Qua nhiều năm thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được việc đưa các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước đối với công tác quản lý tài nguyên nước, phù hợp với quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là quy định tài nguyên nước là tài sản công (Điều 53 Hiến pháp) nước mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác sử dụng nước kể từ khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, với sự phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trong khi đó, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Đồng thời yêu cầu phải tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Khắc phục những vướng mắc của Luật Tài nguyên nước năm 2012, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và Tiếp thu kinh nghiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước của các nước trên thế giới.
Do vậy các yêu cầu phải đạt được trong dự thảo Luật sửa đổi lần này là: (i) Hướng tới việc hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; (ii) Huy động nguồn lực để: tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh trên nền tảng công nghệ số; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; tái sử dụng nước; tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ hoạt động cải tạo phục hồi nguồn nước, bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính...; (iii) Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nguồn nước, đặc biệt đối với các công trình cấp nước tập trung đô thị và nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi… theo quy định của pháp luật, nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (iv) Khắc phục điều kiện khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước hiện nay, cần có giải pháp, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong các hoạt động như: quan trắc tài nguyên nước; khôi phục các dòng sông bị cạn kiệt suy thoái và ô nhiễm; xây dựng công trình cấp nước, tích trữ, điều tiết và phát triển nguồn nước... để đảm bảo sự dụng có hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Luật Tài nguyên nước sửa đổi với mục đích là tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Đồng thời, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và để bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên nước với các chính sách, nội dung chính như sau:
Chính sách 1: Bảo đảm an ninh tài nguyên nước
Chính sách 2: Xã hội hóa ngành nước
Chính sách 3: Tài chính về tài nguyên nước
Chính sách 4: Về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác:
4.1. Quy định về bảo vệ tài nguyên nước
4.2. Về phòng chống tác hại do nước gây ra
4.3. Sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn