Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác.
Theo quy định hiện nay, đơn vị được cấp phép khai thác phải nộp tiền cấp quyền khai thác lần đầu bằng 30% khi được cấp phép khai thác và hoàn thành việc nộp vào nửa đầu thời hạn cấp phép. Số tiền phải nộp trong lần đầu thường rất lớn, trong khi các dự án đầu tư cần phải có thời gian xây dựng cơ bản, chưa ra sản phẩm, gây nhiều khó khăn cho đơn vị thu xếp nguồn vốn cho dự án.
Trước những tồn tại, hạn chế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tính cấp quyền khai thác theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm như trong dự thảo Luật. Việc quy định phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm phù hợp với định hướng, quan điểm và mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, cụ thể: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường...”.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xin ý kiến Chính phủ về việc phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm. Phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, quy định phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.
Đặc biệt, đối với khoáng sản nhóm IV, tổ chức, cá nhân không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản, thay vào đó chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản tại UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nội dung như dự thảo tại Điều 7 và mục 4 chương VI của dự thảo Luật.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến Chính phủ về việc Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách nhà nước.
Mai Đan
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn