Mở đầu
Năng lượng là một trong những lĩnh vực quan trọng mà mỗi quốc gia và cả thế giới đều hướng tới mức an ninh cho từng giai đoạn và định hướng bền vững về lâu về dài. Năng lượng mà chúng ta đang sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ năng lượng mặt trời nên chỉ khi mặt trời không tồn tại nữa thì chúng ta mới hết năng lượng sử dụng. Rất may là các nhà khoa học cho rằng sự tồn tại của mặt trời còn kéo dài khoảng hơn 4 tỷ năm nữa và khả năng cung cấp năng lượng cho Trái đất (khoảng mức như bây giờ) cũng kéo dài khoảng 2 tỷ năm nữa.
Trong lịch sử, ngoài việc sử dụng trực tiếp năng lượng từ mặt trời chiếu xuống phục vụ cuộc sống, con người đã biết sử dụng năng lượng từ ngọn lửa do đốt cháy củi, rơm rạ, phân súc vật khô,… Đây là dạng năng lượng/nhiên liệu sinh khối có xung quanh con người nhưng phải đến khi chúng ta biết sử dụng ngọn lửa thì con người mới trở thành người văn minh ở mức độ cao, biết ăn thức ăn chín, biết dùng lửa sưởi ấm khi gặp thời tiết lạnh, biết dùng ngọn lửa xua đuổi côn trùng và thú dữ và nhiều lợi ích khác mà ngọn lửa hay năng lượng từ nó tỏa ra mang lại. Nếu tất cả năng lượng con người nhận được đều từ mặt trời (cả trực tiếp và gián tiếp) thì có gì mà con người phải lo vì mặt trời còn tồn tại rất lâu và tổng lượng bức xạ (năng lượng từ mặt trời) đến Trái đất hầu như không đổi trong các năm.
Vấn đề cơ bản là Trái đất với các thành phần ban đầu của nó rất khác với bây giờ, có thời kỳ mà lượng CO2 trong khí quyển rất lớn đã giúp Trái đất ấm lên rất nhiều theo hiệu ứng nhà kính (lấy tên theo các nhà kính trồng cây của cư dân châu Âu). Từ lâu, các nhà khí tượng đã phát hiện hiệu ứng này khi mà trong khí quyển có các chất khí nhà kính (KNK) như CO2, CH4, NOx,…như một bẫy nhiệt làm ấm Trái đất, giữ cho nền nhiệt khá thuận lợi cho muôn loài phát triển. Nếu không có khí nhà kính, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái đất sẽ vào khoảng -18°C, thay vì mức trung bình hiện tại khoảng 15°C như hiện nay. Gọi hiệu ứng nhà kính là bẫy nhiệt vì các khí này tồn tại trong khí quyển nhưng nó hầu như không hấp thụ bức xạ mặt trời (được gọi là bức xạ sóng ngắn, năng lượng tập trung ở bức xạ sóng ngắn, trong đó có bức xạ nhìn được/nhìn thấy do bề mặt mặt trời có nhiệt độ rất cao, ước tính là 5778oK) nên bức xạ này đến được bề mặt Trái đất, các vật thể ở bề mặt có thể hấp thụ bức xạ mặt trời và nóng lên rất rõ (ra đường nhựa lúc trời nắng có thể cảm nhận). Khi nóng lên, Trái đất cũng phát ra bức xạ nhưng vì nhiệt độ bề mặt Trái đất chỉ vào khoảng 288oK (thấp hơn rất nhiều so với bức xạ mặt trời) nên theo định luật Wien, bức xạ mặt đất phát đi có năng lượng tập trung ở bức xạ sóng dài (và thường được gọi là bức xạ sóng dài). Khi bức xạ sóng dài đi vào khí quyển thì các chất KNK lại hấp thụ làm không khí nóng lên và đến lượt nó lại phát ra bức xạ mà một phần quay về làm ấm bề mặt Trái đất.
Vì bề mặt trái đất không đồng nhất, đặc biệt có vùng biển rộng lớn nên nhiệt độ thu được rất khác nhau dẫn đến có chênh lệch nhiệt độ từ vùng này và vùng khác. Chênh lệch nhiệt độ theo phương ngang trong khí quyển lại dẫn đến chênh lệch áp suất và phát sinh ra chuyển động không khí mà chủ yếu là chuyển động ngang, được gọi là gió.
Bức xạ mặt trời cùng với sự có mặt của CO2 trong khí quyển đã giúp quang hợp của thực vật tạo ra sinh khối và khi đốt sinh khối có thể tạo năng lượng phục vụ con người.
Trong lịch sử Trái đất có thời kỳ khí quyển rất giàu CO2 nên việc quang hợp của cây xanh diễn ra rất mạnh, tạo thành rừng cây với những cây có kích thước rất lớn và do đó các động vật ăn thực vật cũng phát triển mạnh cùng với động vật ăn động vật khác. Kết quả là Trái đất có hệ thực vật, động vật kích thước rất lớn, lượng sinh khối tạo ra rất lớn. Nhưng rồi, do hoạt động địa chất nào đó mà các thảm thực vật khổng lồ bị vùi lấp trong rất nhiều năm tạo nên than đá và các động vật khổng lồ bị vùi sâu đã chuyển hóa thành dầu mỏ đi cùng với khí đốt nằm sâu trong lớp đất đá bề mặt. Con người sau này tìm cách khai thác than đá, dầu mỏ, khí đốt dùng làm nhiên liệu và gọi là nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta thường coi năng lượng hóa thạch là năng lượng không tái tạo nhưng thật ra năng lượng này có điều kiện tái tạo khó xảy ra vì thời gian tái tạo quá lớn chứ bản chất chúng là năng lượng tái tạo, hình thành từ năng lượng sinh khối.
Như vậy, các dạng năng lượng mà con người đang sử dụng bao gồm năng lượng/nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt), năng lượng mặt trời (trực tiếp hoặc gián tiếp), năng lượng sinh khối, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân. Trong đó năng lượng hóa thạch được coi là năng lượng không tái tạo còn năng lượng khác được coi là năng lượng tái tạo và một số loại còn được coi là năng lượng “vĩnh cửu” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Bằng trí tuệ của mình con người đã phát minh và sản xuất được loại năng lượng có tính vạn năng, được sử dụng trong hầu hết hoạt động kinh tế và hoạt động sống của con người, đó là điện năng. Điện năng có thể sản xuất từ thế năng của dòng nước (thủy điện), có thể sản xuất qua năng lượng hạt nhân (điện hạt nhân) qua nhiệt đốt từ nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu sinh khối, rác thải (nhiệt điện) và từ năng lượng gió (điện gió), điện sản xuất từ khai thác năng lượng mặt trời (điện mặt trời).
Các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều tác động bất lợi từ việc sử dụng các loại năng lượng này. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đốt phát điện, đốt chạy động cơ thì phát sinh rất nhiều chất khí nhà kính, chủ yếu là CO2, có thể làm gia tăng nhiệt độ, làm Trái đất nóng lên, làm khí hậu biến đổi với những hệ quả/hậu quả khó lường mà trước mắt đang có dấu hiệu đáng lo ngại như mực nước biển dâng lên có thể nhấn chìm nhiều vùng ven biển hay gia tăng thời tiết cực đoan đe dọa mạng sống con người và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiệt điện than, khí đang là loại có giá thành rẻ, có độ ổn định sản phẩm cao nên vẫn đang được phát triển ở nhiều quốc gia. Tại COP26, nhiều đại diện các quốc gia, nhiều chuyên gia mong muốn và đề nghị dừng xây dựng các nhà máy điện than sau năm 2030 nhưng rồi đề nghị này vẫn không được thông qua vì còn nhiều nước vẫn có nhu cầu sản xuất điện than phản đối.
Năng lượng gió và năng lượng bức xạ mặt trời đang được khai thác sử dụng nhiều trong thời gian gần đây do công nghệ điện gió, công nghệ điện mặt trời có những đột phá trong phát triển cả về turbin điện gió, pin năng lượng mặt trời để phát điện hiệu quả cao, cả về thiết bị lưu giữ, chuyển đổi để tải lên hệ thống điện quốc gia phục vụ các hoạt động sống và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, lại không ổn định theo thời gian nên nhiều quốc gia phải có trợ giá mua điện hoặc trợ giúp kinh phí để phát triển sản phẩm điện từ năng lượng tái tạo, được coi là không phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải KNK.
Ngành giao thông đang là ngành tiêu thụ nhiều xăng, dầu trên phạm vi toàn cầu nên cũng là nguồn phát thải nhiều chất ô nhiễm không khí và phát thải nhiều chất KNK. Hiện tại, nhiều quốc gia đang dần chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy điện và nếu điện này được sản xuất từ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì vấn đề giảm thiểu thải chất ô nhiễm, chất KNK sẽ dần được thực hiện.
Việt Nam cũng là quốc gia sớm nhận ra tác động bất lợi của việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch nên đã có nhiều chính sách phát triển liên quan đến chuyển đổi sử dụng năng lượng theo hướng giảm thải chất ô nhiễm, giảm thải KNK. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện giảm thải ròng KNK bằng 0 (NET ZERO) vào năm 2050, đã điều chỉnh và đưa ra được quy hoạch phát triển điện hướng tới tăng nhanh tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối,… Nhà nước cũng đã có chế độ hỗ trợ rất nhiều cho phát triển điện gió và điện mặt trời, đặc biệt trợ giá để tăng giá bán điện, giảm một số loại thuế đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.
Tiềm năng/khả năng chuyển đổi sang năng lượng xanh của Việt Nam
Tính từ “xanh” có nhiều nội hàm nhưng chúng tôi chỉ xem xét nội hàm về năng lượng xanh là năng lượng mà khi sử dụng không hoặc phát thải ít chất ô nhiễm và KNK, tập trung vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Việt Nam có chính sách phát triển, chuyển đổi sử dụng năng lượng theo hướng giảm phát thải chất ô nhiễm và KNK và một số bất lợi có thể nảy sinh. Tuy nhiên, phải tăng cường nghiên cứu cơ bản để chỉ ra khả năng, tiềm năng, chỉ ra khả năng thực thi của các chính sách này.
Khả năng phát triển điện gió Việt Nam
May mắn lớn đối với Việt Nam là chúng ta có tiềm năng năng lượng gió khá lớn, thuộc nhóm nước tiềm năng nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Hiện đã có một số dự án đánh giá tiềm năng năng lượng gió của các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước, chỉ rõ phân bố tốc độ gió, năng lượng gió trên lục địa và trên biển của Việt Nam. Một số nghiên cứu còn ước tính mức công suất có thể lắp đặt trên lãnh thổ (kể cả lãnh hải), tính khả năng phát điện, sản lượng điện có thể thu được khi lắp đặt một số loại turbin gió ở một số khu vực. Dưới đây chỉ xin nêu một số kết quả nghiên cứu từ các dự án và các bài báo khoa học làm minh chứng cho tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến các nhà khoa học khí tượng đã công phu xử lý số liệu của rất nhiều trạm quan trắc gió ở độ cao 10m quan trắc bằng những thiết bị có độ chính xác tương đối thấp để đưa ra phân bố tốc độ gió và cả năng lượng gió trên đất liền và hải đảo Việt Nam trong giai đoạn thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90. Tiếp đến, bằng phương pháp khảo sát, tính toán các nhà khí tượng đã ước tính được tốc độ gió và năng lượng gió ở các độ cao khác nhau 20, 40, 60, 80, 100, 120m và chỉ ra được một số vùng có năng lượng gió lớn của Việt Nam.
Bằng phương pháp mô hình, nhiều tổ chức quốc tế đã tính toán và thiết lập được các bản đồ phân bố tốc độ gió và năng lượng gió trên đất liền, trên biển cho nhiều khu vực trong đó có khu vực Đông Nam Á và cho riêng Việt Nam.
Những năm cuối thập kỷ 90 và các thập kỷ đầu thế kỷ XXI đã có nhiều dự án nghiên cứu sâu hơn của các nhà khoa học, dùng thiết bị đo đạc tự động tốc độ, hướng gió ở nhiều điểm, từ đó xác định được mức năng lượng gió với độ chính xác cao hơn.
Tiếp sau đó là sự tham gia của các doanh nghiệp có ý định đầu tư, xây dựng các trang trại/cánh đồng gió (wind farm) trong việc lắp đặt cột đo gió ở nhiều độ cao bằng thiết bị đo tự động, có thể đo liên tục (5-10 phút hoặc 15 phút cho một giá trị) trong thời gian đủ dài, ít nhất là một năm. Số liệu loại này có thể đưa vào các mô hình để tính toán mức sản lượng phát sinh khi lắp đặt các turbin gió ở khu vực gần điểm quan trắc. Với mỗi loại turbin có công suất phát điện khác nhau, đường cong năng lượng khác nhau nên kết quả cho giá trị tổng sản lượng điện khác nhau. Hiện nay, có một số mô hình/phần mềm có thể tính sản lượng điện của một trang trại điện gió qua số liệu quan trắc gió đo ở một điểm ở khu vực thuộc hoặc gần trang trại.
Một trong những trang trại điện gió đầu tiên áp dụng phương pháp này là trang trại điện gió Bình Thạnh 1, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Mô hình WAsP (do Đan Mạch xây dựng) đã được sử dụng để tính năng lượng điện sản sinh từ turbin với số liệu đo gió trên tháp cao, liên tục (10 - 15 phút một giá trị) tại độ cao 85m có tính đến độ ghồ ghề, địa hình mặt đệm với loại turbin 1,5MW Fuhrländer FLMD77 (Đức). Dự án đã tính được sản lượng điện cho từng điểm đặt turbin trong khu vực được chọn và tìm được phương án đặt 20 turbin cho tổng sản lượng điện một năm ở mức cao nhất. Kết quả này giúp dự án tính được hiệu quả kinh tế và quyết định đầu tư trang trại gió (theo đúng nghĩa) đầu tiên ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã thực hiện dự án về tiềm năng năng lượng gió đã xác định được mức tương quan và phương trình hồi quy giữa sản lượng điện (tính bằng GWh/năm) khi sử dụng hai loại turbin nếu đăt tại cùng một vị trí với số liệu đo gió tại nhiều điểm khác nhau với tốc độ gió trung bình (m/s) ở độ cao 60m tại 13 điểm đo gió của Việt Nam. Qua đó cho thấy, tương quan này khá chặt, với loại turbin FLMD77 giá trị hệ số tương quan đạt 0,9823 và với loại turbin W2000 99WEC (của Trung Quốc), giá trị này là 0,9818.
Phương trình hồi quy có dạng:
Y = 1,6929x – 4.137 đối với turbin FLMD77 và
Y = 1,2018x – 2,9452 đối với turbin W2000 99WEC
trong đó Y là sản lượng điện thu được một năm (GWh/năm) của 1 turbin còn x là tốc độ gió trung bình trên độ cao 60m.
Điều đó có nghĩa là, nếu có số liệu tốc độ gió trung bình ở độ cao 60m có thể ước tính được sản lượng điện khi lắp đặt các loại turbin khác nhau mà không cần sử dụng phần mềm chuyên dụng, giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp định hướng tìm kiếm địa điểm, khu vực đặt trang trại gió và turbin để sản xuất điện gió.
Để xây dựng một trang trại điện gió, ngoài tiềm năng gió, phải tính đến các yếu tố địa hình, tính đến chất lượng, giá cả turbin gió, tính đến chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tính đến khả năng sử dụng các thiết bị lưu giữ, chuyển đổi điện, thiết bị đấu nối điện lên hệ thống,… Nhưng, với những dự án điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi ven bờ đã phát điện thì các trang trại điện gió Việt Nam đã, đang và sẽ vận hành tốt, có hiệu quả kinh tế cao và khả năng chuyển đổi sang phát điện sử dụng năng lượng gió, một dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là khả thi.
Khả năng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam
Cũng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời cũng được các nhà khoa học khí tượng nghiên cứu từ lâu và đã xác định được phân bố các loại bức xạ như trực xạ, tán xạ, tổng xạ trên các vùng, miền khí hậu của Việt Nam.
Về lý thuyết, có thể tính được tổng lượng bức xạ mặt trời đến biên giới trên của khí quyển hay trong trường hợp bỏ qua sự có mặt của khí quyển. Giá trị hằng số mặt trời được các nhà khoa học đưa ra, đó là: năng lượng bức xạ mặt trời đến trong một đơn vị thời gian qua một đơn vị diện tích ở biên giới trên của khí quyển, vuông góc với tia mặt trời, tính với khoảng cách trung bình giữa mặt trời và Trái đất. Giá trị tính được của hệ số mặt trời là 1,98 cal/cm2/phút, tương đương 1372 W/m2. Bức xạ mặt trời đến một địa điểm trên mặt Trái đất phụ thuộc nhiều vào vị trí mà cụ thể là vĩ độ địa lý, vào các ngày trong năm theo sự thay đổi của xích vĩ mặt trời (thay đổi giữa -23,5 độ ngày đông chí và 23,5 độ ngày hạ chí, bằng 0 trong các ngày xuân phân và thu phân), vào góc giờ (có giá trị từ 0-360o tính theo chiều thuận kim đồng hồ tương ứng với 24h, bằng 0 lúc giữa trưa).
Khi xét đến khí quyển thì việc tính toán bức xạ đến mặt đất phức tạp hơn nhiều vì khi tia bức xạ mặt trời đi qua khí quyển thì cường độ của nó bị suy giảm do các quá trình hấp thụ (chuyển thành nhiệt), khuếch tán (chuyển hướng tia theo mọi hướng) và bị phản xạ (của mây) và khi đến mặt đất còn bị phản xạ trở lại của nhiều lớp phủ mặt đệm. Vì vậy, nói đến năng lượng bức xạ ta thường quan tâm đến tổng năng lượng đến một đơn vị diện tích mặt đệm trong khoảng thời gian nào đó (tổng xạ) sau khi trừ đi phản xạ. Như vậy bức xạ mặt trời có thể tính được khi biết các yếu tố như vĩ độ, xích vĩ, lượng, loại mây,… nhưng hiện tại vẫn sử dụng giá trị đo bằng các thiết bị chuyên dụng như đo số giờ nắng, đo trực xạ, tán xạ, phản xạ,… để xác định năng lượng bức xạ nhận được. Ngày nay, chúng ta đã có thiết bị không chỉ đo được bức xạ, năng lượng bức xạ mà còn ghi được theo thời gian nên việc tính toán năng lượng bức xạ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Việt Nam nằm trọn trong cùng chí tuyến Bắc (vĩ độ các địa phương đều nằm giữa 0 độ và 22,5 độ Bắc), mặt trời đi qua thiên đỉnh 2 lần trong năm, vào các ngày xích vĩ mặt trời đúng bằng vĩ độ địa phương. Vì vậy, về lý thuyết, Việt Nam sẽ nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt là những nơi có số giờ nắng nhiều (ít mây).
Trong thời gian gần đây đã có nhiều nghiên cứu tính toán phân bố mức năng lượng bức xạ mặt trời để tìm ra những nơi có đủ năng lượng mặt trời cho phát điện, cả điện áp mái sử dụng trực tiếp, không hòa lưới và có nối lưới điện quốc gia.
Về mặt kỹ thuật, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã từng bước nghiên cứu và đưa vào sản xuất những tấm pin mặt trời có hiệu suất phát điện cao và những thiết bị lưu giữ, chuyển đổi điện sang dạng có thể sử dụng phổ biến. Việt Nam đã có những dự án điện mặt trời nối lưới hoạt động ở nhiều nơi, chứng tỏ năng lượng mặt trời của Việt Nam đủ để phát điện với mức công suất lớn, sản lượng điện mặt trời ngày một tăng trong tương lai.
Mục tiêu hướng tới và lộ trình đạt được mức năng lượng xanh đến năm 2030 và 2050
Như trên đã trình bày, năng lượng nhiên liệu hóa thạch truyền thống đã được sử dụng từ rất lâu và giá thành rẻ nên vẫn và sẽ được sử dụng trong tương lai gần. Do có nhiều tác động bất lợi khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch như phát thải nhiều chất ô nhiễm và thải nhiều chất KNK gây hiện tượng BĐKH, nóng lên toàn cầu mà đi kèm là nhiều hậu quả, hậu họa nên con người sẽ phải từng bước tìm ra năng lượng thay thế và rất may là đã tìm được năng lượng tái tạo sẵn có, điển hình là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do giá thành phát điện từ hai loại năng lượng này còn cao nên rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý, các cộng đồng nhận thức rõ để có hành động, hoạt động hỗ trợ phát triển điện gió và điện mặt trời để từng bước thay thế điện than trong tương lai.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ phát triển hai loại điện từ năng lượng tái tạo này. Ngoài hỗ trợ về cơ chế chính sách, Chính phủ đã có hỗ trợ kinh phí khá cao cho giá bán điện gió, điện mặt trời để các doanh nghiệp có thể hoạt động lâu dài. Chỉ cần đánh từ khóa đơn giản mọi người có thể cập nhật các văn bản quy định trách nhiệm mua điện gió và điện mặt trời với giá cao để hỗ trợ phát triển.
Có một điều mà chúng tôi rất quan tâm, đó là cơ sở khoa học nào đưa ra mức giá mua điện gió, điện mặt trời như trong các văn bản đã quyết định. Thật ra, nếu có những khảo sát nghiên cứu bài bản có thể tính được giá thành phát triển điện gió, điện mặt trời cho một dự án ở một khu vực cụ thể. Các chi phí mua turbin hay pin mặt trời có thể tham khảo từ nhiều nguồn, các chi phí vận chuyển, lắp đặt, vận hành cũng có thể ước tính và đặc biệt mức điện năng sản xuất có thể ước tính qua mô hình. Khi áp dụng phương pháp chi phí - lợi ích có thể tính được hiệu quả kinh tế của dự án qua các giá trị NPV (giá trị ròng hiện tai), IRR (tỷ số hoàn vốn nội tại) hay tỷ số chi phí - lợi ích B/C, ước tính được giá thành và từ đó xác định mức trợ giá phù hợp đảm bảo dự án có lợi nhuận nhưng giá mua ở mức hợp lý để người tiêu thụ điện cuối cùng không phải mua với giá quá cao, bất hợp lý. Có lẽ nhận ra điều này nên Thủ tướng đã có phát biểu: “Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi lớn, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao”, và yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả... Theo chúng tôi, EVN, Bộ Công thương nên có dự án tính toán cả giá thành điện gió và giá thành điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng, tìm ra khoảng giá trị từ đó ước tính và đề xuất Chính phủ định mức hỗ trợ (qua giá mua điện) hợp lý hơn.
Một dấu ấn lớn của chính sách chuyển đổi sang sử dụng điện từ năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải ròng KNK thể hiện rõ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 - QHĐ8) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Theo QHĐ8 thì cơ cấu phát điện sẽ chuyển đổi rất mạnh sang điện năng lượng tái tạo mà điện gió và điện mặt trời là chủ đạo.
Theo mục c) Cơ cấu nguồn điện trong Phương án phát triển nguồn điện của QHĐ8 thì
“- Đến năm 2030:
Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó:
+ Điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy điện);
+ Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn;
+ Điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất;
+ Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô lớn hơn;
+ Nhiệt điện than 30.127 MW (20,0%), trừ các dự án trong Bảng 3 Phụ lục II
….
- Định hướng năm 2050:
Tổng công suất các nhà máy điện 490.529 - 573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó:
+ Điện gió trên bờ 60.050 - 77.050 MW (12,2 - 13,4%);
+ Điện gió ngoài khơi 70.000 - 91.500 MW (14,3 - 16%);
+ Điện mặt trời 168.594 - 189.294 MW (33,0 - 34,4%);
+ Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 6.015 MW (1,0 - 1,2%);
+ Nhiệt điện than 0 MW (0%), không còn sử dụng than để phát điện;
….”
Điều đó chứng tỏ quyết tâm lớn của Việt Nam trong chuyển đổi nhanh sang phát triển điện từ năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà điển hình là từ 2050 không còn dùng than phát điện. Chắc chắn, phát thải ròng KNK cũng sẽ giảm và hy vọng đến năm 2050 đạt được “Net Zero” như cam kết của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính ở COP26.
Một điểm mà người dân, doanh nghiệp rất chú ý, quan tâm là liệu giá điện cho tiêu dùng cuối cùng có tăng lên không và mức tăng như thế nào. Theo chúng tôi, Bộ Công Thương cũng sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn. Về phía người dân và doanh nghiệp cũng phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả (theo hướng tiết kiệm) và nếu mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho tiêu dùng.
Kết luận
Việt Nam may mắn có tiềm năng năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) lớn, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nên có đủ khả năng sử dụng trong quá trình chuyển đổi để phát điện, từng bước giảm điện năng sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện.
Trong quá trình chuyển đổi phải luôn có kế hoạch giám sát, theo dõi để sớm nhận biết những tác động để giải quyết. Mặc dù đã có QHĐ8, có lộ trình thực hiện nhưng vẫn phải sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu điện do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Hy vọng, quá trình chuyển đổi sang điện xanh sẽ diễn ra thuận lợi suôn sẻ, những tác động bất lợi nếu nảy sinh sẽ được giải quyết hiệu quả.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Tham luận tại Diễn đàn: “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Môi trường và đối tác tổ chức ngày 20/9/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn