Cơ sở lý luận về huy động nguồn lực của khu vực tư nhân trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

Thứ tư - 02/08/2023 05:06
Hiện nay, Biến đổi khí hậu (BĐKH) được coi là một trong những  mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, tác động tới mọi mặt kinh  tế, xã hội và môi trường. Trong đó, Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã xác định nguyên nhân chủ yếu của BĐKH toàn  cầu là do phát thải khí nhà kính (KNK) của con người. Đặc biệt, xu hướng gia tăng khí thải có khả năng sẽ dẫn đến BĐKH ở mức nguy hiểm.

Thỏa  thuận Paris theo Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH đã thống nhất  hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu tới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và phương án lý tưởng hơn là không quá 1,5oC. Nhưng trong năm 2016, chúng ta  đã vượt qua mức 1oC và có thể sẽ dẫn mức độ nóng lên khoảng 3oC nếu không thực hiện cắt giảm KNK đúng như cam kết của các quốc gia. Phát thải KNK đã tăng lên kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế, tăng dân số và hiện nay đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Nồng độ trong khí quyển của các loại khí CO2, CH4 và N2O đạt tới mức cao chưa từng có trong ít nhất 800.000 năm qua và đều có mức tăng lớn kể từ năm 1750, tương ứng là 40%, 150% và 20%. Tổng lượng KNK do con người thải ra trong giai đoạn 2000-2010 là cao nhất trong lịch sử nhân loại và đạt 49 (± 4.5) GtCO2eq /năm trong năm 2010 (Nguồn: IPCC, Fifth Assessment Synthesis Report, Approved Summary for Policymakers, 11/2014).

Trong bối cảnh đó, đầu tư tư nhân được coi là một động lực quan trọng cho công việc giảm phát thải KNK. Khái niệm tư nhân tham gia bảo vệ  môi trường không chỉ là đầu tư cho bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, trong đó có hoạt động giảm phát thải. Tại châu Âu, khi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường giảm 5,2% thì đầu tư tư nhân tăng 3,2% trong giai đoạn 2006-2014. Tới năm 2014, đầu tư tư nhân đã chiếm 58% tổng đầu tư trong lĩnh vực này trên toàn châu Âu. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu điểm nhận định rằng đầu tư tư nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của nước ta còn rất thấp, chưa tương xứng với đầu tư từ ngân sách nhà nước. 

1. Bản chất của ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

Ứng phó với BĐKH là thách thức lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Ứng phó với BĐKH có thể được thực hiện thông qua hai phương thức chính đó là thích ứng và giảm nhẹ. Trong đó, thích ứng với BĐKH là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương vào nguy cơ BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại. Thích ứng ở đây thường được hiểu là một quá trình mà qua đó xã hội tăng khả năng ứng phó với BĐKH. Giảm nhẹ BĐKH là sự thay đổi công nghệ nhằm giảm nguồn đầu vào để giảm phát thải KNK tính trên một đơn vị đầu ra. Các hoạt động này bao gồm việc thực hiện các chính sách để giảm phát thải KNK và nâng cao khả năng dự trữ cac-bon. Hay nói các  khác, giảm nhẹ BĐKH bao gồm những hành động làm chậm hoặc hạn chế BĐKH.

Đối với cách tiếp cận thích ứng: Dựa theo đặc điểm của thích ứng, các chiến lược thích ứng được xây dựng theo các nhóm khác nhau (Hình 1), bao gồm: biểu hiện của BĐKH (gia tăng nhiệt độ, thay đổi giáng thuỷ, mực nước biển dâng), quy mô thích ứng (vĩ mô hoặc vi mô), thời gian (thích ứng trước mắt và thích ứng lâu dài), tác động của BĐKH đến ngành/lĩnh vực kinh tế - xã  hội (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...), bản chất của chiên lược thích ứng (chiến lược tăng cường năng lực, chiến lược chính sách thể chế, chiến lược khoa học và công nghệ, chiến lược giáo dục - truyền thông, chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, chiến lược bảo vệ sinh thái...) và một số cách phân loại khác. Các nhóm giải pháp này có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với nhau nhằm tối đa hoá hiệu quả thích ứng.

2 8 23 2

Hình 1: Phân loại các cách thích ứng với BĐKH

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2017: Chuyên đề Quản lý chất thải. Hà Nội, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam

             Đối với cách tiếp cận giảm nhẹ BĐKH: Năm 2000, IPCC đã xây dựng một báo cáo đặc biệt về các kịch bản phát thải KNK trong tương lai dựa trên các kịch bản phát triển dân số, công nghệ, sử dụng năng lượng và các kịch bản giảm phát thải KNK trong tương lai để giảm nhẹ BĐKH. Phát thải KNK do con người là nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến BĐKH. Do đó, các biện pháp để giảm nhẹ BĐKH cũng chính là các biện pháp để giảm phát thải KNK. Hiện nay, nhiều chính sách, chiến lược giảm nhẹ BĐKH được đưa ra trong các lĩnh vực khác nhau (xây dựng công trình và dịch vụ, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và quản lý chất thải, năng lượng). Theo đó, các dạng chính của hành động giảm nhẹ thường bao gồm: Kiểm kê khí thải nhà kính, bảo vệ hệ thống tự nhiên, sử dụng tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, Sử dụng tiết kiệm năng lượng (Sử dụng tiết kiệm năng lượng còn bao hàm cả việc những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng hiệu suất năng lượng hóa thạch, hiệu suất sử dụng điện)… Để thực hiện các hành động giảm nhẹ một cách hiệu quả, ba nhân tố có tác động quan trọng, bao gồm: Năng lực kinh tế, yếu tổ thể chế, và năng lực công nghệ. Cụ thể:

Năng lực kinh tế: bao gồm ba yếu tố thu nhập, chi phí kiểm soát (chi phí chống ô nhiễm) và chi phí cơ hội.

- Yếu tố thể chế: bao gồm tính hiệu quả của các quy định Chính phủ, quy tắc thị trường rõ ràng, lực lượng lao động có tay nghề và nhận  thức của cộng đồng. Trong đó, việc một thị trường cần có các quy tắc rõ ràng để áp dụng các cơ chế kinh tế cho việc giảm nhẹ một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng. Nếu không tồn tại thị trường cạnh tranh cho các loại hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, thì các biện pháp chính sách như thuế và giao dịch sẽ không thể tồn tại về lý thuyết. Sự tham gia về giao dịch khí thải yêu cầu các thể chế pháp lý nhằm đảm bảo sự an toàn trong giao dịch và các chế tài pháp lý. Bên cạnh đó, thị trường sẵn có cho các loại hàng hóa khác sẽ đảm bảo thị trường vốn tại chỗ và tín dụng sẵn có. Nhìn chung, thị trường mạnh thì năng lực giảm nhẹ sẽ cao hơn.

- Năng lực công nghệ: bao gồm năng lực tiếp nhận các công nghệ thân thiện với môi trường và năng lực sáng tạo.

Giảm nhẹ không thể ngăn chặn sự xuất hiện của BĐKH và chính sách giảm nhẹ hiệu quả cần phải bao gồm các chiến lược thích ứng liên quan tương  ứng. Trong khi đó, thích ứng có chọn lọc có thể tận dụng các tác động tích cực của BĐKH cũng như giảm nhẹ các tác động bất lợi. Ngược lại, giảm nhẹ trong BĐKH sẽ giảm cả các tác động tiêu cực và có khả năng giảm sự cần thiết của thích ứng. Thích ứng và giảm nhẹ là các hành động bổ trợ cần thiết mà sự tích hợp của chúng sẽ tăng khả năng ngăn cản gia tăng của BĐKH và những rủi ro đặt ra cho cộng đồng.

2. Cơ sở lý luận về khu vực tư nhân và nguồn lực của khu vực tư nhân

Khu vực tư nhân hay còn được gọi là khu vực kinh tế tư nhân hiện thường được hiểu là khu vực phi nhà nước (nghĩa là không thuộc sở hữu hoặc điều hành bởi chính phủ), có chiến lược và sứ mệnh cốt lõi là tham gia vào  các hoạt động kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thương mại. Khu vực này bao gồm các tổ chức tài chính và trung gian, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, các cá nhân hoạt động ở các khu vực kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức (Không bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự). Đặc trưng mang tính bản chất của khu vực tư nhân là họ sử dụng nguồn vốn của chính họ dựa trên nguyên tắc: tự bỏ vốn, tự tổ chức, tự chủ trong kinh doanh và tự bù lỗ. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước trong các nền kinh tế. Khu vực tư nhân là khu vực rất nhạy cảm với những đặc trưng của kinh tế thị trường, có tiềm lực lớn trong việc nâng cao năng lực nội sinh của đất nước, tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 Khóa IX xác định kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân.

Như vậy, hiểu một cách khái quát nhất, khu vực tư nhân trong giảm phát thải KNK được coi là khu vực phi nhà nước. Tức là chủ thể tham giam hoạt động giảm phát thải KNK là các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh tế mà không phải là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước. Do đó, xét theo chủ thể, khu vực tư nhân có hai chủ thể chủ yếu tham gia vào giảm phát thải KNK, gồm: cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức. Thực chất việc vận động khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động giảm phát thải KNK là vận động các tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp). Bởi vì, các tổ chức kinh tế là chủ thể gây ô nhiễm môi trường, phát thải KNK lớn. Đồng thời đây là các chủ thể có thể biến thách thức giảm phát thải KNK thành các cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Từ phân tích trên, nguồn lực của khu vực tư nhân cần được hiểu theo  nghĩa rộng, là tổng hợp các nguồn lực của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động kinh tế mà không mang quyền lực nhà nước. Cụ thể, nguồn lực của khu vực tư nhân có thể bao gồm nguồn lực tài chính (financial resources), nguồn lực con người (human resources), nguồn lực tài sản (capital resources/goods), nguồn lực công nghệ (technology resources)... Do đó, việc huy động nguồn lực của khu vực này bao gồm: huy động nguồn tài chính cho giảm phát thải  KNK; huy động đầu tư sản xuất theo hướng giảm phát thải, tham gia vào các ngành phát thải ít KNK hoặc làm giảm phát thải KNK; huy động thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực liên quan tới giảm phát thải KNK…        

Theo quan điểm nguồn lực của khu vực tư nhân, chúng ta phân loại như sau:

Nguồn lực về tài chính: Nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân được  sử dụng một cách linh hoạt thông qua hai hình thức cơ bản đó là: Họ buộc  phải chi trả cho những hành vi gây tác động tiêu cực tới môi trường (Ví dụ: mỗi cá nhân, hộ gia đình phải trả tiền dịch vụ vệ sinh môi trường theo tháng); hoặc thông qua các hoạt động của mình họ vừa tạo ra sự phát triển kinh tế cho xã hội đồng thời thực hiện việc cắt giảm khí thải nhà kính (Ví dụ: Các doanh nghiệp thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thân thiện với môi trường đã vừa tạo ra được giá trị vật chất cho xã hội và góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường).

Nguồn lực nhân lực: Nguồn lực về năng lực là khả năng của các cá nhân, tổ chức trong xã hội góp phần giảm phát thải KNK. Năng lực ở đây có thể là trí tuệ hoặc sức khỏe. Ví dụ: người nông dân thông qua hoạt động canh tác nông nghiệp khoa học, hạn chế phân hóa học sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, cho toàn xã hội nói chung. Hoặc, các chủ đầu tư những dự án thân thiện với môi trường, thông qua năng lực lãnh đạo, quản lý của mình đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực kinh tế xanh, giảm phát thải KNK;

Nguồn lực khác: Bên cạnh hai nguồn lực kể trên, khối tư nhân còn có những nguồn lực khác có thể vận động vào việc giảm phát thải. Ví dụ: nhiều chủ thể trong xã hội sẵn sàng hiến đất để xây dựng những công trình bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK. Hoặc, có nhiều người trong xã hội tình nguyện tham gia vận động các hộ gia đình, các cá nhân và cộng đồng thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK.

Dựa vào lĩnh vực mà khu vực tư nhân tham gia, chúng ta cũng có thể phân loại các nguồn lực tư nhân như sau:

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng. Trong lĩnh vực này, nguồn lực tư nhân được thể hiện chủ yếu dưới góc độ họ là các chủ đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo hoặc họ là chủ đầu tư của những dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong hoạt động này, khối tư nhân tham gia với tư cách là chủ thể tham gia canh tác sản xuất nông nghiệp và áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính. Hoặc họ là những người áp dụng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để ứng phó, thích ứng với BĐKH.

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng. Khối tư nhân tham gia vào hoạt động này với tư cách là chủ thể áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để giảm khí thải nhà kính. Hoặc  họ sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Nguồn lực trong các lĩnh vực khác. Ví dụ: Người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ góp phần giảm tình trạng tăng dân số ồ ạt, gây áp lực với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các ngành kinh tế.

          3. Vai trò của việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân

Những nỗ lực hiện tại để giảm thiểu KNK vẫn chưa đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2oC so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong vài năm qua, các giải pháp ngày càng tập trung vào tiềm năng của khu vực tư nhân. Khu vực này có vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm mức phát thải KNK khi khu vực này chiếm 85% tổng đầu tư trên toàn thế giới, 90% người dân ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào thu nhập của khu vực tư nhân và chiếm gần 75% dòng tài chính khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng trở nên khó kiểm soát và ngân sách của nhiều quốc gia đang suy giảm, khu vực này được coi là một động lực quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường trên thế giới nói chung  và công tác giảm phát thải KNK nói riêng. Hiện nay, khái niệm tư nhân tham gia bảo vệ môi trường không chỉ là đầu tư cho bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, trong đó có hoạt động giảm phát thải. Trên phạm vi toàn cầu, tài chính cho BĐKH từ khu vực tư nhân có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2016. Theo đó, năm 2011, khu vực này đóng góp 55 tỷ USD (chiếm 56,7%). Năm 2016, tổng nguồn tài chính từ khu vực này đã tăng lên 230 tỷ USD (chiếm 50,5%). Đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch là một ví dụ điển hình về giảm nhẹ BĐKH với sự tham gia của khu vực tư nhân. Những kết quả trên là nhờ các biện pháp đồng bộ và liên tục của các quốc gia trong việc huy động nguồn lực của khu vực này.

Tại Việt Nam, để giảm phát thải KNK từ kịch bản phát triển thông thường (BAU) sang kịch bản phát thải các-bon thấp (LCD) ước tính cần khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2030, tương đương khoảng 1,0% GDP hàng năm (chưa bao gồm nguồn tài chính để thích ứng với BĐKH). Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói chung trong giai đoạn 2013-2018 đạt 72.422 tỷ đồng (tương đương 0,5 tỷ USD/năm). Trong hoạt động ứng phó với BĐKH, nguồn kinh phí phân bổ vẫn tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tăng cường năng lực chống chịu. Ngân sách đầu tư cho hoạt động giảm phát thải KNK chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, ngoài nguồn lực từ nhà nước, cần phải có các biện pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Sự tham gia tích cực của khối tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng vì các lý do:

Thứ nhất, khối tư nhân cũng là chủ thể chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Bởi vậy, việc giảm phát thải KNK vừa là quyền và nghĩa vụ của họ. Bên cạnh đó, khối tư nhân cũng là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của BĐKH và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải KNK, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thứ hai, với các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên xác định trong thực hiện Kế  hoạch Paris và cam kết NDC tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho khối tư nhân, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK. Đây đều là lĩnh vực khối tư nhân có thế mạnh để tham gia đầu tư, phát triển, mở rộng thị trường, tạo nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Thứ ba, khối tư nhân có đủ năng lực để tham gia giảm phát thải KNK. Họ chiếm lực lượng đông đảo trong xã hội. Họ có năng lực và khả năng tài chính để tham gia và các hoạt động giảm phát thải. Vì thế, nếu không vận động khối tư nhân vào việc giảm phát thải KNK là chúng ta đang lãng phí một nguồn lực đáng có trong xã hội.

Thứ tư, việc vận động khối tư nhân tham gia giảm phát thải KNK thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền tham gia sát của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Khi khối tư nhân được tham gia vào các hoạt động giảm phát thải KNK, chính bản thân họ sẽ nhận thức rõ rệt hơn trách nhiệm của bản thân họ. Thông qua đó, họ sẽ hạn chế những hành vi có tác động tiêu cực tới môi trường.

Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự

(Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2021)

 

 

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây