Nghiên cứu ban đầu cơ sở lý luận về chia sẻ tài nguyên nước nhằm đề xuất xây dựng dự án về chia sẻ tài nguyên nước công bằng, hiệu quả các nguồn nước hiện có tại Việt Nam

Thứ hai - 12/09/2011 20:09
Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội và là một thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái. Nước phân bố trên thế giới rất không đồng đều theo không gian và thời gian. Sự thiếu hụt và phân bố không đều về nguồn nước tạo ra các mâu thuẫn về nước ở các cấp độ địa phương, vùng hay thậm chí ở cấp độ quốc tế.
Bên cạnh đó, sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế sẽ tiếp tục làm gia tăng ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt là gia tăng khan hiếm nguồn nước. Nguồn nước đã và đang ngày càng khan hiếm sẽ dẫn đến mâu thuẫn về chia sẻ lợi ích tài nguyên nước. Không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, xã hội và sinh thái, nước còn được sử dụng tạo ra năng lượng cho sự phát triển tất cả các lĩnh vực  của xã hội. Do đó, không thể quản lý tài nguyên nước theo cách xem xét một mục tiêu đơn lẻ mà phải xét theo các mục tiêu tổng hợp và phải dựa trên các lợi ích của các quốc gia. Trong một quốc gia, các lợi ích này lại bao gồm các lợi ích công cộng, các cộng đồng dân cư, các nhà sản xuất năng lượng và các nhà môi trường. Đây chính là những nội dung nghiên cứu cơ sở lý luận và giải quyết các vấn đề liên quan trong thực tiễn hiện nay của đề tài Nghiên cứu ban đầu cơ sở lý luận về chia sẻ tài nguyên nước nhằm đề xuất xây dựng dự án về chia sẻ tài nguyên nước công bằng, hiệu quả các nguồn nước hiện có tại Việt Nam.


1. Lợi ích và tầm quan trọng của chia sẻ tài nguyên nước

Trong bối cảnh hiện nay, tài nguyên nước là tài nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng với tất cả các lĩnh vực, các đối tượng sử dụng cho các mục đích khác nhau. Chia sẻ tài nguyên nước là công cụ đặc biệt quan trọng cho quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình ra quyết định, phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững. Do vậy, chia sẻ tài nguyên nước đảm bảo hài hòa và hiệu quả giữa các đối tượng sử dụng nước sẽ đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giảm áp lực đối với các cơ quan nhà nước quản lý tài nguyên nước. Lợi ích tiềm năng của chia sẻ tài nguyên nước được thể hiện thông qua: (i) Tăng cường lợi ích kinh tế lâu dài từ việc sử dụng nước; (ii) Cải thiện về mặt xã hội; (iii) Cải thiện tính bền vững về môi trường và (iv) Giảm áp lực đối với chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.


2. Chia sẻ tài nguyên nước trên thế giới

2.1. Sự thiếu hụt, khan hiếm tài nguyên nước trên thế giới

Sự thiếu hụt, khan hiếm tài nguyên nước trên thế giới ngày càng trầm trọng đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề. Khan hiếm và ô nhiễm nước là nguyên nhân chính gây dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng tài nguyên nước. Trên thế giới, mâu thuẫn về nước là vấn đề mang tính thời sự, chính trị và ngày càng trở nên gay gắt, sau các cuộc đấu tranh về dầu mỏ. Hiện nay trên toàn thế giới có 263 lưu vực sông xuyên quốc gia thuộc 145 nước, chiếm gần nửa diện tích lục địa.

Bảng 1. Các hệ thống sông chính trên thế giới

Sông

Chiều dài

(Km)

Diện tích

lưu vực

(103 Km2)

Tổng lượng dòng chảy hàng năm

(109 m3)

Nile

6,850

3,110

84

Amazon

6,700

7,050

5518

Congo

4,700

3,820

1248

MeKong

4,200

795

470

Niger

4,100

2,274

177

Danube

2,900

816

206

Zambezi

2,700

1,200

223

Rhine

1,320

224

70

Nguồn: “Water sharing in the Nile river Valley” – Diana Rizzolio Karyabwite., 2000

Nước chảy qua ranh giới giữa các quốc gia - do đó “chảy” qua cả các ngành kinh tế, luật pháp, chia cắt nền văn hoá và biên giới quốc gia – chính vì thế nó gây ra các mâu thuẫn gay gắt giữa các đối tượng dùng nước trong khi tìm cách đạt được nguồn nước phục vụ cho lợi ích của mình Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo có đến 300 điểm nóng trên thế giới có nguy cơ xảy ra tranh chấp quân sự liên quan đến việc phân chia nguồn nước.

2.2. Chia sẻ tài nguyên nước trên thế giới

Nhằm giải quyết các mâu thuẫn về trong sử dụng tài nguyên nước, và việc chia sẻ tài nguyên nước một cách hợp lý ở nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành các chính sách, chiến lược lâu dài, nhằm đạt được sự đồng thuận trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên một lưu vực sông. Tuy nhiên, có thể nói rằng, hiện nay trên thế giới, chưa có nhiều nghiên cứu xây dựng một bộ công cụ có thể hỗ trợ để giải quyết các tranh chấp giữa các bên sử dụng nước trên lưu vực sông.

Trong thập kỷ qua, những cuộc tranh luận về mặt chính sách đang ngày càng tăng lên cùng với vấn đề khan hiếm nước và tranh chấp nguồn nước. Tất cả công cụ hệ thống quản lý được thiết lập nhằm điều phối việc khai thác các con sông châu Á sao cho tất cả các bên đều không bị lợi dụng, chèn ép và không bị thiệt, đến nay, đều không hiệu quả, từ Ủy ban Mekong (1957); các hiệp ước Sarada (1920), hiệp ước Kosi (1954), Hiệp ước Gandak (1959) giữa Ấn Độ và Nepal; Hiệp ước nguồn nước Indus giữa Ấn Độ và Pakistan (1960); Hiệp ước sông Hằng giữa Ấn Độ và Bangladesh (1977); đến Thỏa thuận sử dụng nước và năng lượng lưu vực Syr Darya giữa Kazakhstan và Uzbekistan... Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm về chia sẻ tài nguyên nước trên thế giới:

a) Chia sẻ tài nguyên nước tại bang Florida, Alabama và Geogia (Mỹ)

Trong lịch sử về chia sẻ tài nguyên nước giữa 3 bang Florida, Alabama và Geogia (Mỹ) đã có 5 chiến lược phân bổ đối với nước bề mặt được sử dụng. (Draper, 1997; McCormick, 1994; Dumars, 1990). (i) Chiến lược ưu tiên về nhu cầu sử dụng; (ii) Chiến lược hạn chế lưu trữ nguồn nước; (iii) Chiến lược đảm bảo số lượng nước tại một điểm; (iv) Chiến lược về tỷ lệ phần trăm của dòng chảy; (v) Chiến lược hạn chế tiêu thụ tài nguyên nước phân bổ. Và 02 chiến lược về nước ngầm được sử dụng (Cherry và Badr, 1998; Hayton và Utton, 1989): (i) Chiến lược về tỷ lệ thu hồi tối đa tài nguyên nước; (ii) Kế hoạch cạn kiệt nguồn nước. Tuy nhiên, đều không hiệu quả trong giải quyết tranh chấp tài nguyên nước của 3 bang. Các bang cũng đã đồng thuận rằng vấn đề chia sẻ tài nguyên nước là phân bổ lợi ích trong sử dụng nước một cách hợp lý. Năm 2002, Draper đã đưa ra “Các Hiệp định trong mô hình chia sẻ tài nguyên nước cho thế kỷ 21” sau khi nghiên cứu về chia sẻ tài nguyên nước tại 03 bang này. Ông cho rằng bước cuối cùng trong chia sẻ tài nguyên nước hiệu quả là có một tài liệu thể hiện các quyền, đặc quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như cung cấp một cơ chế để quản lý việc chia sẻ tài nguyên nước. Cung cấp ba mô hình chia sẻ tài nguyên nước như là một khuôn khổ cho các thỏa thuận giữa các đối tượng sử dụng nước. Các thỏa thuận này được xây dựng dưới sự đồng thuận của các bên tham gia với các nguyên tắc và mức độ về quyền sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới hiệu quả.

- Hiệp định mô hình phối hợp và hợp tác: nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin, dữ liệu cần thiết để các nước đưa ra quy hoạch phát triển. Các bên tham gia đều quản lý tài nguyên nước theo phạm vi ranh giới của mình.

- Hiệp định mục đích có giới hạn: được thiết kế cho những trường hợp mà các Chính phủ mong muốn duy trì quyền kiểm soát đối với hầu hết các khía cạnh chính việc phát triển tài nguyên nước nội địa nhưng nhận ra hoặc là phải giải quyết cuộc xung đột hiện tại/tiềm tàng hoặc sự cần thiết phải thiết lập hệ thống phối hợp trực tiếp hoặc quản lý bao gồm một dự án chi tiết phát triển tài nguyên nước và chức năng cụ thể trong quản lý tài nguyên nước.

- Hiệp định quản lý nước toàn diện: cung cấp một mô hình lập kế hoạch và quản lý tài nguyên nước toàn diện. Hiệp định về Mô hình này dựa trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước một cách hiệu quả nhất dựa trên quản lý lưu vực sông.

b) Chia sẻ tài nguyên nước tại lưu vực sông Danube

Vấn đề chính trị là vấn đề quan trọng trong thực hiện chia sẻ tài nguyên nước trên thế giới. Những khó khăn thực tế về chia sẻ và cùng quản lý vùng biển quốc tế như tại Dự án Gabčíkovo–Nagymaros (GNP) trong việc chia sẻ tài nguyên nước tại lưu vực sông Danube là đáng công nhận. Kinh nghiệm trong trường hợp GNP, thực tế là yếu tố chính trị để hợp tác là điều kiện tiên quyết đối với hai công cụ để quản lý tranh chấp sử dụng nước, cụ thể là Tòa án Quốc tế, quan trắc môi trường chung và chia sẻ dữ liệu, phản ánh phạm vi giới hạn áp dụng. Luật pháp quốc tế và Tòa án Quốc tế có thể hợp pháp hoá tình trạng hiện tại và do đó khuyến khích các bên tham gia tập trung nỗ lực vào việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn là lãng phí thời gian và nguồn lực để tranh luận về những sự kiện đã xảy ra. Tuy nhiên, Luật pháp quốc tế trong tình trạng hiện nay không thể cung cấp hướng dẫn thực hành cho giải quyết mâu thuẫn trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế không phục vụ cho mục đích hàng hải. Hơn nữa, Tòa án Quốc tế không có khả năng hợp tác chính xác các quốc gia có chủ quyền như được chỉ ra trong nghiên cứu 5 năm cho một thỏa thuận giữa Hungary và Cộng hòa Slovak trên lời giải thích chung của Tòa án Quốc tế phán quyết về trường hợp GNP.

c) Chia sẻ tài nguyên nước tại Pháp

Các nước trên thế giới đặc biệt là Pháp, đã thực hiện Quy hoạch lưu vực sông rất thành công và là một trong những nước có thành tựu lớn trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Tại Pháp, nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra ở cấp địa phương giữa người dân, cơ quan cung cấp nước, dịch vụ công và danh sách môi trường để phân bổ tài nguyên nước giữa các đối tượng sử dụng. Pháp đã xây dựng một số mô hình trong cách tiếp cận đa ngành nhằm giúp cho các cuộc đàm phán giữa các đối tượng sử dụng bằng cách hiển thị những hậu quả của các quy tắc phân bổ nước, từ đó xem xét thái độ và khả năng của họ nhằm thay đổi hành vi của các đối tượng sử dụng nước.

Hệ thống thông tin trong chia sẻ tài nguyên nước của Pháp được đánh giá thực sự hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước. Tất cả các dữ liệu tham khảo của Trung tâm nước Pháp (Sandre) đều được thống nhất một cách chuẩn và công bố rộng rãi từ năm 1993. Sandre là một sáng kiến chung trong Hệ thống thông tin về tài nguyên nước (Sie), của Bộ Sinh thái và phát triển bền vững Pháp thực hiện và quản lý. Hệ thống thông tin về tài nguyên nước bao gồm các Bộ, các cơ quan lưu vực sông, các văn phòng nước, Viện Môi trường công nghiệp và rủi ro quốc gia, Cục Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, các tổ chức điện, cơ quan thời tiết và Văn phòng Quốc tế nước.

Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước của Tổ chức nước quốc tế (OIEau) đã được số hoá và thường xuyên cập nhật từ các trạm quan trắc môi trường đặt trên các lưu vực sông, đảm bảo cung cấp kịp thời, chính xác thông tin cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và cho cộng đồng.

d) Chia sẻ tài nguyên nước tại lưu vực sông Lerma-Chapala

Lưu vực sông Lerma-Chapala ở Mexico nằm ở tây nam cao nguyên Altiplano, đây là một vùng bán khô hạn nhưng nông nghiệp trong vùng là một ngành kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Mặt khác, đây cũng là một vùng đô thị phát triển. Theo hiến pháp của Mexico, Chính phủ đã tiến hành thu phí đối với tất cả các ngành dùng nước trên toàn quốc. Do đó, tính công bằng đã trở thành "chìa khoá" cho sự thành công của việc chia sẻ nguồn nước trên lưu vực sông Lerma-Chapala. Giải pháp quan trọng là giao cho từng hộ sử dụng nước một "quyền được hưởng sự công bằng" có thể thoả mãn họ khi có mâu thuẫn xảy ra. Nói cách khác, giải pháp "thắng - thắng" là nhân tố quan trọng để có thể giải quyết được các mâu thuẫn một cách lâu dài. Từ các vấn đề nảy sinh trên lưu vực, Hội đồng Lưu vực sông đã xây dựng một mô hình động lực học hệ thống.  Mô hình có khả năng: (i) Mô tả một hệ thống phức tạp như một thể thống nhất để có thể tiến hành thực hiện các phân tích; (ii) Cho phép các hộ sử dụng nước trong một vùng có thể tính toán các lợi ích của họ có thể đạt được và so sánh với các lợi ích của các hộ sử dụng nước trong các vùng khác; (iii) Nó cung cấp các phân tích cần thiết để có thể xây dựng một chính sách phân bổ nguồn nước chi tiết trong sử dụng nguồn nước hiệu quả trên lưu vực sông Lerma-Chapala.

e) Chia sẻ tài nguyên nước tại lưu vực sông Nile

Lưu vực sông Nile là một lưu vực rộng lớn với chiều dài vào khoảng 6695 km, nguồn nước của sông được cung cấp phần lớn từ các con sông của Ethiopia, Ai Cập và một số nước khác thuộc Châu Phi. Do kết quả của một loạt các thỏa thuận thời thuộc địa, mục tiêu hàng đầu của Anh ở Đông Phi là bảo vệ Ai Cập, do đó, Cairo có quyền hợp pháp được khai thác 55,5 tỷ m3 nước hàng năm từ sông Nile, trong khi Sudan được quyền có 18,5 tỷ m3 còn lại. Tuy nhiên, tám nước còn lại trong lưu vực sông Nile là Ethiopia, Eritrea, Uganda, Kenya, Tanzania, Uganda, Burundi và Cộng hòa dân chủ Congo đều nằm ở thượng lưu tính từ Ai Cập. Hầu hết các nước này đã có ý kiến về khuôn khổ pháp lý hiện tại không cho phép họ can thiệp vào dòng chảy của sông Nile,. Hiện nay, Uganda và Ethiopia đang dự kiến phát triển một loạt các dự án thủy điện mới. Ban đầu, Ai Cập phản ứng quyết liệt những dự án đó, nhưng hiện nay đã bắt tay vào quá trình xúc tiến hợp tác giữa 10 nước lưu vực sông Nile. Ai Cập nhận ra rằng khó có thể chống lại việc triển khai các công trình thượng lưu và các hiệp định quốc tế làm cơ sở cho những dàn xếp hiện nay sẽ không đứng vững tại bất cứ tòa án quốc tế nào bởi sự bất công bằng trong sử dụng nguồn nước sông Nile. Việc phát triển dân số nhanh trong khu vực và sự khan hiếm nước lâu nay chính là ngòi nổ xung đột tiềm tàng trong khu vực, nhưng tất cả các nước trong khu vực đã hiểu rằng hợp tác là chính sách tốt nhất, chứ không phải là xung đột. “Sáng kiến Lưu vực Sông Nile” (NBI) đã được thành lập nhằm hướng mọi sáng kiến khác tới việc hợp tác thủy lợi trong lưu vực. Một trong những vai trò chủ đạo của NBI trong thời gian tới là đảm bảo tất cả các quốc gia trong lưu vực được hưởng lợi từ các dự án đập thủy điện ở bất cứ quốc gia nào trên lưu vực.

3. Chia sẻ tài nguyên nước tại Việt Nam

3.1. Sự thiếu hụt tài nguyên nước tại Việt Nam

Trước tình hình thiếu hụt, khan hiếm tài nguyên nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức to lớn về mọi mặt do sự thiếu hụt nước gây ra. Việt Nam là quốc gia có lượng mưa trong nước phân bố không đều theo mùa và theo khu vực. Tổng lượng nước mặt trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 tỷ m3 được tập trung vào 13 lưu vực sông lớn bao gồm: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà, sông Lô, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vũ Gia – Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Sê San, sông Srepok và sông Cửu Long.

Theo Kế hoạch Phát triển thủy điện, Chính phủ sẽ phấn đấu tăng sản lượng điện năng từ thủy điện khoảng 21.300 MW và giảm tỷ trọng xuống còn 25% vào năm 2025 (theo EVN), do đó nhu cầu về nước còn rất lớn. Như vậy, việc tăng sản lượng điện năng sẽ gây áp lực đến tài nguyên nước của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Trong khi đó, sự phối hợp giữa thủy điện với các mục đích sử dụng nước khác hiện nay vẫn chưa tốt. Trong khi đó, mâu thuẫn này ngày càng tăng do thiếu cơ chế để giải quyết vấn đề này đặc biệt là vấn đề chia sẻ tài nguyên nước. Những năm gần đây, do các nước vùng thượng nguồn xây dựng các công trình khai thác, phát triển thủy năng với quy mô lớn khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Điển hình cho sự suy kiệt nguồn nước là hai sông Mê Kông và sông Hồng. Cùng với đó, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng và sử dụng lãng phí và khai thác nước ngầm đã đến mức báo động.

3.2. Tình hình chia sẻ tài nguyên nước tại Việt Nam

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã nảy sinh một số tranh chấp, mâu thuẫn tài nguyên nước của một số hệ thống xuyên quốc gia và một số hệ thống trong lãnh thổ Việt Nam. Hợp tác chia sẻ nguồn nước luôn đối mặt với các thách thức. Đặt lợi ích kinh tế, lợi ích quốc gia lên trên, nhiều quốc gia nằm phần thượng nguồn lưu vực, nơi nắm tổng lượng dòng chảy lớn, liên quan đến lượng nước cũng như chất lượng nước, chế độ dòng chảy, sinh thái thủy sinh không tham gia cơ chế hợp tác. Những thách thức này được thể hiện rõ nhất qua việc chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mêkông, sông Hồng- sông Thái Bình- hai lưu vực sông lớn nhất nước ta.

Cơ chế, chính sách về quản lý và chia sẻ/phân bổ tài nguyên nước sau quá trình thực thi, trong thực tiễn đã phát hiện nhiều lỗ hổng, nhiều hạn chế như: Luật Tài nguyên nước đang trong quá trình sửa đổi nhằm phù hợp với thực tiễn hơn; Chúng ta chưa có cơ chế chính sách rõ ràng trong chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hiệu quả giữa các ngành. Giữa các đối tượng sử dụng tài nguyên nước chưa thống nhất được cơ chế chia sẻ chung, cơ chế giải quyết các xung đột, tranh chấp trong sử dụng nước; Cấp giấy phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước còn nhiều thủ tục rườm rà gây khó khăn ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đúng đối tượng sử dụng,.... Đặc biệt, chúng ta chưa đưa ra được các tiêu chí trong chia sẻ/phân bổ tài nguyên nước hài hòa và hiệu quả giữa các ngành sử dụng nước.

Mặc dù, việc xây dựng hệ thống thông tin về tài nguyên nước đã được nói đến, nhưng quá trình thực hiện còn chưa tốt. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể cập nhật số liệu, thông tin về tài nguyên nước; thông tin còn chưa tập trung, còn phân tán, tản mạn tại một số cơ quan chuyên môn, chức năng. Do đó, thông tin thiếu chính xác, chưa tập trung và cập nhật được liên tục. Chưa có kiểm kê, đánh giá hết trữ lượng tài nguyên nước hiện có; chưa có các bản đồ về tài nguyên nước chi tiết, cụ thể theo tiêu chuẩn quốc gia; Hệ thống quan trắc còn thưa, kém hiệu quả, lạc hậu; Hệ thống thông tin tài nguyên nước chưa được vận hành, đi vào hoạt đông.

Chưa xây dựng các chương trình, kế hoạch chia sẻ tài nguyên nước trong các lưu vực sông. Mặc dù, công tác quy hoạch lưu vực sông tại Việt Nam đã và đang được quan tâm nhưng mới chỉ đang tiến hành thực hiện quy hoạch thí điểm cho lưu vực sông Đồng Nai

Các Chương trình nghiên cứu, dự báo về tài nguyên nước ứng phó với biến đổi khí hậu được nhắc đến nhiều nhưng chưa đưa vào thực hiện cụ thể và dự báo tình hình biến động của tài nguyên nước.

Năng lực về quản lý tài nguyên nước tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa thực sự đủ mạnh, chưa mang tính liên ngành. Do đó, gây khó khăn trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước và xây dựng các chương trình chia sẻ tài nguyên nước phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Cùng với đó, những áp lực về tình trạng thiếu nước đã và đang xuất hiện và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, do vậy chúng ta cần phải có phương pháp tiếp cận chia sẻ nguồn tài nguyên nước. Vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên nước có tính đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan đến nhiều địa phương khác nhau cũng như liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau trong cùng một lưu vực sông trong nước, quốc tế. Do đó, việc thực hiện một cơ chế tiếp cận chia sẻ tài nguyên nước phải có cách tiếp cận liên ngành, liên quốc gia nhằm mục đích đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong các vấn đề liên quan tới tài nguyên nước, cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong chia sẻ tài nguyên nước. Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đã và đang tiếp cận việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Do đó, vai trò của các quy hoạch lưu vực sông là thực sự cần thiết trong việc thiết lập hệ thống, cơ cấu chia sẻ tài nguyên nước.

 

4. Đề xuất xây dựng các dự án về chia sẻ tài nguyên nước tại Việt Nam

4.1. Đề xuất các nội dung liên quan tới chia sẻ tài nguyên nước

a. Chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Chức năng quản lý nhà nước cần phải được quy định rõ ràng, tránh chồng chéo giữa các Bộ, ngành. Nên thống nhất cơ quan quản lý nhà nước theo các đối tượng/mục tiêu sử dụng nước sao cho hài hòa, hiệu quả.

Đối với các Ủy ban lưu vực sông, hiện nay, các Ủy ban này do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý (đối với các lưu vực sông quốc tế) và do Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý (đối với các lưu vực sông trong nước). Nên giao quyền lực cho các Ủy ban lưu vực sông quốc tế như Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nhằm đảm nhiệm công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước được thống nhất và hiệu quả.

b. Về thể chế, khung pháp lý

Hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ, khai thác, sử dụng tổng hợp tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với công tác chia sẻ tài nguyên nước, cần có văn bản chính thức quy định cụ thể các điều khoản trong thỏa thuận chia sẻ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng, mục đích sử dụng nước trong cả nước một cách hài hòa và hiệu quả.

Thực hiện chủ trương kinh tế hóa tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng các cơ chế về kinh tế nhằm tạo nguồn thu và các ưu đãi trong sử dụng tài nguyên nước theo định hướng kinh tế thị trường. Bước đầu xác lập khung chính sách, hàng lang pháp lý xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nước như một loại tài sản; coi nước là hàng hóa, là yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hình thành thị trường trao đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng nước.

Đàm phán, thống nhất được các cơ chế chia sẻ tài nguyên nước, cơ chế giải quyết các xung đột, tranh chấp trong sử dụng nước các hệ thống sông trong nước và xuyên biên giới.

Rà soát, xem xét, xây dựng và cập nhật trong quá trình cấp giấy phép sử dụng nước, giấy phép xả thải vào nguồn nước sao cho thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo trao giấy phép cho đúng đối tượng sử dụng và tiến hành giám sát được quá trình khai thác, sử dụng của các đối tượng/mục tiêu sử dụng nước.

c. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch chia sẻ tài nguyên nước

Xây dựng quy hoạch chia sẻ tài nguyên nước sẽ đưa ra một khung phối hợp cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các lợi ích cạnh tranh hay tranh chấp về sử dụng nguồn nước, đặc biệt là mùa khô. Việc xây dựng quy hoạch này dựa trên các tiếp cận quản lý tài nguyên nước trên cơ sở lưu vực sông, các lợi ích cạnh tranh về môi trường và nước cho sinh hoạt, đô thị, thủy lợi, công nghiệp, sản xuất năng lượng, giao thông, nghề cá hay du lịch mới được đánh giá về mặt chế độ nước tự nhiên biến đổi nhanh của từng nguồn nước. Cần thiết trong việc xây dựng các quy hoạch lưu vực sông trong cả nước, đặc biệt quy hoạch tới các hệ thống lớn như Sông Hồng, sông Kỳ Cùng – Bằng Giang, Sông Đồng Nai, Sông Cửu Long,…

d. Xây dựng các chương trình quản lý, sử dụng nước hiệu quả

Xây dựng mô hình quản lý sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và giảm tổn thất nước, tái sử dụng nước để áp dụng vào thực tế tại các công trình thủy lợi, thủy điện, các đô thị lớn, các doanh nghiệp. Và xây dựng các mô hình thí điểm tăng cường khả năng dự trữ nước, bổ sung nhân tạo vào nguồn nước dưới đất tại những nơi xảy ra khan hiếm, khô hạn nước trong phạm vi cả nước.

Rà soát, cập nhật và xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa tại Việt Nam.

e. Xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên nước

Thông tin tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ tài nguyên nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia, bao gồm cả hệ thống công cụ kỹ thuật hỗ trợ ra quyết định, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và tiếp cận thuận lợi.

4.2. Kết luận và kiến nghị

Trong khuôn khổ nội dung của đề tài cùng với bối cảnh thực tiễn hiện nay, nguyên tắc chia sẻ công bằng và hợp lý nguồn tài nguyên nước là nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Do vậy, việc cần thiết phải xây dựng Chiến lược chia sẻ tài nguyên nước với mục tiêu xây dựng được cơ chế chính sách, cơ chế tài chính trong giải quyết các vấn đề cấp bách về quyền sử dụng nước, chia sẻ tài nguyên nước cho các đối tượng sử dụng nước hiện nay tại Việt Nam.


Phùng Thị Châm

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia: Hiện trạng môi trường nước 3 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai, 2006

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chiến lược phát triển Thủy lợi đến năm 2020, 2007

3. Bộ Xây dựng. Định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2020, 1998

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, 2010

5. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020

6. Cục Quản lý Tài nguyên nước. Sổ tay Hỏi đáp pháp luật tài nguyên nước, 2009

7. Heike Baumuller. Xây dựng một tương lai ít các-bon cho Việt Nam: Những yêu cầu công nghệ nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, 2008

8. Phạm Xuân Sử. Pháp luật về Quản lý tài nguyên nước của Việt Nam, 2010

9. Trần Thanh Xuân. Đặc điểm thủy văn và nguồn nước sông Việt Nam, 2007

10. Nguyễn Tuấn Anh và nnk. Điều tiết hệ thống liên hồ chứa phát điện và cấp nước tại đồng bằng Sông Hồng, 2008

11. Nguyễn Thanh Sơn. Đánh giá tài nguyên nước Việt Nam, 2005

12. Luật Tài nguyên nước Việt Nam, 1998

13. Lê Bắc Huỳnh. Thực trạng suy giảm nguồn nước ở hạ lưu các lưu vực sông và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý, 2007

14. Lương Tuấn Anh và nnk. Xây dựng hợp tác nghiên cứu về thủy văn và tài nguyên nước góp phần phát triển bền vững các LVS xuyên biên giới Việt – Trung, 2010.

Tài liệu tiếng Anh

1. Arumugam, N.; Mohan, S. Integrated decision support system for tank irrigation system operation. Journal of Water Resources Planning and Management, 1997

2. Anik Bhaduri, Utpal Manna, Edward Barbier, Jens Liebe. Cooperation in transboundary water sharing under climate change, 2009

3. Adena Schutzberg. Sharing water Information in France via Standards, 2006

4. Diana Rizzolio Karyabwite. Water sharing in the Nile river Valley, 2000

5. Md. Nurul Islam1 Md. Ashfaque Azam và Dr. Q R Islam. Teesta river water sharing: A case study in Teesta barrage project, 2004

6. M. Le Bars, J.M. Attonaty and S. Pinson, France. An Agent-Based Simulation for Water Sharing Between Different Users, 2002

7. Meredith A. Giordano and Aaron T. Wolf. Sharing waters: Post-Rio international water management, 2003

8. Mike Muller. Inter-basin water sharing to achieve water security –A South Afican perspective, 2009

9. National Institute of Advanced Studies (NIAS), Indian Institute of Science Campus, Bangalore. National Dialogue to Review and Evolve Parameters for Interstate Transboundary Water Sharing in India, 2007

10. N. Sasidhar. Krishna river water sharing accord, 2000

11. Russell H. Fifield, C. Hart Schaaf. The Lower Mekong: Challenge to Cooperation in Southeast Asia, 2008

12. Stephen E. Draper. Water sharing in the 21st century, 2003

13. Joe Gelt. Sharing Colorado River Water: History, Public Policy and the Colorado River Compact, 1997.

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây