Nghiên cứu, tổng hợp kết quả điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách về tài nguyên khoáng sản và bảo tồn di sản địa chất

Saturday - 15/10/2011 15:07
Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, là nguyên liệu cho rất nhiều ngành kinh tế như sản xuất năng lượng, vật liệu xây dựng, các kim loại, các khoáng chất công nghiệp phục vụ công nghiệp và nông nghiệp.
Trên thế giới, một số nước và vùng lãnh thổ đã cạn kiệt tài nguyên khoáng sản như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Bỉ…, một số nước, vùng lãnh thổ nghèo tài nguyên khoáng sản như Singapo, Hồng Kông, Bangladesh đã phải chi khoản kinh phí rất lớn hàng năm để nhập khẩu khoáng sản. Trên các diễn đàn quốc tế bên cạnh thuật ngữ an ninh năng lượng và an ninh lương thực đã được sử dụng rộng rãi, thuật ngữ an ninh nguyên liệu khoáng bắt đầu xuất hiện. Các nhà kinh tế học trên thế giới cho rằng tài nguyên khoáng sản có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển nói chung và đặc biệt quan trọng cho các nước đang phát triển. Do đó, các quốc gia cần thực thi những chính sách hợp lý để quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo tồn di sản địa chất. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chung quan điểm cho rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên là lợi thế xuất phát điểm cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Do vậy, để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trước hết cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về địa chất - khoáng sản làm căn cứ cho việc định hướng các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Đó cũng là mục tiêu của  đề tài “Nghiên cứu, tổng hợp kết quả điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách về tài nguyên khoáng sản và bảo tồn di sản địa chất”.


1. Vai trò của việc điều tra cơ bản địa chất khoáng sản

Để góp phần đảm bảo “an ninh khoáng sản” cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng bền vững, việc điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác các loại khoáng sản của đất nước có một vai trò hết sức quan trọng. Từ những kết quả điều tra đó, chúng ta có thể hoạch định được những chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển có tính khả thi phục vụ cho khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản cho từng thời kỳ phát triển của đất nước.


2. Tổng quan về chính sách điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và di sản địa chất của một số nước trên thế giới.

2.1. Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo. Việc khai thác và sử dụng chúng đáp ứng các nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội cần phải xuất phát từ những đặc thù cơ bản của tài nguyên khoáng sản. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chung quan điểm cho rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên là lợi thế xuất phát điểm cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Do vậy, để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trước hết cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản làm căn cứ khoa học cho việc định hướng các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

Khoáng sản có tính đặc thù, là sự ưu đãi mà thiên nhiên chỉ dành cho một số quốc gia nhất định tùy theo điều kiện địa lý, địa chất. Vì thế, nên đạo luật về khoáng sản không phải quốc gia nào cũng có. Ở một số nước có tiềm năng khoáng sản dồi dào như Canađa, Úc, Philippin, Chilê, Trung Quốc..., pháp luật về khoáng sản rất hoàn thiện và được chú trọng. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý báu để các nhà làm luật Việt Nam tham khảo trên bước đường sửa đổi Luật Khoáng sản của mình.

a) Trung Quốc: Là quốc gia láng giềng với Việt Nam, pháp luật về khoáng sản của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu. Trước hết, lĩnh vực khai thác mỏ của Trung Quốc có sự can thiệp khá lớn của Nhà nước trong các hoạt động khai thác và thăm dò khoáng sản của các công ty Nhà nước. Nguyên nhân xuất phát từ pháp luật tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc quy định rằng, tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản đều thuộc về sở hữu nhà nước và sự thay đổi về quyền sở hữu đất trên đó có khoáng sản cũng không hề ảnh hưởng gì đến sự sở hữu khoáng sản vì chúng luôn thuộc về nhà nước.

Trong pháp luật về khoáng sản của Trung Quốc quyền khai thác cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, điều luật quy định rằng chủ giấy phép “có quyền tiến hành hoạt động thăm dò trong khu vực được chỉ định và được ưu tiên có quyền khai thác trong khu vực thăm dò”. Cách diễn đạt này khác với nhiều luật khai khoáng khác dùng thuật ngữ “độc quyền” – là khái niệm mạnh hơn so với “quyền ưu tiên”. Để tránh tình trạng đầu cơ, luật cũng quy định nghiêm cấm việc trục lợi bằng đầu cơ quyền thăm dò và khai thác. Hơn nữa, chủ giấy phép phải đầu tư chi phí thăm dò tối thiểu.

b) Philippin: Cách đây 15 năm, năm 1995 Philippin đã thông qua luật khai thác khoáng sản mới. Tuy được đánh giá là quốc gia đứng thứ 5 trong số các nước có nhiều khoáng sản nhất trên thế giới, nhưng môi trường luật pháp và chính sách của Philippin lại bị chỉ trích rất nhiều vì tính không nhất quán trong luật và tính không chắc chắn liên quan đến áp dụng các điều khoản của luật. Cụ thể, Luật Khai khoáng Philippin quy đinh rằng cả đất công và đất tư, kể cả đất rừng đều có thể được đưa vào khai thác mỏ. Thế nhưng điều khoản trên đã bị chỉ trích rằng luật dường như cho phép thực hiện các hoạt động khai khoáng trên toàn bộ diện tích đất nước không loại trừ cả các khu vực được coi là thiết yếu về sinh thái. Giấy phép thăm dò ở Philippin được cấp với thời hạn 2 năm và có thể gia hạn. Luật quy đinh rằng, giấy phép thăm dò sẽ đảm bảo cho chủ giấy quyền vào, chiếm giữ và thăm dò khu vực liên quan. Theo nhiều chuyên gia, cách diễn đạt này không nói gì đến độc quyền nào liên quan đến thăm dò, chính vì vậy mà sự độc quyền thăm dò không được khẳng định rõ ràng.

2.2. Điều tra cơ bản và bảo tồn di sản địa chất

Di sản địa chất (DSĐC) là phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Chúng bao gồm các cảnh quan địa mạo, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các di chỉ cổ sinh; các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt; các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác v.v…

Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Bảo tồn di sản địa chất và cảnh quan thiên nhiên họp tại Malvern (nước Anh) vào tháng 7/1973 đã đi đến một Hiệp ước về Bảo tồn DSĐC. Việc phân loại DSĐC được thực hiện theo Tiêu chuẩn phân loại tạm thời các DSĐC của UNESCO gồm 10 kiểu như sau: A. Cổ sinh; B. Địa mạo; C. Cổ môi trường; D. Đá (magma, trầm tích, biến chất); E. Địa tầng; F. Khoáng vật (Khoáng sản); H. Kinh tế địa chất; I. Kiến tạo (lịch sử địa chất); K. Các vấn đề vũ trụ; L. Những đặc trưng địa chất tầm cỡ lục địa/đại dương.

Năm 1996, bảo tồn các DSĐC – tiền đề cho việc thành lập Công viên địa chất (CVĐC) – lần đầu tiên được xác định là một trong những chủ đề chính tại Đại hội Địa chất quốc tế lần thứ 30 tổ chức tại Bắc Kinh với tư tưởng: các DSĐC là một dạng tài nguyên không tái tạo, vô cùng giá trị, cần được bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý. Tại đại hội đã có một Hội nghị chuyên đề có tên gọi “Các DSĐC và Danh mục di sản thế giới”, nội dung bàn về vấn đề thành lập các CVĐC ở Châu Âu.

Năm 1997, UNESCO đã đề nghị thành lập Chương trình Công viên Địa chất (UNESCO Geoparks Program) trên phạm vi toàn cầu nhằm mục đích bảo vệ an toàn các DSĐC có tầm quan trọng quốc tế và phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của các khu vực. Mạng lưới toàn cầu về Công viên Địa chất đã được thiết lập. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây đã xuất hiện một xu hướng bảo tồn thiên nhiên mới – bảo tồn các di sản địa chất (DSĐC) như là một nội dung chính trong mối liên quan chặt chẽ với các giá trị di sản khác.

Năm 2000, Mạng lưới CVĐC Châu Âu được hình thành.

Năm 2004, UNESCO đã cho ra đời mạng lưới CVĐC đặt trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tháng 6/2004, Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất họp tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tại hội nghị quốc tế lần thứ 2 tại Belfast, Ireland tháng 9/2006 có thêm 13 CVĐC tham gia mạng lưới CVĐC toàn cầu. Tháng 6/2008 Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về CVĐC tại Osnabruek, Cộng hòa Liên bang Đức công nhận thêm 5 thành viên nữa và tháng 9/2009 hội nghị quốc tế về quản lý CVĐC tại Taishan, Trung Quốc kết nạp thêm 5 thành viên, đưa tổng số CVĐC Toàn cầu lên 63 của 19 quốc gia. Cũng tại hội nghị ở Osnabruek tháng 6/2008, UNESCO đã chính thức ra mắt mạng lưới DSĐC và CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN).

 

3. Tổng quan nghiên cứu về điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và di sản địa chất ở Việt Nam.

3.1. Tình hình nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

Năm 1852, trên tập Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Pháp xuất hiện bài báo “Ghi chép về địa chất xứ Nam Kỳ (Notes sur la géologie de la Cochinchine)” của C.J. Arnoux, đánh dấu bước đầu tiên của việc nghiên cứu địa chất trên lãnh thổ nước ta

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện các công trình khảo sát địa chất khu vực từng miền của nước ta cùng với việc khảo sát để thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000. Từ kết quả của các công trình khảo sát này, năm 1937 tờ Bản đồ Địa chất Đông Dương tỷ lệ 1:2.000.000 đã ra đời do Fromaget J. thành lập với sự cộng tác của F. Bonelli, J. Hoffet và E. Saurin.

Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc nước ta, năm 1954 Sở Địa chất được thành lập trên cơ sở Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ ra đời từ năm 1946, sau đó, năm 1959 chuyển thành Cục Địa chất và năm 1960, thành Tổng cục Địa chất. Hàng loạt các bản đồ đo vẽ địa chất tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 được hoàn thành ở Miền Bắc. Sau khi thống nhất đất nước, việc lập bản đồ địa chất các tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000 đã gần như phủ kín lãnh thổ nước ta, đem lại rất nhiều tài liệu mới về địa tầng và các thành tạo magma, từ đó có thể đưa đến nhiều luận giải mới về kiến tạo và sự hình thành khoáng sản ở nước ta.

Năm 2006 một tập thể các nhà địa chất Việt Nam với sự chủ trì của các GS Trần Văn Trị và Vũ Khúc và tổ chức biên soạn công trình “Địa chất và tài nguyên Việt Nam” bao gồm: Phần I. Đại cương về cảnh quan và địa chất Việt Nam; Phần II. Địa tầng; Phần III. Các thành tạo magma; Phần IV. Biến chất; Phần V. Cấu trúc kiến tạo; Phần VI. Tài nguyên địa chất. Các phụ lục gồm Văn liệu tham khảo và Bảng tra cứu các phân vị địa chất và tài nguyên. Với cấu trúc trên, có thể nói đây là một công trình tổng hợp lớn và đầu tiên do các nhà địa chất Việt Nam thực hiện về địa chất và tài nguyên nước ta.

Đến nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai, thực hiện hơn mười chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, hơn 300 đề án góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển cấu trúc địa chất lãnh thổ, điều kiện tạo thành và quy luật phân bổ khoáng sản. Nhiều vấn đề liên quan tới những loại địa chất như địa chất môi trường, tai biến, đô thị, karst hay nghiên cứu tìm ra năng lượng sạch, di sản địa chất, vật liệu mới, kinh tế địa chất, nguyên liệu khoáng...

Đặc biệt, công trình nghiên cứu tài nguyên khoáng sản Việt Nam đã xác lập luận cứ khoa học, đánh giá định lượng, định hướng phát triển việc sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong nước đến năm 2020.

Hiện nay, công tác tìm kiếm, thăm dò nguồn năng lượng mới cũng là một nhiệm vụ của ngành địa chất Việt Nam, trong đó việc tìm kiếm, thăm dò tiềm năng khí hydrate (băng cháy) ở khu vực Biển Đông bước đầu được chú ý từ sau Quyết định 1270/QĐ-TTg ngày 24/9/2007 về việc bổ sung “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” vào nhiệm vụ của “Đề án tổng thể điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.

3.2. Tình hình nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về di sản địa chất

Việc nghiên cứu địa chất và khoáng sản ở nước ta được các nhà địa chất người Pháp thuộc Sở Địa chất Đông Dương (thành lập năm 1898) chính thức tiến hành trong khuôn khổ toàn bán đảo Đông Dương, bắt đầu bằng các nghiên cứu lẻ tẻ về khoáng sản ở các nước thuộc địa này phục vụ cho việc phát triển nền công nghiệp của nước Pháp. Những năm gần đây, tiếp thu xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên, các nhà địa chất Việt Nam (thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Bảo tàng Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) đã bắt đầu có những hoạt động điều tra, nghiên cứu các di sản địa chất tiến tới thành lập các khu bảo tồn địa chất và xây dựng công viên địa chất.

