Từ sơ đồ 1 cho thấy, yếu tố đầu vào R (Resource) tài nguyên từ môi trường tự nhiên và W (Waste) chất thải đầu ra của hệ thống kinh tế đưa vào môi trường.
Để bảo vệ tài nguyên và môi trường, trước hết phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, vì vậy kinh nghiệm quốc tế cho thấy thường người ta đề cập tới cụm từ “Bảo vệ môi trường” là chính, còn đối với tài nguyên thường sử dụng cụm từ “Khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên”, xét về bản chất kinh tế, trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường, thường dùng cụm từ “Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên”. Như vậy bảo vệ tài nguyên và môi trường như thế nào là tốt nhất cần phải xem xét những cách thức mà các quốc gia trên thế giới đã làm, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam làm cơ sở cho định hướng đúng trong chỉ đạo điều hành về lĩnh vực này.
I. Nhìn nhận trước đây
Để bảo vệ tài nguyên và môi trường, kinh nghiệm thế giới cho thấy phải nhìn nhận một cách khá toàn diện nhìn từ góc độ quản lý hệ sinh thái.
Ơ Mỹ từ cuối thế kỷ XIX người ta đã bắt đầu nhận thấy sự lãng phí và sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, một cách tiếp cận mới trong bảo vệ tài nguyên và môi trường được ra đời, tác giả đầu tiên phải kể đến là Theodore Roosevelt, ông đánh giá cao về “bảo tồn” cần phải được ưu tiên cao hơn trong hoạt động hành chính của mình, tiếp đó Gifford Pinchot, ông chủ đầu tiên của cơ quan dịch vụ rừng của Mỹ đã có một cách tiếp cận mới đối với tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu hướng tới của ông ta là đạo đức sử dụng dựa trên thuyết vị lợi nhằm đạt được mục tiêu “hàng hóa tốt nhất với số lượng lớn nhất cho thời gian dài nhất”. Đây gọi là đạo đức bảo tồn tài nguyên (resource conservation ecthic), với cách nhìn nhận này, nó đã hướng dẫn rất nhiều cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên trong nửa đầu thế kỷ XIX ở Mỹ. Theo Pinchot, bảo tồn cũng có nghĩa là khôn ngoan và cẩn trọng trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên . Ông cho rằng “Thực tế đầu tiên của sự bảo tồn là chứa đựng sự phát triển” và “nhiệm vụ đầu tiên của con người về khía cạnh vật chất là kiểm soát việc sử dụng trái đất và tất cả những gì có trên trái đất”. Với sự thúc đẩy của ông với tính hiệu quả và hợp lý trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho cả thế hệ hiện tại và tương lai đã dẫn đến khái niệm mới được sử dụng trong cơ quan quản lý lâm nghiệp và đất đai ở Mỹ. Sử dụng và kiểm soát bền vững là trọng tâm trong cách nhìn nhận của Pinchot từ thế kỷ XIX ở Mỹ.
Cũng trong thế kỷ XIX, một viễn cảnh nhìn nhận mới gọi là lãng mạn-đạo đức bảo tồn vượt trội (romantic-transcendental conservation ethic), trong cách nhìn nhận này cho rằng tài nguyên có những giá trị sử dụng khác, hơn cả những lợi ích mà con người thu được và trong thực tế cho thấy tài nguyên có những giá trị vốn có mang tính độc lập không phụ thuộc vào con người.
Một viễn cảnh thứ ba về quan điểm nhìn nhận của thế giới trong thế kỷ XX đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường dựa trên cơ sở hệ sinh thái, đó là tiến hóa-đạo đức đất sinh thái (evolutionary-ecological land ethic), đã được giới thiệu bởi tác giả Aldo Leopold vào những năm thập kỷ 1930 và 1940 của thế kỷ XX. Ông cho rằng cùng với sự phát triển của hệ sinh thái và tiến bộ khoa học kỹ thuật của con người, thiên nhiên không đơn giản là sự thu thập các thành phần của chúng, một số được sử dụng, còn một số khác vứt bỏ dựa trên tính hữu ích của chúng đối với con người, thiên nhiên cũng không phải là ngôi chùa để thờ cúng và không được chạm tới. Leopold cho rằng thiên nhiên là sự cấu thành phức tạp của các thành phần kết nối với nhau, hệ thống chức năng của chúng là kết quả của tiến trình thay đổi trong dài hạn. Mỗi thành phần như là cấu trúc một bộ phận của cỗ máy mà chúng ta chưa hiểu hết, chẳng hạn như cơ chế đất cần sử dụng do con người, nhưng cấu trúc chủ yếu của chúng không nên thay đổi một cách cơ bản. Quan điểm này được ông tuyên bố một câu nói khá nổi tiếng giống như “Giữ từng bánh răng và bánh xe là sự phòng ngừa đầu tiên của người thợ sửa máy thông minh”.
Vào giữa những năm 1960-1970, bảo vệ tài nguyên và môi trường đã có nhìn nhận sát thực hơn, quản lý tài nguyên thay đổi theo hướng bền vững, dựa trên tiếp cận mới gắn với khai thác trong môi trường như: Giải trí, bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, hiệu ứng tích lũy và gía trị thẩm mỹ. Những vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, mất đa dạng sinh học đe dọa tới môi trường sống của con người được thế giới chú trọng hơn.
Đến những năm thập kỷ 80 của thế kỷ XX, bảo vệ tài nguyên và môi trường tiến thêm một bước đó là quy định mới của thế giới về bảo tồn sinh vật như là một triết lý trong thực hiện quản lý hệ sinh thái. Người ta đã bắt đầu nhìn thấy những rối loạn của hệ thống tự nhiên, và đến những năm đầu thập kỷ 90 đã thay đổi cơ bản cách nhìn nhận trong bảo vệ tài nguyên và môi trường, đối tượng quản lý chính là hệ sinh thái, nhằm hướng tới “Phát triển bền vững”, lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh thế giới 1992 đã đưa ra chủ đê “Môi trường và phát triển”.
II. Nhìn nhận hiện nay
- Một trong những cách nhìn nhận mới đáng lưu ý đó là theo công điện số 197 của phái đoàn thường trực CHXHCNVN tại Liên Hợp Quốc ngày 23/04/2012 gửi Bộ ngoại giao và Bộ Tài Nguyên Môi trường. Nhân ngày trái đất 22/4 và triển khai Nghị quyết 65/164 của đại Hội đồng (ĐHĐ) về hài hòa với thiên nhiên do Bolivia khởi xướng, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức thảo luận chuyên đề “Hài hòa với thiên nhiên, những phát kiến khoa học về tác động của con người đối với hoạt động của hệ thống Trái đất”, trong đó đề cập tới cách nhìn nhận mới, “Trái đất không phải là của con người mà con người thuộc về Trái đất cùng với các sinh vật khác trong khí quyển, thủy quyển và địa quyển. Phải thay đổi mô hình phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản. Không thể có mô hình tăng trưởng mãi mãi mà không ảnh hưởng tới bền vững của thiên nhiên; Không thể giải quyết vấn đề “hài hòa với thiên nhiên” bằng các quy luật của thị trường tự do lấy lợi nhuận làm mục tiêu và dựa trên thúc đẩy tiêu dùng”. Mặt khác trong công điện cũng chỉ ra từ cách nhìn nhận của LHQ đối với các quốc gia “phải phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, giám sát, điều tiết, đồng thời xây dựng nhận thức chung, thúc đẩy sự đóng góp của toàn xã hội”, bên cạnh đó trong nội dung công điện cũng đưa ra cảnh báo “Nhà nước phải hỗ trợ và có đầu tư thích đáng cho khoa học, chứ không phải dựa vào tư nhân. Đáng lưu ý cách nhìn nhận mới, với tuyên bố của phó tổng thư ký LHQ, đồng thời cũng là Tổng thư ký Hội nghị LHQ về phát triển bền vững đã diễn ra tháng 06/2012 (RiO+20) cho rằng “đã đến lúc phải nói lời tạm biệt với mô hình phát triển cũ của chúng ta dựa vào bóc lột tài nguyên không hiệu quả, lãng phí, gây hại cho phát triển bền vững của môi trường và xã hội”.
Từ năm 2010, chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã có những tiếp cận mới trong bảo vệ tài nguyên và môi trường, đó là quản trị môi trường (Environmental Governance) và kinh tế xanh (Green Economy) nhằm thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận mới về tài nguyên và môi trường phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên quy mô toàn cầu.
- Về quản trị môi trường được hiểu “Quản trị môi trường là sự tương tác đa cấp (địa phương, vùng, quốc gia, toàn cầu) giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong tiến trình xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý môi trường nhằm đạt được sự phát triển bền vững”, đã có nhiều quốc gia như Anh (2004), Úc (2009), các nước Đông Á (2009)... áp dụng quản trị môi trường trong quá trình thực thi chính sách liên quan đến quản lý môi trường.
- Về kinh tế xanh: UNEP đã đưa ra khái niệm ban đầu cho rằng: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Từ khái niệm đó cho thấy, phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền kinh tế xanh” do chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (Khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào nền kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu.
+ Từ khởi xướng của UNEP, Trung Quốc là một trong những quốc gia tiếp cận sớm ý tưởng này để đưa vào hoạch định chính sách nhằm chuyển từ phương thức phát triển kinh tế kiểu tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức phát triển kinh tế kiểu tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
+ Thực tiễn đã đầu tư cho kinh tế xanh cũng cho thấy, vào năm 2009 UNEP đã thống kê và tính toán Cộng đồng chấu Âu và Bắc Mỹ đã đầu tư vào xây dựng các tòa nhà xanh và tạo ra được khoảng 2-3,5 triệu việc làm, riêng Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu khoảng 17 tỷ đô la Mỹ/năm. Đối với các nước đang phát triển, theo đánh giá của ngân hàng thế giới (WB), nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho kinh tế xanh như các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải có thể lên tới 563 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 và 100 tỷ đô la Mỹ cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy so với mức độ đầu tư toàn cầu, đầu tư cho kinh
tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào kinh tế xanh của toàn cấu.
+ Ơ Mỹ, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 đang có một sự xem xét lại chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, áp dụng chiến lược “Tái công nghiệp hóa”. Tháng 11 năm 2009 tổng thống Obama đưa ra mô hình tăng trưởng của Mỹ phải chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững. Trong chiến lược “Tái công nghiệp hóa” cho giai đoạn 10 năm tới nhằm phát triển công nghệ mới dự kiến đầu tư 15.000.000 USD hỗ trợ cho các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Mỹ muốn trở thành nhà lãnh đạo sạch trong công nghệ. Hướng tiếp cận mới theo cách “Kinh tế các bon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Cách tiếp cận ở Mỹ luôn lấy tiêu chí hiệu quả Kinh tế để thực thi chính sách, động lực thị trường thúc đẩy đổi mới công nghệ. Thực thi bảo vệ môi trường có khoa học và kế hoạch rõ ràng chia theo giai đoạn, trước hết người dân phải hiểu, thứ đến phải có can thiệp khoa học và cuối cùng thực hiện theo chương trình kế hoạch đã có. Tuy nhiên tuỳ theo đặc trưng từng vùng có kế hoạch khác nhau, ví dụ vùng cần bảo vệ nguồn nước có chương trình riêng của lĩnh vực này, bảo vệ đất hay duy trì đa dạng sinh học có chương trình cụ thể thích hợp cho từng loại đất. Trong nông nghiệp, sản xuất sản phẩm hữu cơ và kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau trong một trang trại sản xuất được chủ trang trại phát huy cao độ. Cây trồng vật nuôi được kết hợp và phù hợp với đặc điểm sinh thái của nơi sản xuất, duy trì chất lượng đất. Tại trang trại sản xuất nông nghiệp, xu hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời khá phổ biến. Chủ trang trại luôn tính toán hiệu quả kinh tế của các phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua việc hoàn thiện sản phẩm từ khâu thu hoạch đến đóng gói, đưa trực tiếp sản phẩm tới các siêu thị để đến người tiêu dùng nhanh nhất, hạn chế chi phí qua trung gian, tăng lợi nhuận. Việc sử dụng hầm Biogas, trợ cấp cho năng lượng sạch được thực hiện ở các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn. Cơ quan dịch vụ sản xuất nông trại- FSA (Farm Service Agency) khuyến khích trang trại không sử dụng hoá chất diệt côn trùng và các dịch vụ hỗ trợ khoa học kỹ thuật khác. Trong công nghiệp, vấn đề được chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Để quyết định lựa chọn theo hướng nào, bài toán kinh tế được tính toán theo vận hành của cơ chế thị trường theo phương án trước mắt và dài hạn. Xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời từ việc sản xuất ra nhiều tấm pin đã và đang được triển khai, hiện nay có khoảng 22 thành phố đã sản xuất và sử dụng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mà còn tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả và tiếp cận theo hướng cac bon thấp. Những nơi chịu nhiều rủi ro của thiên nhiên và con người như New Olean, sau cơn bão Cachina, nhiều vùng không có người quay lại sinh sống ở các ngôi nhà cũ. Chính quyền địa phương đã thiết lập lại quy hoạch khu dân cư mới với nguồn đóng góp vốn của chính phủ, cộng đồng và các nhà tài trợ khác, quy hoạch mới tính tới ảnh hưởng của bão, lụt và phù hợp hơn với điều kiện sinh thái tự nhiên của vùng. Từ hướng tiếp cận kinh tế Cac bon thấp, đối với phát triển đô thị, những khu đô thị mới, chẳng hạn khu vực sân bay cũ nay không còn sử dụng ở gần thành phố Austin thuộc bang Taxes, được quy hoạch lại chuyển đổi sang phát triển khu dân cư sinh sống, một tổ chức phi lợi nhuận với sự tài trợ của Chính phủ và tham gia của nhiều doanh nghiệp, tiến hành quy hoạch, thiết kế các ngôi nhà và toàn bộ khu dân cư thân thiện môi trường, các ngôi nhà xanh được hình thành (Green houses). Những ngôi nhà đó so với các kiểu nhà trước đây sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại lợi ích nhiều hơn cho chủ hộ sử dụng. Hệ thống hạ tầng đồng bộ từ đường sá, thu gom phân loại và xử lý rác, các công nghệ mới được đưa vào ngôi nhà, không gian xanh phù hợp. Khái niệm “Nhà không dây điện” đã xuất hiện. Xu hướng mới xây dựng nhà công sở cũng đã được thiết kế và xây dựng ở thành phố Austin, thuộc bang Texat, một ngôi nhà công sở được thiết kế theo dạng ngôi nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa thiên nhiên, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác được đưa vào là hướng tiếp cận mới đã được thực hiện ở Mỹ. Hệ thống giao thông, nhất là đối với các đường cao tốc quy hoạch giải phân cách xanh là yêu cầu bắt buộc. Mặc dù cách giải quyết ở Mỹ theo kiểu “Kinh tế Các bon thấp”, nhưng với cách tiếp cận đó cũng là nội dung hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh”.
+ Các nước Tây Âu và Nhật bản, xu hướng phát triển cũng hướng tới “Nền kinh tế sạch”, “Kinh tế Cac bon thấp” và phát triển “Nền kinh tế xanh”, các nước này đã trải qua một thời kỳ dài của quá trình công nghiệp hóa và cũng đã phải trả giá cho suy giảm tài nguyên và chất lượng môi trường. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi, quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển đầu tư vào khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R). Hiện nay đang hướng tới lộ trình thực hiện và thúc đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành cac bon thấp mới hình thành, nằm trong hệ thống kinh tế toàn cầu của nhóm nước công nghiệp phát triển (OECD), Tây Âu ra sức thúc đẩy đưa các chỉ tiêu về cac bon thấp vào hệ thống quy định quốc tế, với sự ra đời của tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về “Dấu chân cac bon” đã mở màn cho quá trình này. Còn Nhật bản tích cực xu hướng giảm thiểu cac bon thông qua Nghị định thư Kyoto, thực hiện triệt để chiến lược 3R “Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải” và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. EU dự kiến trước năm 2013 sẽ đầu tư 105.000.000.000 € để phát triển “nền kinh tế sạch”. Còn Nhật bản từ cuối năm 2009 phát động chiến lược tăng trưởng mới, tập trung vào hai ngành công nghiệp mới là ngành môi trường và năng lượng, ngành y tế, với việc đầu tư vào hai ngành này dự kiến đến năm 2020 tạo ra thị trường mới tương đương 1 triệu tỷ Yên. Ở Autralia, bảo vệ tài nguyên và môi cơ bản dựa trên đặc thù của hệ sinh thái, dựa trên tiếp cận biên và khả năng chịu đựng của hệ sinh thái để có phương án khai thác sử dụng, quy hoạch và bảo vệ hợp lý.
+ Nhóm các nước mới nổi lên nhờ quá trình công nghiệp hóa như Hàn quốc, Singapore. Từ những năm 80 của thế kỷ XX họ không phải trả giá nhiều cho môi trường nhờ tiếp nhận công nghệ mới của các nước công nghiệp phát triển và những bài học kinh nghiệm của các nước đó trước đây. Mô hình phát triển của các nước này ngay từ đầu đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, chính vì vậy họ đã rút ngắn khoảng cách phát triển không chỉ đạt mục tiêu kinh tế mà chú trọng tới môi trường. Hiện nay các nước này tiếp tục phát triển theo xu hướng “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế cac bon thấp” và hướng tới nền kinh tế xanh.
+ Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và châu mỹ La Tinh. Ở các nước này trình độ công nghệ thấp hơn các nước phát triển, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, sẽ bị lôi kéo vào xu thế phát triển mới. Tuy nhiên theo nội hàm phát triển “Kinh tế xanh”, đây sẽ là cơ hội cho các nước này tham gia để khôi phục nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi và giảm nghèo. Việc tiếp cận mô hình phát triển “kinh tế xanh” sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần có sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi.
Về lý luận và thực tiễn đã cho thấy, thế giới đang có những sự thay đổi mới trong định hướng phát triển, nhất là sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế từ năm 2008 đến nay, đó là cấu trúc lại nền kinh tế, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh
III. Từ kinh nghiệm quốc tế, rút ra bài học cho Việt Nam trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Để bảo vệ tài nguyên và môi trường rút ra từ những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần có những thay đổi trong cách tiếp cận mới sau đây.
- Thứ nhất, thay đổi cách nhìn nhận mới có tính tổng hợp, bảo vệ tài nguyên và môi trường phải dựa trên cơ sở nền tảng của hệ sinh thái, nghĩa là không quản lý đơn lẻ một thành phần nào mà tiếp cận dựa trên tính đặc thù của từng hệ sinh thái để đảm bảo sự liên kết và cân đối hài hòa của các thành phần tự nhiên trong hệ sinh thái vốn có của nó, không phá vỡ thành phần cấu trúc cũng như chức năng vốn có của hệ sinh thái. Một tiếp cận quản lý mới cần dựa trên bối cảnh mẫu của quản lý hệ sinh thái như sau:
Trong đó: A là khu vực quy định của nha quản lý hoặc quyền lực quản lý; B là khu vực nghĩa vụ xã hội trong phát triển kinh tế; C là khu vực ảnh hưởng; D là khu vực các bên đều có lợi (win-win-win partnerships).
- Thứ hai, thay đổi cách thức nhìn nhận trong quản lý đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường so với trước đây giữa cách nhìn nhận quản lý truyền thống với cách nhìn nhận quản lý mới đối với hệ sinh thái thể hiện quan bảng so sánh sau đây.
Thứ ba, xem xét lại sự đề cao đối với con người trong hệ thống tự nhiên dẫn đến tàn phá thiên nhiên, phải coi con người như là thành phần quan trọng của tự nhiên để điều chỉnh hành vi của mình. Con người sống được và tồn tại được là nhờ vào thiên nhiên gồm các nguồn tài nguyên và môi trường tự nhiên. Thiên nhiên là cơ sở tiền đề cho sự sống và phát triển của con người.
- Thứ tư, từ bỏ phương thức phát triển kinh tế cũ của mô hình “Kinh tế nâu”, hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển mới, theo một cấu trúc kinh tế mà hiện nay các nước đang tiếp cân, đó là “Kinh tế xanh”, không chỉ mang lại phúc lợi cho còn người mà phải duy trì và phát triển hệ sinh thái. Muốn vậy bên cạnh khai thác phải đầu tư trở lại cho tự nhiên để phục hồi hệ sinh thái. Đối với những tài nguyên không tái tạo nguồn lợi thu được cần gìn giữ và đầu tư cho phát triên, chẳng hạn như đầu tư cho vốn con người.
- Thứ năm, trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài nguyên và môi trường cần có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp quản lý gồm các giải pháp về điều hành và kiểm soát với các giải pháp kinh tế. Nên tảng của các giải pháp này là thay đổi nhận thức của con người, chú trọng tới đạo đức, khơi dậy cái “tâm” của con người đối với thiên nhiên. Ngoài ra cần phải lượng giá được tài sản của thiên nhiên để có sự so sánh giữa các phương án lựa chọn phục vụ cho thiết kế chính sách và lựa chọn trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Kết luận
Trên cơ sở nhận thức kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ tài nguyên và môi trường, với cách nhìn nhận trước đây từ thế kỷ XIX đến cách nhìn nhận mới hiện nay, thế giới cũng đã trải qua những thăng trầm trong bảo vệ tài nguyên và môi trường, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý giá cho chúng ta. Những nước phát triển sau như Việt Nam nếu biết khắc phục những tồn tại mà các nước đi trước đã gặp phải, phát huy những kinh nghiệm tốt họ đã thành công, chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển, không chỉ có sự tăng trưởng kinh tế cao mà còn bảo vệ được tài nguyên và môi trường phù hợp với xu thế mới của thế kỷ XXI là phát triển bền vững.
PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh.
Phó viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS. Dương Thu Bảo (2011). Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh kết cấu kinh tế. Bộ môn nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
2. GS. Lương Bằng (2011). Lý thuyết tài chính công và cải cách thể chế tài chính công. Bộ môn giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
3. PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh (chủ biên) (2003), Kinh tế và Quản lý Môi trường, Nhà Xuất bản Thống kê.
4. Barry C. Field. Environmental Economics: an introduction. 1994, p.21
5. Corner, H.J and M.A. Moote.1999. The Politis of Ecosystem Management. Island Press, Washington, D.C
6.GS. Phan Duyệt (2011). Điều chỉnh và chuyển đổi Chiến lược Kinh tế đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính-tiền tệ. Viện nghiên cứu Chiến lược đối ngoại. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
7. Garyk.Meffe; Lorry A.Neielsen; Richard L. Knight; Dennis A.Schenborn. Ecosystem Management. Adaptive Community-Based conservation. Getting a Grip on Ecosystem Management.
8.GS. Hàn Bảo Giang (2011). Thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính-tiền tệ và sự chuyển đổi mang tính Chiến lược về phương thức phát triển kinh tế. Phó chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
9. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (tài liệu dịch của UNEP) (2011). Hướng tới nền kinh tế xanh, lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Báo cáo tổng hợp phục vụ các nhà hoạch định chính sách . Nhà xuất bản nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn