Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong bảo vệ môi trường và việc áp dụng ở Việt Nam

Wednesday - 09/12/2009 08:49
Tổng cục Môi trường hiện nay đang tích cực xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thu hồi, xử lý sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ.
Đây là hoạt động hướng dẫn thực hiện Điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường 2005, theo đó chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi một số loại hình sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, gồm: (i) nguồn phóng xạ; (ii) pin, ắc quy; (iii) thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; (iv) dầu nhớt, mỡ bôi trơn, bao bì khó phân huỷ trong tự nhiên; (v) sản phẩm thuốc, hoá chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản; thuốc chữa bệnh cho người; (vi) phương tiện giao thông; (vii) săm, lốp và; (viii) các loại khác.

Về thực chất, đây là cơ chế mở rộng (hay tăng cường) trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR hoặc còn gọi là Product Stewardship) đã và đang được áp dụng tích cực trong quản lý môi trường ở nhiều nước trên thế giới. EPR là giải pháp lồng ghép các chi phí về môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm vào giá thành của sản phẩm (OECD 1999), thông qua việc bắt buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý các sản phẩm sau khi thải bỏ.

EPR trên thế giới

Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đều đã có những luật, pháp lệnh, quy định về EPR cho các loại hình chất thải như chất thải bao bì, chất thải điện, điện tử, chất thải pin, ắc-quy, phương tiện giao thông cũ sau sử dụng, v.v... Nhà nước quy định nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, xử lý các sản phẩm này bị thải bỏ sau khi sử dụng. Hoạt động này thường được các công ty, tập đoàn, do chính các nhà sản xuất tự thành lập, đứng ra thu gom, vận chuyển và xử lý (như DSD ở Đức, Elretur ở Na Uy, El-Kretsen AB ở Thụy Điển, v.v...). Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ phải nộp chi phí thu gom, tái chế. Do các sản phẩm áp dụng EPR phần lớn là những sản phẩm sau khi thải bỏ đều có tính nguy hại cho nên các cơ sở xử lý phải là những cơ sở được nhà nước cấp phép (như Na Uy, Đức, Nhật Bản) và chịu sự giám sát chặt chẽ để không gây ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy thông hoạt việc áp dụng cơ chế EPR, các nước cũng thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp tái chế, tạo ra công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thực trạng thu hồi sản phẩm thải bỏ sau sử dụng ở Việt Nam

Trên thực tế, mặc dù chưa áp dụng EPR, song việc thu gom một số loại sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, như đồ điện gia dụng, ắc-quy, ... đã được thực hiện tốt, hầu như không có các loại chất thải này bị thải ra môi trường. Đó là do các loại chất thải này đều được hệ thống những người thu mua đồng nát thu gom, vận chuyển về các làng nghề để tái chế. Hệ thống này hoạt động một cách tự phát và được duy trì trong suốt nhiều năm qua là bởi vì hoạt động tái chế thủ công ở các làng nghề hiện nay đang có lãi do không phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, hay nói cách khác, giá thành các sản phẩm từ hoạt động tái chế đang “ăn” vào giá môi trường. Cần lưu ý rằng hoạt động tái chế chất thải ở các làng nghề thủ công, với công nghệ thô sơ, lạc hậu, là một hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi mục tiêu cuối cùng của EPR là kiểm soát, đảm bảo việc xử lý các sản phẩm thải bỏ sau sử dụng đạt các yêu cầu về môi trường.

Vậy thì hệ thống thu gom và tái chế ắc-quy chì như hiện nay ở nước ta là tốt hay không tốt? Giả sử một chiếc ắc-quy chì thải ra nếu không bị thu gom, tái chế theo hệ thống tự phát như hiện nay, thì sẽ được thu gom, vận chuyển và chôn lấp như chất thải rắn thông thường ở bãi rác Nam Sơn (hay ở các bãi chôn lấp khác). Như vậy, mặc dù có thể gây ô nhiễm, song ít nhất thì cũng sẽ ít tác động hơn đến sức khoẻ con người, chưa kể là ở những bãi rác lớn, hợp vệ sinh, có hệ thống xử lý nước rỉ rác, thì sẽ hạn chế được rất nhiều tác động đến môi trường. Nếu chỉ nhìn từ góc độ thu gom sản phẩm ắc-quy hiện nay nhiều người cho rằng nước ta đã thực hiện EPR tốt đối với loại hình chất thải này, song sự thực không phải như vậy. Riêng đối với chất thải từ ắc-quy, thực tế là chúng ta đang chuyển ô nhiễm từ bãi rác về các làng nghề, một hành động “đánh bùn sang ao”, vô cùng nguy hiểm.

Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng cơ chế EPR ở nước ta

Để xây dựng một chính sách EPR thành công ở nước ta cần học tập mô hình phối kết hợp “mệnh lệnh-kiểm soát” và “cơ chế thị trường” của các nước châu Âu, thông qua mấy điểm sau:

Trước hết cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động tái chế, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường thông qua việc cấp giấp phép cho các cơ sở tái chế. Trước khi xây dựng chính sách EPR, vì vậy, cần phải khảo sát năng lực tái chế đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, cần tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Cần phải đề ra một lộ trình để các nhà sản xuất, các cơ sở tái chế có thể nâng cấp công nghệ, trang thiết bị để đáp ứng điều kiện được cấp phép. Sau khi đã có một số cơ sở đủ điều kiện thực hiện tái chế, lúc đó mới thực hiện áp dụng chính sách EPR. Tạo điều kiện, khuyến khích việc thành lập các công ty, các hiệp hội, tập đoàn lớn có công nghệ hiện đại, có cơ chế hoạt động hiệu quả, qui mô lớn để thu gom, xử lý các sản phẩm thải bỏ sau sử dụng.

Thứ hai, nhà sản xuất, nhập khẩu phải trả phí thu gom, tái chế. Khoản phí này phải đủ để đảm bảo hoạt động thu gom, vận chuyển và tái chế đạt các yêu cầu về môi trường và có lợi nhuận. Giả sử để thực hiện hoạt động thu gom, tái chế hiện nay, các cơ sở tái chế ở các làng nghề đang phải chịu các chi phí “a” và “b” đảm bảo biểu thức:

a  +   b   <  p

trong đó: a – chi phí thu gom, vận chuyển (trả cho người thu mua đồng nát); b – chi phí xử lý/tái chế của cơ sở tái chế ở làng nghề; p – giá bán của sản phẩm tái chế trên thị trường; p – (a+b) là lợi nhuận của cơ sở tái chế,

thì trong tương lai, khi áp dụng chính sách EPR, cần phải đảm bảo biểu thức:

a  +   b   +  c  <  p

trong đó: c – chi phí đầu tư xử lý chất thải để đảm bảo hoạt động tái chế đạt các yêu cầu của tiêu chuẩn môi trường.

Như vậy “c” phải đảm bảo:    c  ≤  0

Hay nói cách khác, để đảm bảo hoạt động tái chế vẫn có lợi nhuận, duy trì được toàn bộ hệ thống thì ít nhất, chi phí “c” cần phải được các công ty, nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp. Cần phải tính toán giữa mức chi phí (a+b+c) và giá thành “p” trên thị trường để đảm bảo một mức phí thu gom/tái chế hợp lý mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận cho cơ sở tái chế.

Việc nộp phí có thể được thực hiện thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, từ đó chuyển về cho các cơ sở tái chế được cấp phép. Mức phí cần phải được công bố công khai, càng sớm càng tốt, để các nhà sản xuất có kế hoạch, cũng như các cơ sở tái chế có thể tính toán, xây dựng lộ trình nâng cấp công nghệ, trang thiết bị đạt yêu cầu.

Thứ ba, cần tiếp tục duy trì hệ thống thu mua phế liệu hiện có, lấy các điểm thu mua đồng nát hiện nay làm các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ sau sử dụng. Trên thực tế khi đã đảm bảo là một hoạt động có lợi nhuận thì bản thân cơ chế EPR sẽ tự vận hành theo cơ chế thị trường, nhà nước chỉ cần đóng vai trò theo dõi, giám sát và khi đó sẽ đảm bảo nguyên tắc chất thải được coi là tài nguyên.

Nhà sản xuất, nhập khẩu cần thông báo trên nhãn hàng hóa của mình hệ thống địa điểm thu gom lại sản phẩm sau khi thải bỏ cho người tiêu dùng được biết. Cũng cần lưu ý rằng mặc dù các sản phẩm thải bỏ sau sử dụng phần lớn thuộc danh mục chất thải nguy hại, song đối với nhiều loại hình sản phẩm (như săm lốp, bao bì, pin, ắc-quy, đồ điện, điện tử, v.v...) thì bản thân việc vận chuyển chưa hẳn đã gây nguy hại đến môi trường. Do đó việc cấp phép vận chuyển các loại chất thải này cũng nên có cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu gom.

Thứ tư, đây là mô hình quản lý tương đối mới mẻ, không chỉ ở nước ta mà ngay cả trên thế giới. Vì vậy trước tiên nên tiến hành thử nghiệm cơ chế EPR và hệ thống thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng cho 1 loại sản phẩm quy định trong điều 67 Luật Bảo vệ môi trường, ví dụ ắc-quy chì, thực hiện qua một thời gian và rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chính sách cho các loại hình sản phẩm tiếp theo.

Cuối cùng, để đảm bảo xây dựng một chính sách khả thi, cần có sự tham gia đầy đủ các bên liên quan trong việc đàm phán trách nhiệm của các bên trong việc thu gom và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng. Việc thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý môi trường, chế tài xử phạt vi phạm cũng rất quan trọng để chinh sách được thành công.

 


Nguyễn Trung Thắng, Ban MT&PTBV

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second