Hợp tác khoáng sản Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế
Trước xu hướng vận động, các quốc gia ngày càng hòa nhập sâu vào dòng chảy của hội nhập. Việt Nam không thể đứng ngoài tiến trình phát triển, nếu không sẽ rơi vào trạng thái cô lập, tụt hậu. Tuy nhiên, hợp tác cũng dễ trở thành “con dao hai lưỡi” nếu nước ta không chủ động, dự báo trước những khó khăn, tác động của quá trình hội nhập cho từng lĩnh vực, mỗi giai đoạn nhất định. Sau 15 năm thành lập, đến năm 2017, ngành TN&MT đã có quan hệ hợp tác song phương với 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tham gia và ký kết 133 văn kiện hợp tác quốc tế, với 34 dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính từ quốc tế với tổng giá trị hơn 8.800 tỷ đồng (Monre, 2017).
Hợp tác trong hoạt động khoáng sản ở Việt Nam sớm được chú trọng, xây dựng được mối quan hệ với nhiều tổ chức, quốc gia, khu vực có nền công nghiệp khai khoáng hiện đại như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Canada… góp phần đưa nền công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản ra nước ngoài như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam... Tại Lào đã có 46 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản với tổng vốn đầu tư là 118 triệu USD, quy mô bình quân dự án 2,5 triệu USD, đây là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất tại Lào (PGS.TS. Kim Ngọc: “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào”).
Tăng cường hợp tác khoáng sản trong AEC
AEC là một trong những trụ cột của Cộng đồng ASEAN, ra đời nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong khối tiếp cận các yếu tố về vốn, công nghệ, thị trường và lao động. Quan hệ trong ASEAN được gia tăng, liên kết hội nhập giữa các quốc gia ngày càng cao, đưa AEC trở thành “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thương mại giữa các nước trong khối ASEAN có những thay đổi trong giai đoạn vừa qua. Từ năm 2005 đến năm 2015, giá trị thương mại hàng hoá giữa các nước ASEAN có xu hướng ngày càng tăng: Xuất khẩu nội khối ASEAN tăng khoảng 87% và nhập khẩu tăng khoảng 69%; Xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn hơn so với nhập khẩu trong cán cân thương mại khu vực nội khối ASEAN, tính trung bình đạt 55% (Ban Thư ký ASEAN). Năm 2017 tăng trưởng GDP vượt mức dự kiến, đầu tư, xuất khẩu tăng cao. Mức tăng trưởng chung của các nước ASEAN năm 2017 ước đạt 5,5%, nhanh nhất kể từ quý IV/2012 (Bộ Công thương, 2017).
Khu vực ASEAN giàu tài nguyên khoáng sản và năng lượng, là cơ sở và động lực để tạo ra sự liên kết, thúc đẩy sự phát triển của ngành khai khoáng, góp phần để AEC đạt được mục tiêu vào năm 2025. Kế hoạch thực hiện của cam kết sẽ tập trung: (i) Ưu tiên các hoạt động hợp tác trong Kế hoạch hành động và đảm bảo các nguồn lực tài chính để thực hiện; (ii) Tăng cường phát triển khoáng sản thông qua trao đổi kiến thức, chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trong phát triển khoáng sản thân thiện với môi trường, thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng xanh, công nghệ và phát triển khai thác xanh trong ASEAN để đảm bảo sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; (iii) Tăng cường hợp tác về xây dựng năng lực cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản và phát triển lao động có kỹ năng.
Số liệu World Bank cho thấy, đóng góp của tô tài nguyên khoáng sản vào tỉ trọng GDP của các nước trong khối ASEAN có xu hướng gia tăng, mức đóng góp vào GDP vào khoảng 2% hoặc ít hơn. Trong đó tô tài nguyên khoáng sản trong tỉ trọng GDP lớn nhất là Lào với tỉ lệ đóng góp từ 3,7% năm 2005 lên 6,7% năm 2015. Ngược lại Indonexia đã có xu hướng giảm về tô khoáng sản từ 2,056% năm 2005 xuống còn 0,525% năm 2015.
AEC khi đi vào hoạt động, lĩnh vực khoáng sản Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định. Số liệu của Bộ Công thương về xuất nhập khẩu, tỉ trọng thương mại của nhóm nhiên liệu và khoáng sản sau năm 2016 bị sụt giảm so với năm 2015 với kim ngạch xuất khẩu là 29 triệu USD, năm 2017 đã từng bước được khôi phục khi kim ngạch tăng so với năm 2016 là 25,9 triệu USD, trong đó có sự đóng góp của than đá; quặng và khoáng sản khác góp phần tích cực đóng góp vào mức tăng chung của thị trường xuất khẩu Việt Nam vào khu vực ASEAN.
Chính sách khai khoáng ở Việt Nam và khả năng thích ứng với hội nhập AEC
Chính sách khai thác khoáng sản ngày càng được chú trọng và từng bước được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tự nhiên. Từ Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII ban hành ngày 01/3/1996 về “Định hướng Chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010” đến Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được thể chế hóa bằng các văn bản thông qua Luật Khoáng sản 1996, tiếp đến là Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới luật. Chiến lược phát triển khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 đã chỉ rõ Khoáng sản Việt Nam là tài nguyên không tái tạo, có trữ lượng hạn chế, vì vậy phải được điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, kết hợp phát triển. Chính sách đảm bảo khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện thông qua: các chính sách về quy hoạch, chính sách về tài chính (thuế và phí các loại, đấu giá hoặc thu tiền cấp quyền, các chính sách về ưu đãi đầu tư công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản…).
Chính sách khoáng sản có nhiều nguyên nhân hạn chế do: (i) tiến độ ban hành văn bản dưới luật vẫn còn chậm; (ii) một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản còn bất cập; (iii) chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa cao. Cùng với đó quá trình thực thi chính sách còn gặp nhiều bất cập: (i) phân cấp quản lý chưa khoa học, sự phối hợp quản lý, trao đổi thông tin giữa các Bộ Ngành chưa hiệu quả; lực lượng cán bộ chuyên trách ở địa phương về khoáng sản còn ít dẫn đến thực thi quản lý khoáng sản chưa đầy đủ (ii) khoa học công nghệ còn lạc hậu; (iii) minh bạch trong khai thác khoáng sản của Việt Nam còn thấp. Xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng chặt chẽ, hợp tác trong AEC về lĩnh vực khoáng sản tiếp tục được chú trọng. Chính sách khoáng sản Việt Nam sẽ chịu tác động từ các xu hướng: (i) gia tăng dự trữ và hạn chế xuất khẩu khoáng sản; (ii) tăng cường kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia trên thế giới; (iii) sự thay đổi công nghệ và tiêu dùng đến tài nguyên khoáng sản; (iv) cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gia tăng các cuộc xung đột liên quan đến tài nguyên khoáng sản; (v) xu hướng xóa bỏ thuế quan trong hội nhập kinh tế.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách khai thác khoáng sản
(i) Xây dựng đồng bộ chính sách khai thác khoáng sản phù hợp cam kết quốc tế
Rà soát sửa đổi, điều chỉnh các chính sách liên quan tới quản lý, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản đảm bảo tính rõ ràng. Tăng cường kiểm soát chất lượng công tác xây dựng để kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính để ngày càng hoàn thiện văn bản pháp luật về khoáng sản. Giảm thiểu những bất cập, sai sót, chồng chéo, tiêu cực, không khả thi, phiến diện, mang tính cục bộ, có khuynh hướng bảo hộ cho lợi ích nhóm.
Quy định rõ ràng về các loại khoáng sản cho phép xuất khẩu thông qua Danh mục cụ thể, đồng thời nêu rõ lộ trình cắt giảm việc xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô. Để nâng cao hiệu quả nguồn thu trong khai thác khoáng sản cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về phương pháp tính, mức thu, quản lý nguồn thu phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng tăng thuế suất đối với thuế tài nguyên và giảm thuế suất đối với thuế xuất khẩu khoáng sản. Xây dựng hệ thống thông tin về trung tâm dữ liệu về hoạt động khoáng sản, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột lợi ích trong khai thác, sử dụng khoáng sản, tạo ra cơ sở pháp lý cho xã hội có thể giám sát thực hiện các chính sách nghĩa vụ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
(ii) Đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong khai thác khoáng sản
Có chính sách về tài chính và nhân lực trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ về thăm dò, điều tra và chế biến sâu khoáng sản. Ban hành các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đổi mới công nghệ khai thác, chế biến, xử lý khoáng sản, nguyên liệu thô. Có chính sách thuế quan hợp lý đối với các công nghệ sản xuất sản phẩm “tinh” trong khai khoáng. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp liên quan. Sử dụng các dây chuyền sản xuất công nghệ và kỹ thuật chế biến tiên tiến từ các nước có ngành công nghiệp phát triển trong và ngoài khu khu vực AEC. Kiên quyết loại bỏ và không chấp thuận đầu tư khai thác mới cho các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, hệ số thu hồi khoáng sản thấp, gây ô nhiễm môi trường, quy mô bé, không có đủ năng lực tài chính để áp dụng những dây chuyền sản xuất hiện đại.
(iii) Nâng cao hiệu quả quản trị, thực thi chính sách và quản lý nguồn thu trong khai thác khoáng sản
Tăng cường hiệu quả về quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt. Tăng cường thanh - kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến môi trường và sinh kế người dân tại những khu vực khai thác mỏ. Rà soát tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân để phân loại, đánh giá thực trạng khai thác của từng mỏ về mức độ tuân thủ pháp luật, thống kê trữ lượng khai thác phục vụ thu tiền cấp quyền khai thác nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Có chế tài xử phạt, răn đe với các hoạt động xuất khẩu trái phép và gian lận chất lượng, chế biến bất hợp pháp. Ban hành quy chế minh bạch thông tin trong các hoạt động khoáng sản. Theo dõi, dự báo về giá, diễn biến nhu cầu khoáng sản trên thế giới và tác động giá xuất khẩu khoáng sản Việt Nam để có chính sách điều chỉnh sản lượng xuất khẩu, định hướng điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên kịp thời và phù hợp đối với các dạng khoáng sản.
(iv) Một số giải pháp khác
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng trong hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Phổ biến và nâng cao kiến thức về các diễn biến, xu hướng chính sách khoáng sản của các nước trong và ngoài AEC. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng như cho lãnh đạo doanh nghiệp để nắm rõ những quy định thực thi và lộ trình mà Việt Nam đã cam kết. Thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, diễn đàn với các doanh nghiệp, đối tác trong hoạt động khoáng sản. Đẩy mạnh hình thức khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến về những đóng góp của doanh nghiệp khai khoáng trong AEC đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
CN. Nguyễn Hữu Đạt, TS. Lại Văn Mạnh
(Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Kỳ 1-Tháng 6/2018)
Tài liệu tham khảo
1. The ASEAN Secretariat: “ASEAN Community Progress Monitoring system 2017”, 2017.
2. Bộ Công thương: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 và 2017.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo đề án “Các cơ chế phối hợp trong giải quyết những vấn đề môi trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, 2017.
4. Ban Thư ký ASEAN: “Bản Kế hoạch chi tiết cho Tăng trưởng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015: Tiến trình và Thành tựu chính”, 2015.
5. Tham luận tại hội thảo: “Đánh giá 05 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 2017.
6. Viện CODE, thực trạng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản: trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn