"Kinh tế học bền vững"- Một tư duy kinh tế mới định hướng cho phát triển bền vững trong thế kỷ 21

Thứ năm - 15/04/2010 17:31
Kinh tế học bền vững đang trong quá trình phát triển, nó được phát triển từ Kinh tế học và Khoa học của sự phát triển bền vững (đặc biệt Kinh tế sinh thái và Kinh tế môi trường thế hệ mới)

 

Tóm tắt: Yếu tố “Kinh tế” trong hai mươi năm qua đã trở thành một nguyên tắc thống lĩnh toàn bộ đời sống công cộng. Trong đó, chính sách đã mất đi phần nào chức năng điều hành của mình. Hệ quả của nó là dẫn đến suy thoái và khủng khoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường tràn lan và trầm trọng, khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, … Trước thực tế này, GS. TS. Holger Rogall, chuyên nghiên cứu về Kinh tế môi trường mới  và nay là Kinh tế học bền vững  của Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức), từng là nghị sỹ Viện dân biểu của thành phố Berlin trong các nhiệm kỳ 1991-2001, 2004-2006, nêu ra quan điểm là đã đến lúc chín muồi để chúng ta từ bỏ tư duy kinh tế và dành công sức cho xây dựng một nền kinh tế mới, một nền kinh tế phát triển bền vững. Trong bài báo này xin giới thiệu toàn bộ mười quan điểm chính của đề xuất được trình bày tại hội thảo “Kinh tế học bền vững” do tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung của Đức (văn phòng tại Hà Nội) kết hợp với Đại học Thủy lợi tổ chức vào hai ngày 05 và 06.04.2010 tại Hà Nội.

Các từ khoá: Kinh tế học, phát triển bền vững

1. GIỚI THIỆU

Trong gần 250 năm qua việc tăng trưởng tối đa lợi nhuận và sản xuất hàng hóa luôn là một trọng tâm kinh tế. Những thất bại trầm trọng của thị trường ở cả ba khía cạnh của phát triển có tương lai (sinh thái, kinh tế, văn hóa – xã hội) đã không được xem xét hoặc bị đánh giá thấp. Điều này đã được các nhà khoa học phát hiện tương đối sớm. Ngay từ năm 1967 E.J. Mishan đã cảnh báo chi phí của sự phát triển kinh tế và “thảm họa của sự phát triển”. Tiếp đến, các tác phẩm “Blueprint for survival” (Edward Goldsmith & Robert Allen, 1972), “Only one Earth: The Care and Maintenance of a Small Planet” (Barbara Ward, 1972), “The limits of Growth” (Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows & Jøgen Randers, 1972) ra đời vào lúc Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường con người được tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển). Sau đó, E.F. Schumachers đưa ra tác phẩm “Small is beautiful” về “Kinh tế học phật giáo” và được các nhà phật giáo nổi tiếng khác hưởng ứng về đề xuất thay đổi mục đích động cơ trong cạnh tranh và kêu gọi “hãy nhu đi” nền kinh tế theo tinh thần của phật học. Cùng với luận điểm này là đề ra học thuyết tránh sử dụng bạo lực và kêu gọi sự đồng cảm. Nó trở thành đối lập với tính vị kỷ của con người trong một nền kinh tế thị trường tư bản. Có kêu gọi sự đồng cảm của con người với các loài thú vật khác và từ đó kêu gọi con người hãy gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên.

Xét về phương diện các vấn đề toàn cầu vào đầu thế kỷ 21 (như biến đổi khí hậu, đói nghèo, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, công bằng trong phân phối) thì kinh tế truyền thống với tầm nhìn thiển cận phải được chuyển sang kinh tế mới với tầm nhìn dài mà trong đó phải học cách tôn trọng những khả năng chịu đựng của thiên nhiên và các nguyên tắc công bằng. Loại kinh tế như vậy được gọi là „Kinh tế bền vững“ hay “Kinh tế học bền vững”. Số đông các nhà kinh tế truyền thống (kể cả các nhà kinh tế môi trường) trên cơ sở những mẫu hình và giáo lý của mình có thể có những đóng góp chưa đầy đủ vì sự phát triển của một Kinh tế học có khả năng sống còn trong tương lai. Kinh tế sinh thái đã xóa bỏ một phần lỗ hổng này và Kinh tế học bền vững xây dựng ngôi nhà của mình trên chính những nền tảng nhận thức này. Cho đến nay, Kinh tế sinh thái vẫn tập trung nhận thức của mình vào vấn đề liệu các giới hạn về khả năng chịu đựng của thiên nhiên còn có thể đảm bảo được nữa không. Để đảm bảo các nguyên tắc đạo đức cơ bản của phát triển bền vững, sự công bằng nội và liên thế hệ cũng như trách nhiệm thì Kinh tế học bền vững vẫn phải tiếp tục phát triển và nghiên cứu để làm sao có thể đạt được một cách đầy đủ ở mức cao trong khuôn khổ khả năng chịu đựng của thiên nhiên (Định nghĩa phát triển bền vững). Đến chừng mực nào đó thì chúng ta coi Kinh tế học bền vững như một phát triển tiếp theo của Kinh tế sinh thái.

Về khoa học bền vững thì từ năm 1970 đã có nhiều trường phái hình thành chuyên i nghiên cứu việc sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện cho phát triển bền vững (tiếng Anh, Sustainable Science). Trong công trình nghiên cứu của mình, GS. TS. Holger Rogall lấy trường phái định hướng kinh tế làm trọng tâm. Đặc biệt quan trọng là: (0) Kinh tế môi trường tân cổ điển (hình thành trong những năm 1970) chỉ có thể coi là một phần của của khoa học bền vững, song được coi là tiên phong quan trọng, (1) Kinh tế sinh thái (trong những năm 1980), (2) Kinh tế môi trường thế hệ mới là một trường phái nhỏ của Kinh tế sinh thái (trong những năm 1990), (3) Trường phái tiếp cận của Greifswald (GA, Ott; Döring 2004), (4) Nội dung bền vững được tích hợp của tổ chức Helmholtz-Gesellschaft thuộc trung tâm nghiên cứu của Đức (HGF-Ansatz; Kopfmüller u. a. 2001, Kopfmüller 2006), (5) Sinh thái học công nghiệp (trong những năm 1990, Isenmann; Hauff 2007). Những trường phái này đã cung cấp những đóng góp quan trọng cho Khoa học bền vững, mà sau đó được Kinh tế học bền vững tiếp nhận và tổng hợp dưới một mái nhà chung, như vậy nó có thể trở thành một phương án đối sánh thực sự đối với Kinh tế môi trường tân cổ điển.

Trong bài báo này xin giới thiệu toàn bộ mười quan điểm chính được GS. TS. Rogall trình bày tại hội thảo “Kinh tế học bền vững” do tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung của Đức tại Hà Nội kết hợp với Đại học Thủy lợi tổ chức vào ngày 05 và 06.04.2010 tại Hà Nội.

2. MƯỜI QUAN ĐIỂM CỦA KINH TẾ HỌC BỀN VỮNG THEO ROGALL

Kinh tế học bền vững đang trong quá trình phát triển (tham khảo trang web về Kinh tế học bền vững, www.Nachhaltige-Oekonomie.de). Nó được phát triển từ Kinh tế học và Khoa học của sự phát triển bền vững (đặc biệt Kinh tế sinh thái và Kinh tế môi trường thế hệ mới). Theo trang Web, nó được định nghĩa là „Lý thuyết kinh tế của nghiên cứu bền vững mà có chú ý đến các cơ sở can thiệp của đa chuyên ngành“. Trọng tâm ở đây là vấn đề làm sao có thể đạt được chuẩn mực về kinh tế, sinh thái và văn hóa – xã hội trong giới hạn khả năng chịu đựng của thiên nhiên, cũng như đảm bảo thực thi nguyên tắc công bằng nội và liên nhiều thế hệ. Ở đây, mạng lưới Kinh tế học bền vững trước hết giải thích mười phát biểu cơ bản sau (hiện đang thảo luận chi tiết về việc mở rộng thành 12 hay 14 phát biểu chính):

(1) Tính bền vững mạnh: Sự phát triển hiện nay của con người được coi là không có tương lai, Kinh tế học bền vững chính vì vậy nhìn thấy sự cần thiết phải có một mẫu hình mới và được công nhận ở một vị trí có tính bền vững mạnh. Như vậy kinh tế được coi là một hệ thống thành phần của thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên mà phần lớn không thể thay thế được. Mô hình với ba trụ cột mà xuất phát từ đồng giá trị của các đại lượng mục tiêu (không có giới hạn tuyệt đối của thiên nhiên), bị từ chối và thay vào đó là công nhận giới hạn tuyệt đối của thiên nhiên. Việc gìn giữ bảo tồn lâu dài là trọng tâm nghiên cứu, chứ không phải đi nghiên cứu sử dụng tối ưu các tài nguyên thiên nhiên.

(2) Cơ sở tiếp cận đa trường phái và có giới hạn, khi tiếp nhận một số phương diện riêng biệt của kinh tế môi trường tân cổ điển. Kinh tế học bền vững nhận thấy trách nhiệm trước việc tiếp cận theo trường phái đa phương pháp. Như vậy nó chấp nhận những kiến thức nhất định của kinh tế học và kinh tế môi trường truyền thống (ví dụ những phương pháp luận giải thích về mặt kinh tế – xã hội của việc sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên và từ đó đưa ra những thảo luận về sự cần thiết áp dụng các công cụ pháp lý – chính sách).

(3) Tiếp tục phát triển kinh tế truyền thống và kinh tế sinh thái thành kinh tế học bền vững: Kinh tế học bền vững yêu cầu về việc thay đổi cơ bản các nội dung giảng dạy trong kinh tế xét ở mọi khía cạnh của nó: Kinh tế học bền vững chạm đến giới hạn với hàng loạt các phát biểu của kinh tế tân cổ điển và đòi hỏi cải cách triệt để các nội dung giảng dạy của nó: Nó bắt đầu từ những cơ sở nền tảng và tiếp tục trong những phát biểu đối với chính sách kinh tế quốc dân cho đến những điều kiện toàn cầu vì một xã hội thế giới công bằng. Riêng trong lĩnh vực kinh tế môi trường và chính sách môi trường thì trước hết nên xem nhẹ tính độc lập của người tiêu dùng mà được tuyệt đối hóa, tính chiết khấu những chi phí và lợi ích trong tương lai của các biện pháp bảo vệ môi trường, sự thay thế bất kỳ của tất cả hay toàn bộ các tài nguyên thiên nhiên, vị trí kém bền vững và nhiều vấn đề khác. Trong khi đó, phương diện công bằng nên được coi trọng hơn.

(4) Những phát biểu chính và tranh luận về Kinh tế học bền vững: Những phát biểu chính của kinh tế học đều dựa vào những kiến thức của khoa học bền vững (Sustainable Science). Trung tâm của tranh luận là làm thế nào để thực thi một cách đầy đủ các tiêu chuẩn sinh thái, kinh tế và văn hóa – xã hội trong giới hạn về khả năng chịu đựng của thiên nhiên cũng như đảm bảo nguyên tắc công bằng nội và liên thế hệ. Trong đó, kinh tế học bền vững không còn là một lý thuyết tĩnh nữa, đúng hơn là thấy được sự cần thiết cho những quá trình thảo luận tiếp theo cũng như việc mở rộng sự quan tâm về kiến thức mà phù hợp với sự phát triển toàn cầu. Ở đây tồn tại một loạt những tranh luận cần được giải thích. Một tranh luận trọng tâm là liệu có thể thay thế mẫu hình tăng trưởng truyền thống bằng mẫu hình phát triển bền vững: Vì không thể tiếp tục duy trì tăng trưởng theo hàm mũ với nhu cầu ngày càng tăng trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua, việc thay thế mẫu hình tăng trưởng hôm nay bằng mẫu hình phát triển bền vững là tiền đề quan trọng cho một phát triển có tương lai. Về việc xây dựng trung hạn thì trước hết có những ý kiến khác nhau (phương pháp ổn định với chỉ tiêu GDP không đổi thay vì phát triển có lựa chọn mà trong đó việc tiêu dùng tài nguyên giảm mặc dù vẫn đảm bảo phát triển kinh tế). Một phát triển có lựa chọn cần phải đạt được thông qua việc thực thi các chiến lược hiệu quả, bền bỉ và đầy đủ.

(5)  Một phát triển bền vững và kinh tế dựa vào những nguyên tắc đạo đức và như vậy đòi hỏi về trách nhiệm và hành động cá nhân: Nằm ở trung tâm là những giá trị cơ bản của sự công bằng và trách nhiệm nội và liên thế hệ. Thêm vào đó là việc công nhận những nguyên tắc quan trọng tiếp theo: nguyên tắc phòng xa ngăn ngừa và những nguyên tắc dân chủ có sự tham gia và đoàn kết, cũng như một nhà nước pháp quyền. Từ đó đưa ra sự cần thiết của một quá trình thảo luận và tham gia cũng như tiếp nhận thêm các phương diện đặc trưng về giới. Như vậy đưa ra yêu cầu về việc nghiên cứu kỹ hơn hình ảnh con người vốn được sử dụng trong kinh tế truyền thống, song bị coi là phi thực tế thông qua hàng loạt các nghiên cứu trong lý thuyết trò chơi và nghiên cứu về não bộ của con người, và thay vào đó là hình ảnh một con người hiện thực hơn, mà lưu ý hơn đến tiềm năng hợp tác của các hành động của con người (homo cooperativus) và tính phi đồng nhất của nó. Tiếp đến những tiềm năng cần phải được định hướng hành động bền vững, trong đó ở vị trí trung tâm là tiêu dùng bền vững, nó đóng góp cho sản xuất và lối sống bền vững.

(6) Phương pháp liên xuyên ngành: Kinh tế học bền vững muốn vượt qua nghiên cứu thuần túy về kinh tế và đi phân tích các quá trình kinh tế trong khuôn khổ sự liên quan về xã hội – sinh thái. Ở đây, việc sử dụng các kiến thức cũng như hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

(7) Sự cần thiết phải thay đổi các điều kiện khung bằng các công cụ pháp lý – chính sách: Với sự hỗ trợ của các công cụ chính sách – pháp lý thì các điều kiện khung được thay đổi, như vậy hành vi bền vững của người tiêu dùng và nhà sản xuất có lợi hơn so với hành vi đang diễn ra hiện nay. Ở đây nên áp dụng phương pháp tiêu chuẩn – giá cả và phương pháp tính toán đối với hàng hóa công ích.

(8) Sự cần thiết để thực thi khái niệm bền vững, hệ đo lường mới và lĩnh vực chiến lược / hành động của Kinh tế học bền vững: Cần tránh hiện tượng vô nghĩa của khái niệm bền vững cần bằng cách định nghĩa về các nguyên tắc, qui tắc quản lý và các hệ thống đo lường mới đối với mức độ bền vững và chất lượng của cuộc sống. Khác với kinh tế truyền thống khi chất lượng cuộc sống và phúc lợi (đo lường bằng chỉ tiêu GDP tính cho đầu người) được coi như nhau thì kinh tế học bền vững cần có những hệ mục tiêu và chỉ số đánh giá.

(9) Trách nhiệm toàn cầu: phải công nhận là những điều kiện trung tâm đối với phát triển bền vững, đó là: Đưa ra một khung trật tự toàn cầu (với sự điều tiết của các thị trường tài chính, kể cả thuế đối với những hàng hóa môi trường toàn cầu và các tiêu chuẩn tối thiểu về sinh thái – xã hội, …). Giảm nhu cầu tiêu dùng tài nguyên tính theo đầu người của các quốc gia công nghiệp xuống chỉ còn 80-95% cho đến năm 2050, và giảm việc gia tăng dân số của các nước đang phát triển. Trong đó phải chấp nhận một thực tế là các quốc gia công nghiệp do có quá trình phát triển lịch sử trước đó và có nhiều khả năng lớn nên phải có trách nhiệm đặc biệt đối với việc thực thi sự công bằng đa thế hệ, đối với sự bền vững toàn cầu và các quan hệ đúng mức trong thương mại.

(10) Một nền kinh tế thị trường hay nền kinh tế hỗn hợp bền vững về (xã hội – sinh thái): Đại diện của Kinh tế học bền vững bác bỏ một nền kinh tế thị trường thuần túy cũng như nền kinh tế quản lý tập trung, họ hoàn toàn có thể chứng minh được là chỉ hệ thống kinh tế thị trường với một khung trật tự bền vững thì còn có tương lai. Tiếp đến, chính sách phải can thiệp tích cực để đảm bảo được sự phát triển bền vững và giảm các hậu quả của thất bại thị trường. Ở đây, tam giác mục tiêu quen thuộc của luật ổn định của Đức được bổ sung thêm một loạt các mục tiêu tiếp theo và yêu cầu việc cải tổ bền vững xã hội công nghiệp. Để tăng tốc cho quá trình chuyển đổi xã hội công nghiệp sang nền kinh tế bền vững thì phải lựa chọn các lĩnh vực chiến lược / hành động trọng tâm mà trong đó quá trình chuyển đổi này được thực thi làm ví dụ minh họa (chính sách kinh tế, năng lượng, giao thông, nông nghiệp và bảo tồn tài nguyên, xây dựng sản phẩm một cách bền vững). Những yêu cầu tiếp theo – mà có nhu cầu thảo luận tiếp – là những thay đổi về mặt thể chế và quyền tài sản (ví dụ việc chuyển từ công ty cổ phần sang hợp tác xã, các tổ chức và doanh nghiệp cộng đồng cũng như việc thành lập mới cũng như sự thay đổi các điều nluật chứng khoán). Điều này hoàn toàn đúng đối với yêu cầu về một chính sách tiền tệ, tài chính và ngoại tệ bền vững.

3. KẾT LUẬN

Cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu đã đưa chúng ta đến điểm dừng để nhìn lại một cách có phân tích và khoa học về quá trình phát triển kinh tế bằng mọi giá và vai trò của kinh tế học truyền thống. Nếu tiếp tục con đường mòn này thì con người sẽ không còn tương lai. Con đường duy nhất là chuyển sang phát triển bền vững và kinh tế học bền vững phải đóng vai trò quan trọng. Tác giả của mười luận điểm là nhà tiên phong, đã đặt những viên gạch nền móng cho một tòa nhà mới trong tương lai. Ở nước ta, trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XII (10.2009) thì Chính phủ có đề cập đến việc khẩn trương xây dựng, thực hiện một bước đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị nội địa của từng sản phẩm và của toàn bộ nền kinh tế. Thiết nghĩ mười quan điểm về kinh tế học bền vững nêu trên có thể góp phần “xanh hóa” và “bền vững hóa” đề án tái cấu trúc nền kinh tế này và điều quan trọng là từng bước lái nền kinh tế Việt Nam sớm vào quĩ đạo phát triển có hiệu quả và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sử dụng và trích dẫn từ nhiều bài báo, giáo trình và sách của GS. Holger Rogall cũng như nhiều tác giả khác, đặc biệt “Langfassung der zehn Kernaussagen der Nachhaltigen Ökonomie”, tham khảo trang http://www.holger-rogall.de

Karl-Heinz Brodbeck, Beiträge zur Grundlegung einer buddhistischen Ökonomie - Vorträge und Aufsätze, Gröbenzell 2007

James Robertson, The new economics of sustainable development – A briefing for policy makers, a report for the European Commission, 2005

“SUSTAINABLE ECONOMICS” – THE NEW ECONOMIC THINKING ORIENTED FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN 21st CENTURY”

Prof. Dr. Holger Rogall1) and Assoc. Prof. Dr. Sc. Nguyen Trung Dung2)

1)    Applied university of Economics and law Berlin

Zehntwerderweg 124a

D-13469 Berlin, CHLB Đức

http://www.holger-rogall.de/   và holger.rogall@hwr-berlin.de

2)    Water Ressources University

175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

ntdzung990@gmail.com

Abstract: “Economics” in the last twenty years has become a principle dominating the whole public life and the policy has losses a part of own operation. The consequences are degradation and economic crisis, serious environmental pollution anywhere, overuse of natural resources, climate change … Therefore Prof. Holger Rogall, dealing with new environmental economics and sustainable economics in Applied University for Economics and Law Berlin (Germany), was member of Berlin Parliament in period of 1991-2001, 2004-2006, thinks that it is ripe time to end the economic thinking and we need work for a new economy, a sustainable economy. In this article, we introduce the ten main theses which were presented in the Workshop “Sustainable Economics”, organized by Rosa Luxemburg Stiftung (Office in Hanoi) and Water Resources University in two days 05 and 06. April 2010 in Hanoi.

Key words: Economics, sustainable development

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây