Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua các phương thức phát triển kinh tế khác nhau, từ chế độ cộng sản nguyên thủy, sang chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa (kinh tế thị trường), quá độ xã hội chủ nghĩa (kinh tế kế hoạch hóa tập trung) và hiện nay đang tìm một hướng đi mới là sự tích hợp của những ưu điểm các phương thức phát triển đã có điển hình là Trung Quốc và Việt Nam theo mô hình “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, trên cơ sở đó có sự đổi mới phát triển kinh tế phù hợp với từng quốc gia và từng giai đoạn nhằm mang lại phúc lợi tốt nhất cho con người.
Với xu hướng Hội nhập và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua, nhất là từ năm 1945 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng các mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn này theo kiểu nền kinh tế “nâu”, đó là một nền kinh tế khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước và đại dương, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Người ta đang cho rằng với phương thức phát triển cũ đã phát thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu đe dọa cuộc sống con người và gây ra tổn thất cho hoạt động kinh tế. Nhằm thay đổi tình trạng này, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra một hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng, đó là phát triển “nền kinh tế xanh” (Green Economy).
Việt nam là quốc gia đang phát triển, kể từ khi “Đổi mới” và mở cửa với kinh tế thế giới (1986), nhất là từ sau Đại hội VI, Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển sang phương thức phát triển mới “Xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước”, kể từ đó đến nay đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, hiện nay Kinh tế Việt nam đã đạt đến mức phát triển trung bình. Tuy nhiên trong 25 phát triển đó, Việt Nam đã phải trả giá cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường là không nhỏ. Để khắc phục tình trạng này và rút ngắn khoảng cách trong phát triển có tính dài hạn nhằm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại phúc lợi tốt nhất cho người dân, yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là tất yếu nhằm “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng đảm bảo phúc lợi và bảo vệ Tài nguyên mô trường”, muốn vậy nên tiếp cận theo hướng “nền Kinh tế xanh”.
I. Nội hàm phát triển của nền Kinh tế xanh.
UNEP đã đưa ra khái niệm ban đầu cho rằng: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Từ khái niệm đó cho thấy, phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Một nền kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Như vậy khác với trước đây, trong “nền kinh tế nâu”, đầu tư công cần phải có sự điều chỉnh cơ bản thông qua những chính sách mới được cải thiện của các quốc gia, ưu tiên cho duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung mang lại lợi ích cho mọi người. Sự đầu tư đó cũng cần chú ý tới nhóm người nghèo, bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu.
Xét về mặt học thuật, “Nền kinh tế xanh” là sự nâng cấp của “Kinh tế môi trường”, trong kinh tế môi trường về bản chất đó là “Nghiên cứu mối quan hệ tương tác, phụ thuộc và quy định lẫn nhau giữa kinh tế và môi trường (hệ thống hỗ trợ cuộc sống của trái đất) nhằm bảo đảm một sự phát triển ổn định, hiệu quả, liên tục và bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường và lấy con người làm trung tâm”, kinh tế xanh nhấn mạnh hơn đầu tư cho phát triển chú trọng tới giảm thiểu ô nhiễm, nhất là giảm phát thải cacbon và duy trì, phát triển nguồn vốn của tự nhiên, mang lại quyền hưởng lợi của mọi người do đầu tư đó mang lại. Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền kinh tế xanh” do chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (Khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào nền kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Như vậy xây dựng một nền kinh tế xanh cũng không thay thế và mâu thuẫn với “Phát triển bền vững”, vì phát triển bền vững thực chất là "sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai", phát triển bền vững nhằm đạt tới mục tiêu dài hạn (mục tiêu thiên niên kỷ), còn xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích của phát triển bền vững.
2. Nền kinh tế xanh là mục tiêu hướng tới của kinh tế toàn cầu.
Mặc dù khái niệm Kinh tế xanh (Green Economy) mới được UNEP đề xuất, nhưng nội hàm của nó như đã đề cập ở trên thực chất là sự nâng cấp của khái niệm truyền thống trước đây là Kinh tế môi trường “Environmental Economy”, tuy nhiên “kinh tế xanh đã mở ra một hướng tiếp cận rộng hơn cho cả những điều chỉnh từ chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành thực hiện trong kinh tế vi mô, nhất là đối với chính sách công trong đầu tư cho khôi phục tài nguyên và môi trường. Khái niệm mới ra đời nhưng trong thực tế đã có nhiều quốc gia đã và đang thực hiện theo hướng xanh hóa nền kinh tế, thậm chí các chỉ tiêu đo lường đã được một số quốc gia áp dụng như GDP xanh (Green GDP) cho chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Đối với hoạt đông của doanh nghiệp, những sản phẩm có chất lượng cao và có sức cạnh tranh trên thế giới trong thời gian vừa qua cũng là những sản phẩm không chỉ đạt về mặt chất lượng mà còn đảm bảo yêu cầu về môi trường, đó là những sản phẩm đã đăng ký và được cấp chứng chỉ ISO-14000, những sản phẩm xanh được cấp nhãn sinh thái (Eco-label), những sản phẩm đó chính là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tại Hội nghị của các quan chức cấp Bộ trưởng do UNEP tổ chức ở Nairobi, Kenya tháng 02-2011 nhằm chuẩn bị nội dung và thảo luận những vấn đề cần đưa ra bàn thảo và thống nhất để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về môi trường năm 2012 ở Rio Dejanerio, Brazin. Các quốc gia cơ bản nhất trí mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế toàn cầu là “Kinh tế xanh”, trong đó cần chú trọng tới “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” .
- Từ khởi xướng của UNEP về “Kinh tế xanh”, để thực hiện nền kinh tế xanh, đòi hỏi các quốc gia căn cứ vào thực tiễn của mỗi nước tiến hành chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế cho phù hợp với xu thế phát triển mới, phải có sự điều chỉnh kết cấu kinh tế. Trong thực tế đã có một số nước mặc dù không nói rõ phát triển “nền kinh tế xanh”, nhưng họ đã có những điều chỉnh và chuyển đổi phương thức phát triển không theo phương thức phát triển cũ nữa-“Kinh tế nâu”. Trung Quốc là một ví dụ, sau một thời gian dài cải cách và mở cửa từ năm 1978, Kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng ở mức cao, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Cụ thể nếu tính theo giá không đổi, năm 1978 nếu chỉ số GDP của Trung Quốc là 100, thì năm 2010 là 2056,8; Nếu GDP bình quân đầu người vào năm 1978 là 100, thì năm 2010 là 1470,7. Giai đoạn năm 1979-2010, GDP của Trung Quốc tăng trung bình 9,9%/năm, GDP bình quân đầu người tăng 8,8%/năm. Cùng với những thành tựu đã đạt được trong tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã gặp phải nhiều vấn đề mâu thuẫn với tài nguyên và môi trường, so với trước khi cải cách mở cửa (CCMC), tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường có xu thế lan rộng, thiếu hụt tài nguyên và năng lượng cho phát triển kinh tế theo xu hướng ngày càng trầm trọng; Các chất thải nguy hại tồn đọng ngày càng nhiều, nhất là các chất thải hữu cơ khó phân hủy; Nguy cơ rủi ro môi trường gia tăng. Do nhu cầu sử dụng tài nguyên liên tục tăng, kết cấu tài nguyên có sự thay đổi lớn. So với các nước phát triển, tiêu hao năng lượng của Trung Quốc đáng báo động, cụ thể năm 2009, tiêu hao năng lượng của tổng giá trị sản phẩm trong nước trên một đơn vị của Trung Quốc gấp 2,9 lần Mỹ, 4,9 lần của Nhật, 4,3 lần của EU và 2,3 lần của mức bình quân của thế giới. Lượng tiêu dùng quặng sắt, thép thô, ôxit nhôm và xi măng lần lượt là 870 triệu tấn, 567 triệu tấn, 26 triệu tấn và 1,6 tỷ tấn, ước tính tổng lượng tiêu dùng thế giới 54%, 43%, 34% và 52%. Tỷ trọng nhập khẩu những tài nguyên như dầu mỏ và quặng sắt đã vượt quá 50%. Có thể thấy qua hơn 30 năm CCMC Trung Quốc đã phải trả giá cho công nghiệp hóa, đô thị hóa bằng bằng môi trường và thiếu hụt năng lượng và tài nguyên. Chiến lược mới phát triển của Trung Quốc là “Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh kết cấu kinh tế” nhằm hướng tới duy trì nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững, đề cao chất lượng tăng trưởng. Quan điểm phát triển khoa học toàn diện, cân bằng và bền vững, nhấn mạnh bảo vệ môi trường và GDP xanh, khuyến khích phát minh tự chủ và đổi mới kỹ thuật, ra sức ủng hộ và khuyến khích những ngành sản xuất mới, tạo ra ưu thế cho các ngành nâng cấp qua phương thức “xanh” và phát triển bền vững. Cụ thể hóa trong các nội dung chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, liên quan đến tài nguyên và môi trường, chiến lược phát triển mới của Trung Quốc được thể hiện như trong hộp 1.
Hộp 1: Chuyển từ phương thức phát triển kinh tế kiểu tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức phát triển kinh tế kiểu tiết kiệm tài nguyên
Để đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, cần phải nâng cao chất lượng phát triển, nó được thể hiện nổi bật ở chỗ giảm giá thành tài nguyên cho sự phát triển và xây dựng hệ thống nền kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
- Một là, lấy việc ưu tiên tiết kiệm và hiệu quả làm gốc để làm nòng cốt cho việc xây dựng hệ thống KTQD kiểu tiết kiệm tài nguyên toàn diện, nâng cao vị trí quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên trong chiến lược phát triển Kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, thêm một bước nữa tăng cường hướng dẫn về chính sách cho việc tiết kiệm tài nguyên, ra sức điều chỉnh và tối ưu hóa kết cấu ngành nghề, ra sức khai thác và phổ biến kỹ thuật tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ công nghệ và thiết bị lạc hậu, tăng cường quản lý các khâu về sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng tài nguyên.
- Hai là, lấy việc ra sức phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sản sinh lượng Carbon thấp làm con đường cơ bản xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
- Ba là, lấy việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm đất và sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên làm trọng điểm cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên, cố gắng tiết kiệm nguồn năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, thúc đẩy sử dụng tổng hợp tài nguyên
- Bốn là, lấy việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh làm nhu cầu cơ bản cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm nguồn tài nguyên, một mặt phải điều chỉnh và cải thiện kết cấu tiêu dùng nguồn tài nguyên, nhất là kết cấu tiêu dùng nguồn năng lượng, cố gắng giảm thiểu tác động xấu của việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đối với môi trường, nỗ lực thực hiện sự hòa hợp giữa tài nguyên và môi trường; Mặt khác, phải đảm bảo an ninh tài nguyên, xây dựng và hoàn thiện dự trữ chiến lược dầu mỏ thích ứng với sức mạnh của đất nước, tích cực quán triệt chiến lược “Bước ra ngoài”, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa con đường nhập khẩu nguồn năng lượng, khai thác kỹ thuật thay thế và tiết kiệm dầu mỏ, đảm bảo sự cung cấp dầu khí, nắm lấy thời cơ để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng.
Nguồn: GS.Dương Thu Bảo (2011), bộ môn nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng trung ương Trung Quốc. “Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh kết cấu kinh tế”.
Với 4 nội dung đã được nêu ra trong hộp 1 đã chứng tỏ trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế trong những năm tới của Trung Quốc rất chú trọng tới tiết kiệm tài nguyên, phục hồi các nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải Cac bon. Những định hướng chính sách này đang được thể hiện trong thực tế, biểu hiện rõ nhất là tại thành phố Thẩm Dương và thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc. Tại thành phố Thẩm dương là thành phố công nghiệp nặng trước đây, đang có một quá trình quy hoạch lại, các nhà máy sản xuất cũ gây ô nhiễm đang được thay thế dần, quy hoạch mới thể hiện xanh hóa thành phố và thân thiện môi trường. Tại thành phố Đại liên bộ mặt thành phố đã được thay đổi so với trước đây, các khu bãi rác nay đã biến thành quảng trường vui chơi giải trí, hệ thống giao thông có giải phân cách xanh và trồng hoa, nước thải được thu gom xử lý. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hợp lý, xen kẽ cây xanh vườn hoa, điều đáng chú ý là tại các khu công nghiệp mới như khu Kim Châu có diện tích 1948 Km2, quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài có sự lựa chọn và thay đổi kết cấu ngành nghề so với trước đây, trong đó phát triển 5 lĩnh vực chính là công nghệ môi trường, chế tạo ô tô sử dụng năng lượng mới thân thiện môi trường, sản xuất cấp điện bằng năng lượng gió và mặt trời, du lịch và công nghệ intel được ưu tiên mời gọi đầu tư. Từ chính sách chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đến biểu hiện cụ thể tại các thành phố và khu công nghiệp cho thấy Trung Quốc đang hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển theo hướng cacbon thấp và tăng trưởng xanh. Điều đó sẽ tạo ra sức cạnh tranh của các ngành sản xuất của Trung Quốc trên thị trường thế giới.
- Ở Mỹ, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 đang có một sự xem xét lại chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, áp dụng chiến lược “Tái công nghiệp hóa”. Tháng 11 năm 2009 tổng thống Obama đưa ra mô hình tăng trưởng của Mỹ phải chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững. Trong chiến lược “Tái công nghiệp hóa” cho giai đoạn 10 năm tới nhằm phát triển công nghệ mới dự kiến đầu tư 15.000.000 USD hỗ trợ cho các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Mỹ muốn trở thành nhà lãnh đạo sạch trong công nghệ. Hướng tiếp cận mới theo cách “Kinh tế các bon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, để thực hiện điều đó một số luật đang được đưa ra bàn thảo để đi đến quyết định ban hành như đạo luật AB 32 liên quan đến tiêu chuẩn môi trường giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm và phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Cách tiếp cận ở Mỹ luôn lấy tiêu chí hiệu quả Kinh tế để thực thi chính sách, động lực thị trường thúc đẩy đổi mới công nghệ. Thực thi bảo vệ môi trường có khoa học và kế hoạch rõ ràng chia theo giai đoạn, trước hết người dân phải hiểu, thứ đến phải có can thiệp khoa học và cuối cùng thực hiện theo chương trình kế hoạch đã có. Tuy nhiên tuỳ theo đặc trưng từng vùng có kế hoạch khác nhau, ví dụ vùng cần bảo vệ nguồn nước có chương trình riêng của lĩnh vực này, bảo vệ đất hay duy trì đa dạng sinh học có chương trình cụ thể thích hợp cho từng loại đất. Trong nông nghiệp, sản xuất sản phẩm hữu cơ và kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau trong một trang trại sản xuất được chủ trang trại phát huy cao độ. Cây trồng vật nuôi được kết hợp và phù hợp với đặc điểm sinh thái của nơi sản xuất, duy trì chất lượng đất. Tại trang trại sản xuất nông nghiệp, xu hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời khá phổ biến. Chủ trang trại luôn tính toán hiệu quả kinh tế của các phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua việc hoàn thiện sản phẩm từ khâu thu hoạch đến đóng gói, đưa trực tiếp sản phẩm tới các siêu thị để đến người tiêu dùng nhanh nhất, hạn chế chi phí qua trung gian, tăng lợi nhuận. Việc sử dụng hầm Biogas, trợ cấp cho năng lượng sạch được thực hiện ở các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn. Cơ quan dịch vụ sản xuất nông trại- FSA (Farm Service Agency) khuyến khích trang trại không sử dụng hoá chất diệt côn trùng và các dịch vụ hỗ trợ khoa học kỹ thuật khác. Trong công nghiệp, vấn đề được chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Để quyết định lựa chọn theo hướng nào, bài toán kinh tế được tính toán theo vận hành của cơ chế thị trường. Xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời từ việc sản xuất ra nhiều tấm pin đã và đang được triển khai, hiện nay có khoảng 22 thành phố đã sản xuất và sử dụng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mà còn tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả và tiếp cận theo hướng cac bon thấp. Những nơi chịu nhiều rủi ro của thiên nhiên và con người như New Olean, sau cơn bão Cachina, nhiều vùng không có người quay lại sinh sống ở các ngôi nhà cũ. Chính quyền địa phương đã thiết lập lại quy hoạch khu dân cư mới với nguồn đóng góp vốn của cộng đồng và các nhà tài trợ khác, quy hoạch mới tính tới ảnh hưởng của bão, lụt và phù hợp hơn với điều kiện sinh thái tự nhiên của vùng. Từ hướng tiếp cận kinh tế cac bon thấp, đối với phát triển đô thị, những khu đô thị mới, chẳng hạn khu vực sân bay cũ nay không còn sử dụng ỏ gần thành phố Austin thuộc bang Taxes, được quy hoạch lại chuyển đổi sang phát triển khu dân cư sinh sống, một tổ chức phi lợi nhuận với sự tài trợ của Chính phủ và tham gia của nhiều doanh nghiệp, tiến hành quy hoạch, thiết kế các ngôi nhà và toàn bộ khu dân cư thân thiện môi trường, các ngôi nhà xanh được hình thành (Green houses). Những ngôi nhà đó so với các kiểu nhà trước đây sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại lợi ích nhiều hơn cho chủ hộ sử dụng. Hệ thống hạ tầng đồng bộ từ đường sá, thu gom phân loại và xử lý rác, các công nghệ mới được đưa vào ngôi nhà, không gian xanh phù hợp. Khái niệm “Nhà không dây điện” đã xuất hiện. Xu hướng mới xây dựng nhà công sở cũng đã được thiết kế và xây dựng ở thành phố Austin, thuộc bang Texa, một ngôi nhà công sở được thiết kế theo dạng ngôi nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác được đưa vào là hướng tiếp cận mới đã được thực hiện ở Mỹ. Hệ thống giao thông, nhất là đối với các đường cao tốc quy hoạch giải phân cách xanh là yêu cầu bắt buộc. Mặc dù cách giải quyết ở Mỹ theo kiểu “Kinh tế các bon thấp”, nhưng với cách tiếp cận đó cũng là nội dung hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh”.
- Các nước Tây Âu và Nhật bản xu hướng phát triển cũng hướng tới “Nền kinh tế sạch” và phát triển “Nền kinh tế xanh”, các nước này đã trải qua một thời kỳ dài của quá trình công nghiệp hóa và cũng đã phải trả giá cho suy giảm tài nguyên và chất lượng môi trường. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi, quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển đầu tư vào khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R). Hiện nay đang hướng tới lộ trình thực hiện và thúc đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành cac bon thấp mới hình thành, nằm trong hệ thống kinh tế toàn cầu của nhóm nước công nghiệp phát triển (OECD), Tây Âu ra sức thúc đẩy đưa các chỉ tiêu về cac bon thấp vào hệ thống quy định quốc tế, với sự ra đời của tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về “Dấu chân cac bon” đã mở màn cho quá trình này. Còn Nhật bản tích cực xu hướng giảm thiểu cac bon thông qua Nghị định thư Kyoto, thực hiện triệt để 3R và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. EU dự kiến trước năm 2013 sẽ đầu tư 105.000.000.000 € để phát triển “nền kinh tế sạch”. Còn Nhật bản từ cuối năm 2009 phát động chiến lược tăng trưởng mới, tập trung vào hai ngành công nghiệp mới là ngành môi trường và năng lượng, ngành y tế, với việc đầu tư vào hai ngành này dự kiến đến năm 2020 tạo ra thị trường mới tương đương 1 triệu tỷ Yên.
- Nhóm các nước mới nổi lên nhờ quá trình công nghiệp hóa như Hàn quốc, Singapore. Từ những năm 80 của thế kỷ XX họ không phải trả giá nhiều cho môi trường nhờ tiếp nhận công nghệ mới của các nước công nghiệp phát triển và những bài học kinh nghiệm của các nước đó trước đây. Mô hình phát triển của các nước này ngay từ đầu đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, chính vì vậy họ đã rút ngắn khoảng cách phát triển không chỉ đạt mục tiêu kinh tế mà chú trọng tới môi trường. Hiện nay các nước này tiếp tục phát triển theo xu hướng “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế cac bon thấp” và hướng tới nền kinh tế xanh.
- Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và châu mỹ La Tinh. Ở các nước này trình độ công nghệ thấp hơn các nước phát triển, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu tài nguyên, lao động giá rẻ, sẽ bị lôi kéo vào xu thế phát triển mới. Tuy nhiên theo nội hàm phát triển “Kinh tế xanh”, sẽ là cơ hội cho các nước này tham gia để khôi phục nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi và giảm nghèo. Việc tiếp cận mô hình phát triển “kinh tế xanh” sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi.
3. Đề xuất hướng tiếp cận nền “Kinh tế xanh” ở Việt nam.
Với tính chất đặc thù của Việt nam, thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế gần giống với Trung Quốc, đó là chuyển đổi từ mô hình “Kinh tế kế hoạch hoạch hóa tập trung” sang mô hình “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kể từ năm 1986, Việt Nam tiến hành “Đổi mới và mở cửa”, còn Trung Quốc “Cải cách mở cửa”; cả hai nước Kinh tế liên tục tăng trưởng dương, mặc dù có giai đoạn chịu tác động của khủng hoảng tài chính-tiền tệ vào năm 2007-2008. Hiện nay Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo và xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trải qua 24 năm đổi mới và mở cửa phát triển Kinh tế, Việt Nam cũng đã phải trả giá cho suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nằm trong xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới với sự điều chỉnh về mô hình phát triển và thay đổi cơ cấu ngành nghề. Việt nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), do vậy phát triển kinh tế của Việt nam phải tuân theo những nguyên tắc chung của những cam kết với WTO trong xu thế phát triển Hội nhập toàn cầu. Hơn nữa Việt nam được xếp vào danh sách một trong năm nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do vậy hướng tới nền “Kinh tế xanh” là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên sự lựa chọn này cần phải nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức để định hướng cho phát triển.
3.1. Về cơ hội.
- Hiện nay sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới là “Biến đổi khí hậu”. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế cac bon thấp, tăng trưởng xanh đang là những xu hướng mới trong lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Việt nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới “Nền kinh tế xanh”.
- Việt nam đang có những thay đổi cơ bản sau 24 năm “Đổi mới và mở cửa”, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một sự phát triển vì con người, những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định là cơ hội tốt cho triển khai thực hiện “Nền kinh tế xanh”.
- Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2015 . Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng Cộng Sản Việt nam đã khẳng định: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Như vậy Việt nam sẽ đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới “Nền Kinh tế xanh” và “Tăng trưởng xanh”.
- Kinh tế Việt nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian phát triển vừa qua đối với đất nước. Hướng tới một nền kinh tế xanh sẽ được sự đồng thuận cao của xã hội. Sau một thời gian phát triển từ khi đổi mới và mở cửa, người dân đã nhận thức được sự trả giá của mô hình phát triển của nền “kinh tế nâu”.
- Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là cơ hội cho Việt nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới “Nền kinh tế xanh”.
3.2. Thách thức.
Bên cạnh những cơ hội như đã nêu ở trên, thực hiện “Nền kinh tế xanh”, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức đòi hỏi phải vượt qua như sau:
- Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.
- Thứ hai, về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống-“Nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới-“Nền kinh tế xanh”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt nam hiện nay.
- Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cac bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường…. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.
- Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tơi “Nền kinh tế xanh”.
- Thứ năm, Cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.
3.3. Định hướng thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt nam.
Để thực hiện nền “Kinh tế xanh” ở Việt nam những định hướng cơ bản sau đây cần thực hiện.
- Về cơ chế chính sách, trên cơ sở cương lĩnh định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã Việt nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, Việt nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.
- Về nhận thức, tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền “Kinh tế nâu” sang nền “Kinh tế xanh” để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một “Nền kinh tế xanh”. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận phát triển “Nền kinh tế xanh”. Nâng cấp nội dung “Kinh tế môi trường” và “Kinh tế tài nguyên thiên nhiên” truyền thống theo hướng giảng dạy “Kinh tế xanh” .
- Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “Nền kinh tế xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.
- Đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế.
- Cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển nền kinh tế xanh được điều chỉnh thông qua công cụ tài chính và thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.
- Đối với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cần có sựu đổi mới, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống SNA phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia.
- Rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách đã có liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển rừng thời gian vừa qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy hiệu quả thể chế “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước.
- Dựa vào tiêu chí quốc tế như đã dự tính của UNEP, đầu tư công toàn cấu 2% GDP cho phát triển kinh tế xanh, tổng kết thời gian vừa qua mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt nam còn thiếu hụt bao nhiêu để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
- Tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “Nền kinh tế xanh” ở Việt nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển Kinh tế xanh. Các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng như REDD+; CDM. Kinh nghiệm trước đây cho thấy Việt Nam thường bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư quốc tế cũng như các thể chế tài chính khác mà Việt nam có ưu thế như CDM. Điều này cần học tập kinh nghiệm của Trung Quốc.
Kết luận.
Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa Việt nam là quốc gia phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một “Nền kinh tế xanh”. Tuy nhiên mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề thế nào phù hợp với “Nền kinh tế xanh” trong điều kiện phát triển của Việt nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. GS. Dương Thu Bảo (2011). Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh kết cấu kinh tế. Bộ môn nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
2. GS. Lương Bằng (2011). Lý thuyết tài chính công và cải cách thể chế tài chính công. Bộ môn giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
3. PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh (chủ biên) (2003), Kinh tế và Quản lý Môi trường, Nhà Xuất bản Thống kê.
4.GS. Phan Duyệt (2011). Điều chỉnh và chuyển đổi Chiến lược Kinh tế đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính-tiền tệ. Viện nghiên cứu Chiến lược đối ngoại. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
5.GS. Hàn Bảo Giang (2011). Thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính-tiền tệ và sự chuyển đổi mang tính Chiến lược về phương thức phát triển kinh tế. Phó chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
6. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (tài liệu dịch của UNEP) (2011). Hướng tới nền kinh tế xanh, lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Báo cáo tổng hợp phục vụ các nhà hoạch định chính sách . Nhà xuất bản nông nghiệp.
PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh
Viện Chiến Lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn