Sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp chế biến, sản xuất, tư vấn, kinh doanh, thương mại và dịch vụ khu vực phía Nam. Các học viên tham dự đã được trang bị các kiến thức về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh doanh xanh, tác động của biến đổi khí hậu, thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, các công cụ thực hiện lập kế hoạch hành động xanh cho doanh nghiệp và kinh nghiệm phát triển theo hướng kinh doanh xanh của các doanh nghiệp từ các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thụy Điển.
Đối với các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, phát triển kinh tế xanh đang gặp khá nhiều trở ngại, trong đó nổi lên các vấn đề như: nhận thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư triển khai đang là những vấn đề gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển theo xu hướng xanh hóa sản xuất.
Trao đổi với các học viên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh “tiếp cận kinh tế xanh có sự khác biệt rất lớn so với kinh tế nâu, đặc biệt là về vấn đề công nghệ và vốn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hạch toán đầy đủ trên cơ sở kinh tế xanh để có định hướng phát triển đúng đắn và bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh mới”.
Kinh tế xanh cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể được ví như hai mặt của một đồng xu: cả hai đều cùng hướng tới mục tiêu chung là đẩy nhanh quá trình phát triển nhằm tiến tới phát triển bền vững. Mặt khác, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường trở thành thách thức to lớn đối với nhiều quốc gia. Thực trạng này cần có hướng giải quyết: hoặc thích ứng hoặc ứng phó. Là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - khoa học công nghệ của cả nước nhưng đồng thời cũng nằm trong danh sách 10 thành phố của thế giới và 5 thành phố của châu Á sẽ bị tác động nặng nề bởi mực nước biển dâng, thành phố Hồ Chí Minh khó tránh khỏi các ảnh hưởng do sự khắc nghiệt và tính cực đoan của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng bị phá hủy do ngập lụt và quá tải, tính dị thường của thời tiết, khả năng gia tăng của mực nước biển dâng, những điều này gây áp lực ngày càng lớn cho thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển. Theo ông Nguyễn Trung Việt - Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh: “Biến đổi khí hậu vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh trong việc nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu”.
Để đạt được mục tiêu xây dựng kế hoạch hành động xanh của doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều bên liên quan. Ở góc độ quản lý, các cơ quan Nhà nước cần đưa ra những chính sách, chủ trương mang tính chất lâu dài xây dựng nền tảng cho kinh doanh xanh. Đối với vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách và chủ trương là yếu tố quyết định. Tại khóa tập huấn, các chuyên gia của dự án đã cung cấp các công cụ cần thiết như: kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm toán năng lượng, sản xuất sạch hơn và hạch toán môi trường, giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng hơn về cách thức tiếp cận sản xuất xanh và kinh tế xanh phục vụ cho lập kế hoạch hành động xanh.
Đến nay, dự án đã tiến hành tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... và thiết lập mạng lưới giữa các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, bắt đầu tạo kênh thông tin trao đổi giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển. Theo kế hoạch, các khóa tập huấn sẽ tiếp tục được tổ chức tại Thanh Hóa, Quảng Ninh...
Dưới đây là một số hình ảnh tại sự kiện:
Hơn 250 đại biểu từ các doanh nghiệp phía Nam tham dự khóa tập huấn
Lễ trao chứng chỉ cho học viên sau khóa tập huấn
Các đại biểu tham gia khóa tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Ban Tổng hợp
Newer articles
Older articles