1. Mục tiêu:
Xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh nhằm triển khai thực hiện thành công Luật Bảo vệ môi trường 2014.
2. Nội dung
- Nghiên cứu, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật trong quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh (QHBVMT);
- Đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện QHBVMT ở nước ta;
- Đề xuất khung quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh;
- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho lập QHBVMT cấp tỉnh.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là xây dựng quy trình và hướng dẫn lập Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Việc nghiên cứu xây dựng quy trình và hướng dẫn lập QHBVMT cấp tỉnh được thực hiện trên phạm vi cả nước. Trong đó, việc khảo sát, nghiên cứu thực tế đã được tiến hành tại 09 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng QHBVMT trước khi ban hành Luật BVMT 2014.
4. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp tài liệu thứ cấp (nghiên cứu tại bàn)
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế
- Phương pháp chuyên gia
- Phương pháp hội thảo/tọa đàm
5. Kết quả đạt được:
- Thứ nhất, Đề tài đã làm rõ được nội hàm của QHBVMT cấp tỉnh. Trong đó, Đề tài đã khẳng định phân vùng môi trường là nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi của QHBVMT. Theo đó, khái niệm phân vùng môi trường cấp tỉnh cũng đã được đưa ra trong khi các văn bản pháp luật hiện tại chưa làm rõ vấn đề này. Trong Đề tài, phân vùng môi trường được hiểu là: “sự phân chia không gian lãnh thổ thành các vùng và các tiểu vùng/khu vực môi trường, sao cho biểu thị được sự phân chia hóa của lãnh thổ về các điều kiện tự nhiên, các hoạt động nhân sinh...trong quá trình phát triển, nhằm định hướng cho QHBVMT đối với lãnh thổ đó”. Trong đó, để phân chia các tiểu vùng môi trường/khu vực môi trường cần dựa trên dựa trên tính dễ bị tổn thương, xuống cấp hoặc không thể hồi phục được của môi trường sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm (quốc tế, trong nước) cũng được khái quát, tổng kết như là những tham khảo hữu ích cho nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, những cách tiếp cận mới hiện nay như phân vùng nhạy cảm môi trường; phân vùng chức năng sinh thái..., chúng ta có thể nghiên cứu và học hỏi để có thể áp dụng trong thực tiễn lập QHBVMT của Việt Nam.
- Thứ hai, Đề tài đã đề xuất được quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng và lồng ghép. Theo đó, quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh theo hình thức báo cáo riêng gồm 02 giai đoạn chính gồm giai đoạn “Lập nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ môi trường” giai đoạn “Xây dựng đồ án quy hoạch bảo vệ môi trường” gồm 12 bước chính. Đối với, quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh theo hình thức báo cáo lồng ghép, Đề tài cũng đã làm rõ các mối liên kết giữa các giai đoạn chính của quá trình xây dựng QHBVMT và quá trình xây dựng QHPTKTXH. Trong đó, phương thức lồng ghép nội dung QHBVMT vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải được xác định ngay từ khi bắt đầu xây dựng QHPTKTXH cấp tỉnh.
- Thứ ba, Đề tài đã xây dựng được Hướng dẫn QHBVMT cấp tỉnh. Tại mỗi bước, Đề tài cũng đã mô tả chi tiết mục tiêu, nội dung, cách tiếp cận và các phương pháp triển khai quy hoạch. Trong đó, một trong những bước cốt lõi và quan trọng nhất của QHBVMT là Đề tài đã xây dựng quy trình, phương pháp, cách tính, lựa chọn các tiêu chí để phân vùng môi trường dựa trên đánh giá nhạy cảm môi trường gồm mức độ nhạy cảm môi trường nước; mức độ nhạy cảm môi trường đất; mức độ nhạy cảm môi trường rừng và đa dạng sinh học và mức độ nhạy cảm thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đối với các tiêu chí được lựa chọn, nhóm xây dựng quy hoạch có thể tham khảo trong tài liệu Hướng dẫn để đề xuất các tiêu chí lựa sao cho phải mang tính tổng quát, đại diện và phù hợp với đặc thù của từng vùng quy hoạch. Có thể nói, đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mới ở Việt Nam trong lập QHBVMT trong khi đó các nghiên cứu trong nước trước đây chủ yếu xây dựng quy hoạch dựa trên cách tiếp cận địa lý.
6. Thời gian thực hiện: 32 tháng (từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2017)
7. Kết quả nghiệm thu: Xuất sắc
8. Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
9. Chủ nhiệm: Đồng chủ nhiệm: ThS. Hoàng Hồng Hạnh; ThS. Nguyễn Vũ Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn