Mặc dù hầu hết các quốc gia có biển đã có những chính sách ngành cụ thể để quản lý sử dụng biển phục vụ nhu cầu, mục đích của các ngành ví dụ như chính sách hàng hải, chính sách ngư nghịêp, dầu khí… nhưng các nỗ lực của các quốc gia có biển nhằm mục đích: thứ nhất là để đưa ra cái nhìn tổng hợp, tòan diện trong công tác quản lý biển, đại dương và khu vực đới bờ trong phạm vi quyền tài phán quốc gia; thứ hai là để phát triển hài hòa với các luật, chính sách liên quan đến biển đã có; thứ ba là để thúc đẩy phát triển bền vững biển và đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và thứ tư là nhằm đưa ra các định hướng hướng dẫn để điều phối, giúp gắn kết hài hòa quyết định, hành động của các cơ quan ban ngành liên quan đến biển… mới thực sự phát triển trong những năm gần đây.
Đối với công tác quản lý biển tại nước ta, nước ta cũng đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản qui phạm pháp luật... nhằm hướng tới quản lý tổng hợp, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong tiến trình đưa đất nước trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Đến nay, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên, việc sử dụng, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển, đó là hạn chế trong hiểu biết về biển và đại dương để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển, các vấn đề ô nhiễm biển ngày càng gia tăng, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển ngày càng suy giảm, tài nguyên biển đang dần cạn kiệt...
Mục đích của bài viết này nhằm tập trung đánh giá tổng quan về xu hướng, hiện trạng chính sách/chiến lược quản lý tài nguyên môi trường biển của một số quốc gia để nắm bắt xu hướng chung của thế giới ở phần I, trước khi tập trung thảo luận vấn đề đặt ra trong công tác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại nước ta trong phần II.
I. Tổng quan xu hướng về chiến lược, chính sách sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển trên thế giới
Với những thành tựu vượt bậc của khoa học kĩ thuật chúng ta đã có nhiều bước tiến lớn trong việc khai thác nguồn tài nguyên biển, nguồn tài nguyên mà trước đó đã luôn nằm ngoài tầm với của loài người do những hạn chế về mặt khoa học kĩ thuật. Thế nhưng, cũng với nỗ lực tiến ra biển, khai thác tài nguyên biển để làm giàu từ biển, biển đang đứng trước nhiều thách thức đó là vấn nạn ô nhiễm biển từ đất liền, môi trường sống của các loài sinh vật bị tàn phá, đa dạng sinh học biển đang bị mất đi, trữ lượng các lòai ngày càng suy giảm...
Đứng trước những thực tế này, nhằm mục đích phát triển bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển ở qui mô toàn cầu, một khung chính sách, pháp luật quốc tế đã được xây dựng trong đó tiêu biểu phải kể đến đó là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố Rio de Janeiro 1982, chương trình nghị sự 21, ...
Bên cạnh các công ước, điều ước, cam kết quốc tế này, còn có nhiều các thỏa thuận, cam kết quốc tế khác ví dụ như: Bộ quy tắc ứng xử Nghề cá có Trách nhiệm (Code of Conduct for Responsible Fisheries), Thỏa thuận Liên Hợp Quốc nguồn lợi thủy sản (UN Fish Stocks Agreement), Công ước MARPOL 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tràn dầu gây ra…
Như vậy, có thể thấy rằng đến nay rất nhiều các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã được xây dựng, triển khai và nhiều tuyên bố đã được kí kết nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường biển hướng đến phát triển bền vững biển. Các cam kết, quy tắc quốc tế này rất quan trọng, thông qua chúng các nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia trong bảo vệ môi trường đã được thiết lập. Đây cũng chính là công cụ hợp tác để đạt được các mục tiêu chung của các nước trong bảo vệ và phát triển bền vững biển.
Ở cấp độ quốc gia, dựa trên khung pháp luật, chính sách chung quốc tế đã được xây dựng, trong những năm gần đây, xu hứơng chung cho thấy các quốc gia trên thế giới cũng có nhiều nỗ lực trong việc họach định và thực thi chính sách, chiến lược hay các đạo luật nhằm hướng tới việc quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển.
1. Mĩ
Mĩ, đất nước có vùng biển nằm trong quyền tài phán quốc gia lớn nhất trên thế giới, cũng chính là nước đã có nhiều họat động đi tiên phong trong cộng đồng quốc tế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách, chiến lược liên quan đến biển. Là một mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển khoa học kĩ thuật, nghiên cứu, điều tra về biển cả bao la và đại dương mênh mông được Mĩ hết sức quan tâm đầu tư cả nhân lực và tài lực. Trong bối cảnh này, vào năm 1966 Ủy ban của tổng thống về tài nguyên và khoa học kĩ thuật biển (thường được gọi là Ủy ban Stratton) đã được thành lập theo như quy định của Luật Phát triển Kĩ thuật và Các nguồn tài nguyên biển (Marine Resources and Engineering Development Act) do tổng thống Lyndon Johnson kí ban hành năm đó. Sau đó, đến năm 1969, Ủy ban đã hoàn thành báo cáo “Our nation and the Sea” (Biển và Đất nước chúng ta). Đây là báo cáo được đánh giá là báo cáo nghiên cứu đầu tiên thuần túy về chính sách biển của Mĩ với 126 khuyến nghị chính sách và trong đó nhiều nội dung đã được chuyển thể thành hành động thực tế. Một trong các ví dụ điển hình là việc thành lập Cục khí tượng- hải dương (NOOA) năm 1970 và việc thực thi chính sách quản lý đới bờ vào năm 1972. So với các quốc gia khác, chính sách biển của Mĩ ngay trong thập niên những năm 60-70 của thế kỉ trước cơ bản đã được hình thành và có hình thái cụ thể.
Những sự kiện quan trọng mang tính quyết định của chính sách liên quan đến biển của Mĩ kể từ sau báo cáo của Ủy bản Stratton khi chúng ta nhìn lại trong chuỗi thời gian qua, có thể kể đến đó là:
- Thông qua Luật biển vào ngày 7 tháng 8 năm 2000.
- Xuất bản báo cáo của Ủy ban Pew với tựa đề “American’s Living Oceans ” vào ngày 4 tháng 6 năm 2003.
- Xuất bản báo cáo trù bị của Ủy ban chính sách biển vào ngày 20 tháng 4 năm 2004.
- Xuất bản báo cáo “An Ocean Blueprint for the 21st Century” của Ủy ban chính sách biển vào ngày 20 tháng 9 năm 2004.
- Công bố kế họach hành động biển của Mĩ (US Ocean Action Plan) vào ngày 17 tháng 12 năm 2004…
Bước vào những thập niên tiếp theo, nước Mĩ mặc dù trải qua nhiều nhiệm kì của các tổng thống khác nhau, nhưng nhìn chung các chính sách, pháp luật liên quan đến biển của Mĩ ngày càng được hòan thiện.
Nhằm để sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, khung chính sách biển quốc gia của Mĩ đã được xây dựng và triển khai với nguyên tắc chỉ đạo sau:
- Nguyên tắc bền vững (Sustainability): Chính sách biển phải được xây dựng để thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.
- Nguyên tắc Quản lý (Stewardship): Trong nguyên tắc này, chính phủ Mĩ đại diện (do quần chúng ủy thác) sở hữu tài nguyên biển và vùng bờ, đây là một nhiệm vụ đặc biệt nhằm đảm bảo sự hài hòa, giữ thăng bằng cho các mục đích sử dụng các nguồn tài nguyên biển để luôn đạt được hiệu quả lợi ích cho nhân dân Mĩ. Cũng theo nguyên tắc này, mỗi người dân cần phải nhận thức rõ được giá trị của biển và đại dương hỗ trợ các chính sách thích hợp và hành động có trách nhiệm để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường biển.
- Nhận thức rõ mối liên kết mật thiết giữa không khí, biển và đất liền: Chính sách biển phải được xây dựng dựa trên nhận thức rằng biển, đất và không khí đan xen mật thiết với nhau, các hành động mà gây ảnh hưởng đến một thành phần này thì sẽ có thể ảnh hưởng tác động đến những thành tố khác.
- Nguyên tắc Quản lý dựa vào hệ sinh thái: Tài nguyên biển và vùng bờ phải được quản lý theo phương thức phản ảnh mối quan hệ giữa các thành phần hệ sinh thái, bao gồm các loài sinh vật sống, các loài phi sinh vật và môi trường trong đó chúng sinh sống. Việc áp dụng nguyên tắc này sẽ đòi hỏi xác định khu vực quản lý địa lý phù hợp dựa vào hệ sinh thái thay vì dựa vào ranh giới hành chính.
- Nguyên tắc quản lý sử dụng đa mục đích (Multiple Use Management): Có nhiều cách sử dụng mang lại nhiều lợi ích tiềm năng to lớn của biển cả và vùng bờ nhưng chúng phải được quản lý theo cách thức làm hài hòa giữa các mục đích sử dụng, đồng thời cũng bảo tồn và bảo vệ tính toàn vẹn chung của môi trường biển và vùng bờ.
- Nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học biển: Khuynh hướng đang làm suy thoái, suy giảm đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển phải được đảo ngược với mục đích nhằm duy trì, khôi phục trở lại mức độ tự nhiên của đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
- Nguyên tắc dựa vào thông tin và khoa học tốt nhất: Các quyết định chính sách biển phải dựa trên sự hiểu biết tốt nhất, đầy đủ về các tác động, ảnh hưởng của tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, tự nhiên lên môi trường biển. Các nhà họach định chính sách phải có được, hiểu và nắm rõ các thông tin và khoa học để giúp quản lý thành công tài nguyên, môi trường biển và vùng bờ.
- Quản lý thích nghi (Adaptive Management): Chương trình quản lý biển phải được thiết kế để đáp ứng các mục tiêu rõ ràng và cung cấp các thông tin mới để tiếp tục nâng cao không ngừng cơ sở khoa học đối với việc quản lý trong tương lai. Cần đánh giá lại mục tiêu, tính hiệu quả của biện pháp quản lý theo định kì, chú trọng gắn kết các thông tin mới trong quá trình thực thi quản lý...
- Quản lý tham gia (Participatory Governance): Quản lý sử dụng biển phải đảm bảo sự tham gia đông đảo của người dân đối với các vấn đề có tác động đến họ.
- Nguyên tắc đảm bảo kịp thời: Hệ thống quản lý biển phải họat động một cách nhanh chóng, linh họat và hiệu quả với các dự báo.
- Nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm giải trình (Accountability), tính minh bạch: Người đưa ra quyết định và các thành viên của cộng đồng phải có trách nhiệm giải trình cho các hành động gây ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường biển và vùng bờ.
- Nguyên tắc đảm bảo thực thi trách nhiệm quốc tế: Mĩ phải tích cực cộng tác với các quốc gia khác trong việc phát triển, thi hành chính sách biển quốc tế, phản ánh mối quan hệ sâu sắc, các quyền lợi của Mĩ trong các vấn đề liên quan đến biển, đại dương trên tòan cầu.
Ngoài những nguyên tắc nêu trên, khung chính sách biển quốc gia của Mĩ còn đề cập đến việc tăng cường cơ cấu tổ chức, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và thăm dò, xây dựng một kỷ nguyên mới về thu thập dữ liệu và hệ thống thông tin, các chính sách thúc đẩy công tác giáo dục, đào tạo… làm nền tảng sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển hiện tại và mai sau.
2. Úc
Tiếp sau Mĩ, Úc cũng là quốc gia có diện tích thủy vực lớn trong phạm vi quyền tài phán quốc gia trên thế giới, ngay từ những năm 1998, Úc đã hòan thành báo cáo chính sách với tiêu đề "Chính sách biển của Úc: Chăm sóc, hiểu và sử dụng khôn ngoan (Australia’s Ocean policy: caring, understanding, using wisely)" với nguyên tắc phát triển bền vững sinh thái, Úc cũng đã và đang rất nỗ lực quản lý tổng hợp biển thông qua các hành động cụ thể đó là: Thành lập Ủy ban Bộ trưởng Biển Quốc gia, trong đó Bộ trưởng Bộ Môi trường và Di sản làm chủ tịch để giám sát phân chia vùng biển quản lý rộng lớn theo hệ sinh thái biển, rồi lựa chọn các khu vực để triển khai qui hoạch biển theo khu vực đã được đông đảo các cơ quan ban ngành và các bên có liên quan tham gia xây dựng với sự tham vấn nhiều tầng lớp xã hội nhằm quản lý tổng hợp biển. Đến nay, qui họach cho khu vực Đông Nam trong vùng thuộc quyền tài phán của Úc đã được hòan tất và kế họach cho khu vực khác cũng được triển khai.
3. Canada
Canada, hiện là quốc gia giữ vị trí số 5 về diện tích thủy vực trong 200 hải lý, cũng đã sớm triển khai công tác quản lý tổng hợp biển thông qua việc sớm giao cho Bộ Ngư nghiệp đảm nhiệm, phụ trách công tác liên quan đến an ninh/an toàn trên biển, giao thông trên biển, thủy sản và vấn đề môi trường biển. Năm 1997, Canada đã xây dựng và ban hành Luật biển, đây là bộ Luật phổ quát liên quan đến biển của Canada, trong đó điều 30 của Luật qui định nguyên tắc cơ bản của chiến lược biển quốc gia bao gồm (1) Nguyên tắc phát triển bền vững, (2) Nguyên tắc quản lý tổng hợp các họat động và (3) Nguyên tắc dựa trên cách tiếp cận phòng ngừa (Precaution approach). Dựa trên cơ sở của bô Luật này đến tháng 7 năm 2002, Bộ Ngư nghiệp của Canada cũng đã xây dựng chiến lược và chương trình hành động biển.
Chiến lược biển của Canda đã xây dựng và đưa ra một khung chính sách và mô hình mới, một cách tiếp cận chiến lược nhằm quản lý tổng hợp, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển của Canada. Nội dung chính trong mô hình quản lý biển trong Chiến lược được đưa ra nhấn mạnh công tác phối kết hợp trong quản lý biển, không chỉ giới hạn trong chính phủ liên bang (trung ương) mà còn giữa các chính quyền các bang (địa phương) với sự tham gia của người dân Canada trong các quyết định liên quan đến biển mà trong đó họ có quyền lợi. Quản lý biển là trách nhiệm chung được chia sẻ trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu chung.
Trong chiến lược biển của Canada, công tác quản lý biển sẽ tập trung vào 03 mảng: Thứ nhất, chính phủ liên bang sẽ phát triển, hỗ trợ và thúc đẩy các họat động xây dựng cơ chế tổ chức quản lý để thúc đẩy hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin trong quản lý biển giữa chính phủ liên bang và các cấp của chính phủ. Thứ hai, huy động các bên liên quan tham gia vào công tác lập kế họach và quản lý các họat động liên quan đến biển thông qua việc thực thi chương trình kế họach quản lý tổng hợp do việc quản lý tổng hợp được xem là cơ sở quan trọng trong quản lý biển, quản lý tổng hợp nhấn mạnh ba vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường trong việc lập kế hoach sử dụng bền vững biển và xây dựng cấu trúc họach định chính sách xem xét cả vấn đề bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái, đồng thời cung cấp các cơ hội mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế và cộng đồng. Ngoài ra, quản lý tổng hợp còn tạo ra các cơ hội cho quần chúng tham gia trong việc đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Thứ ba, chiến lược đáp ứng mong muốn, nguyên vọng tham gia của người dân Canada trong các hoạt động quản lý, thông qua đó thúc đẩy nâng cao nhận thức và đề xuất các sáng kiến quản lý.
Như được nêu trong Luật Biển của Canada, Chiến lược biển của Canada xây dựng dựa theo nguyên tắc của (i) Phát triển bền vững, (ii) Quản lý tổng hợp và (iii) Cách tiếp cận phòng ngừa. Đây là ba nguyên tắc có vai trò rất quan trọng trong định hướng việc họach định chính sách quản lý biển của Canada. Cùng với 03 nguyên tắc cơ bản này, Chiến lược biển của Canada còn đưa ra 3 mục tiêu chính đó là:
- Tăng cường sự hiểu biết, kiến thức và bảo vệ môi trường biển thông qua việc xây dựng hệ thống báo cáo tình trạng của biển, tăng cường hợp tác trong thu thập, giám sát và chia sẻ thông tin, tăng cường tri thức khoa học liên quan đến hệ sinh thái biển, xây dựng khung hành động để đối phó với nguồn ô nhiễm biển, xây dựng chiến lược mạng lưới quốc gia khu vực bảo tồn biển...
- Hỗ trợ các cơ hội kinh tế bền vững thông qua việc hỗ trợ và cải thiện quản lý ngành công nghiệp biển, tiến hành phân tích kinh tế cho các ngành công nghiệp mới, kiểm tra khung pháp lý đảm bảo bảo vệ môi trường hiệu quả…
- Minh chứng cho khả năng tiên phong trong quản lý biển trong cộng đồng quốc tế bao gồm việc thúc đẩy quản lý và xây dựng các qui định pháp qui, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển trong quản lý bền vững tài nguyên môi trường biển…
4. Một số quốc gia khác
Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia hiện đang sở hữu vùng biển rộng lớn như Mĩ, Úc, Canada vừa kể trên, thực tế cho thấy rằng đối với các quốc gia có biển khác, việc khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường biển đều là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, hiện tại các quốc gia này cũng đang rất nỗ lực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển.
Nhìn qua Châu Á, công tác xây dựng pháp luật, chính sách biển và thành lập các cơ quan chủ quản về biển cũng đang được triển khai tích cực ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, vào năm 1964, dưới sự chỉ đạo của Quốc vụ viện Trung quốc, Cục hải dương quốc gia đã được thành lập và được trao nhiệm vụ trọng tâm trong việc họach định chính sách biển của Trung quốc bao gồm công tác phát triển chiến lược phát triển biển, quản lý tổng hợp biển, quản lý phát triển tài nguyên biển, xây dựng chương trình, nhiệm vụ phát triển khoa học kĩ thuật biển quốc gia...kể từ đó, hàng lọat các chính sách của Trung quốc đã được xây dựng và ban hành tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc hướng đến việc sử dụng và khai thác biển bền vững. Các chính sách và pháp luật về biển quan trọng của Trung quốc có thể kế đến đó là:
- Ngày 4 tháng 9 năm 1958: Chính phủ Trung quốc đưa ra tuyên bố về lãnh hải
- Ngày 23 tháng 8 năm 1982: ban hành Luật bảo vệ môi trường biển quốc gia (sửa đổi năm 1999)
- Ngày 25 tháng 2 năm 1992: bàn hành Luật vùng tiếp giáp và lãnh hải Trung quốc
- Năm 1993: Chính sách kĩ thuật biển (Chính sách kĩ thuật công nghiệp biển vĩ mô và toàn diện đầu tiên)
- Tháng 5 năm 1995: Kế họach phát triển biển toàn quốc
- Ngày 15 tháng 5 năm 1996: Tuyên bố của Trung quốc về đường cơ sở lãnh hải quốc gia
- Tháng 5 năm 1996: Chương trình nghị sự biển 21 Trung quốc (với tên ban đầu là Biển Trung quốc trong thế kỉ 21)
- Ngày 15 tháng 5 năm 1996: Quyết định của ủy ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về việc phê chuẩn công ước về Luật biển của Liên hiệp quốc.
- Tháng 5 năm 1998: Sách trắng về phát triển công nghiệp biển Trung quốc.
- Ngày 26 tháng 6 năm 1998: Luật về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Trung quốc.
- Ngày 27 tháng 10 năm 2001: Luật quản lý sử dụng vùng biển
- Tháng 12 năm 2002: Phân chia chức năng biển toàn quốc
- Ngày 9 tháng 5 năm 2003: Khung kế họach phát triển kinh tế biển toàn quốc
- Ngày 1 tháng 7 năm 2003: Qui định quản lý sử dụng và bảo vệ đảo không có cư dân
- Ngày 1 tháng 1 năm 2004: Cục hải dương quốc gia công bố và thi hành qui định về qui định tạm thời quản lý khu vực xả thải
- Ngày 1 tháng 3 năm 2006: Ban hành qui định bảo vệ đường ống cáp quang dưới đáy biển
- Ngày 1 tháng 11 năm 2006: Ban hành Luật quản lý phòng tránh thiệt hại môi trường biển và ô nhiễm biển cùa các dự án qui mô lớn...
Kế bên với Trung quốc, vào năm 1996, Hàn quốc đã thống nhất công tác quản lý biển và đới bờ thuộc quyền quản lý của các Bộ riêng biệt, kể từ đó chính sách biển của Hàn quốc đã có bước phát triển rõ rệt. Sau Luật quản lý đới bờ ban hành năm 1999, Hàn quốc đã xây dựng và ban hành chính sách biển và đới bờ quốc gia với tựa đề "Biển Hàn Quốc 21" vào năm 2000. Ngoài ra, vào năm 2002, Hàn quốc cũng đã xây dựng Luật cơ bản phát triển thủy sản biển và chuẩn bị xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng, phát triển và bảo vệ hiệu quả tài nguyên, môi trường biển. Với các kết quả đã đạt được này, vào năm 2002, Hàn quốc đã được tuyên dương trong báo cáo tổng hợp liên quan đến luật biển và biển của Liên Hiệp quốc khi đề cập đến tầm quan trọng của việc quản lý tổng hợp biển đối với vấn đề biển mang tính liên ngành, như là một quốc gia tiêu biểu trong nỗ lực quản lý tổng hợp biển.
Tại Nhật Bản, ngay từ những năm 1960 đến 1970 việc cần thiết ban hành luật cơ bản về biển của Nhật bản được thảo luận khá sôi nổi. Tuy nhiên sau đó một thời gian dài vấn đề bị lãng quên và mãi đến những năm đầu thế kỉ này, nhiều đề xuất về chính sách biển mới xuất hiện và thảo luận. Một bước đi quan trọng dẫn đến việc ban hành chính sách cơ bản về biển đó là việc Quỹ Nghiên cứu Chính sách Biển biên tập và xuất bản báo cáo “Biển và Đề xuất Nhật bản cho chính sách biển thế kỉ 21” (The Oceans and Japan-proposal for a 21st century ocean policy) vào năm 2005, báo cáo được đệ trình cho Chủ tịch Quỹ Nippon Foundation và một số cơ quan chức năng có liên quan. Đến năm 2006, báo cáo được gửi tới Tổng thư kí nội các của thủ tướng Abe. Trong báo cáo đề xuất này, các đề xuất cụ thể đã được đưa ra liên quan đến việc xây dựng các mục tiêu của chính sách biển, xây dựng một khung (thể chế) để ban hành một luật cơ bản về biển, tăng cường quản lý lãnh hải được mở rộng của quốc gia và hợp tác quốc tế. Có thể nói báo cáo đề xuất này là cơ sở quan trọng cho Luật cơ bản về biển của Nhật bản. Báo cáo này đã nhận được sự quan tâm của hầu hết các đảng chính trị của Nhật bản, trong không gian chính trị vào thời gian đó, các cuộc thảo luận và mối quan tâm đến chính sách biển ngày càng tăng, kết quả một nhóm nghiên cứu về Luật cơ bản về biển được thành lập vào tháng 4 năm 2006. Nhóm nghiên cứu này đã có nhiều cuộc hội thảo trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội từ các bộ ngành đến các chuyên gia liên quan về lĩnh vực biển, công nghiệp…và đi đến được kết luận cuối cùng trong báo cáo “Hướng dẫn chính sách sách biển” (Guideline for Ocean Policy) và “Khung của Luật cơ sở về biển” (Outline for a Basic Ocean Law).
Từ các kết quả này và trên cơ sở tổng hợp thành quả từ các sáng kiến, quan điểm khác nhau của các bộ ngành, các bên liên quan về biển, Dự thảo Luật về biển đã được xây dựng và đệ trình nội các thông qua. Khác với các Luật khác, Luật này được xem là luật tổng hợp đầy đủ nhất vì thứ nhất: nó điều chỉnh các chính sách và công tác quản lý của nhiều bộ ban ngành liên quan, trong khi đó nhiều bộ luật chỉ đơn thuần bao phủ trong phạm vi một bộ ngành; thứ hai: luật cơ bản về biển không chỉ giới hạn trong vấn đề quyền lợi cụ thể về biển mà đây là một bộ luật cơ bản và tổng hợp của Nhật bản để thúc đẩy một cách toàn diện và hệ thống các chính sách/biện pháp đối với nhiều vấn đề như tài nguyên, môi trường, an toàn, an ninh biển và cả vấn đề giáo dục nâng cao nhân thức biển…
Ngoài các quốc gia vừa kể trên, các nước như Newzealand, Nga, Nam Phi...cũng đã rất nỗ lực và thu được các kết quả nhất định trong công tác xây dựng, triển khai chính sách, chiến lược để quản lý tổng hợp biển và đới bờ hướng đến phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển và theo như kết quả điều tra thống kế của Diễn Đàn Biển, Đới bờ và biển đảo Tòan cầu (Global Forum on Oceans, Coasts and Islands) công bố năm 2006 về việc thực thi chính sách quản lý tổng hợp biển và đới bờ, tính đến thời điểm năm 2006, đã có khoảng hơn 100 quốc gia đã xây dựng chính sách tổng hợp quản lý đới bờ, khoảng 60 quốc gia đã thực thi chính sách biển và trong đó ít nhất 50 quốc gia đã thành lập các khu bảo tồn Biển... Cùng với các thống kê cụ thể của nghiên cứu này, nhằm để đưa ra bức tranh tổng quan về hiện trạng của các quốc gia trên thế giới trong việc triển khai chính sách quản lý tổng hợp biển và đới bờ một số báo cáo khác đã chia các quốc gia trên thế giới thành 4 nhóm tương ứng với thực trạng triển khai chính sách của các nước đó là:
- Nhóm 1 gồm các quốc gia đã xây dựng các chính sách quản lý tổng hợp biển và có hệ thống thể chế, pháp luật cần thiết để thực thi các chính sách quản lý tổng hợp biển như vậy, Mĩ , Úc, Canada, Trung Quốc, Anh...sẽ là các quốc gia thuộc nhóm này
- Nhóm 2 gồm là nhóm các quốc gia đang trong giai đọan xây dựng, lập đề án liên quan chính sách quản lý biển, cụ thể Các quốc gia này bao gồm: Newzealand, Nauy, Ấn độ...
- Nhóm 3 là nhóm các quốc gia đang thảo luận về việc xây dựng chính sách biển nhưng vẫn chưa đưa ra được nội dung cụ thể bao gồm Indonesia, Malaysia,...
- Và cuối cùng là nhóm thứ 4 gồm có các quốc gia không hề có một động thái, nỗ lực nào trong việc xây dựng triển khai chính sách biển tuy nhiên đây là con số các quốc gia này rất ít chủ yếu tập trung vào các quốc gia lục địa.
II. Vấn đề đặt ra trong công tác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại nước ta.
Việt Nam nằm phía tây Biển Đông, có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Theo một số tài liệu, Biển Đông được hình thành cách đây hơn 240 triệu năm từ một hồ nước hình tam giác ở phía Đông đường xích đạo với chiều dài mỗi cạnh khoảng vài trăm cây số. Quá trình giản nở của trái đất, dịch chuyển các lục địa kết hợp với nhiều yếu tố tự nhiên khác làm thay đổi cấu trúc địa chất của lớp vỏ trái đất, hồ nước lớn dần thành vùng biển, thu hút biển Malacca, kết hợp với Vịnh Thái Lan và sau này Vịnh Bắc Bộ hình thành nên Biển Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philipin, In-đô-nê-xia, Bruney, Ma-lai-xia, Singapore, Thái Lan và Campuchia, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 300 triệu dân. Biển Đông có diện tích hơn 3,4 triệu km2, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, là con đường giao lưu và thương mại quốc tế nối liền Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều vùng biển khác, có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả với nhiều nước khác trên thế giới. Biển Đông là con đường biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau Địa Trung Hải). Trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới thì có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.
Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng phát triển kinh tế biển để làm giàu, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển là rất lớn. Tuy nhiên, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Trước hết, mặc dù chúng ta có các chương trình, dự án, đề tài điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về biển nhưng hiểu biết của chúng ta về Biển Đông còn rất hạn chế. Thiếu phương tiện, thiết bị, cán bộ có chuyên môn sâu và nguồn lực tài chính hạn hẹp nên thông tin, số liệu thu được còn sơ lược, độ tin chưa cao. Đây là thách thức lớn nhất và trở ngại đầu tiên trên con đường tiến ra biển. Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Đây là những nơi có điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua. Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi mất hẳn. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt. Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng. Hàng ngày biển phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn từ đất liền, trực tiếp hoặc theo các lưu vực sông đổ ra biển. Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải nhộn nhịp trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe doạ nhiều vùng biển nước ta. Trong thời gian tới, khi đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển, tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao sẽ gia tăng mạnh áp lực lên tài nguyên, các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có lợi thế về biển rất coi trọng tài nguyên và môi trường biển. Mĩ, Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia biển khác xác định sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của chiến lược biển quốc gia. Như đề cập ở phần trên, nhiều quốc gia có Chiến lược về tài nguyên và môi trường biển như Mĩ, Canada, Anh, Úc... Trong khuôn khổ chương trình hợp tác khu vực về quản lý môi trường biển Đông Á do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ với sự tham gia của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Việt Nam, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Campuchia và Thái Lan, các nước đã thống nhất xây dựng chiến lược về phát triển bền vững vùng biển Đông Á.
Để phát triển bền vững biển nước ta, trên cơ sở các định hướng chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta cần phải có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển. Chiến lược sẽ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta. Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, nghiên cứu để hiểu hơn về biển, cũng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, tiến tới hiểu rõ về tài nguyên dưới đáy biển, tiềm năng băng cháy, khả năng ứng dụng năng lượng thuỷ triều, sóng biển…; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới; phòng chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ là các nội dung quan trọng của Chiến lược. Bên cạnh đó, biển và vùng ven biển là nơi diễn ra nhiều hoạt động đan xen với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Vì vậy, để thúc đẩy sự phối kết hợp, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm thiểu các xung đột lợi ích, phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng cũng cần được đưa vào áp dụng ở Việt Nam để phát triển biển bền vững, giữ biển trong lành cho nhiều thế hệ mai sau./.
Ths. Nguyễn Văn Huy , Ban Tổng hợp
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Báo cáo 2009 của Nhật Bản về Biển
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004) Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2006),Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
4. Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
5. PEMSEA (1996), Integrated Coastal Management in Tropical Developing Countries: Lessons Learned from Successes and Failures
http://d130148.u37.wsiph2.com/publications/icm/18ICM_TropicalDev-Countrs_Successes_Failures.pdf
6. Tạp chí “Ocean Policy Studies” (海洋政策研究) các số của năm 2008-2009 http://www.sof.or.jp/jp/report/index.php
7. UNESCO (2007), National Ocean Policy: The basic texts from: Australia, Brazil, Canada, China, Colombia, Japan, Norway, Portugal, Russian Federation, United States of America
http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001583/158387e.pdf
8. Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Cần có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển: http://isponre.gov.vn/home/dien-dan/351-can-co-mot-chien-luoc-toan-dien-ve-tai-nguyen-va-moi-truong-bien
Newer articles
Older articles