Để dành lại nguồn tài nguyên quặng Titan trong cồn cát ven biển là trách nhiệm của thế hệ đương thời cho các thế hệ mai sau. Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo, càng để lâu trong lòng đất càng có giá trị. Đó cũng là kế sách để lưu giữ tài nguyên cho phát triển bền vững đất nước. Lưu ý rằng ngày nay một số quốc gia không nghèo tài nguyên khoáng sản như Mỹ, Trung Quốc, nhưng họ tích cực thu gom khoáng sản của thế giới về “lưu kho” để sử dụng khi cần trong tương lai [6,7].

                        *Tham gia sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng

                        Minh bạch là chủ trương quan trọng ở Việt Nam, liên tục được nhắc đến trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, các văn bản pháp luật Việt Nam và trong các cam kết quốc tế. Để tránh nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài nguyên trong khai thác, chế biến khoáng sản cần có quy chế bắt buộc minh bạch về tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, trên thế giới có nhiều sáng kiến cũng như cách tiếp cận quản lý tài nguyên khoáng sản bền vững ở cấp độ toàn cầu như: Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI - Extractive Industries Transparency Initiative), Chiến dịch Công bố các khoản chi trả (PWYP)... Trong những năm qua, EITI đã được giới thiệu trong các cuộc hội thảo về khoáng sản ở Việt Nam.

                        EITI là một liên minh giữa Chính phủ, công ty và các tổ chức xã hội dân sự với mục tiêu nổ lực để tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. EITI hướng đến tăng cường khả năng quản trị thông qua nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng. EITI được Thủ tướng Anh Tony Blair giới thiệu và đề xuất tại hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững ở Johannesburg tháng 10/2002. Đến nay đã có 31 nước tham gia thực thi EITI, trong các nước ASEAN có Indonesia; Đã có 41 công ty dầu mỏ, khai khoáng đa quốc gia cùng 80 tổ chức đầu tư quốc tế tham gia EITI. Cùng với đó là hơn 100 tổ chức xã hội dân sự và các mạng lưới cũng đã gia nhập sáng kiến này [4].

                        Lợi ích từ việc tham gia sáng kiến EITI: (i) Đối với Nhà nước là tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài chính; Giảm thiểu xung đột giữa các bên và tạo dựng lòng tin của dân chúng, của nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm nguồn vốn đầu tư; Tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần; Tăng chỉ số tín nhiệm quốc gia về minh bạch; Phòng và chống tham nhũng hiệu quả hơn. (ii) Đối với doanh nghiệp: Hạn chế các khoản chi không chính thức, dẫn đến nâng cao lợi nhuận; Giảm thiểu xung đột với cộng đồng, địa phương; Nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp. (iii) Đối với cộng đồng đó là có thêm thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và chính phủ; Tạo điều kiện tăng cường sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong hoạt động khoáng sản.

                        Dễ nhận thấy rằng hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam chưa minh bạch, thể hiện trong việc cấp giấy phép, khoanh diện tích mỏ, thiết kế mỏ, mức độ chế biến sâu, khai báo sản lượng, nộp thuế và phí v.v.. Việc tham gia EITI có vai trò quan trọng, giúp cho ngành khai khoáng Việt Nam tránh được những nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài nguyên trong khai thác, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, góp phần thúc đẩy ngành khai khoáng Việt Nam nói chung và khai thác Titan nói riêng phát triển bền vững.


                        Ths. Đặng Trung Tú
                        Ban Tổng hợp - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường


                        Tài liệu tham khảo

                        1. Nguyễn Ngọc Anh, (2008). Trường phóng xạ trên cồn cát ven biển tỉnh Bình Định và nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do khai thác, chế biến khoáng sản Inmenit. Hội Địa Hóa Việt Nam.

                        2. Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Hội thảo Khoa học. Quảng Ninh, 2012.

                        3. Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng Ti-Zr trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa- Vũng Tàu ”. Bộ TN&MT, 2009.

                        4. Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản EITI. Viện Tư vấn phát triển CODE, 2011.

                        9.  Tóm tắt báo cáo Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng Ti-Zr trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa- Vũng Tàu. Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, 2010.

                        5. Đặng Trung Thuận và nnk, (2008). Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ thân thiện môi trường để khai thác quặng Inmenit (Ti) trong cồn cát ven biển huyện Phù Mỹ. Báo cáo Tổng hợp dự án.

                        6. Đặng Trung Thuận và nnk (2011). Khai thác, chế biến quặng Titan trong cồn cát ven biển và vấn đề môi trường liên quan. Hội thảo khoa học. Bình Thuận.

                        7. Đặng Trung Thuận và nnk (2012). Thực trạng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong bối cảnh PTBV ở Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật.

                        8. Nguyễn Văn Thuấn, Trần Văn Thảo (2008), “Tiềm năng sa khoáng Titan – Zircon công nghiệp trong tầng cát đỏ thuộc hệ tầng Phan Thiết ở dải ven biển Nam Trung Bộ”, Tạp chí Địa chất (308), Tr. 18-24.

                        Newer articles

                        Older articles

                        You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second