Bổ sung quy định về bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất và quản lý các hoạt động trong các vùng được xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng không có nước mặt và vùng bổ cập cho nước dưới đất.
Trong Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về bảo vệ nước dưới đất, trong đó quy định “Ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước dưới đất”. Tuy nhiên, hiện nay, với việc gia tăng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở nhiều vùng đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực như làm sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, gia tăng xâm nhập mặn, sạt lở… đặc biệt là ở các vùng như Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long. Để hạn chế vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, nghị định này quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam và hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Để bảo đảm giảm thiểu tác động đến nguồn nước của việc khai thác, sử dụng của các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp phép (nhiều công trình chỉ sử dụng nước vào mùa khô) ở các vùng hạn chế và bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và trong tương lai trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nước thay thế (nguồn nước mặt), đặc biệt là trong mùa khô thì cần thiết phải có các giải pháp và quy định trách nhiệm trong việc bổ cập nước dưới đất từ nguồn nước mưa, nước mặt trong mùa mưa vào các tầng chứa nước và sử dụng trong mùa khô khi không có nước mưa, nước mặt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 35 theo hướng quy định về bổ cập cho nước dưới đất, trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước dưới đất có trách nhiệm xây dựng phương án công trình để thu, trữ nước mưa, nước mặt để bổ cập cho nước dưới đất.
Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước
Rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông. Rừng là nguồn sinh thủy, giữ đất, phòng chống sạt lở, điều tiết nguồn nước. Mất rừng làm mất khả năng làm chậm dòng chảy, tăng xói mòn lớp đất bề mặt, tăng bồi lắng, làm giảm dung tích hữu ích các hồ chứa, tăng nguy cơ lũ lụt, đồng thời làm giảm lượng trữ. Trong 3 năm 2016-2018, diện tích rừng bị mất trung bình 2.430 ha/năm. Bên cạnh đó, do chưa có quy định, định nghĩa cụ thể về những hoạt động phát triển tài nguyên nước và kết nối các hoạt động để tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý phát triển tài nguyên nước; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh gây lúng túng trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, làm ảnh hưởng xấu đến bảo vệ phát triển rừng, hành lang bảo vệ nguồn nước và phần diện tích đất là miền cấp của các tầng chứa nước dưới đất…
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thuỷ tại Điều 29, việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy tập trung chủ yếu vào bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác, không quy định nội dung cụ thể về phát triển nguồn nước và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy. Tài nguyên nước bao gồm các thành phần chính là nước mặt, nước mưa và nước dưới đất và nước biển ven bờ, mặc dù các thành phần này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tuy nhiên để có những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, cần tiếp cận theo từng đối tượng cần bảo vệ để đảm bảo tính toàn diện. Ngoài ra, rất cần có những giải pháp để tối ưu hóa việc vận hành các kho nước hiện có, tăng khả năng trữ nước của các hồ chứa nước và tăng hiệu quả khai thác sử dụng nước của các ngành, giảm thiểu các thất thoát, lãng phí trong quá trình truyền dẫn của các hệ thống cấp nước.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung, sửa đổi quy định về bảo vệ và phát triển vùng sinh thủy theo hướng bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy; đề xuất các giải pháp phi công trình và công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô.
Việc quy định liên quan đến bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước trong Luật tài nguyên nước dự kiến sẽ đưa ra các nguyên tắc, các yêu cầu trong bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy. Quá trình xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ có liên quan để rà soát, bổ sung nội dung quy định chi tiết cho phù hợp, tránh chồng chéo.
Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông
Mạng lưới sông, suối, kênh, rạch ở nước ta khá phát triển, nếu tính những sông có chiều dài từ 10 km trở lên và có dòng chảy thường xuyên thì trên lãnh thổ nước ta có trên 3.450 sông, suối, kênh, rạch. Các sông, suối được phân bố trải dài trên phạm vi cả nước và thuộc khoảng trên 106 lưu vực sông lớn, nhỏ. Vùng đất ven sông, không gian dọc bờ sông có giá trị cao về môi trường, cảnh quan văn hóa, đặc biệt tại các khu đô thị lớn. Chính vì thế, tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích vùng đất ven sông đang diễn ra ngày càng gia tăng, xâm phạm đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, đặc biệt diễn ra tại các khu đô thị lớn, đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng lấn chiếm sông, xây dựng các công trình trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông như dự án sông Đồng Nai, dự án sông Hàn... làm thu hẹp dòng chảy luôn là vấn đề nóng và ngày càng xuất hiện nhiều trên các lưu vực sông trên phạm vi cả nước.
Liên quan đến công tác quản lý các hoạt động trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông, Luật Tài nguyên nước có quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 30, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 31 và quy định về phòng chống sạt, lở lòng, bờ bãi sông tại Điều 63. Các hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý về tài nguyên nước quy định tại Nghị định 43/2015/NĐ-CP về quản lý, lập hành lang bảo vệ nguồn nước và của Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Tuy nhiên, trên thực tế, trên cùng một dòng sông, đoạn sông đang được nhiều cơ quan quản lý như tài nguyên nước, thủy lợi, giao thông, đất đai, xây dựng... theo yêu cầu quản lý chuyên ngành (pháp luật về giao thông đường thủy nội địa điều chỉnh luồng lạch và phần sông có công trình thủy; pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai điều chỉnh phần bờ và bãi sông có đê...). Khi xảy ra xói lở, sạt lở bờ thì phần phòng do ngành tài nguyên và môi trường thực hiện, tuy nhiên phần chống lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Bên cạnh đó, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh nhất là còn sự giao thoa, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thủy lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi.
Vì vậy, cần được bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ bãi sông, đặc biệt là bổ sung quy định về phạm vi bảo vệ và Luật hóa các quy định về hành lang, quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông ở các văn bản dưới Luật. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung theo hướng: mở rộng phạm vi của vùng quản lý sông theo đó gồm cả vùng đê và vùng thực vật ven đê và; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, theo đó tất cả hoạt động có liên quan đến đất và nước sông nào trong vùng sông phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sông được chỉ định cụ thể bất kỳ tổ chức/cá nhân có ý định xây dựng, tái tạo hoặc dỡ bỏ công trình trên đất trong vùng sông phải được sự cho phép của người quản lý sông và chỉ được sử dụng sau khi được kiểm tra bởi cơ quan quản lý sông.
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn