Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai - 03/07/2023 03:30
Nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả, tăng cường quản lý đất ven biển, ngày 27/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.

Chỉ thị nêu rõ những bất cập trong quản lý đối với quỹ đất ven biển như: Quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức cho nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển; nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng; tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái trầm trọng; quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án treo, lãng phí đất đai...

Để nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất, đã có nhiều nghiên cứu khoa học về quản lý đất đai, phần lớn các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào đánh giá hiệu quả kinh tế từ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Theo đó, có nhiều bộ chỉ tiêu liên quan tới đánh giá hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất. Tuy nhiên, vẫn chưa có một bộ chỉ tiêu toàn diện nào về đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng đất ven biển theo hướng bền vững.

Từ thực tế trên, nhằm góp phần xây dựng quy trình xác định các chỉ tiêu cụ thể trong bộ chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bài viết đề xuất bộ chỉ tiêu bao gồm giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm, thủy sản; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn và doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống. Việc xác định bộ chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các phương án sử dụng đất (SDĐ) phù hợp.

1. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Chỉ tiêu 1: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS)

Giá trị sản xuất NLTS là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh toàn bộ kết quả lao động trực tiếp, hữu ích của ngành NLTS trong một thời kỳ nhất định và được thể hiện bằng giá trị của sản phẩm vật chất và dịch vụ sản xuất ra trong thời kỳ đó của 3 ngành nông nghiệp, lâm nghịêp và thuỷ sản.

Chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả sản xuất của ngành NLTS trong một thời kỳ nhất định là căn cứ để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: giá trị tăng thêm trong khu vực NLTS (khu vực I) và từng ngành; cơ cấu giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm và xu hướng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ khu vực I và trong từng ngành; vị trí của khu vực I trong GDP và của từng ngành trong GDP khu vực I. Đồng thời còn là căn cứ để tính các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất NLTS như giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích trồng trọt; năng suất lao động trong khu vực I và trong nội bộ từng ngành.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, bao gồm giá trị sản xuất của bốn nhóm hoạt động sau: (1) Giá trị sản xuất của hoạt động trồng trọt, bao gồm giá trị sản phẩm chính thực tế có thu hoạch của các cây trồng hàng năm: lúa, ngô và các cây lương thực có hạt; cây lấy củ có chất bột; mía; thuốc lá, thuốc lào; các cây lấy sợi; các cây có hạt chứa dầu; rau, dưa ăn quả hàng năm, đậu các loại, hoa, cây cảnh; các cây hàng năm khác; giá trị sản phẩm chính thực tế có thu hoạch của các cây trồng lâu năm và sản phẩm phụ các cây trồng nông nghiệp thực tế có sử dụng như: rơm, rạ, thân cây ngô, thân cây lạc, dây khoai lang, ngọn mía…; (2) Giá trị sản xuất của hoạt động chăn nuôi, bao gồm sản phẩm chính chăn nuôi thu được giá trị sản phẩm thu được không qua giết thịt như trứng, sữa…; (3) Giá trị sản xuất họat động dịch vụ nông nghiệp, hoạt động dịch vụ phục vụ chăn nuôi, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch gồm: Giá trị các khâu chuẩn bị trước khi bán sản phẩm, doanh thu các hoạt động xử lý giống; (4) Giá trị sản xuất hoạt động săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan

Giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp bao gồm các nhóm sau: (1) Giá trị trồng rừng và chăm sóc rừng; (2) Giá trị gỗ và lâm sản khác khai thác; (3) Giá trị lâm sản thu nhặt từ rừng; (4) Giá trị hoạt động dịch vụ lâm nghiệp; hoạt động bảo vệ rừng, phòng chống sâu bệnh cho cây lâm nghiệp; đánh giá, ước lượng sản lượng; hoạt động quản lý lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng; hoạt cho thuê máy lâm nghiệp có người điều khiển; vận chuyển gỗ và lâm sản khai thác đến cửa rừng.

Giá trị sản xuất ngành thủy sản bao gồm các nhóm: (1) Giá trị sản phẩm thuỷ sản khai thác ở biển; (2) Giá trị sản phẩm thuỷ sản khai thác nội địa gồm giá trị sản phẩm thuỷ sản khai thác nước lợ và nước ngọt; (3) Giá trị sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng ở biển; (4) Giá trị sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng nội địa; (5) Giá trị/doanh thu các hoạt động ươm giống thuỷ sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt; (6) Chênh lệch giá trị cuối kỳ và đầu kỳ về chi phí dở dang cho sản xuất sản phẩm thuỷ sản như: chi phí vật tư, lao động...

Giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản nói chung và của từng ngành nói riêng được tính theo 2 loại giá: Giá thực tế và giá so sánh.

(i) Tính theo giá thực tế:

Công thức tính: GTSXtti = ∑ Qi x Pi;

Trong đó:

GTSXtti: Giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm thứ i theo giá thực tế;

Qi: Khối lượng của sản phẩm thứ i;

Pi: Đơn giá thực tế bình quân thời kỳ báo cáo của từng sản phẩm thuộc
nhóm sản phẩm thứ i.

* Khi tính giá trị các hoạt động dịch vụ cần lưu ý:

- Đối với đơn vị thực hiện hạch toán (doanh nghiệp nhà nước, HTX,...) gía trị hoạt động dịch vụ của đơn vị bằng doanh thu trong kỳ của từng nhóm hoạt động tương ứng.

- Đối với đơn vị không thực hiện hạch toán (tổ hợp tác, các hộ chuyên,...) giá trị hoạt động dịch vụ bằng khối lượng dịch vụ thực hiện nhân (x) với đơn giá bình quân năm tương ứng của họat động đó.

(ii) Tính theo giá so sánh:

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh có thể tính theo 2 phương pháp:

- Phương pháp tính xác định giá trị trực tiếp từ giá và lượng:

Công thức tính: GTSXssi = ∑ Qi x Pi;

Trong đó:

- GTSXssi: Giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm thứ i theo giá so sánh;

- Qi: Khối lượng của sản phẩm thứ i;

- Pi: Đơn giá thực tế bình quân kỳ gốc so sánh của từng sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thứ i.

- Phương pháp chỉ số giá:

Công thức tính:

 

 

Phương pháp này yêu cầu phải tính cho từng nhóm sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản với chỉ số giá sản xuất tương ứng.

Chỉ tiêu 2: Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản

Đây là toàn bộ giá trị sản phẩm chính, sản phẩm phụ trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản (trừ giá trị sản phẩm thủy sản nuôi lồng, bè) thu được trong năm trên một hecta đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Chỉ tiêu này được tính cho tất cả các loại hình kinh tế có sử dụng đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thuỷ sản theo giá thực tế bình quân trên thị trường nông thôn trên địa bàn.

Chỉ tiêu này đánh giá hiệu quả sử dụng đất, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, luân canh tăng vụ, áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.

Công thức tính:

Trong đó:

- Giá trị sản phẩm: Giá trị sản phẩm bằng (=) sản lượng thu hoạch trong năm nhân với (x) đơn giá sản phẩm;

- Đơn giá sản phẩm: Để đánh giá kết quả sản xuất thực tế thu được trong năm, giá trị sản phẩm nông nghiệp và giá trị sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng được tính theo giá bán thực tế là bình quân của người sản xuất trên thị trường nông thôn;

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bao gồm đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm

- Diện tích nuôi trồng thuỷ sản: Toàn bộ diện tích mặt nước các ao, hồ, sông cụt, vũng, vịnh, đầm phá ven biển... thuộc các loại mặt nước (nước ngọt, nước mặn, nước lợ) dùng vào nuôi trồng các loại thủy sản.

Tùy theo yêu cầu và thực tế của từng địa phương có thể tính thêm các chỉ tiêu riêng cho từng ngành, tiểu ngành theo các công thức:

 

 

   

 

Tương tự, có thể tính giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích của từng nhóm cây trồng, loại thuỷ sản.

Chỉ tiêu 3: Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm, thủy sản

Thu nhập chế biến NLTS được ước tính bằng giá trị tăng thêm của ngành chế biến NLTS, được tính bằng chênh lệch giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian.

Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến NLTS là tỷ lệ phần trăm tăng lên thu nhập từ chế biến NTLS theo giá so sánh năm gốc của kỳ này so với kỳ trước.

Phương pháp tính

Tốc độ tăng thu nhập từ             chế biến NLTS (%)

=

Trong đó:

- Yt: Thu nhập từ chế biến NLTS theo giá so sánh năm gốc kỳ báo cáo

- Yt-1: Thu nhập từ chế biến NLTS theo giá so sánh năm gốc kỳ trước kỳ báo cáo

Thu nhập từ chế biến NLTS

=

Giá trị sản xuất chế biến NLTS

-

Chi phí trung gian chế biến NLTS

Trong đó:

* Giá trị sản xuất chế biến NLTS bao gồm:

- Giá trị sản xuất, chế biến thực phẩm (mã ngành 10)

- Giá trị sản xuất da (mã ngành 15)

- Giá trị sản xuất chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện (mã ngành 16);

* Chi phí trung gian chế biến NLTS:

- Chi phí sản phẩm vật chất gồm: Nguyên vật liệu chính, phụ; Nhiên liệu, khí đốt (điện, xăng, dầu, chất đốt khác); Công cụ lao động nhỏ; Chi phí sản phẩm vật chất khác (Sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định; Dụng cụ bảo vệ sản xuất và phòng cháy chữa cháy; Trang phục bảo hộ lao động...).

- Chi phí dịch vụ gồm: Thuê nhà cửa, máy móc, thiết bị, kho bãi; Tiền chi cho dịch vụ pháp lý, lãi suất vốn vay, tư vấn kinh doanh; Tiền cước bưu điện, vận tải, lệ phí bảo hiểm nhà nước về tài sản; Tiền thuê quảng cáo, thông tin, kiểm toán; Chi phí khác.

Ghi chú: Mã ngành nêu trên được quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Giá trị tăng thêm được tính theo nguyên tắc “đơn vị cơ sở ngành kinh tế địa bàn”, tức là sản phẩm được chế biến ở đâu thì tính cho tỉnh, thành phố đó.

Chỉ tiêu 4: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn

Đây là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp được sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định là cơ sở để đánh giá thực trạng và động thái phát triển công nghiệp của địa phương; phục vụ việc đề ra các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp cho từng thời kỳ. Đây cũng là căn cứ để tính chỉ tiêu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, phục vụ tính cơ cấu ngành kinh tế (theo giá thực tế) và tốc độ tăng, giảm (theo giá so sánh).

Giá trị sản xuất công nghiệp là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và sản phẩm dịch vụ của các nhóm ngành công nghiệp (khai khoáng; chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải) thực hiện trong một thời kỳ nhất định.

Giá trị sản xuất công nghiệp bao gồm: (i) Giá trị nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, phụ tùng thay thế; (ii) Chi phí dịch vụ sản xuất và khấu hao tài sản cố định; (iii) Chi phí tiền lương, tiền công cho lao động; (iv) Thuế sản xuất và giá trị thặng dư tạo ra trong cấu thành giá trị sản phẩm.

Giá trị sản xuất công nghiệp được tính theo hai loại giá (giá thực tế và giá so sánh) với phương pháp tính như sau:

a) Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế là toàn bộ giá trị sản phẩm do hoạt động sản xuất công nghiệp tạo ra tính theo giá tại thời kỳ tính giá trị sản xuất.

Công thức tính:

Trong đó:

Yếu tố 1: Doanh thu thuần công nghiệp

Là doanh thu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ công nghiệp sau khi giảm trừ một số khoản như: chiết khấu thương mại, giảm giá, giá trị hàng bán bị trả lại và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp công nghiệp nộp tính theo phương pháp trực tiếp phải nộp tương ứng với doanh thu được xác định trong kỳ (kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) được sản xuất tại doanh nghiệp và các loại doanh thu khác được quy định tính cho sản xuất công nghiệp như: Doanh thu cho thuê máy móc thiết bị có người điều khiển, Doanh thu do bán phế liệu thu hồi, sản phẩm tận thu trong quá trình sản xuất.

Yếu tố 2: Các khoản trợ cấp của Nhà nước(nếu có)

Khoản được Nhà nước trợ cấp từ ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp với mục đích trợ giá do nhà nước quy định giá bán thấp (đối với hàng hoá, dịch vụ mang tính phục vụ công ích ở trong nước), hoặc bù lỗ cho các mặt hàng Nhà nước khuyến khích sản xuất với giá bán thấp hơn giá thành. Thu về khoản này được tính bằng số thực tế phát sinh trong kỳ mà nhà nước phải trợ cấp cho doanh nghiệp dù số tiền đó doanh nghiệp đã nhận đủ hay chưa.

Yếu tố 3: Chênh lệch cuối kỳ và đầu kỳ hàng tồn kho

Các yếu tố tham gia vào tính chênh lệch tồn kho ngành công nghiệp bao gồm: chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm, hàng gửi bán của hoạt động công nghiệp, cụ thể:

+ Sản phẩm dở dang, bằng (=) giá trị chênh lệch cộng (+) hoặc trừ (-) cuối kỳ và đầu kỳ sản phẩm dở dang, gồm chênh lệch sản phẩm dở dang đang trên dây chuyên sản xuất và bán thành phẩm của sản xuất công nghiệp. Không tính chênh lệch sản phẩm dở dang của các hoạt động khác không phải là công nghiệp (như xây dựng cơ bản dở dang).

+ Thành phẩm, bằng (=) giá trị chênh lệch cộng (+) hoặc trừ (-) cuối kỳ và đầu kỳ thành phẩm tồn kho. Chênh lệch thành phẩm tồn kho không bao gồm tồn kho hàng hoá mua vào rồi bán ra không qua chế biến tại doanh nghiệp và tồn kho nguyên, nhiên, vật liệu, công cụ, phụ tùng thay thế.

+ Hàng hóa gửi bán, bằng (=) giá trị chênh lệch cộng (+) hoặc trừ (-) cuối kỳ và đầu kỳ hàng gửi bán. Khoản này bao gồm giá trị những hàng hoá do doanh nghiệp sản xuất ra bằng nguyên vật liệu của doanh nghiệp hoặc sản phẩm mà doanh nghiệp gia công ở đơn vị khác. Những hàng hoá này đã xuất kho thành phẩm nhưng đang trên đường đi tiêu thụ, chưa thu được tiền hoặc chưa được chấp nhận thanh toán, hoặc đang nằm tại kho đại lý tại thời điểm đầu và cuối kỳ. Nó được tính theo giá bán chưa có thuế tiêu thụ trong hoá đơn bán hàng.

Yếu tố 4: Thuế tiêu thụ phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước

Thuế tiêu thụ phát sinh phải nộp gồm các khoản thuế đánh vào sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ, chỉ phát sinh khi có tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ công nghiệp, theo quy định hiện hành gồm: Thuế giá trị gia tăng hàng bán nội địa theo phương pháp trực tiếp và thuế giá trị gia tăng hàng bán nội địa theo phương pháp khấu trừ, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế xuất khẩu

b) Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh

Giá trị sản xuất theo giá so sánh về nội dung tương tự như giá trị sản xuất theo giá thực tế, nhưng được tính theo giá của năm được chọn làm năm gốc so sánh. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh được tính từ giá trị sản xuất theo giá thực tế và chỉ số giá của người sản xuất với công thức tính như sau:

Chỉ tiêu 5: Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống

a, Doanh thu dịch vụ ăn uống

Chỉ tiêu này phản ánh sự phát triển của thị trường dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, dân cư trên địa bàn huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển. Mức tăng của chỉ tiêu này phản ánh mức sống của dân cư trên địa bàn được nâng lên.

Khái niệm, nội dung, phương pháp tính:

Doanh thu dịch vụ ăn uống bao gồm toàn bộ số tiền thu được từ kết quả hoạt động phục vụ nhu cầu ăn uống của các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống (quán ăn, nhà hàng, bar, căng tin...) do bán hàng tự chế biến và hàng chuyển bán trên địa bàn trong một thời kỳ nhất định.

Doanh thu dịch vụ ăn uống của huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển được ước lượng từ kết quả điều tra doanh nghiệp năm, điều tra cơ sở SXKD cá thể phi nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển.

b, Doanh thu dịch vụ lưu trú

Chỉ tiêu này phản ánh sự phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ nghỉ trọ ngắn ngày cho khách du lịch, dân cư trên địa bàn huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển, đồng thời phản ánh mức sống, nhu cầu du lịch của dân cư trên địa bàn và sức hút khách du lịch nơi khác đến các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển để tham quan, nghỉ ngơi.

Doanh thu dịch vụ lưu trú là toàn bộ số tiền thu được từ kết quả hoạt động cung cấp các dịch vụ cho khách nghỉ trọ ở các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện/quận/thành phố thuộc tỉnh/thị xã ven biển (khách sạn, nhà khách, nhà trọ, khu nghỉ biệt thự…) trong một thời kỳ nhất định.

Doanh thu dịch vụ lưu trú của huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển được ước lượng từ kết quả điều tra doanh nghiệp năm, điều tra cơ sở SXKD cá thể phi nông lâm nghiệp, trên địa bàn huyện/quận/thị xã/thành phố ven biển.

  1. Kết luận

            Kết quả nghiên cứu đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất ven biển nhằm thích ứng với BĐKH bao gồm cả các chỉ tiêu về đánh giá hiệu quả kinh tế với 2 nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, và tính tới đặc thù ven biển. Theo đó, các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất ven biển theo hướng bền vững gồm có các chỉ tiêu sau: Chỉ tiêu 1- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; Chỉ tiêu 2 - Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; Chỉ tiêu 3 - Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm, thủy sản; Chỉ tiêu 4 - Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn; Chỉ tiêu 5 - Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Việc xác định các nguyên tắc và căn cứ lựa chọn dựa trên cơ sở lý luận và yêu cầu thực tiễn đã lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá phù hợp nhất góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và quản lý sử dụng đất ven biển theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.

Trịnh Thị Hải Yến

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2023)

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ NN&PTNT (2009), Cẩm nang sử dụng đất, tập 2, Hà Nội.
  2. Đỗ Văn Nhạ, Nguyễn Thị Phong Thu (2016). Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tạp chí KH Nông nghiệp Việt Nam 2016, tập 14, số 12: 1934-1944.
  3. Huỳnh Văn Chương (2011), Giáo trình đánh giá đất. Nhà xuất bản Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
  4. Lê Anh Phi, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Văn Phẩm, Võ Thị Liên, Hồ Tùng Vĩnh (2019), Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở các xã bãi ngang ven biển huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hội nghị Khoa học Địa lý Toàn quốc lần thứ XI; TP Huế, 04/2019.
  5. Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
  6. Phạm Thị Thanh Bình (2016). PTBV ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển.
  7. Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững địa phương giai đoạn 2013 - 2020.
  8. Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây