Với bản ký kết này, 12 nước tham gia TPP đã nhất trí thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường của nước mình và không đi ngược lại với hệ thống pháp luật về môi trường để khuyến khích thương mại và đầu tư. Minh bạch khi đưa ra thực thi và thúc đẩy các quyết định về môi trường.
Tham gia TPP, tạo cơ hội cho nước ta thực hiện việc xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường bằng công nghệ tiên tiến với chi phí thấp; thúc đẩy các hoạt động quản lý phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã nguy cấp; Khuyến khích hỗ trợ các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp và phát triển bền vững, hỗ trợ phát triển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và bền vững…
Bên cạnh đó ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít những thách thức mới: các ngành chế biến tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ môi trường và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa; tạo ra áp lực lớn đối với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật về môi trường, quy định pháp luật liên quan đến Ngành để đáp ứng các yêu cầu cụ thể trong TPP. Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới về tư duy quản lý, thay đổi công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường để kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ, máy móc, trang thiết bị nếu không có nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp…
Để từng bước giải quyết vấn đề nêu trên, trước hết đòi hỏi Việt Nam phải có sự nghiên cứu sâu, cụ thể các nội dung cam kết về tài nguyên, môi trường trong Hiệp định TPP, từ đó nhận dạng được những cơ hội, thức và xác định được những định hướng, giải pháp, điều chỉnh cơ chế, chính sách QLTN&BVMT phù hợp nhằm thực hiện tốt các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP.
Xuất phát từ những luận giải nêu trên, nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất định hướng, giải pháp thực hiện các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” đã được đặt ra và được thực hiện tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trong năm 2016.
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu chính của nhiệm vụ là “nhận dạng các vấn đề đặt ra và đề xuất các định hướng, giải pháp bước đầu nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết về TN&MT trong Hiệp định TPP đối với Việt Nam”.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ này là các quy định, cam kết về vấn đề tài nguyên và môi trường trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết như trong WTO, và đặc biệt là tập trung vào các cam kết tài nguyên và môi trường trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định TPP để phân tích,đánh giá, từ đó đề xuất định hướng của nhà nước và đề xuất các giải pháp thực thi.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bao gồm năm phương pháp cơ bản. Thứ nhất, phương pháp thu thập số liệu. Trên cơ sở các thông tin, tài liệu có liên quan sẽ được thu thập qua nhiều kênh khác nhau như thu thập qua internet, hệ thống các thư viện thuộc các trường/ viện nghiên cứu, các Bộ/ ngành và phương tiện truyền thông đại chúng; Thứ hai, phương pháp phân tích chính sách. Phương pháp này được sử dụng nhằm làm rõ về bản chất, nội hàm và đánh giá sự tương đồng giữa các chính sách hiện hành của Việt Nam về tài nguyên và môi trường với các cam kết có liên quan trong Hiệp định TPP; Thứ ba, phương pháp chuyên gia. Nghiên cứu của nhiệm vụ sử dụng khá phổ biến phương pháp này thông qua các hình thức như hội thảo khoa học tham vấn và thu thập ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để có những đánh giá mang tính tổng hợp và liên ngành; Thứ tư, phương pháp phân tích SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). nhiệm vụ sử dụng phương pháp này để đánh giá các cơ hội và thách thức trong công tác QLTN&BVMT ở Việt Nam trong thời gian qua cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện các nội dung cam kết liên quan trong Hiệp định TPP; Thứ năm, phương pháp phân tích, tổng hợp. Thông qua phân tích và tổng hợp sẽ tìm ra được những mâu thuẫn và bất cập trong công tác QLTN&BVMT hiện nay và trong quá trình thực hiện các nội dung cam kết có liên quan trong Hiệp định TPP. Trên cơ sở đó nhiệm vụ sẽ tiến hành phân tích để tìm ra các nguyên nhân, hạn chế và tổng hợp đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp.
3. Kết quả
Kết quả đạt được của nghiên cứu gồm ba nội dung chính:
Thứ nhất, Tổng quan nghiên cứu và làm rõ nội dung, bản chất cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP.
Trong nội dung này, nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận về tài nguyên và môi trường trong quan hệ kinh tế quốc tế và tính tất yếu khách quan của thương mại quốc tế cũng như những hệ luỵ có thể xảy ra đối với tài nguyên và môi trường (bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực) trong các hoạt động thương mại quốc tế. Quan hệ thương mại quốc tế có vai trò như một chiếc cầu nối liên kết hoạt động kinh tế của các quốc gia, biến nền kinh tế thế giới thành một guồng máy hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi môi trường cũng như phát triển bền vững ở từng quốc gia. Tuy nhiên, chưa có một hiệp định đa phương nào đề cập riêng về vấn đề môi trường, và Hiệp định TPP là Hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên đưa các nội dung về tài nguyên và môi trường thành một chương riêng trong các cam kết. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí của môi trường như một nhân tố quan trọng trong các hoạt động thương mại quốc tế và những đóng góp của thương mại đối với phát triển bền vững. Kết quả đạt được của phần này cũng phân tích nội dung và bản chất của các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP.
Thứ hai, phân tích, nhận dạng các cơ hội, thách thức, điểm mạnh,điểm yếu về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với Việt Nam khi thực hiện các cam kết có liên quan trong Hiệp định TPP.
Trong phần này, thông qua đánh giá thực trạng cho thấy công tác quản lý tài nguyên môi trường ở nước ta phần nào đã có nhiều tiến triển theo thời gian, tuy nhiên những tiến triển này chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế nói chung và tốc độ mở cửa thị trường nói riêng. Việc ban hành các văn bản pháp luật chưa thực sự đáp ứng sự gia tăng mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường trong các hiệp định thương mại hiện nay. Bên cạnh đó, bất cập trong thực thi chính sách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng tác động tiêu cực lên môi trường trong quá trình tự do thương mại. Trong chương này, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ cũng nhận diện việc tham gia TPP, tạo cơ hội gia tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường bằng công nghệ tiên tiến với chi phí thấp; thúc đẩy các hoạt động quản lý phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã nguy cấp; khuyến khích hỗ trợ các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp và phát triển bền vững, hỗ trợ phát triển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và bền vững…Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức: các ngành chế biến tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ môi trường và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa; áp lực lớn đối với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật về môi trường, quy định pháp luật liên quan đến Ngành để đáp ứng các yêu cầu cụ thể trong TPP; yêu cầu đổi mới về tư duy quản lý, thay đổi công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường để kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ, máy móc, trang thiết bị trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới….
Thứ ba, đề xuất định hướng, giải pháp ban đầu nhằm thực hiện các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP đối với Việt Nam.
Dựa trên những kết quả rà soát, phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP đã được nêu ở các phần trên.Với việc phát hiện những điểm yếu và thách thức của công tác QLTN và BVMT trong bối cảnh thực hiện các cam kết liên quan trong Hiệp định TPP, kết quả đạt được của phần này là đã đề xuất được các định hướng và các giải pháp ban đầu nhằm thực hiện các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP đối với Việt Nam. Các định hướng của Nhà nước đề xuất bao gồm: (i) Tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế xanh, các bon thấp, phát triển bền vững; (ii) Giải quyết đồng bộ việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; (iii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường hiện hành; (iv) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình thực thi Hiệp định TPP; (v) Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phòng ngừa, xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến môi trường; (vi) Một số định hướng để thực thi hiệu quả nghĩa vụ môi trườngtrong Hiệp định TPP cần được triển khai trước và sau khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực. Những nhóm giải pháp đề xuất bao gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; (ii) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội dung Hiệp định và các cam kết môi trường trong Hiệp định TPP; (iii) Nâng cao năng lực giải quyết các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP; (iv) ) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành phápluật về môi trường; (v) Tăng cường sự tham gia đóng góp và giám sát của doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường; (vi) Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên bền vững; (vii) Tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường.
4. Kết luận
Hiệp định TPP là hiệp định thương mại đầu tiên đưa vấn đề môi trường trở thành một chương riêng trong các nội dung cam kết. Điều này tác động không nhỏ đến công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam không chỉ cần sẵn sàng tận dụng các cơ hội từ Hiệp định TPP mà còn cần chuẩn bị năng lực để đáp ứng những cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định thương mại này. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Việt Nam cần nắm rõ các quy định trong TPP liên quan tới vấn đề môi trường, rà soát năng lực thực hiện quy định và xây dựng các giải pháp tuân thủ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã góp phần giải quyết vấn đề này. Nhiệm vụ đã tiếp cận và luận giải các vấn đề cơ sở lý luận về thương mại môi trường, phân tích nội dung và bản chất của các cam kết môi trường trong TPP; đánh giá cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam khi tham gia TPP… Từ đó các đề xuất định hướng, giải pháp ban đầu được đưa ra nhằm tăng cường năng lực thực hiện các cam kết về tài nguyên và môi trường trong Hiệp định TPP của Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Huyền,
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn