Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất mô hình, quy trình lượng giá kinh tế thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra phù hợp với điều kiện Việt Nam

Sunday - 28/08/2011 14:53
Trong những năm vừa qua, ở nước ta cùng với sự tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm không khí ở các khu đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề ở khu vực nông thôn.

1. Giới thiệu

Trong những năm vừa qua, ở nước ta cùng với sự tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm không khí ở các khu đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề ở khu vực nông thôn. Thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường đã xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước, các phương tiện thông tin đại chúng đã cung cấp cho người dân những ví dụ điển hình của những thiệt hại đó, như “Làng ung thư” ở Thạch Sơn; “Thiệt hại của nông dân hạ lưu sông Thị Vải” kéo dài trong nhiều năm do nhà máy bột ngọt Vedan xả thải trực tiếp nguồn nước ô nhiễm ra sông; nhiều dòng sông cá chết hàng loạt do các doanh nghiệp xả thẳng nước thải vào nguồn nước sông không qua xử lý như sông Lam, sông thu Bồn, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai…, ở các bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp và tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và nguồn nước ngày càng gia tăng. Từ những thực tế đó, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để lượng giá được những thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra, quy trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt nNam để làm cơ sở cho hoạch định chính sách và giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội là đền bù thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Đây chính là những nội dung nghiên cứu đã được giải quyết về mặt lý luận và có vận dụng vào thực tiễn của đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất mô hình, quy trình lượng giá kinh tế thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để tập trung nghiên cứu sâu và lựa chọn thành phần môi trường bị ô nhiễm gây ra thiệt hại phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay ở Việt Nam, nghiên cứu chỉ tập trung vào hai thành phần chính là không khí và nguồn nước. Tuy nhiên trong khả năng cho phép, nghiên cứu tập trung chủ yếu vào mô hình, quy trình lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra thông qua điều tra nghiên cứu tại ba bệnh viện lớn ở Hà Nội.

 

2. Tiếp cận phương pháp lương giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước là hai loại ô nhiễm chính gây ra thiệt hại cho con người và các loài sinh vật, xét về bản chất các loại ô nhiễm này do các chất gây ô nhiễm có trong không khí như CO2, CO, SO2, NOx, bụi và có trong nguồn nước như các chất vô cơ, các chất hữu cơ,  đã vượt quá tiêu chuẩn quy định. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm do con người hoặc thiên nhiên, nhưng chủ yếu do hoạt động của con người xả chất thải vào không khí và nguồn nước từ hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải hay sinh hoạt.

Để lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí và nguồn nước, về nguyên tắc, chúng ta phải xác định được mức độ thiệt hại, số lượng tổn thất của đơn vị tính thiệt hại và chi phí bỏ ra cho một đơn vị tổn thất, thời điểm xảy ra thiệt hại. Thực tế trên thế giới và trong nước đã có những nghiên cứu lượng giá về thiệt hại do ô nhiễm không khí và nguồn nước gây ra của các cá nhân và tổ chức trong nước và trên thế giới. Chẳng hạn như phương pháp lượng giá môi trường, Ngân hàng thế giới (WB) có phương pháp tiếp cận thể hiện như sơ đồ 1.

Sơ đồ 1. Phân loại các phương pháp lượng giá môi trường

Nguồn: Ngân hàng thế giới

Trên cơ sở nghiên cứu nhiều cách tiếp cận khác nhau, để lựa chọn phương pháp và cách tiếp cận nào phù hợp nhất cho lượng giá thiệt hại gây ra do ô nhiễm và suy thoái môi trường, nghiên cứu đề tài đã chọn phương pháp lượng giá và cách tiếp cận của WHO và WB đã sử dụng là tiếp cận phương pháp lượng giá thiệt hại về sức khỏe và phương pháp xác định thiệt hại ngoài sức khỏe do ô nhiễm môi trường. Những cách tiếp cận này đã được nhiều nước áp dụng và đánh giá là phù hợp. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và các tổ chức trên thế giới, nghiên cứu của đề tài đã rút ra được bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Thông tin về giá trị kinh tế đem lại do việc giảm bớt thiệt hại do ô nhiễm không khí sẽ đặc biệt có ích cho các nhà hoạch định chính sách.

Thứ hai, Phương pháp chuyển giao lợi ích (benefits transfer) khá thuận tiện để ước lượng giá trị kinh tế của các chính sách đề xuất. Tuy nhiên, phương pháp này có một số tồn tại nhất định và cần phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.

Thứ ba, Có một số nhà nghiên cứu sử dụng hình thức biến thể của phương pháp chuyển giao giá trị để ước tính mức giảm tác động bất lợi sức khỏe nếu thực thi chính sách giảm ô nhiễm không khí, hay có thể gọi là phương pháp chuyển giao liều lượng - đáp ứng. Tuy nhiên cần phải rất cẩn trọng khi thực hiện phương pháp này.

Thứ tư, Việc sử dụng chỉ số VSL- lượng giá giá trị cuộc sống, thống kê – dựa trên các nghiên cứu tiền công hưởng thụ (hedonic wage) để lượng giá giá trị giảm tử vong sớm do cải thiện chất lượng môi trường không khí có thể làm nảy sinh các vấn đề quan trọng liên quan đến sự phù hợp của VSL với biện pháp chuyển giao lợi ích.

Thứ năm, Sử dụng cách tiếp cận WTP thuần túy để lượng giá mức độ cải thiện sức khỏe trẻ em sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn đặc trưng, và do đó đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khi lượng giá lợi ích của việc giảm nồng độ chì trong máu và giảm mắc bệnh tiêu chảy do môi trường nước bị nhiễm bẩn ở đối tượng trẻ em.

 

3. Kết quả đề xuất mô hình và quy trình lượng giá thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất quy trình tổng thể lượng giá thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường gây ra gồm có sáu bước thể hiện trên sơ đồ 2.

Sơ đồ 2. Quy trình tổng thể lượng giá thiệt hại do ONSTMT gây ra

 

Trên cơ sở quy trình tổng thể lượng giá thiệt hại kinh tế, cụ thể hóa cho quy trình lượng giá thiệt hại đối với loại hình ô nhiễm không khí, kết quả nghiên cứu đề tài đã đề xuất một quy trình thể hiện ở sơ đồ 3.

Sơ đồ3. Quy trình lượng giá chi tiết thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí gây ra

Về mô hình lượng giá thiệt hại do ô nhiễm, tích hợp các nghiên cứu đã có về mặt lý luận, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt nam cho từng loại hình ô nhiễm, mô hình đề xuất gồm:

- Đối với mô hình thiệt hại do ô nhiễm không khí được thể hiện thông qua công thức cơ bản sau:

- Đối với mô hình thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước gây ra, được xác định có hai loại thiệt hại là thiệt hại đối với sức khỏe con người và thiệt hại do giảm năng suất.

+ Đối với thiệt hại sức khỏe con người, quy trình xác định để đưa vào tính toán gồm 4 bước như sau:

Bước 1: Xác định, thu thập dữ liệu về số ca mắc, số trường hợp tử vong được tổng hợp từ Báo cáo thống kê bệnh viện qua các năm từ Bộ Y tế;

Bước 2: Xác định, thu thập thông tin chi phí cho mỗi ca bệnh và số ngày mắc bệnh (Dựa trên báo tổng hợp từ Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế);

Bước 3: Lập tỉ lệ người mắc bệnh theo 8 nhóm tuổi dựa trên ước tính của WHO cho Việt Nam.

Bước 4: Xác định chỉ số về môi trường như: yếu tố nguy cơ quy thuộc AF (tỉ lệ mắc bệnh do yếu tố môi trường) được ước lượng dựa trên tính toán của WHO cho Việt Nam năm 2002.

Trên cơ sở nguồn dữ liệu được thu thập, mô hình tính toán được xây dựng  dựa trên phân loại theo 3 nhóm tuổi gồm:

Nhóm 1: ngoài độ tuổi lao động (từ 0 - 4 và trên 60: 60 – 69, 70 – 79, 80+)

Nhóm 2: học sinh (từ 5 - 14)

Nhóm 3: trong độ tuổi lao động (15 – 29, 30 – 44, 45 - 59) )

Kết quả tính toán là sự tổng hợp về thiệt hại sức khỏe của 3 nhóm tuổi đã được xác định.

+ Đối với thiệt hại do giảm năng suất sản xuất, mô hình tính toán được xác định như sau:

Trong đó:

Pj: Giá trị thị trường của 1 tấn cây con bị giảm năng suất.

Sj: tổng diện tích của cây con bị giảm năng suất do ô nhiễm nước tính trong 1 năm.

NSLĐj­: Năng suất cây, con thứ j (tấn) trong vùng đối chứng (không bị ô nhiễm nước ).

NSj: Năng suất của cây, con j (tấn) trong vùng Sj bị ô nhiễm nước.

M: số loại  cây, con xét tới trong nghiên cứu.

T: Khoảng thời gian (năm) từ khi bắt đầu có ô nhiễm nước cho tới thời điểm nghiên cứu

 

4. Vận dụng quy trình và mô hình đề xuất cho thử nghiệm tính toán thiệt hại do ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Trên cơ sở thu thập số liệu tại ba bệnh viện ở Hà Nội, vận dụng quy trình tính toán và mô hình đề xuất, lựa chọn mô hình phù hợp, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tính toán lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí đã tính được như sau:

- Thử nghiệm đối với thiệt hại sức khỏe con người.

+ Lượng giá thiệt hại dựa trên kết quả hồi quy tuyến tính:

Bảng 1. Ước tính thiệt hại sử dụng hệ số anpha

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

+ Lượng giá thiệt hại dựa trên kết quả sử dụng hệ số bêta từ các nghiên cứu khác:

Bảng 2. Ước tính thiệt hại sử dụng hệ số bêta

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Như vậy, kết quả lượng giá cho thấy năm 2008, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại sức khoẻ ở Hà Nội khoảng 8,52% tổng giá trị sản phẩm thành phố nếu tính theo tiêu chuẩn của WHO và con số đó là 1,93% nếu tính theo tiêu chuẩn trong nước.

Có thể diễn giải theo cách khác, một giải pháp làm giảm nồng độ PM10 trong không khí đô thị Hà Nội xuống bằng mức QCVN 05:2009 thì đem lại lợi ích về sức khoẻ người dân trị giá khoảng 1,93% GDP thành phố, và nếu làm sạch không khí bằng mức WHO khuyến cáo, lợi ích đó lên tới 8,52% GDP thành phố.

- Thử nghiệm thiệt hại kinh tế do phát thải CO2 đối với các ngành sản xuất.

Trên cơ sở nghiên cứu và lựa chọn các ngành tiêu thụ nhiều nhiên liệu phát thải CO2 do tiêu thụ 3 loại nhiên liệu là than, khí đốt và dầu và việc đốt các nhiên liệu này là nguyên nhân tạo ra CO2, nhóm nghiên cứu đã  lựa chọn 9 ngành trong tổng số 34 ngành theo phân ngành kinh tế của Việt Nam có lượng sử dụng nhiên liệu khá lớn, việc tính toán được lượng CO2 của các ngành thải ra không khí dựa vào tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ và quy đổi đốt nhiên liệu gồm 1 tấn than tạo ra khoảng 2,6 tấn CO2; 1 tấn dầu tạo ra khoảng 2,7 tấn CO2 và 1 tấn khí đốt tạo ra khoảng 1,922 Kg CO2. Kết quả tính toán thể hiện ở bảng 3.

Bảng 3. Tổng lượng CO2 phát thải của các ngành sản xuất

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ kết quả tính toán

Nghiên cứu về mối tương quan với giá trị sản xuất tạo ra của từng ngành, chúng tôi nhận thấy mặc dù chiếm tới trên 90% lượng năng lượng tiêu thụ nhưng 9 ngành trên chỉ tạo ra 54% giá trị sản xuất trong tổng số 34 ngành được xem xét.

Sau khi đã tính được tổng khối lượng khí thải CO2 của các ngành sản xuất, ta có thể lượng giá thiệt hại do phát thải CO2 bằng cách sử dụng công thức sau đây:

Thiệt hại do phát thải CO2 = khối lượng phát thải carbon * thiệt hại trung bình do phát thải 1 tấn carbon

Theo ước lượng của Ngân hàng thế giới, khi 1 tấn carbon bị phát thải vào khí quyển, sẽ gây ra các thiệt hại cho nền kinh tế thế giới với mức trung bình khoảng 20 USD tính theo giá trị đồng đô la Mỹ năm 1995.

Với mức 20 USD năm 1995 này, chúng tôi ước tính tổng thiệt hại do 34 ngành sản xuất của Việt Nam tạo ra cho thế giới năm 2009 là:

109.538.519 tấn CO2 * 12/44 * 20 USD = 597,5 triệu USD.

 

5. Kết luận và kiến nghị

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài đã thực hiện, chúng tôi rút ra những kết luận cơ bản sau:

  1. Để xây dựng quy trình lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt nam, đòi hỏi cần phải tìm hiểu kinh nghiệm cuả các nước và các tổ chức trên thế giới, những nghiên cứu liên quan ở Việt nam đã thực hiện, từ những nghiên cứu đó, chúng tôi rút ra những điểm mạnh và những điểm hạn chế làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình phù hợp ở Việt Nam.
  2. Ô nhiễm môi trường gây ra thiệt hại chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước và không khí, chính vì vậy việc xây dựng quy trình lượng giá thiệt hại do ô nhiễm suy thoái gây ra cơ bản dựa trên hai loại ô nhiễm này là phù hợp.
  3. Để có số liệu đầu vào cũng như xác định được mức độ thiệt hại, nghiên cứu đã thu thập, điều tra, phân loại và xác định mức độ ô nhiễm hiện nay ở Việt nam, đặc biệt tại thành phố Hà Nội.
  4. Từ việc nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước, kết quả nghiên cứu đã rút ra được quy trình đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường ở Việt Nam. Từ quy trình đó vận dụng cho tính toán thiệt hại kinh tế do ô nhiễm gây ra đối với con người trên địa bàn thành phố Hà Nội thông qua điều tra tại ba bệnh viện.
  5. Để tính toán thiệt hại cho nền kinh tế, đề tài lựa chọn ô nhiễm không khí do phát thải CO2 của 34 ngành theo phân ngành kinh tế của Việt nam, căn cứ vào mức độ phát thải CO2 của các ngành, cơ sở dữ liệu thiệt hại của 1 tấn C02 đã được ngân hàng thế giới xác định thời điểm năm 1995, nghiên cứu của đề tài đã tính được tổng giá trị thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra của các ngành.

Từ những kết quả nghiên cứu đã đạt đươc, những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, chúng tôi có những kiến nghị như sau:

  1. Thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra là hết sức nghiêm trọng. Để tính toán được giá trị thiệt hại, vấn đề đầu tiên cần phải có các số liệu quan trắc chính xác. Hiện nay số liệu quan trắc ở Việt Nam còn thiếu và chưa phản ánh chính xác, cần hoàn thiện khâu này. Cần phải rà soát, xem xét lại hệ thống quan trắc ô nhiễm hiện nay trên toàn quốc, thực tế nhiều trạm đã đầu tư nhưng không hoạt động được, cần xem xét lại phân bố các trạm quan trắc.
  2. Liên quan đến thiệt hại ô nhiễm gây ra đối với con người, số liệu điều tra từ các bệnh viện là quan trọng nhất, chính vì vậy đối với các bệnh viện nên có thống kê riêng hàng năm những bệnh nhân điều trị mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước hoặc các bệnh liên quan đến các loại ô nhiễm này. Chi phí cho mỗi ca bệnh, thời gian điều trị, độ tuổi, số nguời phục vụ….
  3. Thiệt hại ngoài sức khoẻ con người liên quan đến ô nhiễm, cần có một hệ thống thống kê riêng của quốc gia, thuộc tổng cục thống kê hoặc giao cho Bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với tổng cục thống kê để tổng hợp số liệu thiệt hại vật chất hàng năm do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra. Tuy nhiên phương pháp thống kê và cách thức phân loại như thế nào cần phải có nghiên cứu và thống nhất giữa các ngành và địa phương để đảm bảo chính xác, không trùng và không thiếu.
  4. Vì mục tiêu của nghiên cứu chủ yếu tập trung xây dựng quy trình và nghiên cứu điển hình, vì vậy đối với quy trình đánh giá thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường gây ra, để đảm bảo độ chính xác và hoàn thiện hơn, cần được tiếp tục vận dụng đối với ô nhiễm nguồn nước và triển khai tính toán thiệt hại do ô nhiễm không khí ra nhiều địa phương khác trong cả nước.
  5. Hiện nay chúng ta đang chi 1% ngân sách hàng năm cho sự nghiệp môi trường, mức chi này so với thiệt hại do suy thoái và ô nhiễm môi trường gây ra nhiều hay ít, chúng ta vẫn chưa có cơ sở để so sánh. Chính vì vậy từ đề tài này, với kết qủa đã đạt được, cần tiếp tục triển khai tính toán tổng giá trị thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường hàng năm ở nước ta là hết sức cần thiết. Không chỉ thiệt hại theo ngành mà còn phải tính cả những thiệt hại ở các địa phương 64 tỉnh thành trong cả nước.

 

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1.  Báo cáo đánh giá ngành nước, ADB, 2009

2. Bộ TN&MT, Báo cáo môi trường quốc gia – Môi trường làng nghề.2008

3. Bộ TN&MT, Báo cáo môi trường quốc gia - Môi trường không khí đô thị Việt Nam, 2007

4. Bộ Y tế, Niên giám thống kê y tế, 2008

5. Cục Bảo vệ Môi trường, Báo cáo kết quả quan trắc và phân tích môi trường lục địa vùng II – miền Trung, 2006

6. CEETIA , Đề tài KC 08-09, 2007

7. Võ Thành Danh “Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm nước sông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ, 2010.

8. Phạm Ngọc Đăng, Báo cáo chuyên đề "Hiện trạng môi trường không khí, dự báo chất lượng không khí và quy hoạch bảo vệ môi trường không khí Hà Nội đến năm 2000", Báo cáo quy hoạch tổng thể môi trường Hà Nội giai đoạn 2001 - 2002, Hà Nội, 2002.

9. Phạm Ngọc Đăng (chủ nhiệm đề tài); Phạm Đức Nguyên; Đào Ngọc Phong; Ngô Thế Thi; Lê Văn Nãi; Ngô Huy ánh; Phạm Đình Hổ, Báo cáo khoa học “Nghiên cứu ô nhiễm môi trường khu Thượng đình Hà Nội".

10. Hồ sơ sức khỏe môi trường quốc gia,, Bộ Y tế, 2008

11. Lê Văn Nãi và các CTV. Đề tài mã số R.MT.2000-2003. Báo cáo tổng hợp “Điều tra,nghiên cứu, dự báo và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khi và tiếng ồn do giao thông đường bộ gây ra ở đô thị Hải Phòng”. CEETIA, Hà Nội, 5-2003.

12. Đào Ngọc Phong và cộng sự, Đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp Thượng đình Hà nội, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường- Hà Nội, 3/1994. 13

13. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, QCVN 24:   2009/BTNMT, Bộ TN&MT, 2009

14. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt, QCVN 14:2008/BTNMT, Bộ TN&MT, 2008

15. Thực trạng ô nhiễm không khí đô thị ở Việt Nam, 2010

16. Lê Quốc Tuấn,  Báo cáo khoa học môi trường với chủ đề “Ô nhiễm nước và hậu quả của nó”, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, 2009.19

17. Phạm Lê Tuấn, Báo cáo đề tài nghiên cứu cấp sở “Nghiên cứu thực trạng các bệnh tật của nhân dân nội thành Hà Nội có liên quan tới ô nhiễm không khí, các tổn thất về kinh tế - xã hội do các bệnh này gây nên và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phòng ngừa hạn chế tình trạng này”, 2006

18. Phạm Lê Tuấn, “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học hen phế quản trẻ em lứa tuổi học đường ở nội, ngoại thành Hà Nội. Đề xuất một số biện pháp dự phòng và quản lý kiểm soát”, 2003.

19. Tổng cục Môi trường và Viện Môi trường và Tài nguyên, Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường do hành vi gây ô nhiễm của Công ty Vedan và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải.

20. Nguyễn Khánh Tuyên, Báo cáo “Đánh giá thiệt hại sức khỏe do ô nhiễm không khí tại Hà Nội”, 2004.

21. WB, Báo cáo chi phí kinh tế do điều kiện vệ sinh và ô nhiễm nước, 2008.

Tài liệu tiếng Anh

1. Shanty Syahril et al, 2002. Study on Air Quality in Jakarta, Indonesia: Future Trends, Health Impacts, Economic Value and Policy Options,

2. The Centre for Health Economics, Faculty of Economics, Chulalongkorn University Bangkok, Thailand, 2001. Valuing health and economic cost of water pollution in Thailand,

3. World Bank, 2008. A five-country study conducted in Cambodia, Indonesia, Lao PDR, the Philippines and Vietnam under the Economics of Sanitation Initiative (ESI),

4. World Bank, Danida, MONRE, 2003. Vietnam environment monitor 2003 - Water,

5.  World Bank, 2007. Cost of pollution in China: economic estimates of physical demagesd.

6. WHO, 2002. Global burden of disease in 2002: date sourses, methods and results

7. WB & State Environment Protection Administration, China, China- Environmental Cost of Pollution. Estimating the Health Effects of Air Pollutants, Bart Ostro,1994

8. WHO Air quality guidelines for particulate matter, ozone, nitrogen dioxide and sulfur dioxide, WHO, 2005

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second