1. Mục tiêu:
- Luận giải xu hướng lựa chọn hình thức sở hữu đất đai chủ yếu hiện nay trên thế giới, tính ưu việt và những hạn chế.
- So sánh, phân tích sự giống và khác nhau trong các quy định của pháp luật, giữa hình thức sở hữu đất đai toàn dân của Việt Nam và các hình thức sở hữu đất đai của các nhóm nước và các nước thuộc khu vực nghiên cứu.
- Rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng các chính sách đất đai.
2. Nội dung:
- Nghiên cứu tổng quan về sở hữu và sử dụng đất trên thế giới.
- Vấn đề sở hữu đất đai của một số quốc gia điển hình trên thế giới.
- Vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu sở hữu đất đai của một số nước trên thế giới.
3. Sản phẩm/Kết quả đạt được:
(1) Nghiên cứu lịch sử phát triển của các học thuyết về sở hữu trên thế giới cho thấy, vấn đề sở hữu đất đai hiện đang còn những quan điểm rất trái ngược giữa các trường phái, nhưng dù đứng ở vị trí ý thức hệ nào, tất cả các trường phái đều có chung nhận thức: sở hữu về đất đai, trước hết đó là vấn đề quan hệ về tài sản, và vì thế nó phải gắn liền với một chủ thể nhất định, dù đó là nhà nước, thể nhân hay pháp nhân. Đồng thời, dù ở thể chế chính trị nào, vấn đề sở hữu đất đai luôn gắn với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, và vì thế tất cả các hình thức sở hữu đất đai đều là không tuyệt đối, trong bất kỳ mô hình sở hữu đất đai nào, nhà nước đều có quyền định đoạt tối cao.
(2) Mô hình “chế độ sở hữu đất đai toàn dân” ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm thiểu số rất nhỏ trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có chủ quyền trên thế giới, và đang còn nhiều lúng túng bế tắc cả về thực tiễn và về mặt lý luận.
(3) Trong hai mô hình về chế độ sở hữu đất đai chủ yếu đang tồn tại trên thế giới hiện nay, mô hình sở hữu kép (hay chế độ SHTN về đất đai, trong đó có các hình thức: SHNN, SHTN, sở hữu pháp nhân, sở hữu cộng đồng…) có tính ưu việt hơn và tạo ra nhiều khả năng khai thác, quản lý đất đai hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường mang tính toàn cầu.
(4) Cho dù lựa chọn mô hình chế độ sở hữu đất đai nào, trong hình thái kinh tế chính trị nào, trong thực tiễn thể chế chính trị nào, mọi quốc gia trên thế giới đều thường xuyên có những qui định pháp luật cụ thể bổ sung, hoàn thiện chính sách đất đai cho phù hợp yêu cầu của đời sống xã hội, trong đó xu hướng chung là vai trò của quản lý nhà nước ngày càng được chú ý hơn, mục tiêu sử dụng đất cho các công trình công cộng cũng được qui định rõ ràng hơn theo hướng ưu tiên.
(5) Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc đổi mới chế độ sở hữu đất đai trong Hiến pháp và pháp luật đất đai là cần thiết, nhưng cần có lộ trình và các giải pháp cụ thể cho mỗi bước đi, tránh gây ra những “cú sốc” làm mất ổn định xã hội.
4. Thời gian thực hiện đề tài: 2010 - 2011
5. Kết quả nghiệm thu:
- Đề tài đã được nghiệm thu
- Kết quả: Khá
6. Đơn vị chủ trì:
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
7. Chủ nhiệm đề tài:
TS. Trần Tú Cường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn