Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của Việt Nam và Philippines

Wednesday - 03/02/2010 17:20
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nói chung, nước thải công nghiệp nói riêng là một trong những công cụ kinh tế chủ yếu được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

TÓM TẮT:
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nói chung, nước thải công nghiệp nói riêng là một trong những công cụ kinh tế chủ yếu được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm so sánh quy định thu phí nước thải công nghiệp ở Việt Nam với Philippines - một nước đang phát triển và có những thành công nhất định trong việc triển khai công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở vùng hồ Laguna trong những năm qua, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thiết kế và triển khai hệ thống thu phí nước thải nhằm nâng cao kết quả, hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với  nước thải công nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam.

Từ khóa: Phí nước thải, bảo vệ môi trường, nghị định 67/2003/NĐ-CP, Việt Nam, Phillipines.

SUMMARY:

Industrial wastewater charge for environmnetal protection is one of the principal economic instruments which are used to control the environmental pollution. This study is carried out to make a comparative analysis of industrial wastewater charges between Vietnam and Phillipines - a developing country like a Vietnam but quite sucessful in implementing the regulation of industrial wastewater charges in Laguna Lake region since 1996. The lessons on the industrial wastewater charge rate, formation, monitoring and management from Phillipines would be the good experiences for Vietnam to readjust the industrial wastewate charge system, then to enhance the effects of industrial wastewater charge on environmental pollution mitigation in Vietnam.

Key words: Wastewater charge, environmental protection, decree 67/2003/NĐ-CP, Vietnam, Phillipines.

1. GIỚI THIỆU

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nói chung, nước thải công nghiệp nói riêng là một trong những công cụ kinh tế chủ yếu được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Giống như các loại thuế hay phí môi trường khác, phí nước thải hoạt động theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (Polutter-Pay-Principle), qua đó tạo động lực để các đơn vị giảm ô nhiễm, đồng thời tạo nguồn thu để chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Phí nước thải đã được áp dụng từ khá lâu ở nhiều nước phát triển, chẳng hạn từ năm 1961 ở Phần Lan, từ năm 1970 ở Thuỵ Điển, từ năm 1980 ở Đức... (OECD, 2005)  và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc quản lý ô nhiễm do nước thải gây ra ở các nước này. Tuy nhiên phí nước thải chỉ mới được áp dụng ở các nước đang phát triển trong thời gian gần đây: từ năm 1978 ở Trung Quốc và Malaysia, từ năm 1996 ở Philippines (Laplante, 2006)

Ở Việt Nam, ngày 13/06/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 67/2003/NĐ-CP quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2004. Có thể nói đây là công cụ kinh tế đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và thể hiện một bước tiến hết sức quan trọng trong công tác quản lý môi trường ở Việt Nam. Sau 5 năm thực hiện nghị định 67/2003/NĐ-CP, mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực nhưng quá trình thu và nộp phí nước thải ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn. Số phí thu được thấp hơn nhiều so với số phí ước tính ban đầu; nhiều doanh nghiệp không chấp hành các quy  định quản lý môi trường và nộp phí nước thải, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra ngày càng trầm trọng... Làm thế nào để nâng cao kết quả và hiệu quả công tác thu, nộp phí nước thải, qua đó giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đang là câu hỏi được đặt ra đối với cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm so sánh quy định thu phí nước thải công nghiệp ở Việt Nam với Philippines - một nước đang phát triển và có những thành công nhất định trong việc triển khai công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở vùng hồ Laguna trong những năm qua, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thiết kế và triển khai hệ thống thu phí nước thải nhằm nâng cao kết quả, hiệu quả công tác thu phí nước thải công nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các thông tin và số liệu sử dụng trong nghiên cứu này chủ yếu được thu thập từ các báo cáo và các nghiên cứu có liên quan đến tình hình thu phí nước thải công nghiệp ở Việt Nam và Phillipines trong những năm qua. Bên cạnh đó phương pháp tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý môi trường được sử dụng để so sánh, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của nghị định thu phí nước thải ở Việt Nam và Philippines. Phương pháp thống kê mô tả và phương pháp phân tích so sánh là những phương pháp chủ yếu được sử dụng để phân tích sự giống và khác nhau về mục đích thu phí, mức thu phí, cách tính phí, quy định sử dụng đồng tiền nộp phí, các biện pháp quản lý và giám sát tình hình nộp phí nước thải công nghiệp của các doanh nghiệp ở Việt Nam và Phillipines.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Quy định thu phí nước thải của Việt Nam và Philippines

3.1.1. Về mục đích thu phí nước thải

Quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở Philippines được ban hành theo nghị quyết số 26 của Ban quản lý khu vực hồ Laguna và bắt đầu áp dụng từ năm 1996 đối với toàn bộ các cơ sở sản xuất có thải nước thải vào 21 con sông chảy vào hồ Laguna, bao gồm các cơ sở sản xuất ở 5 tỉnh quanh hồ Laguna của Philipines. Sau khi áp dụng quy định thu phí, lượng chất ô nhiễm (BOD) thải vào môi trường trong vùng đã giảm đi 13.29% vào năm 1988 (Dyah Wahyu Ermawati, 2000) và giảm đi 88% vào năm 1999 (Ken Rubin, 2000). Tổng lượng phí thu được trong 3 năm đầu là 34 triệu Peso. Với những tác dụng tích cực từ hệ thống thu phí bảo vệ môi trường của Cơ quan quản lý môi trường khu vực hồ Laguna, năm 2003 quy định thu phí nước thải công nghiệp ở vùng hồ Laguna đã được sửa đổi bổ sung và đưa vào luật quản lý nguồn nước của Philippines và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Việc triển khai thu phí nước thải công nghiệp ở Philippines nhằm mục đích là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo nguồn thu cho quỹ môi trường trong vùng, qua đó triển khai các dự án, chương trình nhằm cải thiện hay hạn chế tình trạng suy thoái môi trường trong vùng. Ở Việt Nam theo nghị định 67/2003/NĐ-CP thì việc thu phí nước thải  cũng nhằm hai mục đích là để hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo nguồn thu để trang trải các chi phí hành chính (thu phí, lẫy mẫu, phân tích...) và tạo nguồn kinh phí cho quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Như vậy có thể thấy rằng mục đích của thu phí bảo vệ môi trường của Việt Nam và Philippines là tương tự nhau.

3.1.2. Về mức thu phí và cách tính phí nước thải công nghiệp

a. Mức thu phí và cách tính phí nước thải công nghiệp ở Việt Nam

Theo nghị định 67/2003/NĐ-CP mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của Việt Nam được tính theo từng chất gây ô nhiễm có trong nước thải, theo từng môi trường tiếp nhận (bảng 1). Trong đó môi trường tiếp nhận nước thải được quy định dựa vào vị trí, đặc điểm của từng vùng (môi trường tiếp nhận loại A bao gồm nội thành, nội thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III; loại B gồm nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V và ngoại thành, ngoại thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III; loại C gồm ngoại thành, ngoại thị của các đô thị loại IV và các xã không thuộc đô thị, trừ các xã thuộc môi trường tiếp nhận nước thải thuộc nhóm D; loại D gồm các xã biên giới, miền núi, vùng cao, vùng sâu và vùng xa).

Bảng 1. Mức thu phí nước thải công nghiệp

TT

Chất gây ô nhiễm

có trong nước thải

Mức thu

(đồng/kg chất gây ô nhiễm có trong nước thải)

Tên gọi

Ký hiệu

Môi trường tiếp nhận A

Môi trường tiếp nhận B

Môi trường tiếp nhận C

Môi trường tiếp nhận D

1

Nhu cầu ô xy sinh hoá

ABOD

 

300

 

250

 

200

 

100

2

Nhu cầu ô xy hoá học

ACOD

300

250

200

100

3

Chất rắn lơ lửng

ATSS

400

350

300

200

4

Thuỷ ngân

AHg

20.000.000

18.000.000

15.000.000

10.000.000

5

Chì

APb

500.000

450.000

400.000

300.000

6

Arsenic

AAs

1.000.000

900.000

800.000

600.000

7

Cadmium

ACd

1.000.000

900.000

800.000

600.000


Chú ý: Theo nghị định 04/2007/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung Nghị định  67/2003/NĐ-CP, thì không tính mức thu phí nước thải công nghiệp đối với nhu cầu ô xy hoá học COD.
(Nguồn: Nghị định  67/2003/NĐ-CP)

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính cho từng chất gây ô nhiễm theo công thức sau:



Trong đó TF là tổng phí nước thải mà cơ sở SXKD phải nộp trong quý; TFi là số phí nước thải phải nộp đối với chất gây ô nhiễm i (BOD, COD, TSS...) trong quý; Qt là tổng lượng nước thải thải ra (m3/quý), Ci là hàm lượng chất gây ô nhiễm i có trong nước thải (mg/l); Ri là mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của chất gây ô nhiễm i thải ra môi trường tiếp nhận tương ứng (đồng/kg).

b. Mức thu phí và cách tính phí nước thải công nghiệp ở Philippines

Phí nước thải công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh theo nghị quyết số 26 của Ban quản lý hồ Laguna ở Philipines bao gồm 2 phần là  phí cố định và phí biến đổi:

- Phí cố định hàng năm: Mục đích của thu phí cố định là nhằm trang trải các chi phí quản lý của Ban quản lý hồ Laguna. Phí cố định được xác định dựa vào lượng nước thải tính bình quân/ngày của cơ sở sản xuất và chất gây ô nhiễm. Đối với chất gây ô nhiễm thông thường nếu lượng nước thải của cơ sở sản xuất không quá 30m3/ngày thì mức thu phí cố định là 5.000 Peso/năm; nếu lượng nước thải của cơ sở sản xuất nằm trong khoảng từ 30-150m3/ngày thì mức phí cố định là 10.000Peso/năm; nếu lượng nước thải của cơ sở lớn hơn 150m3/ngày thì mức phí cố định là 15.000 Peso/năm (Laplante 2006).

- Phí biến đổi: Phí biến đổi trong một quý của cơ sở sản xuất được tính theo tổng lượng ô nhiễm gây ra trong quý và mức phí tính trên một đơn vị ô nhiễm gây ra.

TF = Ln x R

Tổng lượng ô nhiễm gây ra trong quý (Ln) của các cơ sở sản xuất được tính theo công thức sau:

Ln  = Cf x Qf x Nf x 0.001

Trong đó:  Cf là nồng độ trung bình của chất gây ô nhiễm có trong nước thải của  cơ sở sản xuất kinh doanh (mg/l hoặc g/m3); Qf là khối lượng nước thải tính bình quân trong 1 ngày mà doanh nghiệp có thải nước thải vào môi trường (m3); Nf là số ngày mà doanh nghiệp thải nước thải vào môi trường trong quý.

Mức phí biến đối R tuỳ thuộc vào nồng độ chất thải trong nước thải. Nếu nồng độ chất ô nhiễm Cf ≤ 50mg/l thì mức phí R = 5 Peso/kg; nếu nồng độ chất ô nhiễm Cf > 50mg/l thì mức phí R = 30 Peso/kg chất ô nhiễm thải ra.

Phí nước thải biến đổi của một cơ sở sản xuất chỉ được tính dựa trên lượng phát thải của một chất gây ô nhiễm có trong nước thải của cơ sở sản xuất đó theo quy định (hoặc là BOD5, hoặc là TSS).  Đối với các cơ sở sản xuất nước giải khát, các sản phẩm sữa, thuộc da, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến hoa quả, sản xuất mía đường, sản xuất giấy.... thì chất gây ô nhiễm được lựa chọn để tính phí nước thải là BOD5. Đối với các cơ sở sản xuất hoạt động trong ngành sản xuất xi măng, phân hoá học, sản xuất kim loại, khai khoáng... thì chất gây ô nhiễm được lựa chọn để tính phí nước thải là TSS.

c. Sự khác biệt trong mức thu phí và cách tính phí nước thải công nghiệp của Việt Nam và Philippines.

Có thể thấy cách tính phí nước thải công nghiệp của Philippines và Việt Nam có những sự khác biệt cơ bản:

- Thứ nhất, phí nước thải của Việt Nam đối với bất kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh nào cũng được tính trên 7 chất gây ô nhiễm (bảng 1), tuy nhiên phí nước thải của Philipines đối với 1 cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được tính trên 1 chất gây ô nhiễm (hoặc là BOD5, hoặc là TSS tuỳ thuộc cơ sở sản xuất kinh doanh đó thuộc ngành sản xuất kinh doanh nào). Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để việc thu phí nước thải có thể được thực hiện tốt thì chế độ thu phí phải đơn giản với cơ chế thật rõ ràng. Hơn nữa ở giai đoạn đầu khi mới bắt đầu triển khai thực hiện thu phí trong điều kiện nguồn nhân lực, phương tiện còn hạn chế thì chỉ nên tập trung thu phí đối với một hoặc hai chất gây ô nhiễm chủ yếu và chỉ đối với một số cơ sở sản xuất lớn với lượng gây ô nhiễm đáng kể, không nên thu phí đối với quá nhiều chất gây ô nhiễm và thu phí đối với quá nhiều cơ sở sản xuất. Sau một thời gian thực hiện khi hệ thống thực hiện chế độ thu phí đã hoạt động tốt thì có thể tăng thêm số lượng chất gây ô nhiễm được thu phí cũng như số cơ sở sản xuất cần được thu phí. Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Việt Nam quy định thu phí với 7 chất gây ô nhiễm đối với nước thải công nghiệp ở tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Tuy nhiên cả nước hiện có khoảng 20 ngàn cơ sở sản xuất trong diện phải thu phí nước thải (Laplante, 2006) cho nên sẽ rất khó có thể thực hiện tốt việc thu phí do việc yêu cầu nộp tờ khai nộp phí, kiểm tra tính chính xác của tờ khai nộp phí thông qua việc đo đếm, lấy mẫu phân tích ở tất cả các cơ sở sản xuất là một việc làm tốn rất nhiều nguồn lực.

- Thứ hai, trong khi phí nước thải của Việt Nam chỉ bao gồm phí biến đổi thì phí nước thải của Philippines bao gồm cả hai phần: phí cố định và phí biến đổi. Có thể thấy rằng cơ chế thu phí nước thải của Việt Nam hiện nay (Tổng số phí phải nộp = Lượng thải x Mức phí phải nộp trên một đơn vị thải) khó có thể đạt được đồng thời hai mục đích mà nghị định 67/2003/NĐ-CP đã đặt ra là vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tạo nguồn thu cho trang trải các chi phí hành chính, tạo nguồn thu cho quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Bởi vì theo cơ chế hiện nay để thu được số tiền phí đối với nước thải lớn thì lượng thải từ các doanh nghiệp vào môi trường phải lớn và do vậy không thể đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường (Nguyễn Mậu Dũng, 2006). Do vậy để có thể đạt được cả hai mục đích này thì cơ chế thu phí cần phải được thay đổi theo kết cầu số tiền phí nước thải phải nộp hàng năm ở các cơ sở sản xuất bao gồm hai phần: phần phí cố định và phí biến đổi giống như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở Philippines.

- Thứ 3, trong khi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp/ một đơn vị chất gây ô nhiễm thải ra môi trường của Việt Nam là như nhau đối với mọi cơ sở sản xuất kinh doanh, không phụ thuộc vào hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải cao hay thấp thì mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của Philippines là không giống nhau đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Những cơ sở sản xuất kinh doanh có hàm lượng chất gây ô nhiễm (BOD  hay TSS) không vượt quá 50mg/l chỉ phải nộp mức phí là 5 peso/kg chất ô nhiễm thì những cơ sở sản xuất kinh doanh có hàm lượng chất gây ô nhiễm vượt quá 50mg/l phải nộp mức phí là 30 Peso/kg. Rõ ràng cách tính phí nước thải của Philippines tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải, qua đó giảm lượng ô nhiễm thải ra hơn so với cách tính phí nước thải của Việt Nam.

- Thứ 4, mức thu phí trên 1 đơn vị chất gây ô nhiễm ở Việt Nam và Philippines có sự khác biệt. Trong khi mức thu phí/ đơn vị BOD hay TSS của Philippines là 5 Peso/1kg (tương đương 1400 đồng/kg vào năm 2004 hoặc 1800  đồng vào năm 2008) thì mức phí của Việt Nam chỉ là từ 100 – 400 đồng/kg. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu thì mức phí nước thải của Việt Nam là tương đối thấp nên không có tác dụng mạnh mẽ trong việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm thải. Hơn nữa, trong điều kiện tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khá cao nhưng mức phí nước thải không có sự điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát hàng năm nên tác dụng khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng các biện pháp giảm thải có xu hướng ngày càng giảm dần.

3.1.3. Về các biện pháp quản lý, giám sát tình hình nộp phí nước thải

Cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam và Philipines đều yêu cầu các cơ sở sản xuất nộp báo cáo tình hình thải nước thải của cơ sở sản xuất hoặc mẫu tờ khai nộp phí hàng quý. Cơ quan quản lý môi trường sẽ tiến hành thanh tra thường kỳ để xác định cơ sở sản xuất có chấp hành đúng các quy định nộp phí nước thải hay không (khai có đúng lượng nước thải và hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải không). Để khuyến khích các doanh nghiệp trả phí đầy đủ, cơ quan quản lý môi trường Philipines giảm 10% số phí phải nộp cho các doanh nghiệp trả đủ phí trong thời gian 30 ngày kể từ ngày công bố số phí phải nộp. Tuy nhiên trong nghị định 67/2003/NĐ-CP cũng như trong thông tư liên tịch 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn thực hiện nghị định của Việt Nam không có điều khoản nào để khuyến khích các đơn vị nộp sớm và đủ số phí. Cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam cho phép sai số giữa tờ khai của đối tượng nộp phí và số liệu phân tích, đánh giá lần đầu hoặc số liệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nằm trong giới hạn cho phép là 30%, thì phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thu theo mức kê khai của đối tượng nộp phí. Tuy nhiên, cơ quan quản lý môi trường Philippines quy định sai số này chỉ là 20% và chỉ được diễn ra nhiều nhất là 1 lần/năm. Ngoài ra cơ quan quản lý môi trường của Philipines sẽ được phép phạt hành chính đến 5.000 Peso đối với những cơ sở không tuân thủ các quy định nộp phí nước thải hoặc các điều kiện theo liên quan đến quản lý nước thải khác. Nếu cơ sở sản xuất nào không trả phí nước thải, hoặc thải quá so với lượng trong tờ khai thì cơ quan quản lý môi trường sẽ thu lại giấy phép được thải của cơ sở và có thể có những hình thức phạt khác. Sau khi cơ quan quản lý môi trường ra quyết định, nếu cơ sở sản xuất tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt tới 5000 Peso/ ngày vi phạm. Nếu cơ sở sản xuất không cho phép các cán bộ môi trường vào thanh tra cơ sở sản xuất của mình (hoặc không hợp tác), hoặc không nộp phạt theo quy định thì cơ quan quản lý môi trường sẽ áp dụng các hình thức phạt khác, có thể sẽ yêu cầu đóng của cơ sở sản xuất đó. Tuy nhiên, nghị định thu phí nước thải của Việt Nam chỉ quy định truy thu phí nước thải đối với các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp kê khai lượng thải ít hơn lượng thải thực tế sau khi đã có kết quả lấy mẫu kiểm tra, phân tích. Nghị định thu phí nước thải của Việt Nam không quy định mức phạt hay các hình thức phạt nếu doanh nghiệp không nộp phí hoặc không hợp tác khi cơ quan quản lý môi trường tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy rằng với các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ và có hiệu lực hơn nên quy định thu phí nước thải của Philippines đã có những tác dụng đáng kể trong quản lý nước thải công nghiệp ở vùng hồ Laguna. Trong 3 năm đầu tiên áp dụng chế độ thu phí nước thải, Ban quản lý hồ Laguna của Philipines đã thu được tổng sổ phí là 34 triệu Peso với số lượng doanh nghiệp nộp phí tăng từ 275 (năm 1997) lên 520 (năm 1999), và lượng chất thải BOD từ các doanh nghiệp này đã giảm đi 88%. Cơ quan quản lý môi trường trong vùng cũng đã đóng cửa 50 doanh nghiệp trong 2 năm 1998-1999 do các doanh nghiệp này vi phạm các quy định về thu phí nước thải. Đối với Việt Nam, nghị định 67/2003/NĐ-CP đã được triển khai trong thời gian 5 năm và có những tác động tích cực nhất định nhưng việc triển khai thực hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Tỷ lệ các doanh nghiệp nộp phí và số phí thu được đạt tỷ lệ không cao. Số phí thu được so với số phí đã thẩm định ở Hà Nội hàng năm (2005-2007) chỉ đạt dưới 30% (Nguyễn Thanh Thắm, 2009), trong khi ở Bắc Ninh tỷ lệ thu phí từ năm 2004-2008 chỉ đạt 29% (Sở Tài nguyên và môi trường Bắc Ninh, 2009). Mức phạt các cơ sở sản xuất không chấp hành quy định nộp phí nước thải hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải được đánh giá là thấp, do vậy nhiều đơn vị sẵn sàng nộp phạt để được sản xuất và gây ô nhiễm môi trường hơn là ngừng gây ô nhiễm (www.vietnamplus.vn ngày 29/8/2009).

3.1.4. Về quản lý và sử dụng phí nước thải

Theo thông tư 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT thì 20% tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được ở Việt Nam được để lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường trang trải chi phí cho việc thu phí và chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ cho việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp từ lần thứ hai trở đi. Phần phí còn lại (80% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được) được nộp vào ngân sách nhà nước và phân chia cho các cấp ngân sách: Ngân sách trung ương hưởng 50% để bổ sung vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Ngân sách địa phương hưởng 50% để sử dụng cho việc bảo vệ môi trường trên địa bàn (phòng ngừa, khắc phục và xử lý ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường), đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương. Theo quy định của chính phủ Philippines thì 80% doanh thu từ thu phí nước thải ở khu vực hồ Laguna sẽ được cơ quan quản lý môi trường trong vùng sử dụng để chi trả các chi phí quản lý và thực hiện các biện pháp thanh tra, giám sát, tăng cường quản lý chất lượng nước. Phần còn lại (20%) sẽ được chính quyền địa phương sử dụng cho các dự án môi trường của địa phương chẳng hạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Như vậy, cơ quan quản lý môi trường Philippines sẽ có nguồn kinh phí dồi dào hơn để triển khai công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất. Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý nước thải của Philippines ở khu vực hồ Laguna đạt kết quả và hiệu quả cao hơn.

4. KẾT LUẬN

Nghị định 67/2003/NĐ-CP về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng  phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (bao gồm cả nước thải công nghiệp) của Việt Nam đã được triển khai từ năm 2004 và đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Mặc dù vậy để có thể thực hiện tốt hơn nữa việc thu phí nước thải công nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường thì việc điều chỉnh mức phí và cách tính phí đối với các cơ sở sản xuất là cần thiết để vừa đạt được mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách, vừa tạo ra động lực để khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo phí cố định hàng năm, phí biến đổi dựa vào hàm lượng chất ô nhiễm trong tiêu chuẩn cho phép và vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Ban quản lý hồ Laguna ở Philippines có thể là cơ sở tốt để tham khảo và điều chỉnh mức phí và cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra trong điều kiện nguồn lực có hạn để tăng cường hiêu lực công tác thu phí nước thải thì ban đầu việc thu phí chỉ nên được thực hiện đối với một hoặc một vài chất ô nhiễm chủ yếu và chỉ đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đáng kể để có thể tập trung được nguồn lực thực hiện công tác thu phí. Sau khi hệ thống thu phí đã đi vào hoạt động tốt thì có thể mở rộng đối tượng chịu phí và đối tượng nộp phí... Thực hiện thành công việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác thu các loại phí bảo vệ môi trường khác như phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, chất thải rắn, trên cơ sở đó sẽ góp phần kiểm soát và khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.  



Tài liệu tham khảo


1.    Ermawati D.W. (2000) The Role of Environmental User Fees in Improving Water Quality in the Philippines.     (www.gsid.nagoya-u.ac.jp/..../Individual.pdf)
2.    Ken Rubin (2000). Establishing an industrial wastewater effluent fee program, Laguna de Bay, Philippines. (www.gwptoolbox.org/index.php)
3.    Laplante B. (2006). Review of Implementation of Decree 67/2003 on Environmental Protection Charges for Wastewater in Viet Nam. UNDP report.
4.    Nguyễn Thế Chinh (2006). Đánh giá tình hình thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo nghị định 67/2003/NĐ-CP. Kỷ yếu hội thảo khoa học Áp dụng công cụ kinh tế cho quản lý môi trường ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. (tr.84-97)
5.    Nguyễn Mậu Dũng (2007). Tình hình thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở Việt Nam. Tạp chí khoa học, trường Đại học nông nghiệp Hà Nội. Số 3 năm 2006. (tr. 73-80)
6.    Nguyễn Thanh Thắm (2009). Áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tại thành phố Hà Nội. Luận văn cao học. Đại học Kinh tế quốc dân.
7.    OECD (2005). Các công cụ kinh tế quản lý ô nhiễm môi trường của các nước OECD (www.oecd.org.env/policies/database).
8.    Sở Tài nguyên và môi trường Bắc Ninh (2009). Báo cáo kết quả triển khai nghị định số 67/2003/NĐ-CP từ 2004-2008.
9.    Nghị định 67/2003/NĐ-CP quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ngày 13/06/2003.
10.    Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT, ngày 18/12/2003.
11.    www.vietnamplus.vn ngày 29/8/2009

 

 

TS. Nguyễn Mậu Dũng

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second