Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là mực nước biển dâng, để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và liên kết các đô thị trong vùng này cần hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó vai trò tăng trưởng xanh là động lực cơ bản. Muốn vậy cần phải có những cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính hiệu quả đầu tư cho tăng trưởng xanh không chỉ cho cả nước mà còn có cơ chế đặc thù của vùng để liên kết các đô thị phát triển theo hướng kinh tế xanh.
I. Những Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh
Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia mặc dù mới được ban hành hơn một năm, hiện nay đang quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động để thực hiện Chiến lược này ở nước ta, nhưng việc triển khai đã được khởi động ở một số địa phương như Quảng Nam, hay một số Hội thảo, Hội nghị nhằm huy động nguồn lực tài chính cho chiến lược này đã được thực hiện ở Hà Nội do Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
- Về chủ trương của Đảng, sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đã khẳng định “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, để thực hiện nhiệm vụ này liên quan đến giải pháp chủ yếu, nội dung của giải pháp thứ tư cũng đã chỉ ra “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” điều đó cũng phù hợp với thực hiện nhiệm vụ theo hướng tăng trưởng xanh.
- Đối với Chính sách của Nhà nước, Chính phủ đã ban hành quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 về “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, mặc dù ban hành trước quyết định số 1393/QĐ-TTg, liên quan đến tăng trưởng xanh, nhưng đã đưa ra chỉ tiêu giám sát trong số các chỉ tiêu tổng hợp đó là GDP xanh, đối với cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài Chính thể hiện các nhóm giải pháp có giải pháp thứ hai về “tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững”. Trong quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 “phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, đối với “Giải pháp thực hiện”, trong nội dung giải pháp số 14 về “Huy động nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh” với 4 nội dung đưa ra, đáng chú ý có nội dung thứ hai đã chỉ rõ “Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh”. Như vậy với quyết định của Chính phủ, việc xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh đã được khẳng đinh rõ ràng. Đối với Quốc Hội, là cơ quan lập pháp, hiện nay đang quá trình nghiên cứu để nhận dạng, học hỏi kinh nghiệm các nước nhằm tiến tới xác lập khung thể chế cho tăng trưởng xanh ở nước ta.
Như vậy từ chủ trương của Đảng đến Chính sách của Nhà nước đã khẳng định tăng trưởng xanh là hướng đi tất yếu của chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Để thực hiện yêu cầu này đòi hỏi phải có một cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính hiệu quả và đa dạng từ ngân sách Nhà nước, đị phương và trong xã Hội nhằm đầu tư cho tăng trưởng xanh.
II. Đề xuất giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh
1. Cơ sở thực tiễn đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh.
- Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu tiếp cận theo hướng kinh tế xanh sẽ mang lại cho nền kinh tế không chỉ là phúc lợi xã hội mà còn góp phần khôi phục, duy trì và phát triển hệ sinh thái, giảm rủi ro môi trường đảm bảo phát triển bền vững. Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền kinh tế xanh” do chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố năm 2011, nếu thực hiện mô hình kịch bản đầu tư xanh hàng năm với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (Khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Cũng theo tính toán của các nhà nghiên cứu kinh tế xanh, giai đoạn 2011-2050 các khoản đầu tư sẽ tăng lên do tăng trưởng kinh tế, đến năm 2050 đạt 3,9 nghìn tỷ USD (tính theo tỷ giá năm 2010), khi đó thế giới sẽ chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”, xét về mô hình kinh tế vĩ mô trong dài hạn, với mức độ đầu tư này sẽ có một sự cải thiện đáng kể theo hướng kinh tế xanh và sẽ làm tăng tổng lượng của cải toàn cầu. Đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, theo tính toán của UNEP năm 2009 ở châu Âu và Mỹ, việc đầu tư tài chính xây dựng các tòa nhà xanh đã tạo ra 2-3,5 triệu việc làm. Ở Trung Quốc, đầu tư cho lĩnh vực tái chế chất thải đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ở các nước đang phát triển, theo tính toán và dự báo của ngân hàng thế giới (WB), đối với nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xanh như năng lượng, xây dựng, vận tải trên toàn cầu có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ các cơ sở dữ liệu này cho thấy nếu đầu tư vào kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng xanh là chiến lược dài hạn cho phát triển bền vững trong tương lai.
Về thể chế tài chính huy động đầu tư cho tăng trưởng xanh hiện nay trên thế giới cũng đang quá trình nghiên cứu, chưa có nhiều bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên trong nội dung tăng trưởng xanh, một yếu tố quan trọng nhất mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới, đó là gắn bó chặt chẽ với biến đổi khí hậu, đầu tư tài chính cho giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đã có những đề xuất về thể chế và chính sách cho các nước đang phát triển thể hiện ở hình 1dưới đây, chúng ta có thể tham khảo.
Hình 1: Các dòng tài chính và đầu tư cho BĐKH ở các nước đang phát triển.
Nguồn: MPI, UNDP-Huy động nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng vốn ODA và các nguồn tài chính bên ngoài cho ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam- Hà nội 7/2011- trích từ “A.Atteridge và khác, những thể chế tài chính song phương và BĐKH: Tổng quan danh mục khí hậu, Viện môi trường Stockholm, 2009”.
Như vậy để huy động nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu cơ bản có hai nguồn, đó là từ ngân sách Chính phủ và thị trường vốn. Đối với đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh, cơ bản cũng xuất phát từ hai nguồn này.
- Thực tiễn của Việt Nam, đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh hiện nay chưa được phân biệt rạch ròi, bởi lẽ chiến lược tăng trưởng xanh mới ra đời năm 2012, hiện chưa có chương trình hành động và chưa có tiêu chí cho đầu tư tài chính vào tăng trưởng xanh. Nếu theo mô hình đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh hàng năm theo các ngành như UNEP khởi xướng gồm 9 lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng, cung cấp năng lượng, ngư nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông, chất thải và nước thì chúng ta cũng đã tiến hành từ trước đến nay, nhưng phân biệt rạch ròi tiêu chí nào là đầu tư cho tăng trưởng xanh thì chưa có, do vậy cần sớm có tiêu chí đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh đối với các ngành và lĩnh vực.
Nếu xem xét đầu tư tài chính gần với tăng trưởng xanh theo cách nhìn nhận của UNEP đối với các ngành, những năm vừa qua chúng ta cũng đã tiến hành thực hiện đầu tư tài chính dưới nhiều hình thức và thành phần kinh tế khác nhau, đối với đầu tư từ ngân sách Nhà nước có chương tình 327 trồng lại rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, sau đó kế tiếp là chương trình 5 triệu ha rừng. Trong lĩnh vực môi trường mức chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm là 1% tổng chi ngân sách.... Nguồn tài chính đầu tư nước ngoài dưới các hình thức khác nhau cũng liên tục tăng, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu, chúng ta đã giảỉ quyết khá tốt về đầu tư tài chính cho giảm nghèo, nước sạch và hợp vệ sinh. Đối với Biên đổi khí hậu, không chỉ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu mà chúng ta còn nhận được nguồn tài trợ quốc tế khá lớn tính đến năm 2011 đã có khoảng 1,2 tỷ USD đầu tư tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu cho thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài ra chúng ta cũng đã có cơ chế chính sách thu hút nguồn vốn tài chính xã hội hóa khuyến khích đầu tư cho các lĩnh vực khác nhau liên quan đến tăng trưởng xanh. Mặt khác từ khi chúng ta gia nhập WTO (năm 2007), với chính sách đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới nhằm tăng thu hút đầu tư nước ngoài và huy động nguồn tài chính của các thành phần kinh tế khác nhau, so với trước đây nguồn vốn sau một năm đã tăng đáng kể, tuy nhiên do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 lượng đầu tư tài chính giảm sút. Thống kê tính toán thể hiện thông qua biểu đồ dưới đây.
Hình 1: Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội
Nguồn:Nguyễn Đăng Bình, tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê (2011a, 2011b, 2012b)
Kết quả nghiên cứu tổng dòng vốn đầu tư toàn xã hội (ĐTTXH) vào Việt Nam từ sau khi gia nhập WTO cho thấy đã tăng mạnh trong năm đầu tiên gia nhập WTO nhờ những tín hiệu lạc quan của việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân: dòng vốn FDI tăng kỷ lục (93,4%), khu vực ngoài Nhà nước cũng tăng cao nhất trong nhiều năm (26,9%). Năm 2007 cũng là năm tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng cao nhất đạt mức 53,9% theo giá thực tế. Một trong những nguyên nhân ĐTTXH năm 2008 tăng thấp hơn là do chính sách thắt chặt đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước nhằm đối phó với tình hình lạm phát cao (đầu tư của khu vực này giảm 2,5% so với năm 2007) và những khó khăn của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước (đầu tư của khu vực này giảm 3,5% so với năm 2007). Mặc dù vậy, đầu tư của khu vực FDI vẫn tăng 36,1% cho thấy dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2008 nhờ những thuận lợi về môi trường đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2009, mặc dù Chính phủ áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có kích cầu đầu tư (đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 34,6%) để ngăn chặn suy giảm và hạn chế ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng do đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm (-8,6%), nên tổng vốn ĐTTXH chỉ tăng 11,4%. Từ năm 2010 đến 2012, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đầu tư, kinh doanh. Từ năm 2011, Chính phủ ttriếp tịc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có các biện pháp cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của Nhà nước, thắt chặt tín dụng. Do đó, vốn ĐTTXH từ mức tăng trưởng 7,8% năm 2010 đã tăng trưởng âm (-9,3%) vào năm 2011, mức tăng trưởng âm này chưa từng có từ trước tới nay, báo hiệu một sự khó khăn còn tiếp diễn cho nền kinh tế đến nay.
Nếu xem xét đầu tư tài chính theo khu vực kinh tế giữa Nhà nước và ngoài Nhà nước, xu hướng đầu tư ngoài Nhà nước có chiều hướng tăng trưởng cao hơn so với khu vực Nhà nước. Sau khi gia nhập WTO, trừ năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong 5 năm sau gia nhập WTO, vốn đầu tư của khu vực FDI tăng bình quân 16,8%/năm, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 10,9%/năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,8%/năm của của khu vực Nhà nước (Nguyễn Đăng Bình). Nhìn nhận tăng trưởng vốn đầu tư theo khu vực kinh tế thể hiện thông qua biểu đồ hinh 2 dưới đây.
Hình 2: Tăng trưởng vốn đầu tư theo từng khu vực kinh tế
(Theo giá so sánh 1994)
Nguồn: Nguyễn Đăng Bình-Số liệu của Tổng cục Thống kê (2011a, 2011b, 2012b)
Từ kết quả đầu tư toàn xã hội những năm vừa qua cho thấy xu hướng đầu tư tài chính cho toàn nền kinh tế nói chung và cho các ngành nói riêng sẽ có sự thay đổi lớn, nguồn vốn ngoài xã hội sẽ tăng, còn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước giảm, có sự thay đổi đầu tư trong cơ cấu ngành và thành phần kinh tế, nhất là trong bối cảnh của xu hướng toàn cầu đang chuyển từ ”nền kinh tế nâu” sang ”nền kinh tế xanh” Việt Nam cũng sẽ nằm trong xu hướng đó. Tuy nhiên huy động đầu tư tài chính cho nền kinh tế nói chung và tăng trưởng xanh nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ngoài những thể chế, chính sách đưa ra có tính thuyết phục còn phải tính tới những rủi ro do tác động của bên ngoài, của xu thế chung có tính toàn cầu và sự biến động của nội lực, những nguồn tài chính trong nước.
2. Đề xuất giải pháp huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Để có nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh cần có một cơ chế, chính sách hợp lý dựa trên cơ sở cơ chế, chính sách tài chính hiện hành của Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt cần bám vào nhiệm vụ chiến lược đã đề ra trong quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về ” Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”.Trong đó giải pháp thực hiện ở mục 14 như đã nêu ở trên đã đưa ra các giải pháp chung nhằm ban hành cơ chế, Chính sách huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, từ giải pháp chung đó, cần phải triển khai cụ thể và chi tiết hơn, trước hết cần làm rõ thế nào là ”tiêu chí tăng trưởng xanh” cho các ngành và các lĩnh vực để ưu tiên huy động nguồn lực tài chính đầu tư . Những cơ chế, chính sách sau đây cần hướng tới nhằm huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh.
- Thứ nhất, cần sớm hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 để được phê duyệt, trong đó có hai nội dung quan trọng cần triển khai ngay đó là:
+ Giao Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì cùng các Bộ ngành liên quan sớm hoàn thành khung thể chế tăng trưởng xanh đến năm 2020, trong đó cần làm rõ những yêu cầu cơ bản của tăng trưởng xanh và cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế xanh.
+ Giao Bộ tài chính chủ trì và các bộ ngành liên quan như Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài nguyên và môi trường xây dựng khung chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh. Trong đó thể hiện những nội dung cơ bản cần huy động nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh theo các tiêu chí của tăng trưởng xanh đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương.
- Thứ hai, như đã phân tích ở trên xu hướng đầu tư tài chính hiện nay sẽ có sự gia tăng của xã hội và giảm ngân sách Nhà nước, chính vì vậy Chính sách đầu tư tài chính nên hướng vào xã hội, phát huy tiềm lực tài chính doanh nghiệp, trong dân và nước ngoài sẽ hiệu quả và phù hợp hơn với xu thế phát triển hướng tới nền kinh tế xanh. Muốn vậy cần rà soát và tạo lập thị trường tốt hơn cho khuyến khích tài chính đầu tư vào tăng trưởng xanh, hình thành thị trường vốn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh trong tương lai.
- Thứ ba,muốn có nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh, phải đẩy mạnh cơ chế tăng nguồn thu lấy từ những nguồn vốn của tự nhiên thông qua hệ thống thuế, phí, phạt vi phạm..., chính vì vậy cần đánh giá, rà soát lại các cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp liên quan đến tăng nguồn thu hiện hành từ đó có những bổ sung phù hợp. Hiện nay ta đã có thuế môi trường, thuế tài nguyên, Nghị định thu phí nước thải, Nghị định chi trả dịch vụ môi trường, Nghị định bồi hoàn thiệt hại môi trường..., nhưng còn nhiều bất cập, nhất là thuế môi trường và thuế tài nguyên cần phải xem lại. So với các nước khác, thuế suất tài nguyên của nước ta còn thấp, nhất là các kim loại quý hiếm, cần phải điều chỉnh tăng.
- Thứ tư, cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính trung ương và địa phương đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát huy nội lực và thế mạnh tài chính của địa phương để đầu tư cho tăng trưởng xanh. Muốn vậy cần có sự cân đối lại tỷ lệ đóng góp giữa trung ương và địa phương vào tăng trưởng xanh, cần có cơ chế khuyến khích và hình thức khen thưởng rõ ràng đối với những địa phương thực hiện tốt đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh.
- Thứ năm, đối với doanh nghiệp, thông qua chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế , phí, cho vay tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trưởng.
- Thứ sáu, đối với nguồn lực tài chính bên ngoài như nguồn vốn ODA, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế..., cần xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính song phương và thể chế tài chính đa phương đầu tư cho tăng trưởng xanh.
- Thứ bảy, sớm thành lập quỹ hỗ trợ kinh tế xanh, cũng gần giống như các nguồn quỹ khác, đây là một cơ chế tài chính có tính độc lập, hỗ trợ cho tăng trưởng xanh, việc hình thành quỹ này sẽ là địa chỉ thu hút các nguồn tài chính của Nhà nước và xã hội bổ sung cho đầu tư tài chính tăng trưởng xanh và bảo toàn vốn phát triển kinh tế xanh.
Kết luận.
Nhằm tăng nguồn đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách phù hợp. Muốn vậy cần phải rà soát lại các chủ trương, chính sách, hệ thống luật pháp hiện hành liên quan đến huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển ngành và các lĩnh vực, cơ chế chính sách nào đã có đầu tư gần với tăng trưởng xanh. Mặt khác, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm của thế giới, nhất là các nước đã có những thành công nhất định trong đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh như Hàn quốc, Indonexia, Trung Quốc, Băngladet... từ đó vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta để có một thể chế và chính sách phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 1. Ban chấp hành trung ương. Số 41-NQ/TW. “Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hà nội ngày 15-11-2004.
2. Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20). ”Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam”. Hà nội, 05-2012.
3. Nguyễn Đăng Bình. ”Báo cáo đánh giá tình hình đầu tư của Việt nam sau 5 năm gia nhập WTO và các khuyến nghị chính sách”. Hà nội thánh 8-2012
4. Bộ kế hoạch và đầu tư. ”Huy động nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu”. Báo cáo nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng vốn ODA và các nguồn tài chính bên ngoài cho ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hà nội tháng 7/2011.
5. Chính phủ. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-09-2012. ”Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”.
6. UNEP; ISPONRE; Hanns Seidel Foundation. ”Hướng tới nền kinh tế xanh. Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”. Báo cáo Tổng hợp Phục vụ các Nhà hoạch định Chính sách. NXBNN-Hà Nội, 2011.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn