1. Mở đầu
Kể từ khi cải cách và mở cửa, nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, GDP tăng lên đáng kể. Với phương thức kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, lấy sản xuất công nghiệp, dựa vào đầu tư và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên dẫn đến xuất hiện các mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Lượng tài nguyên sử dụng trên đầu người tăng, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp trong khi nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày càng cao, quản lý môi trường còn chưa đạt hiệu quả, kèm với đó là tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường không khí, hiện tượng sa mạc hóa xảy ra, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái và mất đa dạng sinh học gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Trước áp lực khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, Trung Quốc buộc phải thay đổi phương thức phát triển kinh tế tuyến tính truyền thống. Kinh tế tuần hoàn như một mô hình phát triển kinh tế mới, giúp Trung Quốc có thể giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giải quyết được các mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây được coi là một mô hình phát triển mới giúp Trung Quốc nhanh chóng tiến đến một nền kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, sau khi KTTH được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm triển khai, áp dụng KTTH trong thực tiễn. Cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH được quy định tại khoản 8 Điều 140 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó vai trò của công cụ thuế, phí trong quá trình thực hiện KTTH được quy định thông qua các loại hình dự án đầu tư bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý, tái chế chất thải, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Hiện nay, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 tại Việt Nam đang trong quá trình cập nhật và sửa đổi, các quy định về KTTH có hiệu lực năm 2020 và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội trong 01 thập kỷ sẽ không còn phù hợp với các quy định tại Luật ban hành năm 2010. Do đó, việc xác định, nhận diện rõ vai trò của công cụ thuế, phí và tìm ra giải pháp hướng tới mục tiêu hiện thực hóa KTTH thông qua học tập các kinh nghiệm tại một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc là vô cùng cần thiết.
2. Khái quát về quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là thuật ngữ được các học giả Trung Quốc đề xuất vào năm 1998, đến năm 2002, thuật ngữ này được Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia của Trung Quốc phê duyệt với các hướng dẫn cụ thể về cách triển khai, kế hoạch, cách thức vận hành và lựa chọn là chính sách quốc gia cho phát triển bền vững.
Năm 2004, Hội đồng Nhà nước đã chỉ định ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia tiếp quản việc thực hiện và thúc đẩy KTTH. Năm 2005, Học viện Kỹ thuật Trung Quốc nghiên cứu về phát triển KTTH trong quá trình đô thị hóa bằng các mô hình thí điểm tại 56 doanh nghiệp, 13 khu công nghiệp, 7 tỉnh, 5 thành phố và 1 thị trấn. Đến năm 2007, danh sách các mô hình thí điểm mở rộng thêm 178 doanh nghiệp. Ngày 29 tháng 8 năm 2008, Luật KTTH ở Trung Quốc đã được thông qua trong uộc họp Ủy ban thường vụ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 và có hiệu lực vào năm 2009.
KTTH là trọng tâm của Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) của Trung Quốc. Mục tiêu chính của Luật KTTH ở Trung Quốc là nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tách rời mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nền KTTH ở Trung Quốc được phát triển qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (trước năm 1992), tập trung vào việc tận dụng toàn diện nguồn lực. Mục đích chính của giai đoạn này là tối đa hóa giá trị sử dụng tài nguyên, khắc phục tình trạng khan hiếm tài nguyên. Giai đoạn 2 (1992-2002), tập trung vào sản xuất sạch hơn (SXSH) với việc ban hành Luật Khuyến khích SXSH. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm được đáng kể lượng chất thải, lượng nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí xử lý chất thải. Phương thức xử lý chất thải cũng chuyển từ xử lý cuối chu kì sang xử lý tại nguồn, tăng tỷ lệ tận dụng tài nguyên và giảm phát thải chất ô nhiễm trong các ngành công nghiệp. Giai đoạn 3 (2003-2008), là giai đoạn thí điểm của KTTH, ban hành Luật KTTH. Giai đoạn 4 (từ năm 2009 đến nay), KTTH ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, Luật KTTH chính thức có hiệu lực và đã được thực hiện ở các tỉnh, các ngành ngày càng được nhân rộng. Cấu trúc thực hiện KTTH ở Trung Quốc được trình bày tại bảng 1.
Bảng 1. Cấu trúc thực hiện KTTH ở Trung Quốc
Nguồn: Su, B., et al (2013), Ogunmakinde (2019)
Ở cấp độ vi mô, SXSH và thiết kế sinh thái là hai yếu tố được Trung Quốc áp dụng để thúc đẩy KTTH, tại các khu vực sản xuất, nhà máy. SXSH được đánh giá là biện pháp hiệu quả và được áp dụng khá rộng rãi, đặc biệt là sau khi Luật khuyến khích SXSH ở Trung Quốc được ban hành. Luật quy định các doanh nghiệp trong ngành in, nhuộm, xưởng đúc, thuộc da, chế biến thực phẩm, giấy và bột giấy, xi mạ điện và hóa chất bắt buộc phải áp dụng SXSH. Quy định về thiết kế sinh thái khuyến khích các công ty gây ô nhiễm nặng trong các ngành sản xuất và chế biến tạo ra các phương thức sản xuất tích hợp, hiệu quả và bền vững hơn thông qua thiết kế sáng tạo của dây chuyền sản xuất; với lĩnh vực điện, điện tử, thiết kế sinh thái sẽ giúp sản phẩm tạo ra giải quyết được các vấn đề môi trường ngay từ giai đoạn đầu tiên. Tiêu dùng xanh được thúc đẩy vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng và mua các dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường. Quản lý chất thải ở Trung Quốc khuyến khích sự phát triển của các công ty cung cấp các dịch vụ thu gom và xử lý chất thải.
Ở cấp độ trung gian, các hoạt động thúc đẩy KTTH bao gồm phát triển các khu công nghiệp sinh thái và hệ thống nông nghiệp sinh thái; thiết kế các khu thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống mua bán chất thải và các khu công nghiệp tĩnh (các khu phục hồi tài nguyên, công ty công nghệ môi trường).
Ở cấp độ vĩ mô, Trung Quốc ưu tiên thực hiện 3R bằng cách thiết kế, sắp xếp lại cơ sở hạ tầng, bố trí lại các khu công nghiệp theo đặc điểm, khu vực, loại bỏ dần các công nghiệp gây ô nhiễm nặng, hỗ trợ các ngành công nghệ cao.
Các hỗ trợ khác đến từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ sẽ giúp thúc đẩy, giám sát việc thực hiện KTTH.
Để thực hiện KTTH, Trung Quốc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ trước khi Luật KTTH được ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực năm 2009. Các chính sách, pháp luật tiêu biểu cho nền KTTH ở Trung Quốc được trình bày tại Bảng 2.
Bảng 2. Các chính sách, pháp luật ở Trung Quốc với mục tiêu hướng tới nền KTTH
Nguồn: Yuan, Z., J. Bi, and Y. Moriguichi (2006), Ogunmakinde (2019), Li, J. and K. Yu (2011)
KTTH ở Trung Quốc đã mang lại kết quả tích cực, giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào khai thác, sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, giảm phát thải CO2, giải quyết được vấn đề cấp bách về khan hiếm tài nguyên giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Trung Quốc nâng cao năng lực cạnh tranh và loại bỏ các rào cản xanh trong thương mại quốc tế. Tỷ lệ tận dụng toàn diện tài nguyên ở Trung Quốc được cải thiện trên ba khía cạnh: tỷ lệ khai thác và phục hồi trong khai thác khoáng sản, tỷ lệ tận dụng chất thải rắn - lỏng - khí (3 chất thải), tỷ lệ tái chế phế liệu. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp tái chế tài nguyên của Trung Quốc là 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2015 và số lượng lao động đạt 20 triệu người. Chất thải và tài nguyên để thu hồi và tái chế lên tới gần 250 triệu tấn. So với việc sử dụng tài nguyên sơ cấp, việc tái chế tài nguyên đã tiết kiệm được gần 200 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm phát thải 9 tỷ tấn nước thải và 1,15 tỷ tấn chất thải rắn. Trong năm 2005-2015, Trung Quốc đã tái sử dụng 2,04 tỷ tấn chất thải rắn công nghiệp, bao gồm 790 triệu tấn thép phế liệu; 80,85 triệu tấn kim loại màu tái chế (đồng tái chế, nhôm tái chế, chì tái chế và kẽm tái chế), 188 triệu tấn nhựa phế thải và 603 triệu tấn giấy phế liệu. Trong bốn năm đầu của chiến dịch “Năm năm lần thứ 12”, hiệu suất tài nguyên tăng khoảng 10%, trong khi tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP và tiêu thụ nước trên giá trị gia tăng công nghiệp lần lượt giảm 13,4% và 24%. Sự phát triển của KTTH đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các hạn chế về tài nguyên, bảo vệ môi trường, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng cơ hội việc làm.
Các chính sách về KTTH ở Trung Quốc tập trung vào các vấn đề như dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, SXSH, tái chế và tận dụng toàn diện chất thải cũng như khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả. Các công cụ chính sách được Trung Quốc áp dụng là mệnh lệnh kiểm soát, công cụ kinh tế (thuế, phí, trợ cấp, tài khóa, tài chính và giá cả) để thúc đẩy KTTH.
3. Các chính sách thuế, phí trong thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc
Chính sách về KTTH ở Trung Quốc tập trung ở các khía cạnh chính là: (i) Các kế hoạch hiện thực hóa nền KTTH; (ii) Ngăn ngừa lãng phí tài nguyên và hệ thống kiểm soát ô nhiễm; (iii) Đánh giá, đo lường; (iv) Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; (v) Giám sát nghiêm ngặt; (vi) Các công cụ kinh tế. Các biện pháp mệnh lệnh kiểm soát được coi là chưa đủ để thực hiện KTTH3. Các cơ chế khuyến khích, chính sách thuế, phí,... cần được áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của nền KTTH. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích các công cụ kinh tế, cụ thể là thuế và phí ở Trung Quốc khi hướng tới nền KTTH để làm rõ cách thức áp dụng, vai trò và kết quả của các chính sách đó ở Trung Quốc, từ đó rút ra được đề xuất, kiến nghị đối với Việt Nam.
3.1. Thuế
3.1.1. Thuế thu nhập
Trung Quốc áp dụng các ưu đãi về thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường. Cụ thể, (i) đối với các doanh nghiệp mua và sử dụng các thiết bị để bảo vệ môi trường, sản xuất tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và an toàn đối với môi trường thì chi phí mua thiết bị có thể được khấu trừ vào thuế thu nhập; (ii) đối với các doanh nghiệp sử dụng nước thải, khí thải và chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất chính được giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm; (iii) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 1 năm với các doanh nghiệp mới thành lập sử dụng nguyên liệu đầu vào là chất thải của các doanh nghiệp khác (các nguyên liệu đó có trong Danh mục Tận dụng toàn diện tài nguyên); (iv) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm khi các sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất bằng vật liệu có trong Danh mục Tận dụng toàn diện tài nguyên và vật liệu xây dựng được sản xuất bằng việc sử dụng than vụn, bã thải và từ chất thải của các doanh nghiệp khác.
Năm 2008, chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho Danh mục tận dụng toàn diện tài nguyên ở Trung Quốc được ban hành. Sau ngày 1 tháng 1 năm 2008, doanh thu của các doanh nghiệp bán các sản phẩm được tạo ra từ các nguyên vật liệu trong danh mục và có trong danh mục được khấu trừ 10% khi tính toán thuế thu nhập.
3.1.2. Thuế giá trị gia tăng (VAT)
Chính sách miễn, giảm thuế VAT của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho chính sách phát triển KTTH diễn ra từ năm 1995 khi Trung Quốc quyết định miễn thuế VAT cho các cấu phần của sản phẩm trong các dự án tận dụng toàn diện tài nguyên. Trong đó, khi các doanh nghiệp sử dụng vật liệu có chứa trên 30% chất thải rắn (than đá, than đá vôi, than cám và xỉ lò hơi) hoặc nước thải để sản xuất các sản phẩm xây dựng sẽ được ưu đãi thuế VAT. Đến năm 2001, chính sách ưu đãi VAT lại được Trung Quốc áp dụng đối với các sản phẩm được sản xuất thông qua việc tận dụng toàn diện các loại chất thải hoặc từ gỗ thành phẩm. Doanh nghiệp tận dụng chất thải hoặc tận dụng lại gỗ thành phẩm làm nguyên liệu sẽ được miễn thuế VAT ngay sau khi có thuế. Năm 2001 cũng là năm đánh dấu của chính sách giảm thuế VAT cho hoạt động kinh doanh thu hồi chất thải. Các sản phẩm được sản xuất có nguyên liệu đầu vào là các vật liệu phế thải được miễn trừ thuế VAT. Đến năm 2002, Trung Quốc bổ sung thêm chính sách miễn, giảm VAT đối với các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thu hồi được từ chất thải.
Chính sách miễn, giảm thuế VAT được áp dụng khá phổ biến khi năm 2008 Trung Quốc lại ban hành Chính sách thuế VAT cho việc tận dụng toàn diện tài nguyên và các sản phẩm có liên quan. Chính sách giảm thuế VAT đối với (i) Các doanh nghiệp kinh doanh nước thải tái chế, tráng lốp hoặc sản xuất bột cao su từ nguyên liệu là săm lốp phế thải; sản xuất các sản phẩm xây dựng có chứa hỗn hợp phế thải từ trên 30% chất thải rắn trở lên; (ii) doanh nghiệp xử lý nước thải; (iii) doanh nghiệp kinh doanh CO2 có độ tinh khiết cao được sản xuất bằng khí thải công nghiệp; (iv) điện hoặc nhiệt sinh ra từ nhiên liệu rác và xi măng nhựa đường tái sinh được sản xuất bằng nhựa đường thải; (v) các doanh nghiệp bán điện hoặc nhiệt sản xuất bằng than gang, than bùn, than đá vôi và đá phiến bitum sẽ được miễn 50% thuế VAT ngay sau khi đánh thuế; (vi) các doanh nghiệp bán dầu diesel sinh học được tạo ra thông qua tận dụng toàn diện tài nguyên được miễn thuế VAT ngay sau khi đánh thuế; (vii) các sản phẩm được sản xuất từ 4 loại phụ phẩm nông, lâm nghiệp, gỗ thành phẩm, thân cây, bã mía được miễn thuế VAT ngay sau khi đánh thuế, tỷ lệ miễn thuế là 100% vào năm 2009 và 80% vào năm 2010.
Thuế VAT còn được miễn giảm đối với khai thác vàng hoặc bạc sử dụng chất lỏng hoặc bã thải; hàng hóa đã qua sử dụng hoặc phế thải được bán bởi các doanh nghiệp thu gom được cấp phép; dầu chiết tách từ đá phiến dầu bị bỏ trong quá trình khai thác và sử dụng than đá, bê tông nhựa tái chế làm từ chất thải và bê tông nhựa đã qua sử dụng, năng lượng điện hoặc nhiệt sinh ra từ rác, xi măng (kể cả xi măng clinker) được sản xuất bằng kỹ thuật lò quay, nơi bã thải hỗn hợp chiếm trên 30% nguyên liệu sản xuất. Thu nửa thuế VAT đối với năng lượng điện và nhiệt được tạo ra bằng cách sử dụng than đá, bùn quặng, đá phiến dầu,… như nhiên liệu.
Bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế VAT, Trung Quốc cũng có chính sách đánh thuế VAT 17% đối với sản phẩm, dịch vụ ngành công nghiệp để thúc đẩy tái sử dụng chất thải.
3.1.3. Thuế Bảo vệ môi trường
Chính sách Thuế Bảo vệ môi trường ở Trung Quốc được ban hành năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Là chính sách thay thế cho hệ thống phí xả thải và khởi đầu của một loạt các chính sách mời nhằm kiểm soát ô nhiễm của Trung Quốc. Thuế BVMT ở Trung Quốc áp dụng với các chất gây ô nhiễm không khí (trừ CO2), gây ô nhiễm nước, chất thải rắn và các công trường gây ô nhiễm tiếng ồn. Các trường hợp được miễn giảm thuế bao gồm: các chất ô nhiễm thải ra từ sản xuất nông nghiệp (không bao gồm chăn nuôi quy mô lớn); ô nhiễm thải ra từ các phương tiện cơ giới, đầu máy đường sắt, máy móc di động địa hình, tàu thủy, máy bay và các nguồn ô nhiễm di động khác; ô nhiễm thải ra từ các cơ sở xử lý nước thải đô thị và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung phù hợp với tiêu chuẩn khí thải quốc gia hoặc địa phương; chất thải rắn được đối tượng nộp thuế tái chế, tái sử dụng phù hợp theo các tiêu chuẩn xả thải quốc gia hoặc địa phương và các trường hợp khác do Hội đồng cấp Nhà nước thông qua; giảm thuế 50% nếu giá trị nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí hoặc nước nhỏ hơn 50% tiêu chuẩn phát thải chất ô nhiễm của quốc gia và địa phương; giảm thuế 25% nếu giá trị nồng độ của các chất ô nhiễm không khí hoặc nước nhỏ hơn 30% so với tiêu chuẩn nêu trên.
3.1.4. Các loại thuế khác
*Thuế tiêu thụ
Từ những năm 2000, một số sản phẩm ở Trung Quốc được miễn thuế tiêu thụ để khuyến khích sử dụng, nhằm thúc đẩy KTTH như lớp radial (lốp toàn thép), lốp đúc lại, dầu diesel sinh học được sản xuất bằng dầu động vật và thực vật phế thải.
*Thuế đầu tư
Năm 1994, Trung Quốc đánh thuế đầu tư tài sản cố định để tận dụng toàn diện tài nguyên và nhà kho. Nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định phù hợp với yêu cầu tận dụng toàn diện tài nguyên thì mức thuế suất áp dụng bằng 0.
3.2. Phí
Trung Quốc áp dụng hai loại phí hỗ trợ cho việc phát triển nền KTTH là phí xả thải và phí bổ sung giá điện.
* Đối với phí xả thải
Điều 46 Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn quy định "Chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của khu vực hành chính có thể triển khai hệ thống thu phí xả thải. Phí này dùng cho việc phân loại rác, thu gom, vận chuyển, bảo quản, sử dụng và thải bỏ, và không được sử dụng cho các mục đích khác".
Các công trình, địa điểm xây dựng để lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường do Cục Bảo vệ môi trường có thẩm quyền thuộc Quốc vụ viện quy định. Trường hợp trước khi thi hành Luật này, đơn vị xả thải chất thải rắn công nghiệp không xây dựng hệ thống kho chứa, xử lý chất thải rắn công nghiệp theo quy định tại Điều 32 của Luật này hoặc không đảm bảo quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Các công trình và địa điểm đó phải được xây dựng hoặc cải tạo trong một khoảng thời gian xác định; trong thời gian này phải nộp phí xả ô nhiễm đối với chất thải rắn công nghiệp mới thải gây ô nhiễm môi trường hoặc áp dụng các biện pháp khác. Nếu đơn vị lựa chọn nộp phí xả ô nhiễm đã hoàn thành việc xây dựng các công trình, địa điểm lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp trước thời hạn hoặc qua cải tạo đã thực hiện các công trình, địa điểm đó phù hợp với tiêu chuẩn trong thời hạn thì đơn vị không phải nộp phí xả ô nhiễm kể từ ngày hoàn thành việc xây dựng, cải tạo. Nếu trong thời hạn quy định mà công trình, mặt bằng đó chưa hoàn thành hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sau khi cải tạo thì đơn vị tiếp tục nộp phí xả ô nhiễm cho đến khi hoàn thành công trình, mặt bằng đó hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sau khi cải tạo. Các biện pháp cụ thể do Hội đồng Nhà nước quy định. Phí xả ô nhiễm được sử dụng cho mục đích phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và không được sử dụng vào mục đích khác.
Trong xử lý chất thải nguy hại theo phương pháp chôn lấp, đơn vị nào không thực hiện đúng quy định của Cục Bảo vệ môi trường có thẩm quyền thuộc Hội đồng Nhà nước thì phải nộp phí xử lý chất thải nguy hại. Các biện pháp cụ thể để áp dụng các loại phí này do Hội đồng Nhà nước quy định. Phí xả thải chất thải nguy hại được sử dụng cho việc phòng, chống ô nhiễm môi trường do chất thải nguy hại gây ra và không được sử dụng vào mục đích khác.
* Phí bổ sung giá điện
Đối với các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, khi giá mua điện sản xuất từ năng lượng tái tạo vượt quá giá của nhiệt điện than trong nước các nhà máy sản xuất điện, phần giá chênh lệch đó được đền bù thông qua phí bổ sung giá điện từ người sử dụng điện ở Trung Quốc.
4. Kết luận và kiến nghị
Vị thế của KTTH ở Trung Quốc ngày càng được nâng cao. KTTH ở Trung Quốc được thực hiện thông qua tích hợp các lợi ích của việc tái chế, thực hiện mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát thải và phát triển những khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chuyển hướng từ xử lý chất thải cuối sang xử lý tại nguồn, từ bảo vệ môi trường đơn lẻ sang kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Không chỉ tập trung vào việc xử lý chất thải mà còn liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, chia sẻ cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ, phân phối phúc lợi xã hội.
Công cụ thuế, phí là công cụ tiêu biểu trong chính sách về KTTH ở Trung Quốc. Các công cụ này chủ yếu được áp dụng theo hình thức dùng để khuyến khích các hoạt động thúc đẩy KTTH, từ chính sách miễn, giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ, thuế đầu tư, thuế thu nhập đến các chính sách đền bù thông qua phí bổ sung giá điện. Bên cạnh đó, việc ban hành Thuế bảo vệ môi trường và phí xả thải cũng giúp cải thiện được hành vi của đối tượng gây ô nhiễm, góp phần thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng.
Trên cơ sở những kinh nghiệm của Trung Quốc khi áp dụng các chính sách, công cụ thuế, phí thúc đẩy KTTH, để có thể hiện thực hóa việc áp dụng KTTH tại Việt Nam, một số đề xuất, kiến nghị cần được xem xét thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, Việt Nam đã ban hành các chính sách có liên quan về thuế, phí môi trường như: thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đất san lấp....
Tuy nhiên, hiện nay các chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường tại Việt Nam mới chỉ hướng tới mục tiêu hạn chế khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, ngăn ngừa nguy cơ phát thải ô nhiễm ra môi trường; chính sách thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chưa có sự đồng bộ, không khuyến khích được việc khai thác tận thu khoáng sản vì dù có tận thu, khi bán ra hoặc đưa vào tiêu dùng một lượng khoáng sản thì cũng phải nộp các khoản thuế, phí trên sản lượng và giá như khai thác bình thường. Do đó, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch của doanh nghiệp áp dụng mô hình KTTH, các chính sách ưu đãi về thuế, phí môi trường cần được mở rộng phạm vi hướng tới các hoạt động tối ưu hóa phương thức sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí như: thúc đẩy tái chế, tái sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Hai là, thúc đẩy, nhân rộng các chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xanh, thân thiện thiện môi trường, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính như tín dụng xanh và trái phiếu xanh quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ba là, một số loại phí bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn thấp như phí đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP và chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế. Việc tăng mức phí đối với một số loại hình khai thác tài nguyên sẽ góp phần hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng.
Bốn là, hiện nay Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có những quy định về ưu đãi hỗ trợ đối với những dự án, hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường, tuy nhiên mức độ ưu đãi, cũng như hình thức ưu đãi vẫn chưa được quy định cụ thể đối với từng loại hình dự án, hoạt động thực hiện, ứng dụng KTTH. Cần thiết phải lồng ghép, bổ sung nội dung cụ thể về KTTH trong các quy định về ưu đãi thuế, phí BVMT.
Năm là, thí điểm áp dụng chính sách giảm thuế từng phần (ví dụ như Luật Thuế bảo vệ môi trường ở Trung Quốc giảm thuế 50% nếu giá trị nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí hoặc nước nhỏ hơn 50% tiêu chuẩn phát thải chất ô nhiễm của quốc gia và địa phương; giảm thuế 25% nếu giá trị nồng độ của các chất ô nhiễm không khí hoặc nước nhỏ hơn 30% so với tiêu chuẩn) giúp tăng động lực để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải phù hợp nhất trong khả năng của mình.
(Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thuế bảo vệ môi trường và đề xuất lộ trình hoàn thiện quy định pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện).
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
1. Li, W. and W. Lin, Circular economy policies in China. Towards a Circular Economy: Corporate Management and Policy Pathways, 2016: p. 95-111.
2. Su, B., et al., A review of the circular economy in China: moving from rhetoric to implementation. Journal of cleaner production, 2013. 42: p. 215-227.
3. Yuan, Z., J. Bi, and Y. Moriguichi, The circular economy: A new development strategy in China. Journal of Industrial Ecology, 2006. 10(1‐2): p. 4-8.
4. Ogunmakinde, O.E., A review of circular economy development models in China, Germany and Japan. Recycling, 2019. 4(3): p. 27.
5. Hicks, C. and R. Dietmar, Improving cleaner production through the application of environmental management tools in China. Journal of Cleaner Production, 2007. 15(5): p. 395-408.
6. Negny, S., et al., Toward an eco-innovative method based on a better use of resources: application to chemical process preliminary design. Journal of Cleaner Production, 2012. 32: p. 101-113.
7. Li, J. and K. Yu, A study on legislative and policy tools for promoting the circular economic model for waste management in China. Journal of Material Cycles and Waste Management, 2011. 13(2): p. 103-112.
8. Circular Economy Promotion Law of the People's Republic of China. 2008; Available from: https://leap.unep.org/countries/cn/national-legislation/circular-economy- promotion-law-peoples-republic-china#:~:text=Circular%20Economy%20Promotion%20Law%20of%20the%20People's%20Republic%20of%20China.,Country&text=This%20Law%20is%20formulated%20for,environment%20and%20realizing%20sustainable%20development.
9. Fan, Y. and C. Fang, Circular economy development in China-current situation, evaluation and policy implications. Environmental impact assessment review, 2020. 84: p. 106441.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn