Bổ sung quy định liên quan đến tính đúng, tính đủ giá trị của nước
Trong Luật Tài nguyên nước năm 2012, liên quan đến tài chính về tài nguyên nước kết cấu 02 điều liên quan đến Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước (điều 64) và Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (điều 65).
Điều 64 quy định các nguồn thu gồm: (i) Thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; (ii) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; (iii) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và (iv) Tiền bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Trên thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cũng đã hoạch toán giá tổng giá thành sản xuất và kinh doanh cho sản phẩm bán ra, trong đó đã tính đến các loại thuế, phí và chi phí liên quan về tài nguyên môi trường dưới dạng sau khi tính giá thành sản xuất kinh doanh sẽ cộng thêm các thành phần này vào thêm trước hoặc sau khi xuất hóa đơn tùy từng lĩnh vực.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế tài nguyên nước thu được từ năm 2013 đến tháng 7/2021 khoảng 48.000 tỷ đồng, trong đó riêng thủy điện đóng góp khoảng 43.600 tỷ đồng (chiếm 91%). Đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, theo quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì tiền cấp quyền là một loại chi phí được xác định trong giá thành sản xuất, theo thống kê thì tính đến ngày 30/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 772 công trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền khoảng 11.500 tỷ đồng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào khoảng 540 tỷ đồng. Tuy nhiên quy định này mới dừng lại ở phạm vi tiền cấp quyền khai thác nước, trong khi đó liên quan về các vấn đề an toàn, bảo vệ, phát triền nguồn nước khai thác cần phải có các chi phí nhất định.
Đối với quy định về giá nước sạch, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài Chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt đã quy định nguyên tắc xác định giá nước sạch và về cơ bản đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch đã tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất khai thác, phân phối, tiêu thụ. Các chi phí như thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… cơ bản đã đều được đưa vào tính giá nước sinh hoạt, nhưng nước đầu vào để sản xuất nước sạch vẫn không có giá để có thể kết cấu là nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác không sử dụng nước từ các cơ sở, nhà máy sản xuất, cung ứng nước sạch mà trực tiếp đầu tư xây dựng công trình khai thác nước trên các sông, suối, hồ… để xử lý và tự cung, tự cấp nguồn nước sạch cho hoạt động sản xuất của mình lại là vấn đề hoàn toàn khác. Do chưa có hành lang pháp lý để các tổ chức, đơn vị này triển khai thực hiện khi hạch toán giá thành sản xuất đối với sản phẩm có sử dụng tài nguyên nước nên mặc dù hiện nay các ngành cũng đã có những quy định riêng trong tính toán tổng giá thành sản phẩm kinh doanh nhưng mới dừng lại ở quy định chung về chi phí nguyên liệu đầu vào (chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công, chi phí quản lý kinh doanh, chi phí sản xuất trực tiếp, chi phí bán hàng…). Điều này dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm (một phần do chưa tính đúng, tính đủ giá trị của nước kết cấu trong sản phẩm) dẫn đến “bán rẻ hoặc cho không”, không phản ánh đúng chi phí bỏ ra, làm triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và gây thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định về yêu cầu, căn cứ tính đủ, đúng giá trị của nước trong kết cấu giá thành sản xuất đối với sản phẩm có sử dụng tài nguyên nước của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự khai thác và sử dụng nước. Việc bổ sung quy định chủ yếu là dưới dạng nguyên tắc xác định giá theo điều kiện, loại hình và mức độ đáp ứng của nguồn nước, không quy định cụ thể về tính toán, mức giá trong Luật tài nguyên nước, bảo đảm không phát sinh mâu thuẩn, chồng chéo với Luật giá.
Bổ sung quy định liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy
Trong nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng đã có các quy định liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ dừng lại ở quan điểm, định hướng là chính mà chưa được triển khai một cách toàn diện và phù hợp với thực tế, đặc biệt là chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.
Hiện nay, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng được đưa về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp địa phương mà không đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước, dẫn đến việc phân bổ chưa hợp lý, trả tiền dịch vụ môi trường rừng phân cho các địa phương chưa hợp lý dẫn đến không thúc đẩy phát triền kinh tế các vùng miền, đặc biệt là không bố trí đầy đủ kinh phí hoặc nhiều địa phương không có quỹ đất để trồng rừng thay thế đã giảm giảm ý nghĩa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng tiền chưa thực sự đúng mục tiêu dẫn đến giảm động lực tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động tạo nguồn sinh thuỷ.
Chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy còn chưa được chú trọng. Ví dụ như, Bắc Kạn, Tuyên Quang là địa phương ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng, đứng đầu cả nước về mật độ che phủ rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn sinh thủy, tuy nhiên nguồn thu từ nước lại rất thấp, kinh phí hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng không được phân bổ, điều tiết lại từ các địa phương hưởng lợi ở hạ lưu.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định liên quan đến phân bổ lại nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, theo hướng: thu hết tiền trả dịch vụ môi trường rừng vào ngân sách nhà nước; trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương theo diện tích rừng và mức chi trả theo loại rừng của từng địa phương; dành một phần tiền thu được để chi cho công tác phát triển nguồn nước xuyên biên giới, công tác trồng rừng trên cả nước.
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn