Kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu

Thứ năm - 02/02/2023 04:49
Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã đưa ra chủ trương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu (NKPL). Tuy nhiên, khi thực hiện đã có không ít tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) khi NKPL làm nguyên liệu sản xuất, nhất là lợi dụng NKPL để đưa rác thải vào nước ta.

Việc NKPL nhằm bù đắp những mặt hàng, những nguyên vật liệu còn thiếu mà trong nước chưa sản xuất được, hoặc sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu. Xuất phát từ quan điểm nêu trên, những năm qua Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách cho phép các doanh nghiệp NKPL phục vụ sản xuất trong nước. Luật BVMT năm 2014 quy định chỉ được phép NKPL làm nguyên liệu sản xuất và không được mua bán, kinh doanh phế liệu nhập khẩu; đồng thời, phải ký quỹ bảo đảm đối với phế liệu nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, bao gồm 36 chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu, chia thành các nhóm như: thạch cao, sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, tơ tằm, điện tử… Đây là căn cứ pháp lý cụ thể để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng các quy định về quản lý phế liệu nhập khẩu trong đó có hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hai năm 2011 và 2012, cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp NKPL làm nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là nhóm phế liệu sắt, thép (khoảng từ 2,2 triệu tấn đến 2,5 triệu tấn/năm); phế liệu nhựa (khoảng 800 nghìn tấn/năm); phế liệu giấy (khoảng 700 nghìn tấn/năm). Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013 - 2015, số lượng doanh nghiệp NKPL giảm xuống còn từ 200 đến 250 doanh nghiệp, tập trung vào nhóm phế liệu sắt (khoảng 2,5 triệu tấn/năm); phế liệu giấy, nhựa (khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm) và tổng các phế liệu khác khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Các địa phương có cơ sở NKPL lớn như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nguồn phế liệu này chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Ca-na-đa…

Đáng chú ý, bên cạnh một số đơn vị sử dụng phế liệu nhập khẩu thực hiện tốt công tác BVMT như bố trí kho bãi dành riêng cho việc tập kết, bảo đảm không để thất thoát phế liệu và không gây phát tán tạp chất đi kèm ra môi trường xung quanh, thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại và chất thải kèm theo trong quá trình NKPL; thực hiện giám sát môi trường định kỳ… thì còn không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách của Nhà nước về NKPL để đưa các chất thải vào nước ta. Theo quy định của Luật BVMT, các doanh nghiệp NKPL làm nguyên liệu sản xuất phải có kho bãi bảo đảm đúng quy định. Nhưng thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp dù đã có kho bãi riêng nhưng kho bãi được xây dựng không đúng quy định, không có hệ thống thoát nước mưa và không có mái che cho nên chất thải vẫn bị phát tán ra môi trường. Công tác kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa tốt, vẫn có một số doanh nghiệp để xảy ra sự cố môi trường, xả khí thải, bụi vượt quá quy chuẩn cho phép, chuyển giao chất thải chưa đúng quy định. Trong quản lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp kê khai, lưu giữ, làm hồ sơ rất sơ sài và không đúng quy định, nhất là chưa thật sự đánh giá đúng hiện trạng môi trường trong khu vực hoạt động của doanh nghiệp, đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân trên địa bàn.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các công-ten-nơ phế liệu, rác thải không đáp ứng yêu cầu về BVMT đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Tuy nhiên, để tăng cường kiểm soát hoạt động NKPL, máy móc, phương tiện, thiết bị đã qua sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhất là lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra, giám sát việc NKPL làm nguyên liệu sản xuất. Chấm dứt tình trạng NKPL làm nguyên liệu sản xuất, hoặc vận chuyển chất thải qua biên giới không đúng quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng… Cần tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu được nhập khẩu; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc kiểm soát hoạt động NKPL, tránh nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới.

Các chuyên gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng đề nghị: Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường tập huấn, phổ biến quy định về quản lý và BVMT đối với phế liệu nhập khẩu cho các đối tượng là cán bộ quản lý môi trường của các bộ, ngành; cán bộ quản lý môi trường địa phương; cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, hoặc NKPL. Đồng thời, Việt Nam cần phải thực thi đầy đủ các nội dung của Công ước Basel về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng, mà nước ta là một bên tham gia Công ước này; đẩy mạnh trao đổi thông tin và chủ động ngăn ngừa có hiệu quả việc vận chuyển chất thải vào Việt Nam...

ThS. Trịnh Thị Hải Yến

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Theo nhandan.vn)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây