1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN SINH VẬT BIỂN
Hiện nay, trước sức ép của sự gia tăng dân số, nhu cầu tài nguyên cho phát triển kinh tế ngày càng cao, trên đất liền, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, trong bối cảnh đó xu hướng tiến ra biển trở thành ưu tiên hang đầu của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có biển và hải đảo. Khai thác biển, làm giàu từ biển, nhưng thường đi kèm với đó là các phương thức khai thác thiếu tính bền vững; các họat động khai thác chỉ tập trung đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn trước mắt, không tính đến hậu quả mai sau, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường như không có hoặc thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể. Cùng với đó là cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, những tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tài nguyên sinh vật biển suy giảm, ô nhiễm môi trường biển gia tang và tác động tiêu cực trở lại đối với phát triển kinh tế-xã hội trên từng địa phương và mỗi quốc gia có biển.
Kết quả nghiên cứu của Liên hiệp quốc, FAO và các tổ chức quốc tế khác đều chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng hơn 80% lượng cá biển toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức (overexploited) hoặc bị khai thác cạn kiệt (depleted), trong khi nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt khi sản lượng đánh bắt giảm đến 90% trong những năm gần đây.
Liên quan đến tài nguyên sinh vật biển, điều đáng quan tâm là sự suy giảm các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn có nguyên nhân từ con người ngày một tăng ở nhiều khu vực trên thế giới và bao gồm cả Việt Nam. Theo ước tính (FAO, 2013), cỏ biển đã mất 30 – 60%; rừng ngập mặn – chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới – mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô trên toàn cầu đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1998. Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Các rạn san hô thường là môi trường sống của khoảng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Sự mất dần của các rạn san hô sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà tác động đến phát triển kinh tế-xã hội đối với mỗi vùng và mỗi quốc gia có tài nguyên sinh vật biển.
Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, khu vực ven biển ở nhiều quốc gia trên trái đất đang chịu những thách thức và áp lực của gia tăng dân số, các họat động phát triển kinh tế ven biển, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản…, các nguồn thải từ đất liền đổ thải trực tiếp ra các cửa sông và các khu vực ven biển gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ven biển.
Trong một báo cáo của Trung tâm về các giải pháp đại dương (Center for Ocean Solutions) xuất bản vào tháng 5 năm 2009 với tựa đề “Hệ sinh thái và Con người của Thái Bình Dương: Các mối đe dọa và Cơ hội hành động”, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, vật lý và xã hội, từ nguồn thông tin, dữ liệu phân tích tổng hợp của 3400 bài báo, báo cáo khoa học của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo đã nêu chi tiết về các mối đe dọa chính đối với môi trường biển và đại dương, các ảnh hưởng của chúng và đưa ra lộ trình cùng với các biện pháp đối phó với những mối đe dọa này. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo, trong các mối đe dọa chính mà môi trường biển đang phải đối mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ này gặp phải, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, tại các quốc gia, quần đảo, khu vực đông hay thưa dân cư đều có những điểm chung, rất phổ biến, đáng báo động là:
(i) Ô nhiễm môi trường có nguồn gốc từ đất liền và từ biển,
(ii) Phá hủy nơi cư trú tự nhiên,
(iii) Khai thác và đánh bắt cá quá mức,
(iv) Tác động của biến đổi khí hậu,
(v) Cuối cùng, các mối đe dọa đối với môi trường đó là: sự xâm nhập của các loài ngoại lai và các mối đe dọa cộng hưởng từ tích hợp của những vấn đề đã nêu.
2. ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN SINH VẬT BIỂN TRÊN THẾ GIỚI
Về quan điểm nhìn nhận tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển dựa trên tiếp cận chung đối với phát triển bền vững: xác định những nội dung chủ yếu phù hợp với đặc thù của môi trường biển, sinh vật biển và vùng ven biển để xem xét một cách tổng thể hoặc chi tiết những khía cạnh nào có thể được phát triển. Trong đó quan trọng nhất là những hoạt động cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu tái tạo các hệ sinh thái phức tạp của biển và thường không đi sâu phân tích sinh vật cụ thể nào được nghiên cứu. Đối với mục đích bền vững về chính sách thường tập trung trả lời câu hỏi những chính sách nào để duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu một hoặc vài loại tài nguyên sinh vật biển cho mục tiêu kinh tế. Nhìn chung, với quan niệm phát triển bền vững cần đạt ba yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn dài hạn, hiếm có nghiên cứu hay công trình nào tách riêng 1 bộ tiêu chí cho tài nguyên sinh vật biển, đòi hỏi phải có một cách nhìn đầy đủ cả ba vấn đề.
Hiện nay có nhiều quốc gia và tổ chức nghiên cứu đã xây dựng hệ thống tiêu chí, và các chỉ tiêu cụ thể nhằm đánh giá hiệu quả các hoạt động, nỗ lực hướng tới phát triển bền vững biển. Các bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên một số công cụ đánh giá cơ bản như: đo lường sức khỏe đại dương, đánh giá khả năng phục hồi của các hệ sinh thái biển; đánh giá xu thế suy thoái và dự báo các hoạt động thích ứng nhằm hạn chế tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái biển, tiến tới đẩy lùi các các tác động đó; đánh giá hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm cả các hoạt động bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái biển. Một số bộ tiêu chí, chỉ thị và chỉ số để so sánh, đánh giá hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường đã được xây dựng bởi Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Ngân hàng thế giới (WB)...:
- Bộ chỉ thị môi trường bền vững của Liên hiệp quốc: Hội đồng Phát triển bền vững Liên hiệp quốc từ những năm 1995 – 1999 đã đề xuất và khuyến nghị áp dụng Bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững về môi trường theo 05 lĩnh vực, 13 vấn đề với tổng số 19 chỉ thị, trong đó có chỉ thị liên quan đến hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận còn khá thô sơ, rời rạc, thiên về thử nghiệm và kiểm chứng thực tiễn ban đầu. Năm 2005, Hội đồng Phát triển bền vững Liên hiệp quốc đã bắt đầu áp dụng Bảng chỉ thị đánh giá bền vững về môi trường của các nước, tích hợp từ Bộ chỉ thị, với 05 chủ đề chính, 21 chỉ thị và 76 thông số có tính chất khá bao quát về tài nguyên, môi trường, sinh thái, thể chế, xã hội. Trong đó chỉ có 2 chủ đề nhánh về khu vực bờ biển và ngư nghiệp với 4 chỉ tiêu về: Mức độ tập trung của tảo trong nước biển (số 30), % dân số sống ở khu vực bờ biển (số 31); Loài hải sản chính bị bắt hàng năm (số 32); Mức độ cạn kiệt của nguồn nước ngầm và nước mặt so với tổng nguồn nước (số 33). Đây là các chủ đề nhánh và các tiêu chí có tầm khái quát rất cao, rời rạc, hướng tới mục tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững chung của một quốc gia hoặc khu vực, khá khó vận dụng trong phạm vi một lĩnh vực quản lý tài nguyên cụ thể.
- Chỉ số Sức khỏe Đại dương (OHI - Ocean Health Index) được xây dựng dựa trên 10 tiêu chí về sinh thái, kinh tế, xã hội và chính trị bao gồm khả năng cung cấp thực phẩm, cơ hội đánh bắt cá cho ngư dân địa phương, khả năng cung cấp các sản phẩm tự nhiên, khả năng lưu trữ các-bon, khả năng phòng hộ ven biển, khả năng giúp cải thiện đời sống và kinh tế ngư dân ven biển, giá trị dịch vụ du lịch và giải trí, cảnh quan, nước sạch và đa dạng sinh học. OHI được coi là công cụ đầu tiên có khả năng đánh giá toàn diện tình trạng của biển và đại dương, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của nhiều chỉ số sẵn có, kết hợp với các thông tin từ các hiệp ước, điều ước quốc tế như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về Buôn bán Động Thực vật hoang dã nguy cấp, Sách đỏ của IUCN.
- Chỉ số bền vững môi trường (ESI) là tiền thân của Chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI), đã được đưa ra như một cách bổ sung cho các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). ESI là nỗ lực đầu tiên để xếp hạng các nước theo 76 tiêu chí khác nhau về bền vững môi trường, bao gồm cả nguồn tài nguyên thiên nhiên, mức độ ô nhiễm trong quá khứ và hiện tại, trong đó bao gồm cả tài nguyên và môi trường biển; những nỗ lực quản lý môi trường, mức độ đóng góp vào việc bảo vệ các cộng đồng trên toàn cầu, và khả năng của xã hội để cải thiện hoạt động môi trường theo thời gian. Tuy nhiên, chính vì phạm vi nghiên cứu rộng như vậy nên ESI giống như một bản hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách và khá khó khăn cho việc áp dụng đối với một mảng vấn đề hoặc một lĩnh vực cụ thể như tài nguyên, môi trường biển.
- Năm 2006, nhóm nghiên cứu của Đại học Yale và Đại học Columbia ở Hoa Kỳ đã nghiên cứu Chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI), tập trung vào các vấn đề môi trường hẹp hơn mà chính phủ các nước phải chịu trách nhiệm. EPI theo dõi các xu hướng hiệu quả môi trường dựa trên phân tích những dữ liệu đáng tin cậy nhất từ các chính sách trọng điểm. Ngoài ra, qua các số liệu minh bạch và dễ hình dung, EPI giúp các nhà lãnh đạo nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của hoạt động môi trường của quốc gia so với các nước khác. Phân tích EPI vì vậy tập trung vào hai mục tiêu: 1) giảm áp lực của môi trường lên sức khỏe con người và 2) tăng cường hệ sinh thái và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Chỉ số EPI, được Đại học Yale và Columbia phát triển sử dụng một tập hợp các chỉ tiêu trong các khu vực khác nhau để so sánh và xếp hạng hoạt động môi trường giữa các nước. Tiền đề cơ bản của EPI là nếu chỉ dùng thông tin định lượng và đánh giá chủ quan thì không đủ cơ sở để hoạch định chính sách môi trường. Các đại lượng đo lường định lượng không những hữu ích trong công tác hoạch định chính sách, mà còn giúp so sánh thực hiện các chính sách môi trường khả thi. Việc áp dụng EPI có thể giúp bổ sung thông tin trong quá trình chuẩn bị các báo cáo quốc gia. Điều này giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn khi đánh giá các mục tiêu của chính sách, xác định các ưu tiên và triển khai tốt hơn các chính sách bảo vệ môi trường, trong điều kiện các nguồn lực tài chính hạn hẹp của mình. Việc tính toán EPI đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, tiến tới thực hiện ở cấp tỉnh của mỗi quốc gia và đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc áp dụng chỉ số này. Nhóm nghiên cứu của Đại học Yale đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật làm rõ nội hàm của EPI và hướng dẫn cách thức tính toán EPI cho các quốc gia (Measuring Progress – A Practical Guide from the Developers of the Environmental Performance Index (EPI), Yale Center for Environmental Law and Policy, Yale University, 2013), góp phần phổ biến EPI đến cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Có thể thấy, điểm chung ở các chỉ số đánh giá là cố gắng tiếp cận xây dựng một tập hợp các chỉ tiêu để so sánh hiệu quả, kết quả hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm cả những nỗ lực ban hành và hoàn thiện chính sách cũng như năng lực thực hiện. Và nếu chỉ dùng thông tin định tính và đánh giá chủ quan thì không đủ cơ sở để hoạch định chính sách môi trường. Chính vì vậy, các đại lượng đo lường cần hướng tới mức định lượng hoá cao nhằm tăng cường hiệu quả phục vụ hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả thực thi chính sách khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết quả phân tích, đánh giá và xây dựng một bộ chỉ số đảm bảo tính toàn diện như vậy rất có ích trong điều chỉnh lựa chọn chính sách, kể cả chính sách đối với việc khai thác hay sử dụng một loại tài nguyên cụ thể trên những phạm vi lãnh thổ nhất định hoặc phạm vi quốc gia. Đây cũng là hướng tiếp cận chủ yếu nhằm xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá tính bền vững trong khai thác tài nguyên, môi trường biển
3. ĐỀ XUẤT CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN SINH VẬT BIỂN VIỆT NAM
Đa dạng sinh học được định nghĩa chính thức của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) là đa dạng các sinh cảnh sống, các phức hệ sinh thái trên cạn, biển, các sinh cảnh dưới nước khác; trong đó đồng thời bao gồm cả sự đa dạng trong một loài, giữa các loài và các hệ sinh thái" (UN 1992 Điều 2). Như vậy trước hết để nói đến sự phong phú và đa dạng của sinh vật biển nói chung hay những loại có thể khai thác trở thành “tài nguyên sinh vật biển” cần phải thống nhất một điểm quan trọng đó là phát triển bền vững tài nguyên sinh vật biển nói riêng không nằm ngoài mục tiêu, nội dung, nguyên tắc chung về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.
Riêng về đa dạng sinh học biển, trong những năm gần đây, mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái biển gắn với lợi ích các bên liên quan đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia (Anh, Liên minh châu Âu, Úc và Hoa Kỳ…) và tổ chức quốc tế (CBD 2010b; TEEB 2010; UNEP 2007; MA 2005a; 2005b). Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đa dạng sinh học hay cụ thể hơn là các nguồn tài nguyên sinh vật biển có vai trò quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): góp phần xóa đói giảm nghèo (cung cấp nguồn vào cho cuộc sống) và duy trì sinh kế của con người (ngành nghề khai thác biển), làm nền tảng cho an ninh lương thực và sức khỏe con người, cung cấp các dịch vụ làm sạch biển và đại dương, hỗ trợ phát triển kinh tế (UNEP 2007; MA 2005a). Do tầm quan trọng của tài nguyên sinh vật biển và bằng chứng về xu thế suy giảm liên tục của nó (CBD 2010b), việc xác định hệ thống đánh giá tính bền vững của nó trở nên cấp thiết nhằm hiểu rõ, khai thác hợp lý và tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi xu thế suy giảm giảm đa dạng sinh học biển.
Trên cơ sở kết quả tổng kết báo cáo Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu (GBO-3 và GBO-4, xuất bản 5/2010-CBD 2010b), kết quả đánh giá về xu thế suy giảm của đa dạng sinh học biển sau khi công bố Báo cáo đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MA 2005a, 2010a) và Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu (GEO-4-UNEP 2007); đồng thời cũng tổng quan những nhiệm vụ và mục tiêu duy trì sự đa dạng sinh học biển ở một số điều ước quốc tế liên quan mà chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia khác. Nhóm tác giả bài viết nghiên cứu này dựa trên 3 tiếp cận trọng tâm trong đánh giá tính bền vững của khai thác sử dụng tài nguyên sinh vật biển bao gồm:
(i) bảo tồn đa dạng sinh học biển,
(ii) việc sử dụng bền vững các thành phần của nó, và
(iii) chia sẻ công bằng nguồn lợi, lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên sinh vật.
Dưới đây là nội dung tổng hợp kết quả đề xuất một số nhóm mục tiêu tổng hợp, tạm gọi là mục tiêu chiến lược (mang tầm vĩ mô liên quan đến ba mảng kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường) và một số tiêu chí cụ thể đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển trong điều kiện Việt Nam. Về phạm vi thời gian, các mục tiêu này được xác định áp dụng trong khoảng thời gian phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) và đặc biệt là Chiến lược Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (2013); Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2013):
1 – Mục tiêu chiến lược A: Xác định được các nguyên nhân cơ bản của sự mất đa dạng sinh học biển bằng cách lồng ghép, đối sánh xu thế biến đổi đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật với xu thế phát triển xã hội, đặc biệt là ở các địa phương ven biển. Trong đó:
Tiêu chí 1: Chậm nhất đến năm 2020, mọi tầng lớp đều nhận thức được giá trị của tài nguyên sinh vật biển và các bước cơ bản, hoạt động cơ bản mà họ có thể thực hiện để bảo tồn và sử dụng nó một cách bền vững.
Tiêu chí 2: Chậm nhất đến năm 2020, các giá trị tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học biển phải được lồng ghép, tích hợp vào hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu quốc gia, địa phương về phát triển bền vững, chiến lược xóa đói giảm nghèo và quy trình lập kế hoạch; hệ thống hoạch toán và hệ thống báo cáo quốc gia.
Tiêu chí 3: Đến năm 2020, hạn chế và tiến tới xóa bỏ được toàn bộ các chính sách ưu đãi bất hợp lý cho việc khai thác tài nguyên sinh vật biển. Bãi bỏ hoặc đổi mới (thay thế mới) bằng những chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động tiêu cực, và tăng cường các chính sách khuyến khích việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học. Các chính sách tích cực này được phát triển và áp dụng, phù hợp các quy định của quốc gia và hài hòa với Công ước và nghĩa vụ quốc tế khác có liên quan, có tính đến điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.
Tiêu chí 4: Đến năm 2020, chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan ở tất cả các cấp hoàn thiện việc xây dựng lộ trình, các bước cụ thể để đạt được hoặc đã thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sản xuất và tiêu thụ bền vững tài nguyên sinh vật biển. Có chương trình cụ thể về những hoạt động nhằm góp phần hạn chế tác động tiêu cực, thực hiện việc sử dụng các nguồn tài nguyên sinh vật nằm trong giới hạn an toàn sinh thái.
2 – Mục tiêu chiến lược B: Giảm áp lực trực tiếp đến đa dạng sinh học biển và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật
Tiêu chí 5: Đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất của tất cả các thành phần môi trường sống đại dương tự nhiên, bao gồm rừng ngập mặn; ít nhất là giảm một nửa so với mục tiêu đến mức không có tổn thất và ngăn chặn hiệu quả xu thế suy thoái và sự phân chia nhỏ tài nguyên để khai thác.
Tiêu chí 6: Đến năm 2020, tất cả các loài cá biển có giá trị kinh tế và động vật, thực vật thủy sinh được quản lý và thu hoạch bền vững. Sử dụng các công cụ pháp lý và áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để hạn chế được tình trạng đánh bắt quá mức với các công cụ hủy diệt (mắt lưới nhỏ, lưới cào, thuốc nổ, kích điện…). Xây dựng được kế hoạch phục hồi và các biện pháp cụ thể cho tất cả các loài đang cạn kiệt, kể cả các loài có giá trị kinh tế thấp, các loại sinh vật biển đang bị đe dọa và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương; duy trì được trữ lượng thủy sản tự nhiên nằm trong giới hạn an toàn sinh thái (trữ lượng loài và các hệ sinh thái tự nhiên).
Tiêu chí 7: Đến năm 2020, lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp biển (RNM) được quản lý một cách bền vững, đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học.
Tiêu chí 8: Đến năm 2030, ô nhiễm từ các chất phú dưỡng (chất dinh dưỡng dư thừa) đạt mức không có hại cho chức năng hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển.
Tiêu chí 9: Đến năm 2020, có các biện pháp hợp tác cấp quốc tế hoặc với các quốc gia trong vùng biển liền kề về ngăn chặn dịch chuyển, phát triển các loài ngoại lai xâm hại, xác định được những loài ưu tiên cần được kiểm soát hoặc loại trừ, và các biện pháp đồng bộ để quản lý sự lây lan tiến tới ngăn chặn hiệu quả.
Tiêu chí 10: Đến năm 2020, áp lực từ con người đến các rạn san hô và hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hoặc axit hóa đại dương được giảm thiểu, để duy trì tính toàn vẹn và chức năng của chúng.
3 – Mục tiêu chiến lược C: Cải thiện tình trạng của đa dạng sinh học biển, sinh vật biển bằng cách bảo vệ các hệ sinh thái, loài và đa dạng di truyền
Tiêu chí 11: Đến năm 2020, ít nhất 17% của các vùng nước cạn và nội địa, và 10% của các vùng biển và ven biển, đặc biệt là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với (tiêu chí này phù hợp với IOC 2013, Hành động hướng tới một đại dương chung) đa dạng sinh học biển và dịch vụ hệ sinh thái, được bảo tồn thông qua các hệ thống chỉ tiêu quản lý hiệu quả, kết nối tốt các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khu vực dựa trên hiệu quả khác, tích hợp vào các cảnh quan và sinh cảnh biển rộng lớn mang tính toàn cầu.
Tiêu chí 12: Đến năm 2030, ngăn chặn được sự tuyệt chủng của các loài đã xác định bị đe dọa, đặc biệt là cải thiện và duy trì được những sinh cảnh biển và đại dương đang suy giảm.
Tiêu chí 13: Đến năm 2020, đa dạng di truyền của những loài động thực vật biển đang được nuôi trồng được bảo đảm; ngăn chặn hiệu quả xu thế suy thoái về mặt di truyền giống loài tự nhiên.
4 – Mục tiêu chiến lược D: Tăng cường lợi ích cho tất cả từ các dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển
Tiêu chí 14: Đến năm 2020, hệ sinh thái biển cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả các dịch vụ liên quan đến nước, và đóng góp cho sức khỏe, đời sống và hạnh phúc, an sinh xã hội các cộng đồng bản địa và địa phương được khôi phục, đảm bảo an toàn cho người nghèo và dễ bị tổn thương.
Tiêu chí 15: Đến năm 2020 đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển được phục hồi (nội dung tiêu chi này xác định dựa trên mục tiêu thiên niên kỉ và các mục tiêu về giảm thiểu phát thải khí nhà kính-GHG) thông qua hoạt động bảo tồn và phục hồi, bao gồm cả phục hồi ít nhất 15% của các hệ sinh thái bị suy thoái (IOC, FAO 2007), từ đó tăng khả năng đóng góp của chúng trong lưu trữ các-bon, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng và chống sa mạc hóa.
Tiêu chí 16: đến năm 2020, hoàn thiện cơ bản chính sách pháp luật của đất nước phù hợp với Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước Đa dạng sinh học.
5 - Mục tiêu chiến lược E: Tăng cường thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên sinh vật biển thông qua việc lập kế hoạch có sự tham gia, quản lý tri thức và xây dựng năng lực
Tiêu chí 17: Đến năm 2020, xây dựng và thông qua một số kế hoạch và công cụ chính sách để thực hiện Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sử dụng biển nói chung và đa dạng sinh học biển nói riêng, xây dựng được kế hoạch và hành động quốc gia có hiệu quả tương ứng (CBD 1992, IOC 2012).
Tiêu chí 18: Đến năm 2020, các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học biển, lợi ích nguồn tài nguyên sinh vật biển được đổi mới toàn diện và thực hiện đến từng cộng đồng bản địa và địa phương ven biển với các nội dung ưu tiên bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi sinh học (UNEP, Global Biodiversity Outlook -GBO-3).
Tiêu chí 19: Đến năm 2020, kiến thức, các cơ sở khoa học và các công nghệ liên quan đến đa dạng sinh học biển, giá trị tài nguyên sinh vật biển, chức năng, hiện trạng, xu hướng, hậu quả của sự suy giảm được chia sẻ sẽ được chuyển giao và áp dụng rộng rãi.
Tiêu chí 20: huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên sinh vật biển, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản phù hợp với quá trình củng cố và thống nhất trong Chiến lược tài nguyên chung của quốc gia
4. KẾT LUẬN
Bước sang thế kỷ XXI, trước bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, nên việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển. Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả khai thác các nguồn lợi sinh vật biển đến nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Việc nghiên cứu đề xuất mục tiêu chiến lược và tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật và bảo vệ môi trường biển tầm quốc gia và quốc tế là hết sức cần thiết. Với cách tiếp cận 3 vấn đề trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường, hướng tới thực hiện mục tiêu cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phát triển nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Với đề xuất 5 nhóm mục tiêu chiến lược và 20 tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật biển bao gồm nhìn nhận từ xu thế suy thoái các hệ sinh thái, sinh vật biển; giảm áp lực và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật biển; cải thiện tình trạng đa dạng sinh học biển; tăng cường lợi ích cho các dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, quản lý tri thức và xây dựng năng lực là những định hướng cơ bản, các tiêu chí cần hướng đến và thực hiện trong thời gian tới không chỉ ở Việt Nam mà qui mô trên toàn cầu.
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh.
(Bài viết tại Hội thảo quốc gia "Quản lý nhà nước về biển và hải đảo: Vấn đề và cách tiếp cận", được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 02 tháng 12 năm 2016)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Tiếng Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn