Những động lực và áp lực làm thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái và tác động của chúng đối với kinh tế và xã hội

Thứ hai - 21/08/2023 04:51
Những động lực làm thay đổi trạng thái và xu hướng của các dịch vụ hệ sinh thái bao gồm các yếu tố sau: (i) những thay đổi về dân số học làm tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên; (ii) phát triển kinh tế; (iii) sự chồng chéo về chức năng và quản lý về ĐDSH giữa các cơ quan có liên quan; (iv) chính sách và quản trị về bảo tồn ĐDSH; (v) truyền thông, nhận thức và giáo dục; (vi) phát triển khoa học và công nghệ; và (vii) nguồn lực hạn chế cho bảo tồn/đầu tư ĐDSH. Những động lực này là yếu tố cơ bản tạo thành những áp lực tác động tới khả năng cung cấp các loại sản phẩm mang tính hàng hóa và dịch vụ khác của hệ sinh thái.

1. Những động lực làm thay đổi trạng thái và xu hướng của các dịch vụ hệ sinh thái

Động lực là yếu tố cơ bản tạo thành những áp lực tác động tới khả năng cung cấp các loại sản phẩm mang tính hàng hóa và dịch vụ khác của hệ sinh thái.

   1.1. Những thay đổi về dân số học làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên

Kết quả điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có 96,48 triệu người. Dân số Việt Nam vào năm cuối của thời kỳ dự báo, năm 2049, con số này là 108,5 triệu người theo phương án trung bình. Do đó, nhu cầu sử dụng các nhóm tài nguyên tăng lên là yếu tố làm gia tăng khai thác và sử dụng tài nguyên sinh vật cũng như các dịch vụ hệ sinh thái khác, gây áp lực tới bảo tồn ĐDSH. Hơn nữa, phần lớn dân số lại tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và các vùng duyên hải ở miền trung. Hầu hết các khu bảo tồn trên cạn lại tập trung ở những vùng rừng núi, nơi đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Điều đó gây thách thức cho việc quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái tại các khu bảo tồn.

Tăng nhu cầu sử dụng đất cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản: Tại Nghị quyết của Quốc Hội số: 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia cho thấy diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp nói chung, đất cho rừng sản xuất và nuôi trồng thủy sản nói riêng (các hệ sinh thái nhân tạo) có xu hướng tăng dần từ 2015 tới 2020, trong khi diện tích rừng phòng hộ có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy nhu cầu tăng sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên gỗ và thủy sản cho con người.

Tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước: Việt Nam có nguồn tài nguyên nước mặt vào loại trung bình thấp trên thế giới. Hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của đô thị. Mặt khác, theo Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT (2016), sự suy thoái tài nguyên nước về cả số lượng và chất lượng ngày càng gia tăng. Mặc dù công suất cấp nước đô thị đã tăng 1,6 lần so với 10 năm trước, tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa đang gia tăng, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành và dân số đô thị cũng tăng nhanh chóng, nên hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của đô thị.

Tăng sử dụng và sản xuất năng lượng: Ở Việt Nam, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, tổng điện năng sản xuất cụ thể năm 2015: 159 tỷ; 2020: 265 tỷ; 2025: 400 tỷ; 2030: 572 tỷ kWh. Trong đó nhiệt điện than có tỷ trọng trên 53% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm còn hơn 12%, điện từ khí đốt gần 17%, điện tái tạo tăng lên 10,7% vào 2030. Sản xuất năng lượng cũng là một trong những nguồn chính phát thải khí nhà kính, làm thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái.

Tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên sinh vật: Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thuỷ sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thuỷ sản nước ngọt có giá trị kinh tế. Khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần các khu rừng và 20-50% thu nhập của họ là từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, gồm hàng trăm loài cây thuốc, cây cho dầu, thuốc nhuộm và động vật hoang dã.

Nhìn chung, nhận thức và tập quán lạc hậu của người dân về giá trị dược tính của một số sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã (sừng tê giác, mật gấu, cao hổ, v.v...) và siêu lợi nhuận từ việc buôn bán trái phép các sản phẩm này cũng góp phần làm suy giảm ĐDSH. Tương tự là thói quen sử dụng đồ nội thất từ gỗ tự nhiên quý, hiếm như biểu tượng của quyền uy và giàu sang cũng sẽ làm suy giảm nguồn tài nguyên rừng.

1.2. Phát triển kinh tế

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791USD). Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2019 tăng 6,2% so với năm 2018 (Tổng cục Thống kê, 2019). Nhờ đó, đời sống nhân dân đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, các hình mẫu tiêu dùng các dịch vụ hệ sinh thái không bền vững, có sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn. Trong đó, việc thành lập nhiều khu kinh tế/khu công nghiệp biển và vùng ven biển cũng là thách thức tới bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

1.3. Sự chồng chéo về chức năng và quản lý về ĐDSH giữa các cơ quan có liên quan

Thách thức lớn nhất đối với quản lý và bảo tồn ĐDSH chính là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT trong ban hành chính sách. Tồn tại này bắt nguồn từ sự không thống nhất giữa các bộ luật như Luật ĐDSH 2008, Luật BV&PTR 2004 cũng như Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Thủy sản (2003, 2017) trong việc ban hành quy định pháp luật quản lý bảo tồn ĐDSH hiện nay ở Việt Nam (Bộ TN&MT, 2018).

Hệ thống tổ chức quản lý ĐDSH mặc dầu đã được hình thành từ cấp trung ương tới địa phương nhưng phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa rõ ràng giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cũng như giữa các cơ quan chức năng ở địa phương, dẫn tới sự chồng chéo và xung đột. Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn ở địa phương còn thiếu hụt, bị chia cắt theo hai hệ thống ngành như trên, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, tại hầu hết các Sở TN&MT ở địa phương chưa có đơn vị chức năng và cán bộ chuyên ngành bảo tồn ĐDSH.

Việc chồng chéo trong quản lý nhà nước về ĐDSH và các hệ sinh thái khác nhau một mặt là những động lực tác động tiêu cực đến việc sử dụng, khai thác bền vững những dịch dụ hệ sinh thái, mặt khác làm giảm khả năng cung cấp dịch vụ của hệ sinh thái.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ĐDSH ở Việt Nam hiện nay có nhiều bộ, ngành tham gia quản lý, kể cả ở cấp trung ương tới địa phương: Bộ TN&MT được Chính phủ giao là đầu mối quản lý nhà nước về ĐDSH. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT quản lý hệ thống rừng đặc dụng và KBT biển; Bộ TN&MT quản lý khu bảo tồn ĐNN. Công tác quản lý nhà nước về ĐDSH là trách nhiệm chính của hai Bộ TN&MT và NN&PTNT có nhiều chồng chéo (Bộ TN&MT, 2018).

1.4. Chính sách và quản trị về bảo tồn đa dạng sinh học

Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan tới bảo tồn ĐDSH được xây dựng theo hệ thống 3 luật: Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 được sửa đổi Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Thủy sản 2003 được sửa đổi 2017. Bởi vậy, đã có sự chồng chéo, không đồng nhất giữa các văn bản pháp luật về quản lý bảo tồn ĐDSH.

Thực thi chính sách về bảo tồn ĐDSH chưa hiệu quả: quản lý bảo tồn còn nhiều bất cập, một số khu bảo tồn đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác động vật hoang dã và gỗ rừng trái phép (Bộ TN&MT, 2018).

1.5. Truyền thông, nhận thức và giáo dục

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn ĐDSH hiện nay mới chỉ làm ở cấp cộng đồng và một số cán bộ quản lý có liên quan. Các quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và yêu cầu về lồng ghép giới chưa được thể hiện rõ rệt trong các văn bản pháp luật ĐDSH. Tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn ĐDSH là một quá trình cần được triển khai thường xuyên, lâu dài nhưng hiện nay chưa có đủ kinh phí để tiến hành các hoạt động này đều đặn hàng năm (Bộ TN&MT, 2018).

1.6. Phát triển khoa học và công nghệ

Ở Việt Nam, trong nhóm nông nghiệp, thủy sản, hướng nông nghiêp thâm canh, nuôi tôm công nghiệp đã và đang được triển khai rộng khắp. Bên cạnh những khía cạnh tích cực là có được một sản lượng hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân, đồng thời hạn chế khai thác tài nguyên sinh vật tự nhiên thì lại có những bất lợi từ các mô hình này: sử dụng nhiều hóa chất như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chế phẩm kích thích sinh trưởng, phát triển; mật độ đối tượng nuôi lớn, dẫn tới các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an toàn sản phẩm sinh học.

1.7. Nguồn lực hạn chế cho bảo tồn / đầu tư đa dạng sinh học

Trong thực tế, công tác thực thi pháp luật về ĐDSH vẫn còn bị hạn chế do thiếu nguồn lực, bao gồm nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật và tài chính. Tại hầu hết các KBT, nhân lực làm công tác bảo tồn còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, chưa đủ trang thiết bị cần thiết có thể xem là nguyên nhân dẫn tới thực thi pháp luật ĐDSH chưa tốt. Công tác xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn còn chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân ngày càng gia tăng những vụ khai thác, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng (Bộ TN&MT, 2019).

Đầu tư kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH từ nguồn ngân sách đã tăng nhưng còn dàn trải, thiếu trọng điểm và hiệu quả đầu tư còn thấp. Hầu hết kinh phí của các tổ chức phi chính phủ phụ thuộc vào các dự án ngắn hạn và dựa vào tài trợ, vì vậy khó có thể thực hiện các cam kết dài hạn cho công tác bảo tồn (Bộ TN&MT, 2019).

2. Những áp lực làm thay đổi trạng thái và xu hướng của các dịch vụ hệ sinh thái

2.1. Chuyển đổi đất/mặt nước bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT (2016), từ năm 2006 đến 2016, đã có 2.991 dự án, với 386.290 ha rừng được chuyển sang mục đích khác, trong đó: rừng tự nhiên: 300.120 ha (chiếm 78,0%), rừng trồng: 86.170 ha (chiếm 22,0%).

Việc san lấp hàng chục nghìn ha bãi triều tự nhiên ở vùng ven bờ Bắc Bộ để quây nuôi ngao bến tre (Meretrix serata) một mặt làm thay đổi cơ lý đất bãi triều, mặt khác làm mất tính ĐDSH của bãi triều, đặc biệt quần thể loài ngao dầu bản địa (Meretrix meretric) bị suy giảm mạnh. Nuôi với mật độ cao dẫn tới gây ô nhiễm môi trường từ các chất hữu cơ bài tiết từ đối tượng nuôi ra môi trường bên ngoài (Bộ TN&MT, 2019).

Kể từ năm 1943 đến 2005, ít nhất 220.000 ha rừng ngập mặn biến mất một phần do chiến tranh, mặt khác do hoạt động chặt phá và phát triển nuôi trồng thủy sản. Các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như bị biến mất ở nhiều tỉnh ven bờ (Bộ TN&MT, 2019).

Theo thống kê, chỉ riêng hệ thống thủy điện được xây dựng trên sông Đồng Nai đã phá hủy trên

15.000 ha rừng tự nhiên ở vùng lưu vực (FCPF, 2011).

Nhiều công trình hồ chứa thuỷ điện không vận hành đúng quy trình như chế độ xả lũ, bảo đảm dòng chảy môi trường…đã gây ra các sự cố thiệt hại về người, về kinh tế, ảnh hưởng mạnh đến các hệ sinh thái vùng hạ lưu (Bộ TN&MT, 2019).

Việc phát triển giao thông không hợp lý cũng tác động đáng kể đến các nguồn tài nguyên rừng và ĐDSH, ngoài việc mất rừng để làm đường còn tạo thuận lợi cho lâm tặc tiếp cận và khai thác rừng trái phép.

2.2. Khai thác quá mức và bất hợp pháp tài nguyên sinh vật

Tài nguyên sinh vật rừng bao gồm nhiều loài động vật hoang dã và gỗ bị khai thác quá mức và trái phép, thậm chí khai thác gỗ trái phép ngay trong một số vườn quốc gia và khu bảo tồn. Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng khai thác tận diệt các cây thuốc quý để xuất lậu qua biên giới là khá phổ biến. Ở Cao Bằng, các đầu nậu Trung Quốc đã lập ra nhiều trạm thu mua và sơ chế dược liệu của địa phương như: củ bình vôi trắng, củ bình vôi vàng, giảo cổ lam, hoàng tinh vàng, huyết đằng, cỏ nhung… Nhiều loài cây thuốc đang bị xuất lậu sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa rõ giá trị kinh tế cũng như công dụng chữa bệnh của chúng (Bộ TN&MT, 2019).

Khai thác bất hợp pháp thủy sản bằng các công cụ mang tính hủy diệt như mìn, hóa chất, lưới đánh cá với mắt lưới nhỏ. Khai thác động vật hoang dã trong rừng bằng các loại bẫy hoặc súng săn. Điều đó dẫn tới các hệ sinh thái bị suy thoái, tính đa dạng sinh học suy giảm, tài nguyên sinh vật bị cạn kiệt. Kích thước khai thác của các loài cá chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác ở hầu hết các vùng biển đều khá nhỏ, chưa đạt đến chiều dài thành thục sinh dục. Mặc dù tổng sản lượng khai thác hải sản tăng liên tục, nhưng năng suất bình quân (tấn/cv/năm) lại thể hiện khuynh hướng giảm (Viện Nghiên cứu Hải sản, 2016).

Buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã: Tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng có xu hướng tăng. Từ năm 2010 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Riêng năm 2016, toàn ngành hải quan đã phát hiện và bắt giữ 26 vụ vận chuyển ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi với tổng số lượng gần năm tấn, cùng hàng tấn tê tê, vảy tê tê, rùa, chân tay gấu, sừng tê giác… được nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba (Bộ NN&PTNT, 2017).

2.3.Ô nhiễm môi trường

Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường không khí, đất, nước nội địa và biển ven bờ. Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ lục địa do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các sông, kênh rạch ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Hiện tượng nở rộ thực vật nổi, chủ yếu là tảo lam (Microcystis spp.) làm khí ô xy hòa tan suy kiệt làm chết hàng loạt cá ở các hồ nội thành Hà Nội. Hiện tượng thủy triều đỏ gia tăng ở vùng ven biển.

2.4. Biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam (Bộ TN&MT, 2016). Nguy cơ ngập ứng với mực nước biển dâng 100cm: khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng; khoảng 17,8% diện tích Tp. Hồ Chí Minh; Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (38,9% diện tích). 78 trong số 286 “sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu” (tương đương 27%), 46 KBT (tương đương 33%), 9 khu ĐDSH có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu ĐDSH khác ở Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu được thể hiện bởi các yếu tố chủ yếu như: nhiệt độ tăng, nước biển dâng, lượng mưa, tai biến thiên nhiên…Nhiều loài động vật, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT, 2019).

2.5. Sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại

Các loài ngoại lai xâm hại khi di nhập vào sẽ phát triển quần thể nhanh chóng, lấn át các loài bản địa về thức ăn, nơi cư trú, thậm chí làm xói mòn nguồn gen loài bản địa do tính lai tạp. Sự quan ngại về nguy cơ gây hại cho ĐDSH, sức khỏe con người và nền kinh tế của các loài ngoại lai xâm hại ngày càng tăng, đặc biệt là Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata, P. insunarum) được đưa vào Nam Việt Nam vào cuối những năm 80 và nay đã lan rộng ra toàn quốc. Tính đến năm 1997, ốc bươu vàng đã gây hại cho 132.000 ha diện tích trồng lúa, gây ra thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm do sản lượng lúa bị giảm sút. Theo thống kê, hiện nay có 94 loài thực vật ngoại lai di nhập vào Việt Nam, trong đó có 42 loài xâm hại, 12 loài xâm hại điển hình và đang phát triển nhanh như cây Mai dương (Mimosa pigra), bèo Nhật Bản (Eichhornia crassipes). Trong số này, cây Mai dương lần đầu tiên được phát hiện tại VQG Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) năm 1995, nay xâm nhập gần như khắp nơi và đã trở thành một nguy cơ lớn tại nhiều vùng đất ngập nước trong toàn quốc (Bộ TN&MT, 2019).

Năm 2013, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT ban hành thông tư liên tịch Số.27/2013/TTLT- BTNMT-BNNPTNT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Theo đó đã công bố Danh mục 25 loài ngoại lai xâm hại,15 loài ngoại lai nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam và 41 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Mặc dầu đã có những nỗ lực trong hoạt động quản lý, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại của các 2 Bộ nhưng vẫn có những tồn tại về quản lý trong lĩnh vực này (Bộ TN&MT, 2019).

3. Tác động của sự thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái đối với kinh tế và xã hội

Theo Niên giám thống kê (2018), nếu tính các sản phẩm từ tài nguyên của các dịch vụ HST nông-lâm nghiệp, ĐNN và biển thì tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành năm 2018 của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng là 1.221.952 tỷ VNĐ, chiếm 22,04% tổng sản phẩm.

21 8 23 1

Hình 1. Tăng trưởng của ngành Thủy sản Việt Nam

(Nguồn: Tổng cục Thủy sản, 2020)

21 8 23 2

Hình 2. Tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam

(Nguồn: Tổng cục Du lịch, 2019)

Mặt trái của việc đạt được các con số có ý nghĩa về phát triển kinh tế như trên phải đánh đổi bằng sự suy thoái hệ sinh thái, suy giảm ĐDSH và qua đó suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái. Do những động lực, áp lực như khai thác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có xu hướng tăng, vượt quá khả năng cung cấp của dịch vụ hệ sinh thái, thể hiện như: rừng tự nhiên giảm diện tích; thảm cỏ biển giảm diện tích; rạn san hô có độ phủ thấp dần; loài nguy cấp giảm số lượng cá thể; số lượng loài nguy cấp tăng lên; sản lượng khai thác hải sản tự nhiên đã tới hạn; phát triển kinh tế đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường...

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2021

 

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây