Qua nghiên cứu và so sánh, chúng tôi nhận thấy các chương trình đào tạo về phân tích chính sách công tại Việt Nam về cơ bản có những điểm chung, đó là: đào tạo ra những học viên có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững kiến thức chuyên môn về hoạch định, phân tích, thực thi chính sách công; Có khả năng tư vấn, tham mưu về hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách công; Có khả năng sử dụng các công cụ chính sách trong quản lý xã hội, nhất là quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; Có khả năng đề xuất sáng kiến trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan Đảng và Nhà nước.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo về phân tích chính sách công tại nước ngoài lại có những điểm chung khác biệt với Việt Nam, đó là: chương trình thường được bắt đầu bằng học các môn học như luật, chính trị, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế lượng, phân tích chi phí-lợi ích, v.v. tại giảng đường. Tiếp đến là việc học tập thông qua hội thảo và làm việc nhóm, nghiên cứu tình huống, làm việc trực tiếp với các nhà hoạch định/thực thi chính sách và cuối cùng là viết luận văn tốt nghiệp khóa học. Các học viên hoàn thành Chương trình chính sách công sẽ được đào tạo đầy đủ các công cụ phân tích tiên tiến, đủ năng lực để đảm đương các công việc phân tích và ra quyết định ở mọi cấp độ, đặc biệt trong các cơ quan thuộc chính quyền các cấp cũng như các tổ chức giáo dục, các tổ chức phi lợi nhuận, và các công ty tư nhân.
Với mục tiêu đào tạo ra những con người có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt nên chương trình phân tích chính sách trong nước bao gồm nhiều môn chính trị để học viên nắm vững kiến thức cơ bản, hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó các chương trình của nước ngoài chú trọng tới việc trang bị cho học viên những công cụ phân tích cả định tính lẫn định lượng. Mặc dù ít đề cập đến chính trị, song phần lớn các chương trình của nước ngoài đề giảng dạy các môn học liên quan đến bộ máy lập pháp, bộ máy hành pháp và dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Qua việc nghiên cứu, so sánh các chương trình phân tích chính sách công nêu trên cùng với việc lựa chọn những nội dung quan trọng của các chính sách hiện hành về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chúng tôi đề xuất Khung chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và môi trường gồm 03 nội dung chính: (1) Khung chương trình về các môn bổ trợ; (2) Khung chương trình về các chính sách cần phân tích và (3) Bài tập và thảo luận.
1. Khung chương trình về các môn bổ trợ
Để có thể phân tích được những tác động đa chiều của các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tới đời sống kinh tế xã hội, Khung chương trình về các môn bổ trợ gồm các môn học sau:
Chính trị học là ngành nghiên cứu lý thuyết, thực tiễn và phân tích các hệ thống chính trị, thể chế và tổ chức nhà nước. Chính trị học sẽ giúp học viên nắm vững định hướng phát triển của quốc gia cũng như cách thức mà nhà nước quản lý xã hội thông qua việc hoạch định các chính sách quản lý, phát triển.
Kinh tế vĩ mô là ngành nghiên cứu về: đặc điểm, cấu trúc và hành vi của cả một nền kinh tế; nguyên nhân và hậu quả của biến động ngắn đối với thu nhập quốc gia; những yếu tố quyết định tới tăng trưởng kinh tế. Kinh tế vĩ mô sẽ giúp học viên phân tích được những tác động đa chiều của các chính sách qui định về sở hữu, thời hạn giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đất... tới đời sống kinh tế xã hội.
Kinh tế vi mô là một ngành nghiên cứu về hành vi và cách thức tương tác kinh tế của các chủ thể tham gia vào nền kinh tế (người tiêu dùng, nhà sản xuất), phân tích cơ chế thị trường thiết lập ra giá cả tương đối giữa các hàng hóa và dịch vụ và sự phân bổ các nguồn tài nguyên trong nền kinh tế. Kinh tế vi mô sẽ giúp học viên phân tích được những tác động đa chiều của các chính sách liên quan đến phí, thuế, đền bù, tiền cấp quyền khai thác... tới đời sống kinh tế xã hội.
Kinh tế lượng là khoa học ứng dụng toán (đặc biệt là các phương pháp thống kê) vào kinh tế. Kinh tế lượng ứng dụng các phương pháp kinh tế lượng vào đánh giá các lý thuyết kinh tế, phát triển và sử dụng các mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu, đánh giá kinh tế cả tiền kỳ lẫn hậu kỳ. Kinh tế lượng sẽ giúp học viên phân tích được những tác động đa chiều của các chính sách liên quan đến thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nước lưu vực sông, vận hành liên hồ chứa... tới đời sống kinh tế - xã hội.
Phân tích chi phí - lợi ích (CBA) là một quá trình tính toán và so sánh lợi ích và chi phí của một chính sách, hoặc quyết định chính phủ, là sự phân tích cân bằng lợi ích và chi phí dự kiến để dự đoán liệu các lợi ích của một chính sách có lớn hơn chi phí của nó, xác định lựa chọn làm tăng phúc lợi từ một chính sách hay dự án cụ thể. CBA sẽ giúp học viên phân tích, lựa chọn được lợi ích của các chính sách bảo tồn hay khai thác tài nguyên, chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tái định cư, chuyển nước lưu vực sông...tới đời sống kinh tế xã hội.
Tâm lý học là ngành nghiên cứu về tâm trí và hành vi, xác định mối quan hệ nhân quả và tương quan giữa những yếu tố tâm lý, hành vi của người dân với từng chính sách, quy định cụ thể. Tâm lý học sẽ giúp học viên phân tích được phản ứng của người dân cũng như những tác động đa chiều của các chính sách liên quan đến thu hồi đất, tái định cư, đền bù, những hành vi bị nghiêm cấm trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tới đời sống kinh tế xã hội.
Quản lý tài nguyên thiên nhiên là việc quản lý các nguồn lực tự nhiên như đất, nước, khoáng sản, sinh vật, v.v. Quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp học viên nắm rõ các định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển và các chế tài phù hợp để việc việc khai thác, sử dụng và tái tạo tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đúng đắn để mang lại lợi ích tối ưu cho đất nước, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm tới môi trường trong việc sử dụng tài nguyên.
2. Khung chương trình về các chính sách cần phân tích
Để tăng cường năng lực phân tích, tính toán, xác định được những tác động đa chiều của các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tới đời sống kinh tế xã hội, Khung chương trình về các chính sách cần phân tích gồm các nội dung chính sau:
- Các nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Chính sách bảo vệ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên;
- Chính sách về sở hữu tài nguyên;
- Chính sách quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng tài nguyên;
- Chính sách quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Chính sách quy định về tài chính (giá, thuế, phí, tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, v.v.)
3. Bài tập và thảo luận
Để nắm vững các nguyên lý phân tích chính sách và sử dụng thành thạo các công cụ phân tích định tính và định lượng những tác động của các chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, học viên cần thực hành thông qua việc làm bài tập và thảo luận về các chính sách cụ thể. Một số gợi ý cho phần Bài tập và thảo luận của Khung chương trình như sau:
- Phân tích chính sách về sở hữu đất đai của nước ta hiện nay tới sự phát triển thị trường nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
- Xây dựng mô hình xác định mối quan hệ giữa Chính sách quy định về khung giá đất hiện hành với khiếu kiện đông người về đất đai.
- Phân tích tác động của chính sách về thuế, phí nước hiện hành tới ngành nuôi trồng thủy sản nước ta.
- Phân tích chi phí - lợi ích của việc thực hiện Chính sách chuyển đổi từ cơ chế "xin - cho" sang cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
- Xây dựng mô hình xác định mối quan hệ giữa chính sách quy định về bảo tồn đa dạng sinh học với tỷ lệ đói nghèo ở nước ta hiện nay.
KẾT LUẬN
Để phân tích chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tính toán, xác định được những tác động đa chiều của các chính sách tới đời sống kinh tế - xã hội, người quản lý, hoạch định chính sách cần có các công cụ phân tích chính sách thông qua việc tiếp thu kiến thức từ các môn học bổ trợ như: Chính trị học, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Kinh tế lượng, Phân tích chi phí - lợi ích (CBA), Tâm lý học, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, v.v. Khung chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và môi trường bao gồm ba nội dung chính. Tùy theo đối tượng cần bồi dưỡng cũng như thời gian của khóa bồi dưỡng, giảng viên cần nghiên cứu, điều chỉnh thời lượng của từng môn học bổ trợ cũng như nội dung chính sách và thảo luận các tình huống cụ thể trong thực tiễn để mang lại hiệu quả tối ưu của khóa học.
ThS. Trịnh Thị Hải Yến, CN. Phạm Kim Long, TS. Nguyễn Thắng
Bài viết đã được đăng tại Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, kỳ 2 tháng 5/2018
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Cao Đàm, 2012, “Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách”, NXB Thế giới.
2. Thái Xuân Sang, “Một số vấn đề và lý luận và thực tiễn về chính sách công ở Việt Nam”, Tài liệu chuyên khảo.
3. Đặng Ngọc Lợi, “Chính sách công ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn”, Tạp chí kinh tế.
4. Nguyễn Đăng Thành, “Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp”, Tạp chí Cộng sản.
5. Colebatch H. (2009), “Policy’, Open University Press.
6. Dye T. (2007), “Understanding Public Policy”, Prentice Hall.
7. Wheelan C. (2011), “Introduction to Public Policy”, New York
8. http://tailieu.ttbd.gov.vn
9. https://www.instituteforgovernment.org.uk
10. https://www.american.edu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn