Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất khung bộ chỉ số giám sát, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ sáu - 24/02/2017 21:03
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng,… ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con người và hệ sinh thái. Nhiều giải pháp thích ứng được tính đến và thực hiện, trong đó giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái là giải pháp thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động ứng phó với BĐKH nhằm đạt được đồng lợi ích về bảo tồn ĐDSH và giảm nghèo. Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái cũng chỉ ra mối quan hệ không thể tách rời giữa con người và hệ sinh thái. EBA đặc biệt liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái để cung cấp cho con người khả năng phục hồi đối với các tác động của BĐKH. Mục tiêu hướng tới của giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là quản lý bền vững, bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái nhằm để cung cấp các dịch vụ sinh thái giúp người dân thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước những rủi ro, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.

Đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH phần lớn là những người nghèo với sinh kế bấp bênh, nên khi thực hiện các giải pháp thích ứng cần đảm bảo có tính thành công cao và bền vững, bởi vậy khi tiến hành các biện pháp thích ứng cần có sự đánh giá kỹ lưỡng để tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái rất quan trọng trong quá trình triển khai. Trong nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ sở khoa học về xây dựng bộ chỉ số EbA và rà soát các bộ tiêu chí, bộ chỉ số giám giát và đánh giá EbA trên thế giới, đánh giá mức độ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị xây dựng bộ chỉ số giám sát và đánh giá EbA cho Việt Nam.

1. Mục tiêu:

+ Cung cấp cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm quốc tế về bộ chỉ số giám sát và đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái

+ Đánh giá khả năng áp dụng và khuyến nghị xây dựng bộ chỉ số đánh giá, giám sát thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái phù hợp với điều kiện Việt Nam.

2. Đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của Đề tài được xác định là kinh nghiệm thế giới và thực trạng Việt Nam về bộ chỉ số giám sát và đánh giá EbA

-  Phạm vi nghiên cứu của đề tài này giới hạn ở việc tập trung vào thu thập các kinh nghiệm quốc tế, tổng hợp cơ sở khoa học và rà soát, đánh giá thực trạng ở Việt Nam về xây dựng bộ chỉ số giám sát và đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái.

- Phương pháp nghiên cứu:

Các phương pháp được sử dụng để nghiên cứu bao gồm:  Phương pháp kế thừa. Thông qua việc kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước (các dự án thích ứng dựa vào hệ sinh thái và các đánh giá liên quan, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các chỉ số giám sát, đánh giá), trên cơ sở đó sẽ lựa chọn các chỉ số và xây dựng được khung bộ chỉ số giám, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái phù hợp với điều kiện Việt Nam; Phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích: Thiết lập các dữ liệu, cơ sở khoa học cho các nhận định, kết luận, đề xuất các tiêu chí đánh giá phù hợp; Phương pháp tham vấn chuyên gia (phối hợp, phản biện, thẩm định…): Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ là các hoạt động thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau do đó cần có sự tham vấn chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.

3. Kết quả nghiên cứu

I. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở tổng quan tài liêu quốc tế, một số nội dung có thể áp dụng cho Việt Nam được rút ra như sau:

a. Nguyên tắc xây dựng bộ chỉ số

- Trực tiếp: Chỉ số trực tiếp phản ánh mức độ rõ ràng của kết quả. Chỉ số giám sát, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái phải đảm bảo được tính trực tiếp.

- Đúng mục tiêu: Một chỉ số khách quan nếu nó xác định rõ ràng các điểm sau: 1) nó đánh giá vấn đề gì và 2) dữ liệu nào được thu thập để đánh giá. –

- Hữu ích cho nhà quản lý: Một chỉ số hữu ích là chỉ số cung cấp được đánh giá về những thay đổi theo thời gian phục vụ các nhà quản lý đưa ra các quyết sách cho từng giai đoạn. Các nhà quản lý lựa chọn chỉ số nhằm đánh giá kết quả đạt được một cách cụ thể. Do đó, việc lựa chọn các chỉ số đánh giá cần cân nhắc những hiệu quả đánh giá mà chỉ số mang lại.

- Có thể kết hợp: Một chỉ số có tính kết hợp nếu nó đánh giá khả năng kết hợp với các thể chế sẵn có. Chỉ số đánh giá hiệu quả thích ứng dựa vào hệ sinh thái cần đánh giá được khả năng kết hợp với các dự án hoặc hoạt động đang thực hiện tại địa phương. Một dự án thích ứng dựa vào hệ sinh thái mới chuẩn bị được thực hiện trong khu vực không nên tác động tiêu cực hoặc ảnh hưởng tới hiệu quả của các dự án hoặc hoạt động khác.

- Tính thực tế: Một chỉ số thực tế là chỉ số mà dữ liệu có thể thu thập trong một khoảng thời gian nhất định và với một mức chi phí hợp lý.

- Tính đầy đủ: Một bộ chỉ số nên là một nhóm những chỉ số đủ để đánh giá toàn diện kết quả. Nói cách khác, số lượng chỉ số cần thiết phục vụ mục đích quản lý phải được tối giản giúp tiết kiệm chi phí. Số lượng chỉ số cần phải đủ để đánh giá kết quả dựa trên:

+Tính tổng hợp của kết quả được đánh giá

+ Khối lượng thông tin cần thiết để đưa ra kết luận hợp lý và đủ tin cậy

+ Phù hợp với nguồn lực sẵn có

- Có thể tách rời, khi cần thiết: Khả năng tách rời dữ liệu theo giới tính, độ tuổi, địa điểm, hoặc một số tiêu chí quan trọng khác hữu ích trong cả công tác quản lý và báo cáo. Quá trình phát triển dự án thường chịu tác động bởi số liệu thống kê dân số hoặc thể chế xã hội. Khả năng tách rời dữ liệu là cần thiết khi xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả thích ứng dựa vào hệ sinh thái.

b. Nội dung của bộ chỉ số

c. Phương pháp xây dựng bộ chỉ số

Phương pháp xây dựng gồm các bước như sau:

Bước 1. Xác định bối cảnh thích ứng, gồm:

- Thông tin khí hậu

- Đánh giá tính dễ bị tổn thương

- Khôi phục khí hậu để phát triển

Bước 2. Xác định mức độ ưu tiên của các hành động thích ứng

Dựa trên những phân tích về bối cảnh thích ứng ở Bước 1, có thể định hướng mức độ ưu tiên của các hành động thích ứng. Điều này đồng nghĩa với việc xác định những đóng góp của dự án cho công tác thích ứng. Việc xác định dựa trên các tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Tăng cường năng lực thích ứng:

Tiêu chí 2: Các biện pháp giảm thiểu các rủi ro/tính dễ bị tổn thương xác định (các hành động thích ứng)

Tiêu chí 3: Sự phát triển thành công bất chấp biến đổi khí hậu (phát triển bền vững):

Bước 3. Khung chính sách

Trên cơ sở bối cảnh thích ứng (đã xác định ở bước 1) và các tiêu chí thích ứng (xác định trong bước 2), bước 3 lường trước kết quả dự án và cách đạt được các kết quả đó (chiến lược)

Bước 4. Bộ chỉ số và tiêu chuẩn

Khi xác định được bối cảnh thích ứng (bước 1), tiêu chí thích ứng (bước 2) và khung kết quả (bước3) được xác định, bước 4 giúp xây dựng chỉ số và thiết lập tiêu chuẩn cơ bản phục vụ giám sát và đánh giá

- Xây dựng chỉ số: sử dụng công cụ MACC của Cơ quan hợp tác Phát triển Đức (GIZ)

- Thiết lập tiêu chuẩn: Một yếu tố quan trọng trong quy hoạch, giám sát và đánh giá là tiêu chuẩn, thời điểm trước khi bắt đầu tác động. Dữ liệu cần thiết để xác định tiêu chuẩn có thể thu thập từ chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế hoặc diễn đàn toàn cầu hoặc được tổng hợp theo vùng bởi các cá nhân/tổ chức thực hiện dự án.

- Xác định kết quả thích ứng: Trọng tâm là cung cấp uận chứng về đóng góp cho thích ứng với biến đổi khí hậu.

c. Cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái

Công tác giám sát, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu tương ứng với năm loại: Khí hậu, kinh tế - xã hội, thể chế và chính sách, dịch vụ hệ sinh thái và chiến lược tính thế. Các thông tin này cung cấp căn cứ đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của địa phương cũng như sự tăng cường năng lực thích ứng dựa vào hệ sinh thái của cộng đồng.

II. Đề xuất Khung bộ chỉ số giám sát, đánh giá thích ứng dựa vào hệ sinh thái phù hợp với điệu kiện Việt Nam

Thích ứng dựa vào hệ sinh thái là một trong những lựa chọn được ưu tiên do chi phí lợi ích của nó mang lại. Nội hàm của thích ứng dựa vào hệ sinh thái là sử dụng các biện pháp quản lý bền vững, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (Chapin et al, 2009; CBD 2009; Piran et al 2009). Trên cơ sở đó, mục tiêu của bộ chỉ số đánh giá thính ứng dựa vào hệ sinh thái cần là:

- Đánh giá, so sánh mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái khi triển khai các mô hình. Từ đó, giúp nhà quản lý có những sự lựa chọn đúng đắn trong định hướng lựa chọn các mô hình thích ứng phù hợp nhất cho sự phát triển địa phương.

- Xác định được lợi ích của dự án đem lại đối với bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, hỗ trợ sinh kế cho người dân

Trên cơ sở xác định nội hàm, mục tiêu và khung lý thuyết cho Bộ chỉ số, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về khung Bộ chỉ số giám sát, đánh giá như sau:

Kết luận

Thực tế ở Việt Nam đã có một số dự án thích ứng dựa vào hệ sinh thái đã được thực hiện ở các cộng đồng địa phương dưới hình thức các dự án do các NGOs tổ chức triển khai. Tuy nhiên, chỉ một số ít dự án đạt được tính bền vững và tiếp tục thành công, còn lại đa số đã gặp những vấn đề bất lợi và thất bại sau khi sau khi dự án kết thúc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của các dự án này như không tạo được sinh kế bền vững cho người dân, không kiểm soát được sự quay vòng tài chính của mô hình, kiến thức và ý thức của người dân. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, đa dạng sinh học suy giảm, nguồn tài chính cho EbA hạn chế và thiếu công cụ giám sát, đánh giá, việc xây dựng được khung bộ chỉ số có ý nghĩa quan trọng  làm tiền đề cho việc hoàn thiện Bộ chỉ số giám sát và đánh giá tính thành công của một dự án EbA nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho các cộng đồng địa phương trong bối cảnh cần thiết tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Lưu Lê Hường
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường


Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. GIZ, Tài liệu dự án Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương dựa vào hệ sinh thái.

2. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ đề tài: Nghiên cứu phát triển bộ chỉ số thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, năm 2015.

3. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Báo cáo tổng hợp dự án Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái.

Tiếng Anh

1. GIZ, Adaptation made to measure: A guidebook to the design and results-based monitoring of climate change adaptation projects, 2nd edition 2013.

2.GIZ, Handbook Monitoring climate change adaptation projects with the MACC-Tool, 2016.

3. USAID, Performance monitoring & evaluation  tips selecting performance indicators, 2nd edition 2010.

4. Marion Kandziora, Benjamin Burkhard, Felix Muller, Interactions of ecosystem  properties, ecosystem integrity and ecosystem serviceindicators - A   theoretical   matrix exercise, Ecological Indicators, 2013.

5. Martin Becher, Britta Heine, Dr. Truong Quang Hoc, Overview of existing capacity development approaches on mainstreaming adaptation to climate change with focus on EbA and best practices on EbA, 2015

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây