Đặc biệt, một trong những vấn đề môi trường được quan tâm nhiều nhất chính là biến đổi khí hậu. OECD nghiên cứu thực tế tại nhiều quốc gia và đưa ra 24 nguyên tắc dành cho các nhà hoạch định chính sách khi thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Mann, Porterfield, Barraguirre và Hantke-Domas cũng chỉ ra những vấn đề đáng chú ý nhằm tối ưu hóa hiệu quả tham gia của tư nhân trong cơ sở hạ tầng nước nói riêng. Đáng chú ý, Christian Grossmann đã tổng hợp công trình của 31 viện nghiên cứu trên thế giới và đưa ra kết luận về tính tất yếu của việc kinh tế tư nhân sẽ trở thành mũi nhọn trong đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Từ những nghiên cứu nền tảng đó, các quốc gia đã áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cho bảo vệ môi trường nói chung và giảm phát thải khí nhà kính nói riêng. Về cơ bản, các nhóm biện pháp này bao gồm: (1) Nhóm biện pháp mệnh lệnh - kiểm soát; (2) Nhóm biện pháp sử dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường; (3) Nhóm biện pháp tiếp cận tự nguyện; và (4) Nhóm biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện các nhóm biện pháp kể trên này, cần chuẩn bị các điều kiện nền tảng cần thiết, bao gồm:
Thứ nhất là xác định rõ ràng các quyền sở hữu (property rights) và bảo vệ chắc chắn các quyền sở hữu đó bởi pháp luật. Nhiều người nhầm tưởng rằng cơ chế thị trường gây ra ô nhiễm môi trường, do mục tiêu của các nhà sản xuất luôn là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế là sự vắng mặt của các thị trường, thường gọi là “bi kịch của sở hữu chung” (“tragedy of the commons”), do quyền sở hữu không được xác định rõ ràng mới là bản chất và lý do của hầu hết các vấn đề môi trường. Ví dụ việc sử dụng nước tại một dòng sông thường không bị giới hạn, nếu dòng sông thuộc sở hữu chung. Điều này khiến tài nguyên nước dễ bị cạn kiệt hoặc ô nhiễm. Ngoài ra, việc không xác định rõ được quyền sở hữu sẽ khiến không hình thành được một số thị trường cần thiết và nhiều doanh nghiệp muốn cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường (ví dụ như dịch vụ xử lý ô nhiễm một dòng sông) sẽ không có thị trường để hoạt động. Ngược lại, nếu quyền sở hữu được xác định rõ ràng, kinh tế thị trường có thể điều tiết để hoạt động xử lý ô nhiễm, cũng như các hoạt động thỏa thuận bồi thường được diễn ra hiệu quả, mà không cần sự can thiệp của Nhà nước.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc phát triển kinh tế tư nhân và huy động nguồn lực tư nhân, đặc biệt là đối với các lĩnh vực môi trường. Tại đây, quyền sở hữu có thể được xác định khác nhau, tùy theo từng Bang, tuy nhiên về cơ bản là khá rõ ràng và chi tiết. Ví dụ, quyền sở hữu đối với một số dòng sông được xác định bởi luật về quyền sử dụng nước ven sông (Riparian Water Rights), quy định rõ quyền sử dụng nước sông được chia thành các đoạn gắn với quyền sở hữu của các mảnh đất hai bên bờ sông, tuy nhiên đất lòng sông là thuộc sở hữu chung của Bang. Vì vậy, khi xảy ra ô nhiễm ở một khu vực nào đó của dòng sông, các chủ sở hữu đất, những người có quyền sở hữu với các đoạn của dòng sông, thường là những người đầu tiên phát hiện ra và họ có quyền yêu cầu điều tra, khởi kiện những người gây ô nhiễm và giải quyết các xung đột theo cơ chế thị trường. Thậm chí, họ còn có thể tạo nên nhu cầu để xây dựng thị trường về dịch vụ đánh giá thiệt hại đối với dòng sông, hoặc dịch vụ xử lý ô nhiễm cho dòng sông. Việc quản lý và bảo vệ dòng sông cũng nhờ quyền sở hữu rõ ràng này mà trở nên có trách nghiệm và hiệu quả hơn.
Thứ hai là đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để các giải pháp dựa vào thị trường có thể hoạt động hiệu quả, vốn đã được chỉ rõ trong các tiêu chí của một nền kinh tế thị trường của Mỹ từ năm 1677.
Thứ ba là khuyến khích hình thành nên các thị trường mới về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên thực tế, khi các điều kiện kể trên về quyền sở hữu và tự do cạnh tranh được đảm bảo, chỉ cần một số chủ trương hay khuyến khích phù hợp, kết hợp với các công cụ luật pháp của Nhà nước, thì rất nhiều thị trường mới có thể tự hình thành, huy động được nguồn lực của xã hội. Ví dụ, năm 2013, khi việc chôn lấp rác thải điện tử bị cấm tại Bang Colorado (Hoa Kỳ), ngay lập tức đã xuất hiện các doanh nghiệp đứng ra thu gom và tái chế rác thải điện tử. Như vậy, một thị trường với người mua là các hộ gia đình và người bán là các công ty cung cấp dịch vụ đã được hình thành. Kết quả là môi trường được bảo vệ, xã hội có thêm công ăn việc làm và Nhà nước không mất chi phí xử lý ô nhiễm do rác thải điện tử. Việc các thị trường tương tự như vậy liên tục được hình thành đã khiến thu gom và xử lý rác thải trở thành một lĩnh vực sôi động và lợi nhuận cao đối với các nhà đầu tư tại Mỹ, từ đó xuất hiện các tỷ phú rác nổi tiếng như Wayne Huizenga của Công ty Quản lý chất thải (Waste Management) và Maria Rios của Công ty Chất thải quốc gia (Nation Waste).
Thứ tư là Tòa án có mức độ độc lập tư pháp cao, giải quyết tranh chấp hiệu quả. Khi các giải pháp thị trường được thực hiện, các tranh chấp có thể xảy ra do một hoặc vài bên vi phạm các quy định của thị trường, vi phạm hợp đồng, do xung đột về nhận thức hoặc lợi ích mà các bên không đi đến được thỏa thuận chung, hay thậm chí thực hiện không đúng do hiểu biết hạn chế về các thị trường mới. Khi đó, cần có tòa án, là cơ quan độc lập tư pháp, đứng ra giải quyết các tranh chấp, đảm bảo cho thị trường hoạt động hiệu quả trở lại. Việc tòa án phân xử khách quan và công bằng cũng sẽ làm tăng lòng tin của doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung vào khả năng vận hành kinh tế thị trường của Nhà nước, một điều rất quan trọng để thực hiện thành công các giải pháp dựa vào thị trường.
Thứ năm là hoàn thiện các biện pháp quản lý của Nhà nước, đặc biệt là các công cụ kinh tế và công cụ luật pháp. Đặc biệt lưu ý đối với cách tiếp cận thị trường, quan điểm chủ đạo khi đưa ra các biện pháp quản lý của Nhà nước là nhằm tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân làm đúng hơn, thay vì tăng phạt hoặc tăng thu phí, thuế để gây quỹ cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Vì thế, các công cụ có tính linh động như chuyển nhượng quyền phát thải, giảm các hàng rào thị trường bằng cách trao quyền cho người dân và cung cấp thêm thông tin cho họ tham gia các thị trường, trợ cấp cho các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng sạch, thay đổi kỹ thuật để giảm phát thải,... đã trở thành hướng đi chính của hoạt động quản lý môi trường tại Hoa Kỳ.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2021
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn