Những trở ngại chính về tăng trưởng xanh ở các quốc gia đang phát triển

Thứ ba - 02/10/2012 15:55
Tăng trưởng xanh (Green Growth) là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, với cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Tuy nhiên từ nội hàm của “Tăng trưởng xanh”, để đạt được mục tiêu mong muốn trong quá trình phát triển kinh tế, các quốc gia đang phát triển sẽ gặp phải những trở ngại nhất định. Việc xác định những trở ngại đó sẽ giúp cho các quốc gia này vượt qua những thử thách cản trở quá trình hướng tới tăng trưởng kinh tế theo nội hàm của “Tăng trưởng xanh”.

1. Đặt vấn đề.

Tăng trưởng xanh (Green Growth) là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, với cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên từ nội hàm của “Tăng trưởng xanh”, để đạt được mục tiêu mong muốn trong quá trình phát triển kinh tế, các quốc gia đang phát triển sẽ gặp phải những trở ngại nhất định. Việc xác định những trở ngại đó sẽ giúp cho các quốc gia này vượt qua những thử thách cản trở quá trình hướng tới tăng trưởng kinh tế theo nội hàm của “Tăng trưởng xanh”.

Từ thực tiễn Việt Nam, nhìn nhận ra các nước đang phát triển, có thể khái quát hóa  những trở ngại chính của các nước đang phát triển sẽ gặp phải trong quá trình hướng tới “Tăng trưởng xanh” như sau.

2. Những trở ngại chính về tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển.

2.1. Về nhận thức.

Nhận thức về “tăng trưởng xanh” là gì và nội hàm của tăng trưởng xanh bao gồm những nội dung nào còn là vấn đề tranh cãi. Có quan niệm cho rằng tăng trưởng xanh gần đồng nghĩa với GDP xanh, là tăng trưởng kinh tế trừ đi những thiệt hại môi trường, hay lấy chỉ số GDP trừ đi những thiệt hại môi trường do hoạt động kinh tế gây ra. Mặt khác cũng có quan niệm coi tăng trưởng xanh là sự đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, đầu tư phục hồi hệ sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế Cac bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậụ

Đối với Việt Nam, trong dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm tăng trưởng xanh thể hiện trong chiến lược cho rằng:

“- Tăng trưởng xanh là một nội dung của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu.

- Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

- Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

- Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế.

- Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân”. ­

Từ những quan điểm nêu trên của Việt Nam, hiểu được nội hàm của tăng trưởng xanh và có sự đồng thuận giữa các nước đang phát triển để cùng thực hiện là trở ngại không nhỏ. Bởi lẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, nhiều việc cùng một lúc phải thực hiện, từ sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, đầu tư  cho bảo tồn và phát triển, giảm thiểu phát thải khí nhà kính đến sự nỗ lực của toàn xã hội, không chỉ các tổ chức chính quyền mà còn cả người dân và doanh nghiệp cùng phải nhận thức đầy đủ và thực hiện.

2.2. Vấn đề công nghệ trong thực hiện tăng trưởng xanh.

Đối với các nước đang phát triển, thường có trình độ công nghệ thấp, quá trình phát triển đi sau so với các nước phát triển, do vậy họ phải hứng chịu những hậu quả từ các nước phát triển, đó là tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, quá lỗi thời giá rẻ, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây ra những tổn thất lớn cho hệ sinh thái. Giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới. Đầu tư về khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2.3. Về nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh liên quan đến đổi mới công nghệ. phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải các bon thấp, đầu tư phát triển một số lĩnh vực mới. Muốn làm được những điều đó đòi hỏi phải đầu tư và có nguồn vốn lớn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nhất là việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền kinh tế xanh” do chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (Khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong tổng nguồn vốn này nếu huy động từ các nước đang phát triển là điều không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và đi tiên phong của các nước phát triển.

Từ thực tiễn đã đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng cho thấy, vào năm 2009 UNEP đã thống kê và tính toán Cộng đồng châu Âu và Bắc Mỹ đã đầu tư vào xây dựng các tòa nhà xanh và tạo ra được khoảng 2-3,5 triệu việc làm, riêng Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu khoảng 17 tỷ đô la Mỹ/năm. Đối với các nước đang phát triển, theo đánh giá của ngân hàng thế giới (WB), nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho kinh tế xanh như các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải có thể lên tới 563 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 và 100 tỷ đô la Mỹ cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy so với mức độ đầu tư toàn cầu, đầu tư cho kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào kinh tế xanh của toàn cấu.

Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Với các nước đang phát triển, mặc dù biết vậy nhưng về dài hạn nguồn vốn đầu tư sẽ gặp nhiều trở ngại, các nước này còn phải tập trung nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư vào giáo dục và y tế và giải quyết sinh kế cho người dân.

2.4. Giải quyết sinh kế và thu nhập.

Các nước đang phát triển, tỷ lệ dân số đói nghèo và có mức thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, chính vì vậy đối với họ vấn đề ưu tiên trước hết là sinh kế và thu nhập nhằm vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Trong tăng trưởng xanh, nếu đề cập tới “Cac bon thấp” hay “Công nghệ cao” đối với các nước này là một khái niệm quá xa vời, không có tính thực tiễn, do vậy đây là trở ngại lớn. Hoạch định chính sách cho tăng trưởng xanh đối với các nước đang phát triển cần phải hết sức chú trọng tới những trở ngại của sinh kế và thu nhập. Chính vì vậy trong dự thảo chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam phải gắn với xóa đói giảm nghèo.

3. Khắc phục những trở ngại đối với định hướng tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển phù hợp với xu thế chung toàn cầu hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, những vấn đề sau đây cần được chú trọng trong các giải pháp thực hiện.

-          Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, nhận thức về “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế xanh” còn chưa được hiểu một cách thấu đáo và có sự thống nhất giữa các nước, do vậy cần có chương trình nâng cao năng lực trong nghiên cứu và triển khai những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh. Nếu nội hàm “tăng trưởng xanh” phù hợp với các nước đang phát triển cũng phải làm rõ và giải thích có cơ sở khoa học và thực tiễn.

-          Thứ hai, khi đề cập đến khái niệm các nước đang phát triển (developing countries), cùng cần có sự phân loại rõ ràng, trong đó có các nước nghèo, các nước cận nghèo, các nước đã thoát nghèo có mức thu nhập trung bình và các nước gần với các nước phát triển có thu nhập cao (Trước đây gọi là các nước NICs mới), trên cơ sở đó có những giải pháp định hướng tăng trưởng xanh cho mỗi nhóm nước phù hợp với trình độ phát triển của họ.

-          Thứ ba, trách nhiệm của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển cũng phải được làm rõ, nhất là đối với việc khắc phục các trở ngại của các nước đang phát triển gặp phải như chuyển giao công nghệ, nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư vào tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nguồn vốn của các nước đang phát triển vào tăng trưởng xanh.

-          Thứ tư, xây dựng thể chế ràng buộc giữa hai nhóm nước trong nỗ lực định hướng tăng trưởng xanh và phát triển nền kinh tế Các bon thấp, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những thể chế ràng buộc này nên dựa trên tính đồng thuận và sử dụng các công cụ kinh tế để chi phối. Vấn đề này gần giống như Nghị định thư Kyoto trước đây, trong đó vai trò của các nước đang phát triển tham gia vào quá trình giảm thiểu khí nhà kính từ việc thực hiện CDM và một số lĩnh vực chuyển giao khác thông qua cơ chế thị trường.

-          Thứ năm, sự nỗ lực của các nước đang phát triển, với khả năng đáp ứng của mình, dựa vào phát huy nội lực, các nước đang phát triển phải tự nỗ lực vươn lên theo đinh hướng phát triển của nội hàm “Tăng trưởng xanh”  và phát triển bền vững, không ỷ lại, ngồi chờ, thậm chí có những lĩnh vực có thể đi trước, như trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hay hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

4. Kết luận.

Mặc dù có những trở ngại nhất định trong thực hiện tăng trưởng xanh đối với các nước đang phát triển, nhưng nếu có những giải pháp thích hợp các nước này đều có thể thực hiện được mục tiêu của mình thông qua việc chia sẽ kinh nghiệm, sự hỗ trợ lẫn nhau và bằng nội lực của mỗi nước. Bên cạnh đó những thách thức không nhỏ cũng sẽ đặt ra cho các nước đang phát triển trong quá trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước mà các thách thức sẽ có sự khác nhau, vấn đề là nhận dạng và dự báo trước các thách thức đó để có hướng khắc phục.

 

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

Phó viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Bộ tài nguyên và môi trường.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. 2012

2. GS. Dương Thu Bảo (2011). Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và điều chỉnh kết cấu kinh tế. Bộ môn nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

3. GS. Lương Bằng (2011). Lý thuyết tài chính công và cải cách thể chế tài chính công. Bộ môn giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế học. Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

4. PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh. Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Tạp chí Lao động & Công đoàn. ISN 0866-7578. Số 504 (kỳ 2 tháng 7-2012)

5. Nước CHXHCNVN. Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam. Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20). Hà nội, tháng 5 năm 2012.

6. Untited Nations. ESCAP- KOICA.  Economic and Commission for Asia and Pacific. Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific. Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Asummary for policymakers. 2012

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây