Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”

Thứ bảy - 27/10/2018 17:07
Nghị quyết 24-NQ/TW sau khi ban hành đã được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương; các chủ trương, chính sách của Nghị quyết đã được thể chế hóa; vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong việc triển khai Nghị quyết đã được khẳng định; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên (QLTN) và bảo vệ môi trường (BVMT) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định xét trong bối cảnh mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì lý do đó, sau 5 năm triển khai Nghị quyết cần có sự đánh giá đầy đủ và toàn diện vai trò của KHCN trong việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, từ đó đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn, nhất là xét trong bối cảnh mới của cách mạng 4.0 và những biến đổi trên thế giới, những ứng dụng của KHCN cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã đề ra giải pháp về KHCN là “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nội dung giải pháp này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ:

- Một là: Phát triển mạnh các chuyên ngành khoa học về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới, vũ trụ;

- Hai là: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp;

- Ba là: Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Bốn là: Xây dựng và thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Để triển khai thực hiện các nội dung giải pháp này, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định đây là các nội dung trọng tâm và lồng ghép vào Kế hoạch, Chương trình của Bộ, đồng thời ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan thông qua các cơ chế chính sách mới. Các nhiệm vụ tương ứng với các nội dung giải pháp nêu trên đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ/ngành có liên quan triển khai cụ thể như sau:

1. Về phát triển mạnh các chuyên ngành khoa học năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới, vũ trụ

Các nhiệm vụ nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm tập trung chủ yếu trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/11-150. Trong đó, các nhiệm vụ nghiên cứu về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng chiếm 50% tổng số nhiệm vụ của Chương trình. Các kết quả đạt được cụ thể như sau:

1.1. Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo

- Đã nghiên cứu và chế tạo thành công tuốc bin kiểu hướng trục cột nước thấp công suất từ 2-5 MW, đã được lắp đặt tại nhà máy thủy điện Khe soong tỉnh Quảng Ninh;

- Thiết kế và chế tạo thành công hệ thống cung cấp nước nóng sử dụng bơm nhiệt kết hợp với bộ thu năng lượng mặt trời trong điều kiện Việt Nam, được lắp đặt sử dụng tại thành phố Nha Trang.

- Nghiên cứu thiết kế và chế tạo được hệ thống chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng đi ốt phát quang (LED) và nguồn cấp điện pin mặt trời, đã được lắp đặt thử nghiệm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;

- Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thống tuốc bin gió kiểu trục ngang có công suất trong dải từ 15-20 kW, đã được lắp đặt tại Hải Dương;

- Nghiên cứu thiết kế chế tạo tổ máy phát tuốc bin trực giao công suất đến 5kW dùng cho trạm phát điện thủy triều, đã được lắp đặt tại Quảng Ninh;

- Nghiên cứu thành công công nghệ Spray ILGAR (Ion Layer Gas Reaction), chế tạo được một số phần tử pin mặt trời màng mỏng họ Me/ZnO/CdS(InxSy)/Cu(In,Ga)(S,Se)2/Me/glass;

1.2. Phát triển công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng:

- Nghiên cứu lựa chọn được các giải pháp hợp lý áp dụng cho lưới điện phân phối Việt Nam đạt tiêu chuẩn lưới điện thông minh, ứng dụng tại trạm phân phối điện Cầu Giấy;

- Chế tạo được hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu có hiệu suất cao.

- Hệ thống tạo khí giàu hyđrô lắp trên ô tô và xe máy làm việc ổn định có hiệu quả chuyển hóa cao, có thể đạt được hiệu suất chuyển hóa nhiên liệu xăng trên 50% ở nhiệt độ 5500C và 100% khi nhiệt độ ở 7000C.

- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất máy biến dòng điện (TI), máy biến điện áp (TU) đo lường trung thế kiểu khô điện áp tới 38,5kV, đã sản xuất và lắp đặt trên lưới điện Việt Nam;

- Xây dựng được tỷ lệ phối trộn than trong nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy, nghiên cứu thành công công nghệ đốt đã tiết kiệm than trên 2%. Kết quả nghiên cứu đã được áp dụng tại nhà máy nhiệt điện Ninh Bình;

1.3. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, đầu tư áp dụng công nghệ xanh:

- Đã hỗ trợ Tổng Công ty Thiết bị Điện Việt Nam đầu tư hoàn thiện công nghệ và sản xuất công tơ điện tử đa chức năng (công tơ điện tử thông minh) 1 pha và 3 pha phục vụ xây dựng lưới điện thông minh Việt Nam;

- Hỗ trợ Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, chế tạo dây chuyền công nghệ sử dụng trấu để cung cấp năng lượng cho các tổ hợp xay xát thóc lúa công suất 6-10 tấn/giờ.

1.4. Tái chế chất thải, vật liệu mới:

- Xây dựng công nghệ và hoàn thành mô hình pilot khử khí độc đồng hành và thu hồi CO2 cho sản xuất tảo Lam và vi tảo lục. Mô hình pilot được đánh giá có hiệu quả kinh tế và môi trường so với các phương pháp xử lý đã và đang áp dụng. Các sản phẩm tảo thu được có thể sử dụng làm thực phẩm chức năng và trong công nghiệp mỹ phẩm.

- Chế tạo thành công thiết bị nghiên cứu hấp phụ hơi thủy ngân, mô hình thiết bị hấp phụ hơi thủy ngân quy mô 5m3/h, các vật liệu hấp phụ hơi thủy ngân tải trọng cao. Quy trình hấp phụ hơi thủy ngân được cơ sở sản xuất bóng đèn đánh giá cao.

- Triển khai xây dựng, vận hành mô hình hệ thống xử lý tích hợp tiên tiến có tận thu và sử dụng năng lượng tái tạo để xử lý hiệu quả, bền vững nguồn thải hỗn hợp rắn-lỏng từ các lò giết mổ tập trung quy mô pilot 20-30 m3/ngàyđêm, áp dụng tại Lò giết mổ của Thôn Bái Đô, Xã Tri Thủy, Huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Sản phẩm có triển vọng tốt để nhân rộng cho các lò mổ có quy mô tương tự.

- Xây dựng cơ sở khoa học và thực hiện công tác thí nghiệm ngoài hiện trường công nghệ mới trong gia cố đê biển bằng phương pháp neo đất, sử dụng phụ gia consolid; đánh giá được lực gia tăng của lớp gia cố khi có neo bằng 1,6 lần khi không có neo. Về ứng dụng phụ gia consolid cho đê biển, đã tiến hành thử nghiệm cho 100 m đê biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Qua 5 tháng ứng dụng loại phụ gia này cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, tăng độ bền, tăng khả năng chịu đựng của mái đê khi có tác động của ngoại lực và đặc biệt là khả năng áp dụng rộng rãi là hoàn toàn có thể. Về cấu kiện bê tông lắp ghép chống ăn mòn lớp bảo vệ mái phía biển cũng đã được ứng dụng cho đê biển Nam Định. Tại vị trí cống Thanh Niên, 100 cấu kiện chống ăn mòn đã được thay thế cho 100 cấu kiện truyền thống, mặt đê phía biển Nghĩa Hưng thay thế 50 cấu kiện. Kết quả thử nghiệm cho kết quả tốt, được địa phương đánh giá cao.

- Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu động đất và bước đầu đánh giá khả năng hóa lỏng và ổn định hệ thống đê sông, đập đất đắp bằng vật liệu địa phương khi chịu động đất mạnh.

2. Về đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp

2.1. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng

Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vấn đề kiểm soát, quản lý chất thải còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Việc nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường là hướng nghiên cứu đã được nhiều đề tài cấp quốc gia thực hiện; đồng thời một số nghiên cứu được triển khai nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:

- Đã phát triển được các mô hình: (1) Xử lý nước thải thạch dừa ở Bến Tre, mô hình sử dụng giải pháp tách dòng, tái sử dụng nước thải trong quy trình sản xuất, đảm bảo nước thải có nồng độ chất ô nhiễm thấp, xử lý được bằng công nghệ đơn giản có chi phí đầu tư và vận hành thấp; (2) Sinh thái bền vững hộ làm nghề sản xuất tinh bột kết hợp chăn nuôi cùng các giải pháp thu hồi khí gas, tách chất thải để giảm tải lượng chất ô nhiễm, ứng dụng kỹ thuật sinh thái để xử lý chất thải có chi phí đầu tư và vận hành thấp, áp dụng tại xã tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; (3) Giảm thiểu và xử lý ô nhiễm nhuộm chiếu cùng giải pháp chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải theo hướng sinh thái (nước thải và chất thải rắn sản xuất). Công suất hệ thống xử lý nước thải đạt 1.5-2.0 m3/ngày, giảm thiểu ô nhiễm 70% cho các chỉ tiêu COD, độ màu; (4) Xử lý nước thải sản phẩm của đề tài rất có giá trị. Các sản phẩm đào tạo, công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ của đề tài đều vượt yêu cầu.

-Hoàn thiện hai sản phẩm: Thiết bị lọc nước giếng khoan tuần hoàn NUSA-CWSA, nước sau lọc đạt QCVN 02/2009/BYT và bình lọc nước kiềm tính NUSA-BLKT lọc nước ăn uống trực tiếp, đạt QCVN 6-10/BYT nước đóng chai, đang tiến hành thủ tục đăng kí sáng chế độc quyền. Hai sản phẩm trên đã được thương mại hóa, và đã có đơn đặt hàng mua với số lượng 5000 sản phẩm của dự án. Riêng thiết bị lọc nước bằng lõi than đang tiến hành hàng loạt các thí nghiệm để xác định hình dáng, mẫu mã và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và tuổi thọ.

- Xây dựng được quy trình công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi có thu BIOGAS, hiếu khí sau kị khí, công nghệ sử dựng thực vật thủy sinh. Quy trình sử dựng chế phẩm vi sính vật xử lý chất thải rắn thành phân,... Chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt dùng để ủ xử lý phân lợn, bã thải rắn của đề tài bảo đảm an toàn sinh học, bảo quản lâu, giảm thời gian ủ phân, giảm mùi hôi và vi sinh gây bệnh trong phân, góp phần tạo việc làm cho người dân. Được áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn. Mật độ vi sinh 108 CFU/g và Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh dạng bột xử lý chất thải chăn nuôi quy mô 100-1000kg.

- Phân tích làm rõ những bất cập, những hạn chế dẫn tới phát triển thủy sản thiếu bền vững ở nước ta trong những năm qua, đồng thời đề xuất được quy trình nuôi tôm bền vững tại Hải Hậu, Nam Định và mô hình mẫu nuôi cá tra tại Đồng Tháp.

- Trong nghiên cứu phát triển công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp áp dụng với quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện Việt Nam, đã thử nghiệm mô hình xử lý nước sông, hồ bị ô nhiễm, tăng cường hiệu quả xử lý nitơ, hỗ trợ cho các quá trình sinh học, kết hợp với hệ thống bãi lọc trồng cây nhân tạo, tạo cảnh quan môi trường. Thiết bị dễ lắp đặt, vận hành và đơn giản trong bảo dưỡng.

- Chế tạo thành công chế phẩm sinh học BK-BIOLEACHATE và quy trình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý các hợp chất các-bon khó phân hủy, nitơ, photpho và lưu huỳnh trong nước rỉ rác, phân vi sinh BK-BIOMAP thu hồi từ quá trình kết tủa nitơ và quy trình oxy hóa BK-PHOTOXYD để xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy trong nước rỉ rác.

2.2. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp

- Đã đánh giá trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước đến cuối năm 2014, phễu hạ thấp mực nước cho đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, đồng thời xây dựng được các bản đồ phân vùng khai thác bền vững: (1) Bản đồ phân vùng bảo vệ nước dưới đất cho đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ tỷ lệ 1:200.000, đặc biệt cho hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ 1:100.000; (2) Bản đồ địa tầng, phân vùng khai thác nước dưới đất bền vững của đề tài rất có giá trị cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này. Sản phẩm của đề tài đã được UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM chấp nhận đưa vào quy hoạch khai thác nước dưới đất, bổ cập nguồn nước ngầm cho hai thành phố trong tương lại.

- Nghiên cứu đánh giá loại hình vàng hạt mịn và siêu mịn trong các kiểu quặng khác nhau khu vực Đông Bắc Việt Nam, đề xuất giải pháp công nghệ thu hồi thích hợp không gây ô nhiễm môi trường;bổ sung một loại hình khoáng hóa vàng mớiở Đông Bắc Việt Nam, đặc tính công nghệ của các kiểu quặng hóa chứa vàng. Các kết quả nghiên cứu giúp định hướng hoàn thiện quy trình công nghệ thu hồi vàng hạt mịn có hiệu quả kinh tế, sạch về môi trường và có thể ứng dụng trong thực tiễn.

- Xác định được vị trí phân bố và cấu trúc bồn nhiệt tại khu vực Bang, Lệ Thủy, Quảng Bình, có thể phát điện với công suất ~3MW; hoàn thành lắp đặt và vận hành mô hình điều hòa không khí sử dụng nhiệt đất (GSHP) công suất 7,5kW tại Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Mô hình vận hành tốt, các quan trắc hiện tại cho thấy tiết kiệm được trên 20% điện tiêu thụ so với điều hòa không khí thông thường, không xả nhiệt vào không khí.

- Liên quan đến nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái đầm, hồ ven biển đã bị suy thoái ở khu vực miền Trung, đã khảo sát phân tích các điều kiện địa chất, thủy văn, hệ sinh thái, một số nhiệm vụ đã đánh giá được biến động môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật và mức độ suy thoái các hệ sinh thái (HST) cũng như sơ bộ xác định một số hoạt động kinh tế - xã hội, là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây suy thoái các HST đầm hồ ven biển miền Trung Việt Nam. Đã tổ chức thu gom và ươm 4000 cây giống tại 2 trị trí (02 ha) và đánh giá khả năng phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn và nuôi 3 loại nguồn lợi thân mềm đặc trưng trên vùng triều thôn Hòn Thiên, xã Hộ Hải.

Ngoài ra, để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất để Bộ Công Thương triển khai thực hiện “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản”. Chương trình đã tổ chức thực hiện 69 nhiệm vụ; các nhiệm vụ tập trung vào 4 lĩnh vực là: công nghệ khai thác khoáng sản rắn, công nghệ chế biến khoáng sản rắn, công nghệ khai thác và chế biến dầu khí và công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ khai thác và chế biến khoáng sản.

Trong khai thác lộ thiên, nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế, giúp các mỏ tiếp cận với công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới, sử dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn, nâng cao được năng suất lao động, giảm thiểu ảnh hưởng của khai thác lộ thiên đến môi trường sinh thái. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được các nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp cho từng trường hợp cụ thể như: tháo khô bờ mỏ bằng hệ thống lỗ khoan (khoan đứng hoặc khoan ngang); gia cường khối đá bằng bê tông phun, xi măng hóa; neo bờ mỏ; khoan giảm áp và hạn chế ảnh hưởng của nổ mìn ở các tầng sâu đến ổn định bờ mỏ cần áp dụng nổ vi sai toàn phần, nổ mìn tạo biên, chia bãi mìn thành các đợt nổ. Kết quả nghiên cứu cũng đã giúp lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nổ mìn hợp lý, đồng bộ thiết bị công suất lớn - hệ thống khai thác phù hợp, công nghệ khai thác theo bờ dừng khi khai thác xuống sâu; công nghệ đổ thải và các giải pháp kỹ thuật hợp lý trong quá trình khai thác cho các mỏ lộ thiên lớn.

Đối với khai thác hầm lò, nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng suất và mức độ an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc của công nhân trong hầm lò. Đã áp dụng thử nghiệm thành công dàn chống mềm ZRY tại Công ty than Hồng Thái, mở ra triển vọng loại hình công nghệ mới phù hợp và hiệu quả cho các khu vực vỉa than dày hoặc trung bình, góc dốc 35  550 trước đó thuộc loại khó lựa chọn công nghệ khai thác. Đã đề xuất và đưa vào áp dụng các sơ đồ công nghệ với đồng bộ thiết bị cơ giới hóa hiện đại giúp nâng cao năng suất và an toàn lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất cơ khí của ngành, giúp giảm chi phí nhập khẩu thiết bị, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác than của Việt Nam.

Về chế biến than, khoáng sản, các kết quả nghiên cứu đã và đang góp phần phát triển, nâng cao trình độ công nghệ tuyển than, khoáng sản, tăng cường mức độ chế biến sâu, tận thu tài nguyên; đồng thời, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho cán bộ kỹ thuật của các đơn vị chế biến khoáng sản.

Trong lĩnh vực dầu khí, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh đã đạt được những thành công đáng khích lệ, gắn liền nghiên cứu với thực tiễn sản xuất như: nghiên cứu sản xuất các hệ hóa phẩm sử dụng trong khai thác thay thế hệ hóa phẩm nhập ngoại, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ ở giai đoạn bị suy giảm sản lượng khai thác.

3. Về tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xác định nhiệm vụ theo đặt hàng của các Bộ/ngành liên quan trong ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể là:

- Trong nghiên cứu đánh giá sự biến đổi môi trường sau thiên tai lũ quét khu vực miền núi phía bắc Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu đã thiết lập được các bản đồ phân vùng dự báo lũ quét và biến đổi môi trường sau lũ quét, xây dựng các mô hình tổ chức, quản lý và khôi phục môi trường sau lũ quét tại các khu vực trọng điểm vùng núi phía bắc, trong đó có Điện Biên Phủ, Sa Pa;

- Triển khai nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực, những tồn tại, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của hệ thống công trình kiểm soát lũ vùng Tứ Giác Long Xuyên thông qua việc điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng của hệ thống công trình kiểm soát lũ; lựa chọn, đề xuất bộ tiêu chí đánh giá (dựa trên phát triển bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước), phát triển bộ công cụ tính toán đánh giá tác động của hệ thống công trình kiểm soát lũ tới chế độ thủy văn, thủy lực, dòng chảy và môi trường cho khu vực nghiên cứu và các vùng lân cận trong điều kiện hiện tại, có xét tới tái cơ cấu, sản xuất vụ 3, nước biển dâng, đặc biệt là trong điều kiện các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt công trình trên dòng chính sông Mêkông;

- Xây dựng quy trình công nghệ dự báo, cảnh báo bão hạn 05 ngày với độ chính xác đạt trình độ khu vực. Quy trình công nghệ dự báo bão hạn 05 ngày đã được ứng dụng cho các trận bão xảy ra trong quá khứ và đã được điều chỉnh, nâng cao độ chính xác khi dự báo các trận bão xảy ra vào cuối năm 2013 và 02 trận bão xảy ra năm 2014. Quy trình công nghệ dự báo bão hạn 05 ngày, sản phẩm chính của đề tài đã được chuyển giao cho Đài khí tượng Đông Bắc, Phòng Khí tượng Bộ Tư lệnh Hải Quân, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương;

- Lần đầu tiên sử dụng bộ chỉ tiêu phân cấp hạn khí tượng và các bộ mô hình thống kê để dự báo hạn khí tượng cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng; đã xây dựng được trang web, cung cấp kết quả dự báo hạn khí tượng với thời hạn 3 tháng cho các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán trên phạm vi cả nước;

- Đã hoàn thành các bản đồ tai biến tự nhiên tỷ lệ 1:1.000.000, đang triển khai Atlas tai biến tự nhiên (TBTN) tỷ lệ 1:3.000.000. Bộ bản đồ sẽ là nguồn tài liệu tham khảo tốt phục vụ quy hoạch lãnh thổ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do tai biến tự nhiên gây ra.

Đặc biệt, đối với các nhóm nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo và phòng tránh thiên tai phục vụ các nhu cầu của địa phương, các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp thiết thực cho công tác phòng tránh thiên tai và điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các địa phương. Cụ thể là:

- Trong nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi khi vận hành hồ chứa thượng nguồn đến vùng hợp lưu các sông Thao-Đà-Lô, các đơn vị nghiên cứu đã thu thập được khá đầy đủ tài liệu động lực học, diễn biến lòng dẫn và các tài liệu cơ bản liên quan tới đoạn sông nghiên cứu qua các thời kỳ. Xây dựng được phần mềm tích hợp cơ sở dữ liệu, kết quả nghiên cứu, đồng thời, đã đánh giá được hiện trạng, xác định rõ nguyên nhân gây tác động bất lợi khi vận hành hồ chứa thượng nguồn tới vùng hợp lưu. Đặc biệt đã tiến hành nghiên cứu trên mô hình vật lý để định lượng sự biến đổi chế độ động lực, lòng dẫn... ứng với các kịch bản vận hành hồ chứa thượng nguồn, đồng thời kiểm chứng hiệu quả của các phương án chỉnh trị, giảm thiểu tác động bất lợi cho khu vực hợp lưu các sông Thao, Đà, Lô. Trên cơ sở đó, đã đề xuất phương án qui hoạch chỉnh trị ổn định lòng dẫn vùng hợp lưu sông Thao, Đà, Lô, Hồng đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ khu dân cư ngoài đê sông, ổn đinh đất canh tác nông nghiệp, ổn định tuyến vận tải đường thuỷ.

- Đối với các vùng trọng điểm về thiên tai như miền Trung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ/ngành địa phương tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, cơ sở hạ tầng đến lũ lụt và đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi để phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại. Qua đó, đã xác định được các đặc trưng cơ bản của dòng chảy lũ và nguyên nhân hình thành lũ trên các lưu vực sông miền Trung. Đánh giá được tác động của các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông và cơ sở hạ tầng đến khả năng tiêu thoát lũ khu vực miền Trung, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp công trình, phi công trình nhằm chuyển lũ, chậm lũ, giảm bớt cao trình đỉnh lũ, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra cho khu vực miền Trung. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra quy định thông báo xả lũ trước 2 tiếng (QĐ/1757-TTg năm 2010), hay 4 tiếng (QĐ/1077-TTg năm 2014) là chưa hợp lý, đề nghị tăng thời gian thông báo xả lũ từ các hồ miền Trung ít nhất 6 đến 8 tiếng. Đã tính toán xác định được kích thước hệ thống cống qua đường giao thông cho từng cung đường, kiến nghị khi tính toán thiết kế khẩu độ các cống qua đường giao thông không chỉ tính theo tần suất thiết kế lũ mà cần tính toán kiểm tra trong điều kiện xả lũ từ các hồ chứa.

- Đối với vùng hạ du sông Hồng, các nghiên cứu tập trung đánh giá tác động của hạn kinh tế, xã hội và đề xuất các giải pháp ứng phó, qua đó, đã đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hạn kinh tế, xã hội, xác định nguyên nhân và tác động của hạn đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; xây dựng các bản đồ nguy cơ, cấp độ tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường theo các mức độ hạn khác nhau cho vùng hạ du sông Hồng.

- Đối với địa bàn Tây Nguyên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng và nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất lưu vực sông Sê San và đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu, trên cơ sở đó đã xác định hiện trạng, phân vùng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất ở lưu vực sông Sê San, đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp, phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại.

- Đối với hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà, đã phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá rủi ro đối với thượng, hạ du khi xảy ra sự cố các đập trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, qua đó mô phỏng bằng mô hình vật lý, mô hình toán các kịch bản vỡ đập do các nguyên nhân khác nhau (phá hoại, động đất, rò rỉ thân đập...), dự báo phạm vi, mức độ nguy hại của lan truyền sóng vỡ đập xuống vùng hạ lưu.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ nghiên cứu địa động lực hiện đại, đứt gãy hoạt động và tai biến tự nhiên có liên quan (động đất, trượt lở, nứt sụt đất) ở các lưu vực sông Cả-Rào Nậy, đề xuất các biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiên tai phục vụ quy hoạch xây dựng các công trình trên khu vực. Kết quả nổi bật là: đã cung cấp những thông tin hỗ trợ cho các nhà quản lý trong quy hoạch hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai biến động đất-sóng thần gây ra. Cảnh báo cho cộng đồng dân cư có các giải pháp chủ động tích cực trong xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế. Sơ đồ tai biến động đất trực tiếp phục vụ quy hoạch vùng kinh tế, dân sinh, quốc phòng, là tài liệu quan trọng trong nghiên cứu vi phân vùng động đất và kháng chấn công trình và nhà. Giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại của tai biến tự nhiên là tài liệu quan trọng phục vụ việc điều hành an toàn các nhà máy thuỷ điện, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tai biến tự nhiên, bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu đã được Ban quản lýnhà máy thủy điện Sông Tranh 2 sử dụng phục vụ vận hành an toàn nhà máy.

Ngoài ra, còn nhiều nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến việc xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm ổn định các cửa sông và vùng bờ biển tại các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi theo đặt hàng của các địa phương. Kết quả của các nhiệm vụ đã thu thập số liệu, khảo sát đo đạc bổ sung, đánh giá tổng quan hiện trạng, nguyên nhân xói lở, bồi lắng các cửa sông vùng ven bờ biển tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, đồng thời đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung phương án quy hoạch chỉnh trị dải ven biển và các vùng cửa sông tại các địa phương ven biển nêu trên.

4. Về xây dựng và thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW

Ngày 02 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Khung “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” và thống nhất để Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai Chương trình. Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường lồng ghép vào Chương trình khoa học và công nghệ nêu trên. Các kết quả nổi bật và đóng góp đối với các Bộ/ngành, địa phương như sau:

4.1. Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)

a) Về hoàn thiện, phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng, thuỷ văn, góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai trong bối cảnh BĐKH

Để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), việc hoàn thiện và phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn đã được nghiên cứu chi tiết trong một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Kết quả đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc, công tác dự báo và truyền tin khí tượng thủy văn (KTTV) và hải văn đã chỉ ra mật độ trạm quan trắc còn thưa, với công nghệ quan trắc tại trạm còn khá thủ công, lạc hậu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo thiên tai trong bối cảnh BĐKH. Thông tin KTTV là rất cần thiết và quan trọng trong các bước của quá trình quản lý rủi ro thiên tai trong cả ứng phó ngắn hạn và dài hạn. Một số đề tài đã làm rõ vai trò của thông tin KTTV trong ứng phó BĐKH và kiến nghị thiết lập mạng lưới giám sát khí hậu là căn cứ cho các nghiên cứu để giám sát và phát hiện BĐKH kịp thời và chính xác hơn (Hình 1). Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám đã được nghiên cứu và ứng dụng để giám sát và cảnh báo những tác động của BĐKH. Kết quả đã xây dựng được công nghệ, quy trình để xác định một số thông số khí quyển nhạy cảm với BĐKH bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng hơi nước, áp suất hơi nước, sol khí. Công nghệ viễn thám đã được xây dựng để xác định lượng mưa, giám sát lũ lụt, biến động đường bờ, lớp phủ thực vật.

Các kết quả đề xuất được hệ thống cảnh báo tai biến thiên nhiên trong điều kiện BĐKH. Tác động của BĐKH đến tài nguyên đất cũng được tiến hành xây dựng, bởi tầm quan trọng và mức độ tổn thương của loại tài nguyên này. Các tiêu chí và quy trình giám sát tài nguyên đất đối với khu vực chịu ảnh hưởng bởi BĐKH được đề xuất có thể áp dụng cho ĐBSCL gồm: quy trình giám sát tài nguyên đất thông qua thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ; thông qua các kết quả điều tra đánh giá đất đai định kỳ và quan trắc chuyên ngành và giám sát sự biến động sử dụng đất và các sự cố sạt lở, trượt lở, xói lở, ngập úng đất thông qua ảnh vệ tinh và công nghệ viễn thám.

Nghiên cứu tổng quan về hệ thống quan trắc - giám sát tác động của BĐKH đến nguồn nước mặt, nước dưới đất của thế giới và ở Việt Nam, từ đó đưa ra cơ sở xác định các yếu tố đặc trưng trong bối cảnh BĐKH có khả năng tác động đến nguồn tài nguyên này. Kết quả đã thiết lập được mạng lưới quan trắc tài nguyên nước toàn quốc là 172 trạm quan trắc nước mặt (50 trạm xu thế, 104 trạm vận hành, 18 trạm tuân thủ) và 616 điểm quan trắc nước dưới đất (314 điểm xu thế, 251 điểm vận hành, 51 điểm tuân thủ). Kết quả này làm cơ sở quan trắc - giám sát chất lượng môi trường nước nói chung và tác động của BĐKH đến tài nguyên nước nói riêng.

Các quy trình công nghệ về ứng dụng viễn thám giám sát một số yếu tố, hiện tượng do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu

1. Xác định một số thông số khí quyển nhạy cảm với biến đổi khí hậu bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng hơi nước, áp suất hơi nước, Sol khí;

2. Thành lập bản đồ số nhiệt độ bề mặt;

3. Xác định độ ẩm đất bằng công nghệ viễn thám;

4. Xác định lượng mưa bằng công nghệ viễn thám;

5. Giám sát lũ lụt bằng công nghệ viễn thám;

6. Giám sát biến động đường bờ bằng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý;

7. Giám sát biến động sử dụng đất bằng công nghệ viễn thám;

8. Giám sát biến động lớp phủ thực vật thông qua chỉ số NDVI.

Hình 1: Quy trình xác định một số thông số khí quyển từ tư liệu viễn thám

b) Đối với việc nâng cao độ tin cậy và cập nhật kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam

Cho đến nay nhiều phương pháp, mô hình đã được sử dụng để xây dựng các kịch bản BĐKH cho Việt Nam dựa trên các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới. Mỗi phương pháp, mô hình đều có các thế mạnh và hạn chế riêng. Các kịch bản BĐKH và NBD đòi hỏi luôn được cập nhật và nâng cao độ tin cậy để xây dựng các chương trình ứng phó phù hợp.

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng, cập nhật, nâng cao độ tin cậy kịch bản BĐKH của Việt Nam. Kết quả xây dựng kịch bản BĐKH cho Việt Nam theo cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 giai đoạn giữa và cuối thế kỷ 21 cho thấy:

- Nhiệt độ trung bình năm đều có xu thế tăng trên phạm vi cả nước (1,2 - >4oC), xu thế tăng nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc nhanh hơn các vùng khí hậu phía Nam và khu vực ven biển tăng chậm hơn so với các khu vực đồng bằng và miền núi;

- Lượng mưa năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ 21 thay đổi từ - 5% đến 15%, đến cuối thế kỷ 21 lượng mưa thay đổi từ - 5% đến 10% trên phạm vi cả nước, ở BắcTây Nguyên, Nam Trung Bộ và một phần nhỏ Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng giảm -5% đến 10%, còn các vùng Bắc Trung Bộ, một phần diện tích phía Tây Nam Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa tăng khoảng 5 - 10%. Kịch bản NBD cho Việt Nam được xây dựng cho các kịch bản khí nhà kính RCP 4.5 và RCP 8.5. Kết quả dự tính kịch bản NBD cho các khu vực ven biển Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và toàn vùng biển Việt Nam vào cuối thế kỷ 21 cho thấy các dự báo mực NBD đối với Việt Nam vào cuối thế kỷ 21 là tương tự và cao hơn một chút so với ước tính toàn cầu trong báo cáo AR5 của IPCC. Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao nhất, đặc biệt là các tỉnh Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang.

Kết quả nghiên cứu nêu trên là cơ sở để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, phiên bản năm 2016.

c) Liên quan đến đánh giá tác động, tổn thương do biến đổi khí hậu làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp

Đã tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi tài nguyên nước; xâm nhập mặn; biến động đường bờ; tác động đến một số cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, mía); bùng phát sâu, bệnh hại mới trên một số cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; ảnh hưởng của BĐKH tới sức khỏe, bệnh tật của lực lượng vũ trang và đề xuất giải pháp y sinh học khắc phục.

Đã đánh giá những tiềm tàng của BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: thiếu hụt nguồn nước, ngập lụt tác động đến quỹ đất (theo các mức ngập ≥ 0,25m, ≥ 0,75m, ≥ 1,5m) và dòng chảy theo mùa; xây dựng bản đồ ngập đối với các loại đất; xác định được diễn biến hạn hán, ngập lụt vùng ĐBSCL trong những năm gần đây. Đồng thời xác định được sự suy giảm dòng chảy trong mùa cạn tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 30 tỷ m3 nước. Ngược lại, dòng chảy trong mùa lũ sẽ làm tăng diện tích ngập lụt, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất của các ngành kinh tế. Khi nước biển tăng 9 cm vào năm 2020, diện tích ngập khoảng hơn 2 triệu ha trong kịch bản A2 và B2, chiếm khoảng 56% tổng diện tích ĐBSCL.

Tác động của xu thế diễn biến mặn theo không gian và thời gian ở ĐBSCL phụ thuộc vào dòng chảy từ thượng nguồn và phân phối dòng chảy giữa các nhánh sông, thủy triều, lượng mưa mùa cạn và bốc hơi nội đồng, tình hình khai thác, sử dụng nước cho sản xuất và đời sống. Từ đó, đánh giá sự thay đổi của xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Mê Kông theo hai kịch bản phát thải (A2 - kịch bản phát thải cao, B2 - kịch bản phát thải trung bình) dựa vào mực NBD và sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông, kết quả cho thấy có sự gia tăng về chiều dài xâm nhập của độ mặn 1‰ và 4‰ như sau:

- Theo kịch bản A2, chiều dài xâm nhập mặn của độ mặn 1‰ tăng từ 4,6 đến 9,9km và của độ mặn 4‰ tăng từ 4,2 đến 9,5km, trong đó mức tăng trên sông Mỹ Tho cao nhất;

- Theo kịch bản B2, mức tăng chiều dài xâm nhập mặn của độ mặn 1‰ và 4‰ xấp xỉ so với kịch bản A2;

- Trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4‰ và có tới 64% diện tích ảnh hưởng bởi độ mặn 1‰. Hầu hết bán đảo Cà Mau bị nhiễm mặn, trừ một phần phía Tây sông Hậu. Phân tích diễn biến mặn trong nhiều năm cho thấy sự giảm lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu đổ về có ảnh hưởng quyết định đến độ lớn và chiều dài xâm nhập mặn, ảnh hưởng trên diện rộng ở ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu đã làm rõ hiện trạng biến động bờ biển, nguyên nhân gây ra và xu thế biến động bờ biển trong mối quan hệ với NBD ở ven biểncác tỉnh Nam Bộ (bao gồm 9 tỉnh và thành phố giáp biển là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh). Biến động bờ biển của các tỉnh Nam Bộ từ năm 1965 đến năm 2010 do ảnh hưởng của BĐKH và NBD thể hiện rất phức tạp bởi quá trình bồi tụ và xói lở. Tốc độ xói lở lớn nhất đạt tới 126,6 mét/năm trên bờ cấu tạo bằng bùn sét (phía bắc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) và thấp nhất trên bờ cấu tạo bằng đá gắn kết (0,05 m/năm Mũi Nai, Kiên Giang). Tốc độ bồi tụ lớn nhất là 67,8 m/năm ở bờ biển huyện Ba Tri, Bến Tre và 66,0 m/năm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Trong những năm tới, xói lở bờ biển tiếp tục có xu thế gia tăng do NBD. Trong đó, một số đoạn xung yếu như: Bình Châu-Lộc An, phía tây Cửa Lấp (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), Duyên Hải (Trà Vinh), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Văn Thời (Cà Mau) và An Minh (Kiên Giang). Tại các vị trí này, đã đưa ra xu thế giật lùi đường bờ biển so với hiện nay vào các năm 2020, 2030 và 2050 theo các kịch bản NBD. Xói lở đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của các cộng đồng dân cư ven biển ĐBSCL.

Tập trung đánh giá tác động của BĐKH đến các cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, mía) và gây bùng phát sâu, bệnh hại trên một số cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao ở ĐBSCL. Kết quả khảo sát và thực nghiệm trên lúa đông xuân, lúa hè thu, đậu tương đông xuân, ngô xuân, mía ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp cho năng suất lúa tiềm năng và thông thường, dự báo đều giảm ở hầu hết các kịch bản trong các năm 2020, 2030 và 2050 và giảm mạnh hơn trong vụ hè thu. Mức giảm năng suất canh tác thông thường khá cao, bình quân mức năng suất giảm 10% so với hiện nay. Mức giảm năng suất của cây ngô được dự báo trong các năm 2020, 2030, 2040 và 2050 so với năm 2012 dao động từ 1,07 đến 2,35 tấn/ha. Tương tự, năng suất cây đậu tương có xu hướng giảm nhẹ từ 0,01-0,03 tấn/ha. Trong kịch bản nếu NBD tăng 1 m thì sản lượng cây lúa ở ĐBSCL có mức giảm lên đến 7,1 triệu tấn. Tương tự, mức độ tổn thương của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của các huyện ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh được đánh giá là cao nhất.

Nghiên cứu tác động của BĐKH tới phát triển của sâu bệnh (sâu, rệp, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, sâu đục thân, nhện đỏ, ve sâu, bọ trĩ, ruồi đục quả, nhệ rám vàng,...) trên một số cây trồng chính (lúa, ngô, cà phê, chè, thanh long, cây ăn quả có múi) đã được thực hiện ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng loài dịch hại tăng nhanh trong giai đoạn 1960 - 2010. Các loại sâu bệnh hại mới được phát hiện trên cây lúa gồm: Hiện tượng lúa lùn đẻ nhánh, bệnh vàng lá da cam, hiện tượng chấm đen hạt gạo, hiện tượng lép xanh, hiện tượng khảm vàng lá lúa. Trên cây ngô có hiện tượng lùn ngô, hiện tượng bắp không bình thường, hiện tượng đẻ chồi ở cờ, hiện tượng dài bắp, bệnh lùn đẻ nhánh. Kết quả nghiên cứu xây dựng được hệ thống GIS quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và cảnh báo sự di chuyển, bùng phát của sâu bệnh hại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong điều kiện BĐKH ở Việt Nam.

Trong bối cảnh BĐKH, sức khỏe của lực lượng vũ trang và các cộng đồng dễ bị tổn thương đã được chú trọng đánh giá để có các giải pháp y sinh ứng phó. Nghiên cứu chỉ ra một số bệnh có thể chịu tác động trực tiếp của thay đổi khí hậu như bệnh phổi và bệnh lao phổi, bệnh hen, bệnh tâm thần, bệnh cao huyết áp. Một số bệnh có thể chịu tác động gián tiếp của thay đổi khí hậu qua trung gian truyền bệnh như bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh có thể chịu tác động sinh thái của thay đổi khí hậu như nhiễm vi rút cấp. Đối với các bệnh cụ thể, các yếu tố môi trường cũng có tác động mạnh đến tình hình bệnh tật, chẳng hạn, bệnh tiêu chảy và sốt xuất huyết có tương quan thuận với nhiệt độ và tương quan nghịch với độ ẩm; bệnh nhiễm vi rút cấp có tương quan thuận với độ ẩm. BĐKH tác động đến sức khỏe lực lượng vũ trang ở Quân khu 9 là thấp nhất so với các Quân khu khác. Các yếu tố về thời tiết cực đoan, tai biến như nắng nóng, rét đậm, lũ lụt, lũ quét, cháy rừng, hạn hán và lốc tố cũng tác động đến sức khỏe lực lượng vũ trang. Đối với các cộng đồng, nhóm trẻ em dưới 5 tuổi và nhóm người cao tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe nhất trong bối cảnh BĐKH. Các bệnh phổ biến nhất đối với trẻ em dưới 5 tuổi là bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa. Đối với người cao tuổi các bệnh phổ biến là xương khớp, tâm, thần kinh và bệnh đường hô hấp. Ở khu vực Năm Căn, Cà Mau mực nước biển có mối tương quan tỷ lệ thuận với các bệnh chính trong khu vực. Trên cơ các kết quả nghiên cứu, các giải pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng và ứng phó với BĐKH đã được đề xuất bao gồm: các tài liệu truyền thông về các bệnh liên quan với BĐKH, các giải pháp ứng phó, tài liệu hướng dẫn dự phòng, cấp cứu, điều trị khi xảy ra dịch bệnh, tai nạn thương tích hàng loạt.

4.2. Về xây dựng các mô hình, giải pháp thích ứng BĐKH

a) Đối với giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH khác nhau cho các khu vực cụ thể. Trong đó có một số nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH phù hợp với ĐBSCL cụ thể như sau:

Về quản lý nhà nước, việc xây dựng bộ chỉ số nhằm theo dõi và đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách và hoạt động thích ứng với BĐKH, áp dụng bộ chỉ số trong quản lý thực hiện các hoạt động thích ứng trở lên quan trọng để giám sát và thực thi các hoạt động thích ứng BĐKH. Bộ chỉ số thích ứng BĐKH gồm các chỉ số về chống chịu môi trường tự nhiên; bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH; bộ chỉ số giảm nhẹ rủi ro do BĐKH; bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với BĐKH.Đã áp dụng bộ chỉ số thích ứng BĐKH ở Cần Thơ cho thấy khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên ở mức “thấp”; tính dễ bị tổn thương ở mức “trung bình”; khả năng giảm nhẹ rủi ro do BĐKH dao động từ “thấp” đến “trung bình”. Trên cơ sở đó, các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng BĐKH cho thành phố Cần Thơ được đề xuất gồm: tăng diện tích không gian xanh, xây dựng các khu vực trữ nước, cứu ngập kết hợp làm công viên đất ngập nước và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra phân vùng sinh thái thích nghi với BĐKH trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, gồm 5 tiểu vùng sinh thái đối với sinh thái biển và bãi triều; 6 tiểu vùng sinh thái đối với vùng nội địa và phân định chức năng cho các tiểu vùng. Xây dựng được bộ công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý, cụ thể là phần phềm GIS-AQUA cho phép dễ dàng lựa chọn các tiêu chí, trọng số đầu vào để tạo ra các bản đồ khác nhau khi đánh giá tổn thương và phân vùng sinh thái trong NTTS.

Đối với nông nghiệp: Nghiên cứu mô hình canh tác thích ứng với BĐKH trên vùng đất phèn ở ĐBSCL đã làm rõ các vấn đề sau: Ảnh hưởng của bón phân NPK đến sinh trưởng, năng suất lúa trên đất phèn ĐBSCL; ảnh hưởng của bón lân trộn “dicarboxylic acid polyme” đến năng suất lúa trên đất phèn ĐBSCL (đã tăng hiệu quả của lân để tăng năng suất lúa); ảnh hưởng của một số hợp chất lên khả năng chống chịu mặn của lúa trên đất nhiễm mặn, các hợp chất thử nghiệm cho kết quả tốt về tăng năng suất lúa dưới điều kiện đất bị nhiễm mặn gồm: phun KNO3, bón CaO kết hợp phun Brassinosteriods.

Tương tự, quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực (lúa, lạc và mía) để nâng cao khả năng thích ứng cũng đã được nghiên cứu và đánh giá ở khu vực ĐBSCL. Các mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất dưới tác động của BĐKH đã được thực hiện ở các tỉnh Kiên Giang và Long An. Các kết quả thực hiện mô hình có thể triển khai nhân rộng ra các vùng khác của ĐBSCL.

Đối với giao thông vận tải: Trong lĩnh vực giao thông vận tải đã nghiên cứu công nghệ neo trong đất để gia cố đê biển làm nền đường ô tô. Cơ sở khoa học và mô hình tính toán của nghiên cứu này có thể triển khai mở rộng để nâng cao khả năng ứng phó BĐKH của hệ thống đê biển và đường giao thông ven biển ở ĐBSCL.

Đối với công trình phòng chống lũ: xây dựng được bộ tiêu chí về mức hiểm họa, vỡ đập, vỡ đê biển trong điều kiện BĐKH, NBD, phương pháp tính toán thiết kế lũ và mực nước thiết kế đê biển trong điều kiện BĐKH, NBD cùng tài liệu hướng dẫn; đề xuất được các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do các sự cố công trình gây ra dưới tác động của BĐKH, NBD (giải pháp công trình và phi công trình) trong bối cảnh BĐKH, NBD.

Đối với đô thị: Các giải pháp xây dựng và triển khai mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH ở Việt Nam bằng bộ chỉ số dựa trên 3 hợp phần chính: (1) Khả năng chống chịu tự nhiên 11 tiêu chí và 18 chỉ tiêu; (2) Khả năng chống chịu xã hội gồm 104 chỉ số (cơ sở hạ tầng, kinh tế - tài chính, xã hội, con người, quản trị); (3) khả năng chuyển hóa thách thức từ BĐKH thành cơ hội phát triểngồm 14 chỉ số. Các tiêu chí và chỉ số đánh giá KNTƯ với BĐKH có mối tương quan chặt chẽ với các chỉ số phát triển bền vững, thành phố đáng sống, đô thị thịnh vượng, tăng trưởng xanh, bền vững, chống chịu và các chỉ thị thực hiện môi trường.

Trước tác động của BĐKH, giải pháp thích ứng và giảm thiểu đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng địa phương, đặc biệt là các vùng đất thấp như ĐBSCL. Một số giải pháp đã được xây dựng và áp dụng, bao gồm: mô phỏng tính toán TNN mặt, nước dưới đất, quá trình cân bằng nước trong lưu vực, ngập lụt,... tại ĐBSCL đã thực hiện xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thích ứng với BĐKH cho tỉnh An Giang và tỉnh Bạc Liêu.

Về liên kết vùng trong giảm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, các giải pháp cơ chế chính sách có khả năng áp dụng tại ĐBSCL bao gồm: luật hóa liên kết vùng, hình thành mô hình tổ chức và cơ chế chính sách liên kết vùng, lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huy động tài chính và tăng cường liên kết vùng trong quan trắc thiên tai và ứng phó với BĐKH. Đặc biệt giải pháp tăng cường, hỗ trợ liên kết vùng trong ứng phó BĐKH sẽ có vai trò quan trọng tại ĐBSCL trong thời gian tới khi nguồn nước ngày càng khan hiếm và nguy cơ xâm nhập mặn tăng cao. Trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và nước thải, các cơ chế và chính sách về quản lý và sử dụng chất thải nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH cũng có khả năng áp dụng vào khu vực ĐBSCL. Các kết quả này có vai trò quan trọng với ĐBSCL nhằm tăng cường liên kết các tỉnh, thành phố trong khu vực nhằm tăng cường ứng phó với BĐKH trong giai đoạn hiện nay.

b) Về mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng mô hình ứng phó với BĐKH có vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nguyên tắc “sống chung với lũ” trong thích ứng, giảm nhẹ BĐKH tại Việt Nam. Một số nghiên cứu trong chương trình đã thực hiện xây dựng các mô hình có khả năng ứng phó với BĐKH tại các khu vực đô thị và nông thôn ở nước ta. Xây dựng được bộ tiêu chí và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mô hình làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng cho ĐBSCL; thiết kế được mô hình làng sinh thái thích ứng với BĐKH và NBD; đã thử nghiệm hệ thống xử lý nước mặn thành ngọt cho 10 hộ gia đình tại Đầm Dơi, Cà Mau nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và nhiễm mặn (Hình 2). Đây là mô hình thực tiễn đã được triển khai, có nhân rộng cho toàn bộ vùng ĐBSCL, đặc biệt với các khu vực ven biển dễ bị nhiễm mặn. Các khu vực đô thị tại ĐBSCL phụ thuộc chặt chẽ với hoạt động sông nước hay còn được gọi là “đô thị thủy”. Trong đó, nghiên cứu xây dựng mô hình đô thị có khả năng thích ứng với BĐKH bao gồm tầm nhìn, mục tiêu, khung nội dung, tiêu chí và chỉ số mô hình, các giai đoạn triển khai, các giải pháp và điều kiện thực hiện có khả năng áp dụng vào khu vực ĐBSCL. Xây dựng nội dung các mô hình đô thị đã dựa trên đặc trưng “đô thị thủy” của thành phố Rạch Giá, nhằm phát huy văn hóa sông nước và kinh nghiệm trị thủy. Đây là cơ sở khoa học thực tiễn để định hướng quy hoạch, phát triển đô thị tại ĐBSCL trong tương lai.

Hình 2: Hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời
cho các hộ gia đình ở tỉnh Cà Mau

4.3. Đề xuất các giải pháp giảm nhẹ BĐKH hợp lý

Vấn đề giảm phát thải KNK được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giảm nhẹ BĐKH. Một số kết quả nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật và quản lý để giảm phát thải KNK có khả năng áp dụng cụ thể như sau:

a) Nhóm giải pháp quản lý, chính sách

Tổng lượng phát thải KNK từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải toàn cầu. Là vùng sản xuất nông nghiệp chính của Việt Nam, giảm phát thải KNK tại ĐBSCL góp phần quan trọng trong giảm tổng lượng phát thải của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sơ đánh giá lượng phát thải từ AFOLU, các giải pháp và khung chính sách được đề xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: định hướng giảm phát thải KNK trong AFOLU và quản lý chất thải; thiết lập hành lang pháp lý, cơ chế MRV và các điều kiện thuận lợi cho giảm phát thải; Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích giảm phát thải KNK như CDM, REDD+, JCM, BOCM…, phát triển chính sách về ưu đãi đất đai, tín dụng, thuế, phí… cho các dự án giảm phát thải. Ngoài ra, khu vực ven biển ĐBSCL có hệ thống RNM và rừng tràm phát triển mạnh mẽ, đây là tiềm năng để thực hiện các dự án liên quan tới giảm phát thải KNK kể trên. Các nhóm cơ chế, chính sách được đề xuất hoàn toàn khả thi khi áp dụng tại ĐBSCL.

Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vấn đề giảm phát thải KNK theo định hướng phát triển xã hội các-bon thấp phù hợp với mục tiêu PTBV của Việt Nam. Kết quả kiểm kê lượng phát thải KNK (CO2 quy đổi) của 3 khu kinh tế ven biển Phú Quốc- Nam An Thới, Định An và Năm Căn là lần lượt là 54.315,58 tấn, 2883,96 tấn và1774,95 tấn thấp hơn khá nhiều so với các khu kinh tế khác trên cả nước. Trên cơ sở đó, các cơ chế chính sách về giảm phát thải KNK trong công nghiệp, dịch vụ, xây dựng xã hội các-bon thấp có tính chống chịu cao với BĐKH cần được đẩy mạnh để PTBV ĐBSCL.

b) Nhóm giải pháp kỹ thuật - công nghệ

Một số kết quả nghiên cứu đã hỗ trợ, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật-công nghệ trực tiếp vào thực tế như như sản xuất gạch ngói, gốm sứ và xây dựng đô thị. Nghiên cứu về đề xuất giải pháp công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải trong sản xuất gốm sứ bao gồm: giải pháp cải tiến dây chuyền công nghệ như tái sử dụng nhiệt, áp dụng công nghệ biến tần, sử dụng hệ thống thông minh quản lý năng lượng powerboss và đa dạng hóa sản phẩm; giải pháp tiết kiệm nhiên liệu bao gồm sử dụng hệ đốt than tự động thay cho thủ công và hệ thống quản lý lưu lượng nhiên liệu. Việc nhân rộng áp dụng các giải pháp kể trên vào thực tế có tính khả thi cao.

Nghiên cứu thực tế về giải pháp công nghệ nhằm nâng cao đặc tính trở nhiệt cho vỏ kết cấu bao che của các toà nhà đô thị nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cho thấy áp dụng công nghệ này có khả năng tiết kiệm 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới, có nền nhiệt trung bình năm cao nên vấn đề giảm năng lượng tiêu thụ cho các hoạt động làm mát nhà ở, nhà máy có vai trò quan trọng đối với giảm phát thải KNK. Do vậy, giải pháp công nghệ kể trên với chi phí hợp lý và lợi ích mang lại có thể áp dụng ởViệt Nam, đặc biệt tại khu vực đô thị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, góp phần đem lại lợi ích kinh tế và giảm nhẹ BĐKH.

Có thể đánh giá, trong giai đoạn vừa qua một số kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, như sau:

Một là: Xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu bằng các công nghệ hiện đại như công nghệ viễn thám (bản đồ nhiệt bề mặt, bản đồ độ ẩm, bản đồ mưa, kịch bản lũ lutjm, bản đồ biến động đường bờ biển, bản đồ biến động sử dụng đất, bàn đồ biến động lớp phủ thực vật,…);

Hai là: Cập nhật kịch bản và nâng cao độ tin cậy biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam và vùng ĐBSCL (hai kịch bản RCP 4.5 và RPC 8.5), làm cơ sở cho việc phê duyệt Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam phiên bản năm 2016. Theo kịch bản này, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang là vùng có nguy cơ ngập cao nhất, khu vực chịu ảnh hưởng thấp nhất là An Giang và Đồng Tháp;

Ba là: Đánh giá tác động, tổn thương đến các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, đậu tương, mía, thủy sản theo kịch bản BĐKH;

Bốn là: Đánh giá được tác động của BĐKH đối với tài nguyên nước, tài nguyên đất, xây dựng được bản đồ ngập đối với các loại quỹ đất, xu thế diễn biến mặn theo không gian và thời gian ở ĐBSCL;

Năm là: Xây dựng được bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hiệu quả các chính sách và hoạt động thích ứng với BĐKH, áp dụng thí điểm trong quản lý ở Cần Thơ, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho địa phương;

Sáu là: Xây dựng một số mô hình canh tác nông nghiệp (cho lúa, mía, lạc); kế hoạch sử dung đất thích ứng với BĐKH (thí điểm cho An Giang và Bạc Liêu);

Bẩy là: Xây dựng mô hình đô thị ven biển thích ứng với BDKH; mô hình làng sinh thái ở ĐBSCL thích ứng với biển đổi khí hậu (thí điểm tại Cà Mau);

Tám là: Đề xuất giải pháp về chính sách, quản lý gồm: khung chính sách định hướng cho giảm phát thải và các điểu kiện cho giảm phát thải khí nhà kính, ưu tiên, ưu đãi cho các ngành dịch vụ và công nghiệp các-bon thấp;

Chín là: Đề xuất nhóm giải pháp công nghệ: áp dụng các công nghệ chuyển nước mặn thành nước ngọt, các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nhiên liệu.

4.4. Phương hướng triển khai các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu được đề ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW trong thời gian tới

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ ban hành về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, trên cơ sở xem xét căn cứ pháp lý, tính cấp thiết, những đánh giá về kết quả của Chương trình trong giai đoạn vừa qua (đặc biệt là những tồn tại, xu hướng khu vực và quốc tế mà Việt Nam cần hội nhập) cùng đề xuất các Bộ/ngành địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, ngày 29 tháng 01 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia nêu trên với mục tiêu, nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu như sau:

Về mục tiêu: Ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng).

Về nội dung chính:

- Nghiên cứu cơ sở khoa học để nhận dạng các tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi của các hiện tượng khí hậu thông thường phục vụ công tác đánh giá thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam;

- Xây dựng, phát triển hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với Việt Nam, đảm bảo hội nhập quốc tế; đề xuất giải pháp, mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên và đảm bảo an ninh phi truyền thống đối với một số vùng trọng điểm (lưu vực sông chính, Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, ven biển Miền Trung);

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương. Tập trung chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng các bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh với biến đổi khí hậu; đề xuất giải pháp tận dụng cơ hội, chuyển hóa các thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội.

Các sản phẩm:

- Cơ chế chính sách, công nghệ, giải pháp, mô hình tính toán trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Các mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và các vùng trọng điểm.

- Báo cáo tổng kết, các báo cáo chuyên đề, sách chuyên khảo, các công trình khoa học công nghệ công bố, tài liệu tập huấn.

Ngoài ra Chương trình đã đề ra các chỉ tiêu đánh giá định lượng cụ thể để bảo đảm đạt được các mục tiêu, đồng thời bám sát các nội dung đề ra nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và hội nhập với xu thế của quốc tế.

Các nhiệm vụ được phê duyệt và đang triển khai đã đạt được một số kết quả ban đầu như sau: Đã tính toán để xây dựng, phát triển hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn (các loại đất, cây trồng, rừng…); đưa ra được các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng ngành, từng lĩnh vực nhất là các vùng dễ bị tổn thương… Đưa ra các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chỉnh kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn. Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường: Đã đưa ra các phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý biến động tài nguyên và quản lý giám sát biến động sử dụng đất, đã xây dựng được các bản đồ quản lý tài nguyên đất…; đã nghiên cứu bước đầu đánh giá tổng quan an ninh nguồn nước; lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị tài nguyên vào môi trường hoạch toán tài khoản quốc gia; tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông và xây dựng được các bản đồ. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình nêu trên.

5. Kết luận và kiến nghị

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, vai trò của KHCN đã được khẳng định, đã có những đóng góp nhất định phục vụ phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nêu trong báo cáo này còn khá khiêm tốn; nhiều kết quả nghiên cứu sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách của các Bộ, ngành và địa phương chưa được tổng hợp, báo cáo.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta đang diễn ra với cường độ mạnh và tốc độ rất nhanh. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam bị tổn thương mạnh do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm lưu lượng dòng chảy sông từ thượng nguồn. Đây là cơ sở khoa học, thực tiễn tin cậy để đề xuất các giải pháp, các mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở nước ta, gồm: định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu giải pháp đào tạo nguồn nhân lực và quản trị thông minh với biến đổi khí hậu.

Các kết quả nghiên cứu đã có nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậuđược áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.

Trong giai đoạn tới, tính liên ngành, liên vùng trong các giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH cần được tiếp tục triển khai, hiện thực hóa những đề xuất nêu trên.

Nhằm hoá giải các tác động kép của biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế, xã hội để phát triển bền vững cần tổ chức triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

1. Xây dựng và triển khai chiến lược mới, quy hoạch mới, các dự án mới về chuyển đổi lớn, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững dựa vào đánh giá và dự báo định lượng, tin cậy các nguyên nhân của chuyển đổi lớn (diễn biến, tác động, tổn thương của BĐKH, nước biển dâng, tác động của sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng, các sông lớn của nước ta và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên...).

2. Tổ chức xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm chuyển hoá các thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng thành cơ hội phát triển,đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

3. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ về ứng phó thông minh BĐKH, khoa học bền vững và các ngành khoa học khác liên quanđể phát triển bền vững ở Việt Nam nói trên; đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta.


PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh,  Ths.Nguyễn Ngọc Tú
(Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường)
TS. Nguyễn Đắc Đồng
(Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN Biến đổi khí hậu)
TS. Lê Văn Chính
(Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN)

Tài liệu tham khảo chính

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2013, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Chính phủ, 2014, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3. Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018, Dự thảo báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

4. Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình KHCN-BĐKH/11-15 và cập nhật tình hình triển khai Chương trình BĐKH/16-20.

6. Báo cáo kết quả thực hiện "Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản";

7. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”.

8. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây