Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 quy định về tài chính về khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, Dự thảo đã luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg về phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đấu giá tài sản.
Xác định tương đối giá trị của mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia và doanh nghiệp.
TS. Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Kinh tế địa chất, khoáng sản cho biết: Theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu giá, đấu giá là hình thức bán tài sản. Như vậy, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là nhà nước đem bán “quyền khai thác khoáng sản” trong khu vực đấu giá. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, đấu giá được tiến hành ở khu vực chưa có kết quả thăm dò và ở khu vực đã có kết quả phê duyệt trữ lượng.
“Thực tế cho thấy, với khu vực chưa có kết quả thăm dò lượng thông tin về khoáng sản cũng như các yếu tố kèm theo đang rất sơ sài, có thể nói là mơ hồ. Vì vậy, việc tiến hành đấu giá sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả nhà nước và doanh nghiệp trúng đấu giá. Thực tế đã xảy ra đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013, khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do đó, không nên đem khối tài sản của toàn dân đem ra đấu giá trong khi đang rất mơ hồ về giá trị của tài sản đó”, TS. Lê Ái Thụ nhấn mạnh.
Đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả phê duyệt trữ lượng, ông cho rằng không có tính khả thi vì trong thực tế hầu như không còn những khu vực như vậy, bởi vì các khu vực đã được phê duyệt trữ lượng đều đã có chủ.
Chủ tịch Hội Kinh tế địa chất, khoáng sản cho hay tài nguyên khoáng sản cũng như một số tài nguyên thiên nhiên khác, theo quy định của hiến pháp là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, để tài sản của toàn dân được sử dụng một cách có hiệu quả, phục vụ cho phát triển đất nước, cho lợi ích của toàn xã hội thì cần thiết phải tiến hành đấu giá. Việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá là phương pháp tối ưu nhất trong việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực không chỉ về mặt tài chính mà còn có cả năng lực chuyên môn, năng lực về công nghệ, thị trường... Tuy nhiên, đấu giá theo quy định hiện hành thì khó tìm được nhà đầu tư phù hợp cũng như đáp ứng được yêu cầu về sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản có hạn của đất nước.
Để triển khai đấu giá bảo đảm được các yêu cầu trên, theo TS. Lê Ái Thụ, nhà nước (cơ quan đại diện chủ sở hữu) cần xác định được tương đối về giá trị khối tài sản của mình trước khi đem ra đấu giá.
Chỉ quy định đấu giá loại khoáng sản đơn giản, dễ thực hiện như vật liệu xây dựng thông thường
Đồng tình với quan điểm của TS. Lê Ái Thụ về việc cần đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An và đại diện Hiệp hội đá trắng Yên Bái cho rằng chỉ nên quy định đấu giá quyền khai thác đối với một số loại khoáng sản cụ thể.
Theo ông Tống Minh Hiểu, đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là chủ trương nhằm minh bạch trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá cần được xem xét, nhìn nhận lại để bảo đảm đúng với bản chất của loại tài sản đưa ra đấu giá.
Cụ thể, đấu giá quyền khai thác khoáng sản chủ yếu là đấu giá ở những khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản. Như vậy, thông tin, số liệu về trữ lượng cấp tài nguyên đưa ra đấu giá từ kết quả điều tra đánh giá có mức độ tin cậy rất thấp; điều này, sẽ phát sinh những hệ lụy pháp lý như: Dữ liệu đưa ra đấu giá có tính chất rất đặc thù; sai số trữ lượng khi doanh nghiệp trúng đấu giá, tiến hành thăm dò mà không tìm ra trữ lượng theo như thông tin dự báo thì trách nhiệm pháp lý thuộc về cơ quan/tổ chức nào?
Trong trường hợp thăm dò và đánh giá trữ lượng, tổng khoáng sản có ích không đủ điều kiện thực hiện dự án, do không có hiệu quả kinh tế, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp khi đã bỏ chi phí đầu tư thăm dò và thực hiện các thủ tục hành chính để tiến hành thăm dò; nếu không có trữ lượng, dự án không thể triển khai được thì số tiền đặt cọc đấu giá có được hoàn lại không? Đây là rủi ro vô cùng lớn của doanh nghiệp.
Một trường hợp khác, khi thăm dò có trữ lượng lớn, thì đương nhiên doanh nghiệp phải nộp tiếp phần cấp quyền khai thác cho trữ lượng được đánh giá và phê duyệt sau khi đã trừ đi phần tiền đã đặt cọc khi tham gia đấu giá – Nhà nước vẫn quản lý theo dữ liệu đánh giá.
Ngoài ra, một hệ lụy pháp lý khác là khi thăm dò có trữ lượng khoáng sản nhưng không thể khai thác do không giải phóng mặt bằng để giao đất, cho thuê đất thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp khi đã bỏ chi phí rất lớn cho đầu tư thăm dò và thực hiện các thủ tục hành chính để cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản. Điều này xảy ra do hoạt động khoáng sản còn chịu sự điều chỉnh của các Luật khác liên quan (Đất đai, Quy hoạch, Lâm Nghiệp…)
Ông Tống Minh Hiểu cho rằng chính sách đấu giá có thể đẩy rủi ro về pháp lý và rủi ro về tài chính cho doanh nghiệp nên không thể thu hút được và không thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế này.
Theo ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Đá hoa trắng Lục Yên (Yên Bái), thực tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy đấu giá quyền khai thác đối với một số loại khoáng sản, số mỏ được cấp phép và đưa vào khai thác còn khiêm tốn. Vì vậy, Hiệp hội Đá hoa trắng Yên Bái đề nghị chỉ xem xét, quy định đấu giá quyền khai thác đối với một số loại khoáng sản như vật liệu xây dựng thông thường là cát sỏi lòng sông, vật liệu san lấp... (loại khoáng sản có tính chất ít biến động về trữ lượng, điều kiện khai thác, chế biến, sử dụng và dễ tiêu thụ thuận lợi; không đòi hỏi cao về công nghệ khai thác cũng như chế biến).
Mai Đan
(Theo monre.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn