Từ vụ Vedan: nhìn nhận những khuyết tật của hệ thống pháp lý

Monday - 23/08/2010 22:53
Thời hiệu khởi kiện trong vụ Vedan đã gần hết. Dùng dằng mãi cho đến nay, người nông dân mòn mỏi chờ thiện chí của doanh nghiệp để tìm một lối ra đơn giản, ít tốn kém và thỏa đáng cho cuộc đôi co thông qua thương lượng.
Nhưng bây giờ hầu như họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi mục tiêu được bồi thường thiệt hại bằng con đường pháp đình.

Thực ra diễn biến này không nằm ngoài dự kiến và do đó, không làm ai bất ngờ. Điều gây trăn trở là để thực hiện hành trình đòi công lý được dự báo là rất cam go này, đặc biệt đòi hỏi khả năng theo đuổi dài hơi, trong khi người nông dân - nguyên đơn lại không có điều kiện chuẩn bị hành trang pháp lý cần thiết cho mình, như sự mong muốn của tất cả những ai yêu chuộng công lý, lẽ phải.

Chắc chắn không nên để người nông dân có bất kỳ ảo tưởng nào về khả năng tiến hành một vụ kiện mang tính tập thể, vì lợi ích chung của những người bị thiệt hại. Luật hiện hành không ghi nhận loại kiện này, mà chỉ thừa nhận quyền kiện cáo theo luật chung về trách nhiệm dân sự: ai mất gì, thì phải nhân danh chính mình mà đòi lại. Giả sử tất cả nguyên đơn trong vụ Vedan đều ủy quyền cho một tổ chức nào đó, Hội Nông dân chẳng hạn, đứng đơn kiện thay mình, thì cũng không thể có một vụ kiện duy nhất: có bao nhiêu nguyên đơn, thì vẫn phải có chừng đó vụ kiện và người được ủy quyền phải đại diện cho từng nguyên đơn một, trong từng vụ. Chi phí xã hội cao do có nhiều vụ kiện cùng tính chất được lặp đi lặp lại một cách máy móc là không tránh khỏi.

Cũng theo luật chung, mỗi nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại của riêng mình để được bồi thường trực tiếp, độc lập với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn khác. Nhà chức trách công đã cam kết ủng hộ người bị thiệt hại trong việc thiết lập căn cứ pháp lý khách quan cho yêu cầu bồi thường của họ. Nhưng hứa, thậm chí thật lòng muốn giữ đúng lời hứa, là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Trong khi đó, việc điều tra, giám định để xác định mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả giữa hành vi xả chất thải và thiệt hại được ghi nhận là công tác kỹ thuật không hề đơn giản và rất tốn kém.

Vụ Vedan làm bộc lộ những khuyết tật của hệ thống pháp lý đang vận hành, những khuyết tật khiến cho hệ thống dường như trở nên bất lực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân bị người khác xâm hại. Về lâu dài, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm nhằm tìm kiếm giải pháp cải cách sâu rộng, để xã hội không phải bó tay trước những chuyện bất hợp lý và bất công rành rành như thế diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Cần có những công cụ pháp lý mà người bị thiệt hại có thể sử dụng để đòi lại cho mình những gì đã mất một cách có hiệu quả và nhất là với chi phí chấp nhận được.

Cụ thể, luật có thể thừa nhận cho những người có lợi ích bị xâm hại có tính chất giống nhau, như các nông dân trong vụ Vedan, quyền thành lập một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân để bảo vệ các lợi ích chung đặc thù của các thành viên. Tổ chức này tồn tại chỉ với sứ mạng đó và giải tán sau khi các thành viên đạt được mục tiêu chung. Luật có thể cho phép tổ chức ấy thu hội phí, thậm chí thu nhận sự ủng hộ vật chất ngoài xã hội để tạo nguồn quỹ phục vụ cho các hoạt động của nó.

Mặt khác, cần giải quyết vấn đề nghĩa vụ chứng minh theo hướng đặt nặng trách nhiệm của người gây thiệt hại hơn là trách nhiệm của người bị thiệt hại trong trường hợp tương quan giữa các bên về thế mạnh thu nhập có sự chênh lệch rõ ràng theo hướng bất lợi cho người bị thiệt hại, như trong vụ Vedan.

Ví dụ, luật có thể quy định rằng một khi trong khu vực một doanh nghiệp đang hoạt động có hiện tượng xuống cấp của môi trường sống và hiện tượng này xảy ra cùng một lúc với sự xuất hiện của chất này, chất nọ do nhà máy của doanh nghiệp thải ra, thì mối liên hệ nhân quả giữa hai sự kiện đương nhiên được xác lập. Khi đó, chính doanh nghiệp phải chứng minh cho được rằng các chất thải ấy không phải là tác nhân hủy hoại môi truờng; nếu chứng minh không xong, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý theo sự suy đoán của luật pháp và phải bồi thường thiệt hại cho những người dân sinh sống trong vùng, theo các bản kê khai được thẩm định.

TS Nguyễn Ngọc Điện
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Newer articles

Older articles

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second