Triển khai thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường

Wednesday - 09/06/2010 22:21
Kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường là chủ trương lớn được Bộ TNMT tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai trong năm 2010 và trong những  năm tới trên 2 hướng chủ đạo:
đổi mới thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; và tăng cường năng lực tư duy và phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn với Ts. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường về việc triển khai thực hiện chủ trương lớn này.

 

PV: Thưa ông, việc đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường hướng tới những mục tiêu lớn nào và để đạt được mục tiêu đó thì hướng triển khai, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp lớn nào được đưa ra trong thời gian tới?

Ts. Nguyễn Văn Tài: Đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng tầm đóng góp từ tài nguyên và môi trường cho thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng của nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu trên đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đẩy mạnh kinh tế hóa trên 2 hướng lớn: Thứ nhất, đổi mới thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ 2, tăng cường năng lực tư duy và phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường. Trên hướng thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chính sau đây: hình thành cơ chế định giá, lượng hóa giá trị kinh tế, hạch toán, thiết lập các tài khoản về tài nguyên và môi trường phù hợp với kinh tế thị trường; chuyển đổi các cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nặng về bao cấp, xin – cho không còn phù hợp sang cơ chế thị trường; đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế dựa trên các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường; hình thành mới và phát triển nguồn thu ngân sách từ tài nguyên môi trường; phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; và thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Trên hướng thứ 2, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chính sau: đào tạo kiến thức kinh tế cho đội ngũ cán bộ thuộc ngành tài nguyên và môi trường; bổ sung các chuyên gia kinh tế vào đội ngũ cán bộ của ngành; thực hiện việc phân tích kinh tế đối với các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hình thành mạng lưới và huy động các chuyên gia kinh tế tham gia vào việc hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Pv: Định giá, lượng hóa giá trị kinh tế các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các thành phần môi trường, chuyển đổi các cơ chế còn nặng về bao cấp, xin - cho là một trong những nội dung quan trọng của chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành. Những lĩnh vực nào cần được quan tâm hơn, thưa ông?

Ts. Nguyễn Văn Tài: Định giá, lượng hóa giá trị kinh tế các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các thành phần môi trường là bước đầu tiên, cơ bản để xác lập cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Phương pháp định giá, lượng hóa giá trị kinh tế phải dựa trên các nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường thì mới bảo đảm giá và giá trị kinh tế sát với thị trường. Định giá, lượng hóa giá trị kinh tế, thiết lập các tài khoản quốc gia về tài nguyên đồng thời với việc rà soát chuyển đổi các cơ chế còn nặng về bao cấp, xin – cho, xác lập các cơ chế cung – cầu theo thị trường, đấu giá, đấu thầu sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn quản lý hiện nay. Đất đai, địa chất - khoáng sản, khí tượng - thủy văn, đo đạc bản đồ là những lĩnh vực tồn tại nhiều năm trong cơ chế tập trung quan liêu nặng về bao cấp trước đây nên cần phải được quan tâm hơn trong quá trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành.

Pv: Trong thời gian qua, những lĩnh vực nào của ngành đã được kinh tế hóa một bước, mang lại hiệu quả cao và đâu là những tiềm năng tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trong quá trình kinh tế hóa ngành thưa ông?

Ts. Nguyễn Văn Tài: Luật Đất đai năm 2003 với các quy định mới về giao đất có thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất v.v. đã tạo nên bước đột phá trong thu ngân sách nhà nước từ đất đai ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, còn nhiều những chủ trương, chính sách lớn chưa được triển khai, tiềm năng lớn chưa được khai thác từ tài nguyên đất, khoáng sản, môi trường, … như chủ trương điều tiết phần giá trị gia tăng của đất đai không phải do chủ đầu tư tạo ra mà do nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, đường sá…tạo nên (Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách đất đai), đấu thầu khai thác mỏ, phí bảo vệ môi trường (đặc biệt là phí xăng dầu), thuế môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, chi trả dịch vụ môi trường, v.v. Thương mại hóa thông tin, số liệu (địa chất, địa hình, địa chính, thủy văn, v.v.) cũng hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể để tái đầu tư phát triển.

Pv: Việc xây dựng, hình thành và áp dụng các công cụ thuế và phí hiện nay đã đã đạt được mục tiêu chính chưa, thưa ông?

Ts. Nguyễn Văn Tài: Thuế và phí về tài nguyên và môi trường do nhà nước thu có 2 mục tiêu chính là tạo thêm nguồn cho ngân sách nhà nước và điều tiết vĩ mô các quan hệ xã hội theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các quy định về thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí môi trường hiện nay chỉ mới tập trung vào tăng thu ngân sách mà chưa chú trọng đến mục tiêu thúc đẩy sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các bất cập này của các chính sách thuế, phí hiện nay cần phải được sớm khắc phục. Một chính sách thuế phù hợp sẽ có tác dụng rất lớn trong việc điều tiết các hoạt động, hành vi liên quan theo hướng có chủ đích có lợi cho môi trường. Tôi lấy ví dụ như chính sách áp thuế trọn gói đối với việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng đã ngăn được dòng xe bãi rác từ các nước khác vào Việt Nam. Xe bãi rác là một trong những vấn nạn môi trường mà nhiều nước trong đó có Ấn Độ, Philipine, … mắc phải mà ta đã tránh được thông qua một chính sách đúng.

Pv: Theo ông, làm thế nào để tiến trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành thành công, đạt được mục tiêu đề ra?

Ts. Nguyễn Văn Tài: Trước hết phải xác định đẩy mạnh kinh tế hóa là một quá trình, thực hiện trong nhiều năm, có nghiên cứu, thử nghiệm rồi mới áp dụng rộng rãi. Các nhiệm vụ, giải pháp của chủ trương kinh tế hóa liên quan đến nhiều bên, nhiều nhóm đối tượng, các nhóm lợi ích khác nhau nên việc làm rõ được cơ sở lý luận, chứng minh được các lợi ích thiết thực, tạo được sự ủng hộ và đồng thuận là yếu tố hết sức quan trọng để bảo đảm thực hiện thành công. Bên cạnh đó, cần xây dựng năng lực tư duy, phân tích kinh tế trong ngành, huy động các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động của ngành, đặc biệt là trong việc hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

 

Phan Đức (t/h)

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second