Kinh tế học đang khủng hoảng: Đã đến lúc đại tu

Thursday - 30/07/2009 21:51
Khẳng định rằng nghiên cứu kinh tế vĩ mô đang gặp vấn đề nghiêm trọng, ông Paul De Grauwe, giáo sư kinh tế học của trường Đại học Leuven và Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, cho rằng cần một cuộc đại tu căn bản trong lĩnh vực này.
 
Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài phân tích của ông trên tờ Thời báo Tài chính của Anh (Financial Times) số ra ngày 21/7.

Vấn đề nghiêm trọng

Không còn nghi ngờ gì nữa, nghiên cứu kinh tế vĩ mô đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Các chuyên gia giỏi nhất và thông thái nhất giờ đang bất đồng chính kiến về những vấn đề cơ bản nhất. Họ chia làm hai phe.

Liên quan đến thâm hụt chi tiêu công, hiện đã vượt quá 10% GDP ở các nước như Anh và Mỹ, một phe quả quyết rằng nếu không tích lũy thật nhanh thì mức thâm hụt khồng lồ này sẽ kéo lãi suất tiết kiệm tăng cao và ngăn cản đầu tư tư nhân. Như vậy, thay vì kích thích kinh tế, thâm hụt ngân sách cao sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái mới đi kèm với lạm phát phi mã. Phe kia lại cho rằng phân tích như vậy không đúng. Theo họ, không hề có nguy cơ lạm phát. Thâm hụt cao là cần thiết để tránh thiểu phát. Một chính sách khẩn cấp nhằm giảm thâm hụt sẽ chỉ càng làm tăng thiểu phát và dẫn tới một cuộc suy thoái mới nghiêm trọng hơn.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, một bên cảnh báo việc tạo ra một lượng tiền lớn trong lưu thông là con đường ngắn nhất dẫn tới siêu lạm phát, và khuyên các ngân hàng trung ương các nước chuẩn bị một “chiến lược tẩu thoát”. Trong khi đó, bên kia cho rằng lập luận này chẳng có nghĩa lý gì. Theo họ, việc đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông chỉ phản ánh thực tế là các ngân hàng đang tích trữ vốn nhằm cải thiện sổ quyết toán của mình. Họ ngồi trên lượng tiền mặt khổng lồ này nhưng không dùng nó để tăng tín dụng. Một khi kinh tế “bật dậy”, các ngân hàng trung ương có thể rút tiền mặt khỏi lưu thông nhanh như họ đã “tiêm” nó vào thị trường vậy. Nguy cơ lạm phát bằng 0.

Cả hai phe nói trên đều có sự góp mặt của nhiều nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel. Các nhân vật chính không do dự tố cáo phe đối phương là thiếu hiểu biết hoặc mất niềm tin. Chưa bao giờ xảy ra sự đối đầu tương tự.

Chuyện gì vậy?

Phải chăng đều đó có nghĩa là các chuyên gia kinh tế đang bất đồng nhau quá nhiều? Đúng vậy. Lấy ví dụ vấn đề thâm hụt chi tiêu công chẳng hạn. Nếu bạn muốn dự báo lãi suất dài hạn và nghe theo phe thứ nhất, bạn sẽ bán trái phiếu chính phủ dài hạn vì lo sợ lạm phát tăng. Và như vậy giá trái phiếu sẽ tăng, kéo theo lãi suất cũng tăng. Chính bạn đã biến nỗi lo ngại của phe này thành hiện thực. Nhưng ngược lại, nếu bạn tin vào lập luận của phe thứ hai, bạn sẽ muốn mua trái phiếu chính phủ dài hạn, nhờ vậy chính phủ chi tiêu mà không làm tăng lãi suất, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu vực dậy kinh tế mà phe thứ hai đã tiên đoán là sẽ đạt được nhờ thâm hụt chi tiêu công ở mức cao.

Hầu hết mọi người đều không chắc phe nào đúng. Họ do dự. Một ngày, khi các trồi xanh bất ngờ xuất hiện ở đây đó (tức là khi le lói những ánh sáng cuối đường hầm suy thoái kinh tế), họ tin vào lời cảnh báo lạm phát. Nhưng ngày tiếp theo, khi các trồi này biến sang màu nâu, họ lại tin vào câu chuyện của phe kia. Sự không thống nhất giữa các chuyên gia kinh tế đang nhổ bật chỗ nương tựa trí thức mà những người tham gia thị trường cần để làm sáng tỏ các sự kiện và dự báo tương lai, và khiến thị trường trở nên bếp bênh hơn.

Nguy hiểm hơn, cuộc xung đột này đặt ra vấn đề không chỉ với những người tham gia thị trường mà cả các nhà hoạch định chính sách. Hai phe chuyên gia kinh tế đưa ra những đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau về tác động của mức tăng 1% của thâm hụt chi tiêu công thường xuyên tới GDP thực tế của Mỹ trong 4 năm tới. Theo phe thứ nhất, gồm những người ủng hộ David Ricardo (nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn người Anh, người cổ vũ cho thương mại tự do dựa trên lý luận với lợi thế so sánh), cấp số nhân sẽ tiến gần tới O hơn là tới 1, tức là 1% tăng chi tiêu công sẽ sản sinh ra ít hơn 1% tăng GDP, dẫn đến thu từ thuế cũng tăng rất ít. Như vậy, thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng và trở nên không thể cứu vãn.

Ngược lại, phe thứ hai, gồm những người theo trường phái của John Maynard Keynes (nhà kinh tế học người Anh ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, theo đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ để giảm ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra), thì dự báo rằng tăng 1% chi tiêu công sẽ giúp tăng GDP theo cấp số nhân nhiều hơn 1% mỗi năm cho đến năm 2012. Điều này chính là cơ sở cho các kỳ vọng của chính phủ, bởi tác động của cấp số nhân này sẽ dẫn tới tăng thu nhập từ thuế, từ đó làm giảm thâm hụt ngân sách.

Trước những bất đồng lớn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách cũng không thể chắc chắn và trở nên dao động giữa các ý kiến. Một vài nước, như Mỹ và Pháp, đang dốc toàn lực áp dụng phương sách của Keynes; trong khi các nước khác, như Đức, thì tin vào Ricardo hơn. Sự lộn xộn trong phân tích đã giải thích tại sao các nhà hoạch định chính sách phản ứng theo những các khác nhau trước cùng một cuộc khủng hoảng và tại sao họ khó phối hợp hành động.

Vậy làm thế nào giải quyết cuộc khủng hoảng trong giới kinh tế vĩ mô này?


Cần có một cuộc đại tu căn bản xuất phát từ một số thiếu sót đã được nhìn thấy rõ. Trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, hầu hết các nhà kinh tế vĩ mô đều không thấy rằng các thị trường hữu hiệu có thể tự bảo vệ mình. Họ đã không hề áy náy khi đẩy các thị trường tài chính và lĩnh vực ngân hàng đi theo các mô hình của họ. Đây là sai lầm lớn nhất.

Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng hơn, và sẽ khó giải quyết hơn. Đó là những biến hóa của các mô hình kinh tế vĩ mô. Các mô hình chính cho rằng các tác nhân kinh tế hiểu rõ mọi biến đổi khó lường của thế giới. Nói theo từ chuyên môn là họ có những “niềm tin lý trí”. Nhưng hơn thế, khi họ đều hiểu cùng một “sự thật”, họ sẽ hành động theo cùng một cách. Tức là tất cả làm theo mô hình hành động của một tác nhân (người tiêu dùng “điển hình” và người sản xuất “điển hình”) đã tạo ra những phức tạp của thế giới.

Chúng ta cần một nghiên cứu mới của các chuyên gia kinh tế vĩ mô. Một nghiên cứu bắt đầu từ giả định rằng các cá nhân có những giới hạn lớn về nhận thức, rằng họ không hiểu nhiều về các biến động của thế giới mà họ đang sống. Sự thiếu hiểu biết này tạo ra những niềm tin thiên lệch và các hành động tập thể không thỏa đáng khi các tác nhân đánh giá thấp nguy cơ, hậu quả là sự thất vọng tập thể. Các hành động tập thể này biến các nguy cơ không tương quan với nhau thành có tương quan. Điều mà Keynes gọi là các “linh hồn thú vật” là những lực lượng cơ bản dẫn tới các biến động kinh tế vĩ mô.

Sai lầm cơ bản của các hệ thống kinh tế vĩ mô hiện đại là niềm tin rằng kinh tế đơn giản là sự tổng hợp của các quyết định kinh tế vi mô của các tác nhân lý trí. Nhưng kinh tế không chỉ có vậy. Sự tương tác của các quyết định này tạo ra các hành động tập thể không nhìn thấy được ở cấp vi mô.

Xin nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Isaac Newton, các chuyên gia kinh tế vĩ mô có thể tính toán các vận động của một tác nhân lý trí đơn lẻ, chứ không phải sự điên cuồng của một đám đông. Nhưng nếu ngành nghiên cứu kinh tế vĩ mô muốn khẳng định vai trò của mình, thì các chuyên gia trong ngành này phải tính đến nỗi lo lắng và phản ứng điên rồ của đám đông. Sẽ là khó nhưng không thể không cố gắng.



      Quốc Thái (Theo FT.com)

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second