Công tác nghiên cứu di sản địa chất (giai đoạn 1) được các nhà địa chất Việt Nam thực hiện khá tốt, cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề nghiên cứu di sản địa chất có cơ sở khoa học, phù hợp với cách làm của thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc thành lập các khu bảo tồn địa chất (thuộc giai đoạn 2 kế tiếp) mới chỉ đạt được mục tiêu quản lý di sản địa chất. Và xây dựng công viên địa chất (thuộc giai đoạn 3) mới đạt được mục tiêu bảo tồn và khai thác hiệu quả, hợp lý các giá trị của di sản địa chất cho sự phát triển bền vững. Cả hai công việc này đã được các nhà địa chất đề xuất và bước đầu mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng văn mới gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

 

4. Tổng hợp kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

4.1. Kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

a) Lập các bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản

Trong Quy hoạch đã giao: “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 tại 35 vùng trên đất liền thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ với diện tích khoảng 75.624 km2; trong đó, có 10 vùng đã triển khai trước năm 2006”.

Bảng1. Hiện trạng thực hiện các nhiệm vụ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000

Theo giai đoạn

Theo quy hoạch (đề án/km2)

Đã hoàn thành (đề án/km2)

Đã lập đề án (đề án/km2)

Đang thi công (đề án/km2)

Chưa lập đề án (đề án/km2)

Các diện tích cần hoàn thành điều tra trước 2010

6/ 10.980

Không có

5/ 10.360

5/ 8.460

1/ 620

Các diện tích cần hoàn thành điều tra trước 2015

19/ 40.690

Không có

2/ 4.900

2/ 4.500

17/35.790

Các diện tích đã bắt đầu thực hiện trước năm 2006

10/ 23.954

5/ 10.940

 

5/ 13.014

 

Nguồn: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2010

b) Điều tra ĐC - KS biển

Quy hoạch 116  đã giao “Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa động lực, tai biến địa chất, trong đó chú trọng vùng ven bờ ở tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000 đến độ sâu 30 m nước, diện tích khoảng 33.000 km2. Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa động lực, tai biến địa chất; trong đó chú trọng vùng ven bờ ở tỷ lệ 1/500.000 đến độ sâu 100 m nước, diện tích khoảng 266.000 km2 .

Bảng 2. Danh mục các diện tích lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản vùng biển ven bờ và tiến độ thực hiện

TT

Danh mục các nhiệm vụ

Theo Quy hoạch

Thực hiện đến 2010

Diện tích (km2)

Lập
đề án

trước

năm

Hoàn thành

năm

1

Khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản vùng ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/100.000

5.552

2005

2010

Hoàn thành

5.552 km2

2

Điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ                     1/100.000 - 1/50.000 dải ven biển Hải        Phòng - Móng Cái từ 0 - 30m nước

9.200

2010

2015

Hoàn thành 4.600 km2 thuộc dự án Chính phủ

3

Điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/100.000 -1/50.000 dải ven biển Nga Sơn đến Diễn Châu từ  0 - 30 m nước

8.500

2010

2015

Đang triển khai (từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, gồm 11.150 km2)

 

Tổng diện tích (1+2+3)

23.250

 

 

 

4

Điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 đến độ sâu 100 m nước (vùng biển có độ sâu 30 - 100 m phía ngoài dải ven biển 0 - 30 m nước, từ Móng Cái đến Kiên Giang)

266.000

2015

2020

Đang thực hiện vùng biển 30 -100m nước Việt Nam: 150.130km2 thuộc dự án Chính phủ

Nguồn: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2010

c) Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000

Bảng 3. Danh mục các diện tích bay đo địa vật lý và tiến độ thực hiện.

Số TT

Nhiệm vụ

Theo Quy hoạch

Hiện trạng

Diện tích

(km2)

Lập
đề án

trước

năm

Hoàn thành

năm

1

Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000 vùng Nam Pleiku

8.000

2010

2010

Đang bay đo

2

Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000 vùng Đak Glei - Khâm Đức

3.600

2015

2015

 

Chưa lập đề án

3

Bay đo từ - xạ phổ gamma tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000 vùng Bắc Kạn - Tuyên Quang

6.200

2015

2020

Chưa lập đề án

4

Bay đo điện từ tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000  đới Lô Gâm

3.000

2020

2020

Chưa lập đề án

5

Bay đo điện từ tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000 đới Tú Lệ

7.000

2020

2020

Chưa lập đề án

Nguồn: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2010

4.2. Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản

Bảng 5: Kết quả điều tra đánh giá khoáng sản năm 2009

TT

Khoáng sản
(Khu vực)

Mục tiêu tài nguyên

Kết quả thực hiện

Tổng tài nguyên 333+334a

Trong đó cấp 333

Tổng tài nguyên

333+334a

Trong đó
cấp 333

1

Chì kẽm (Nà Tòng-Xá Nhè (Điện Biên).

150.000 tấn Pb+Zn

50.000 tấn Pb+Zn

291.500 tấn Pb+Zn

23.600 tấn Pb+Zn

2

Chì kẽm Cẩm Nhân (Yên Bái).

150.000 tấn Pb+Zn

50.000 tấn Pb+Zn

156.000 tấn Pb+Zn

63.000 tấn Pb+Zn

3

Đồng (Trí Năng - Hón Vắng, Thanh Hoá).

100.000 tấn Cu

30.000 tấn Cu

26.400 tấn Cu

4.000 tấn Cu

4

Thiếc, kim loại hiếm (La Vi, Quảng Ngãi).

5.000 tấn Sn

2.000 tấn Sn

3440 tấn Sn;

9.960 tấn Li2O

1980 tấn Sn;

4.410 tấn Li2O

5

Magnezit (Tây Kong Queng, Gia Lai).

6 triệu tấn quặng

3 triệu tấn quặng

11,13 triệu tấn quặng

8,3 triệu tấn quặng

6

Sét kaolin (Trí Năng - Hón Vắng, Thanh Hoá).

 

 

1,5 triệu tấn

 

7

Đá ốp lát (Tân Kỳ, Nghệ An) và Hải Hà (Quảng Ninh).

7 triệu m3

2,4 triệu m3

27,8 triệu m3

5,88 triệu m3

Nguồn: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – 2009


5. Tổng hợp kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công tác điều tra cơ bản về di sản địa chất

Việt Nam có những khu vực địa chất cảnh quan kỳ thú như ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên), bazan dạng cột Ba Làng An (Quảng Ngãi), bazan dạng cột thác Trinh Nữ (Đắk Nông)... Những cảnh quan này có giá trị khoa học độc đáo, hấp dẫn du khách, nhưng từ trước đến nay chưa được quan tâm. Cục địa chất và khoáng sản đang đề nghị xếp hạng quốc gia 20 di sản địa chất đầu tiên, đồng thời thành lập những công viên địa chất để giới thiệu với du khách.

Đã triển khai điều tra, đánh giá tiềm năng DSĐC và triển vọng xây dựng CVĐC ở 25 khu vực miền Bắc Việt Nam, qua đó xác định được 15 khu vực có triển vọng trở thành CVĐC quốc gia và/hoặc quốc tế. Tổng cộng đã đánh giá được 1.168 DSĐC, trong đó 525 thuộc các tỉnh Đông Bắc (kể cả Việt Bắc, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và một số khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng), 363 thuộc các tỉnh Tây Bắc và 280 thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ (con số thực chắc chắn sẽ lớn hơn). 149 DSĐC được đề xuất xếp hạng cấp quốc tế, 471 cấp quốc gia và 548 - cấp địa phương. 94 biểu hiện thuộc kiểu Di sản cổ sinh (A); 518 biểu hiện thuộc kiểu Di sản Địa mạo (B); 2 biểu hiện thuộc kiểu Di sản Cổ môi trường (C); 38 biểu hiện thuộc kiểu Di sản Đá (D); 76 biểu hiện thuộc kiểu Di sản Địa tầng (E); 116 thuộc kiểu Di sản Khoáng vật/Khoáng sản (F); 303 biểu hiện thuộc kiểu Di sản Tương tác Lục địa/Đại dương (L). Như vậy trên phạm vi miền Bắc Việt Nam đã xác định được 8/10 kiểu DSĐC. Chưa kể các biểu hiện DSĐC kiểu H (kinh tế địa chất) và K (Các vấn đề vũ trụ) chưa thực sự là trọng tâm của các điều tra. Cũng chưa kể một số DSĐC có thể đồng thời thuộc một vài kiểu DSĐC. Kết quả trên khẳng định sự đa dạng các kiểu loại DSĐC, sự phong phú về số lượng và chất lượng cao của các DSĐC, khẳng định triển vọng xây dựng CVĐC có đẳng cấp ở nhiều khu vực miền Bắc Việt Nam.

Đã triển khai điều tra, đánh giá chi tiết, xác lập luận cứ khoa học, luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho việc xây dựng thí điểm ba CVĐC ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu. Đã tìm hiểu và đề xuất một số biện pháp bảo tồn và khai thác bền vững các DSĐC và CVĐC ở Việt Nam, đặc biệt đã đề xuất chương trình phát triển mạng lưới CVĐC ở Việt Nam và đề xuất xây dựng cơ sở pháp lý cho việc quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam.

 

6. Kết luận và khuyến nghị

Tài nguyên khoáng sản và di sản địa chất là những nguồn lực vô cùng quý báu cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về quản lý tài nguyên khoáng sản và di sản địa chất. Xây dựng và triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và môi trường về địa chất và khoáng sản. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực và khoa học và công nghệ từ bên ngoài. Phối hợp các bộ ngành quản lý tổng hợp đảm bảo các nguyên tắc phát triển bền vững.

 

Lưu Lê Hường

Ban Quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2010. Báo cáo đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản 2015 và đề xuất điều chỉnh quy hoạch

2. La Thế Phúc, Trần Tân Văn, Nghiên cứu di sản địa chất và xây dựng Công viên địa chất ở Việt Nam. Tạp chí Địa chất.

3. Nguyễn Quang Mỹ (Chủ biên), 2006. Việt Nam, di sản thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Quang Mỹ, Howard Limbert và nnk, 2001. Kỳ quan hang động Việt Nam. Trung tâm Bản đồ và tranh ảnh giáo dục, Hà Nội.

5. Quyết định 116/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

6. Trần Tân Văn và tập thể tác giả đề tài KC.08..20/06-10. Đánh giá sơ bộ về tiềm năng di sản địa chất và công viên địa chất một số khu vực ở Việt Nam

7. Trần Đức Thạnh, 1998. Lịch sử địa chất vịnh Hạ Long. Nxb Thế giới, Quảng Ninh.

8. Trần Đức Thạnh, Waltham Tony, 2001. The outstanding value of the geology of Hạ Long Bay. Advances in Nat. Sci, 2/3.

9. Trần Nghi (Chủ biên), 2003. Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Việt Nam. Cục ĐC và KS VN, Hà Nội.

10. Trần Tân Văn, Phạm Khả Tùy, Thái Duy Kế, Bùi Văn Định, Nông Thế Diễn, 2005. Con đường tiến tới danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới của Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn). Địa chất và Khoáng sản, 9 : 529-545. Viện Nghiên cứu ĐC & KS. Hà Nội.

11. Tran Tan Van, Pham Kha Tuy, Thai Duy Ke, 2004. Geological characteristics and values of the Pu Luong nature reserve, Thanh Hoa province, Vietnam. Proc. of the Intern. Transdisc. Conf. on Dev. and Cons. of Karst Reg., Hà Nội.

12. Trần Tân Văn, Vũ Thanh Tâm, Đỗ Tuyết, Nguyễn Xuân Khiển và nnk., 2005. Phát triển bền vững các vùng đá vôi ở Việt Nam. Văn phòng UNESCO, Hà Nội.

13. Trần Văn Trị, Lê Đức An, Lại Huy Anh, Trần Đức Thạnh, Tony Waltham, 2003. Di sản thế giới Vịnh Hạ Long: Những giá trị nổi bật về địa chất. TC Địa chất, A/277 : 6-20. Hà Nội.

14. Trần Đức Thạnh, Waltham Tony, 2001. The outstanding value of the geology of Hạ Long Bay. Advances in Nat. Sci., 2/3.

15. Trần Nghi (Chủ biên), 2003. Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Việt Nam. Cục ĐC và KS VN, Hà Nội.

16. Trần Tân Văn, Phạm Khả Tùy, Thái Duy Kế, Bùi Văn Định, Nông Thế Diễn, 2005. Con đường tiến tới danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới của Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn). Địa chất và Khoáng sản, 9 : 529-545. Viện Nghiên cứu ĐC & KS. Hà Nội.

17. Trần Tân Văn, 2010. Đề tài Điều tra nghiên cứu các di sản địa chất ở miền Bắc và đề xuất xây dựng công viên địa chất ở miền Bắc Việt Nam. Bộ KHCN, Hà Nội.

18. Trịnh Dánh (Chủ biên), 2004. Báo cáo “Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam”. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.

19. UNESCO, 2007. Global geoparks network. Guidelines and criteria for National Geoparrks seeking UNESCO’s assistance to join the Global Geoparks Network.

20. Wolfgang Eder, 2004. The global UNESCO network of geoparks. Proc. 1st Intern. Conf. on Geoparks, pp. 1-3. Beijing, China.

 

 

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second