Có thể thấy đô thị hóa là nhân tố làm vấn đề ngập lụt trở nên nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn so với lưu vực tự nhiên. Hơn nữa, đô thị hóa còn làm giảm thời gian trễ (tăng thời gian tập trung nước - thời gian từ đỉnh mưa đến đỉnh lũ) làm ngập úng xảy ra nhanh hơn, khó ứng phó hơn.
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã có những quy định về phòng chống lũ, lụt ngập úng nhân tạo và quy định về việc hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, các quy định trên mới chỉ dừng ở các giải pháp tự nhiên, phạm vi rộng ở cấp lưu vực sông, vùng ảnh hưởng của việc vận hành hồ chứa, chưa có các giải pháp cụ thể quản lý mưa trong phòng chống ngập lụt tại các khu vực đô thị và chưa được chủ động ngay từ khi lập quy hoạch đô thị.
Qua đánh giá thực trạng tại các đô thị ở Việt Nam và nghiên cứu các quy định liên quan trên thế giới, cho thấy trên thế giới các nước phát triển đã Luật hóa các quy định cụ thể về các giải pháp quản lý nước mưa, yêu cầu phải có các giải pháp thu trữ nước mưa, tăng khả năng giữ nước mưa theo quy luật tự nhiên, bổ cập cho nước dưới đất, tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác trong thiết kế đô thị mới. Các giải pháp này cần thiết được quy định trong Luật dưới dạng yêu cầu bắt buộc khi lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành thoát nước, khi đó yêu cầu các chủ đầu tư quá trình thiết kế xây dựng công trình và lập quy hoạch các đô thị cần thiết đưa vào các giải pháp cụ thể thu trữ nước mưa, phòng chống ngập lụt cho đô thị, đồng thời có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương để giải quyết được hiệu quả vấn đề ngập lụt thành phố hiện nay.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong quản lý nước mưa, phòng chống ngập lụt đô thị nhằm thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, kết hợp tạo môi trường cảnh quan xanh đẹp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đề xuất bổ sung quy định của Điều 60 Luật Tài nguyên nước năm 2012.
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn