Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển

Thứ năm - 09/03/2017 13:54
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) đã thông qua Tuyên bố chung “Tương lai chúng ta mong muốn” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do vấn đề chất thải nhựa trên biển gây ra. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/9/2015. Chương trình nghị sự đưa ra một kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu cụ thể. Mục tiêu 11, 12 và 14 đặc biệt quan hệ mật thiết tới vấn đề rác thải nhựa trên biển, dù cả 17 mục tiêu đều ít nhiều liên quan.

Đây là vấn đề mới nổi, hiện đang rất được quan tâm trên thế giới. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng phát sinh chất thải trên biển trong đó có chất thải nhựa cũng như đánh giá tác động của chất thải tới hệ sinh thái trên biển. Trong ngày làm sạch bờ biển quốc tế (The International Coastal Cleanup) 21/9/2012 đã ghi nhận hơn 60% lượng chất thải là nhựa trên tổng số 4.600 tấn thải đã thu gom được. Chất thải nhựa thường bao gồm các đồ bọc, chứa thực phẩm, mũ, nắp đậy, chai, túi nhựa, vật dụng dùng một lần (như thìa, dĩa, dao,…). Chất thải nhựa do khối lượng rất nhẹ nên chúng bị phân tán trên toàn cầu từ châu lục này đến châu lục khác nhờ sóng biển, tồn tại dai dẳng trong môi trường và hầu như không chịu bất cứ thay đổi sinh học nào do tính chất khó phân hủy. Chất thải nhựa có xu hướng trở nên có kích thước nhỏ hơn thông qua quá trình vật lý, điều này khiến cho nhựa có kích thước dưới 5 milimet dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn dưới nước. Ngoài ra nhiều loài động vật biển như rùa, chim biển lại nhầm tưởng chúng là cỏ biển. Điều này dẫn đến hệ thống tiêu hóa của các con vật này bị gián đoạn (disrupt) hoặc ngăn chặn (block), do đó làm thiếu chất dinh dưỡng cũng như bị nhiễm độc dẫn đến cái chết của các con vật này.

Việc xác định các nguồn phát sinh cũng như khối lượng chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển sẽ giúp cho việc quản lý chất thải, ngăn ngừa nguy hại tới đời sống thủy sinh. Việc giảm lượng chất thải nhựa đi vào hệ sinh thái biển và ven biển có thể được coi như một chỉ thị hỗ trợ của công tác quản lý chất thải bởi vì rủi ro về việc phá hủy đa dạng sinh học khu vực biển và ven biển có thể được giảm bớt. Chỉ thị này cũng được sử dụng để giám sát các mục tiêu liên quan chất thải trong đó có chất thải trên biển của Tuyên bố Hà Nội về 3R được thông qua tại Diễn đàn 3R khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2013 (Việt Nam là một trong những thành viên tham gia đầy đủ các hội nghị của Diễn đàn 3R này).

Ở nước ta, tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng vững chắc, là nguồn lực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Việc quản lý, bảo vệ môi trường biển ở nước ta đã được đề cập trong nhiều văn bản như Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và nhiều văn bản định hướng, văn bản hướng dẫn Luật khác. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nhựa trên biển còn chưa thực sự được quan tâm, chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa biển. Đồng thời cũng chưa có nhiều nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm trong việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển,...

Chính vì vậy, việc thực hiện Nhiệm vụ Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển” là thực sự cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao. Nhiệm vụ do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện trong năm 2016.

1. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu chính của Nhiệm vụ nhằm nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển, trên cơ sở đó đề xuất được một số giải pháp chung về kiểm soát chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ là về kiểm soát chất thải nhựa biển thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước và tổ chức trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Nhiệm vụ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

- Phương pháp kế thừa: Nhiệm vụ kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có thông qua các tài liệu trong và ngoài nước về kiểm soát chất thải nhựa biển.

- Phương pháp tư vấn chuyên gia: Nhiệm vụ thực hiện tham vấn chuyên gia trong việc hoàn thiện Thuyết minh và Báo cáo tổng kết.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Dựa trên những tài liệu trong và ngoài nước với việc sử dụng khung phân tích DPSIR (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng), Nhiệm vụ tổng hợp, phân tích nguồn gốc, hiện trạng phát sinh chất thải nhựa biển, các tác động tiêu cực của chất thải nhựa biển cũng như kinh nghiệm kiểm soát chất thải nhựa biển trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm về kiểm soát chất thải nhựa biển cho Việt Nam.

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả đạt được của nghiên cứu gồm ba nội dung chính:

Thứ nhất, tổng quan về chất thải nhựa trên biển. Trong nội dung này, nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận về chất thải nhựa trên biển cũng như làm rõ nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa phát sinh chất thải nhựa, hiện trạng chất thải nhựa biển và tác động của chất thải nhựa đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội-môi trường thông qua sử dụng khung phân tích DPSIR (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng). Có thể nói, nhựa chiếm đa số chất thải trên biển và là mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Nhựa chiếm khoảng 50-80% lượng rác thải biển và được dự đoán là sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần. Ước tính hơn 80% chất thải nhựa trên biển hàng năm có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. Việc theo dõi lượng rác thải nhựa có trong môi trường cùng với tốc độ rác thải nhựa đi vào môi trường sẽ giúp đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác kiểm soát chất thải nhựa. Khảo sát rác thải biển thường bao gồm ba loại là khảo sát rác thải trên bãi biển; khảo sát rác thải nổi và khảo sát rác thải đáy. Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra quy trình chuẩn để khảo sát bãi biển như Chương trình rác thải biển của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Công ước Bảo vệ môi trường biển vùng Đông Bắc Đại Tây Dương (OSPAR).

Thứ hai, Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển. Trong phần này, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu khung pháp lý quốc tế về quản lý rác thải nhựa biển bao gồm: (i) Các hiệp ước môi trường đa phương như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL), Công ước London và Nghị định thư London,…; (ii) Các tuyên bố, hướng dẫn quốc tế như các mục tiêu phát triển bền vững Liên Hợp Quốc, Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO),…; (iii) Các nguyên tắc pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế như nguyên tắc phòng ngừa thiệt hại môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền,…. Để kiểm soát vấn đề chất thải nhựa, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều giải pháp như phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất và tiêu thụ của con người, xử lý chất thải nhựa, các sáng kiến, chiến dịch làm sạch biển, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức,.... Các biện pháp phòng ngừa, cắt giảm lượng rác có thể tóm gọn thành công cụ kinh tế thị trường (MBI), kỹ thuật/công nghệ sẵn có tốt nhất (BATs) và luật lệ do chính quyền đặt ra. Để xử lý chất thải nhựa, các nước thường sử dụng các phương pháp chôn lấp, đốt rác và tái chế, thu hồi chất thải. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức, hành vi đối với chất thải nhựa biển có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, giảm thiểu sự phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng, tăng cường các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Do đó, để thay đổi ý thức, thái độ và hành vi của đám đông, đã có rất nhiều các chương trình giáo dục và chiến dịch về chất thải trên biển được thực hiện. Một số chiến dịch được thực hiện nhân Ngày làm cho thế giới sạch hơn (Clean Up the World Day), làm cho bờ biển sạch hơn (International Coastal Cleanup - ICC), Ngày môi trường thế giới (World Environment Day),… Nhiều biện pháp kỹ thuật cũng đã được sử dụng để kiểm soát chất thải nhựa biển như kỹ thuật đánh dấu thiết bị đánh bắt thủy sản nhằm cắt giảm lượng dụng cụ đánh bắt bị thất lạc, thải bỏ; kỹ thuật thu gom và loại bỏ rác ở sông và cảng (như các rào chắn nổi, máy gắp cải tiến và các thiết bị khác để loại bỏ các vật liệu khác nhau ra khỏi đáy biển hay bề mặt biển bao gồm dụng cụ đánh bắt bị thất lạc, thải bỏ); phát triển vật liệu sản xuất dụng cụ đánh cá có thể bị phân hủy do vi sinh vật trong nước biển,… Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã rút ra các bài học nhằm kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển ở Việt Nam.

Thứ ba, Tổng quan về kiểm soát chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp phù hợp. Trong phần này, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu khung chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý chất thải nhựa trên biển, tổng hợp, đánh giá sơ bộ thực trạng công tác kiểm soát chất thải nhựa biển dựa trên kết quả các nhiệm vụ, dự án đã triển khai. Kết hợp với kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp chung về kiểm soát chất thải nhựa biển phù hợp với tình hình Việt Nam. Đó là các giải pháp về: (i) Hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; (ii) Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải nhựa biển; (iii) Tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển; (iv) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa biển; (v) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chất thải nhựa biển.

 

Ths. Dương Thị Phương Anh và nhóm nghiên cứu
Ban Môi trường và Phát triển bền vững,
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây