Phát triển ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

Chủ nhật - 06/08/2023 23:57
​​​​​​​Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu tổng hợp về: i) thực trạng về mối quan hệ giữa ngành chế biến gỗ và kinh tế tuần hoàn (KTTH), qua đó khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành kinh tế sinh thái, ngành KTTH. Sự phát triển của ngành đáp ứng được các mục tiêu của KTTH về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; ii) mô hình tổng quát về KTTH trong ngành chế biến gỗ, thể hiện sự liên kết giữa các lĩnh vực từ trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ, hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ; iii) mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm trong nhà máy chế biến gỗ, trong đó nêu hiệu quả của mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm tại Công ty Cổ phần Phú Tài, Bình Định; iv) kiến nghị một  số nội dung để phát triển KTTH trong lĩnh vực chế biến gỗ.

1. Giới thiệu chung ngành chế biến gỗ và kinh tế tuần hoàn

a) Sự phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ

Hiện nay ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà xuất khẩu bền vững. Sự tăng trưởng đó thể hiện rõ nét nhất trên quy mô các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ. Cụ thể, nếu như cách đây 5 năm, cả nước chỉ có 3.200 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 5.840 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến đồ gỗ (không tính hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ). Toàn ngành đã thu hút hàng vạn công nhân và hàng triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân, Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) thì ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành có tiềm năng phát triển, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, thị trường rộng lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam nhiều năm qua đều tăng trưởng đạt từ 12-17%. Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ở khâu xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước đó. Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường này năm 2021 chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang tất cả các thị trường. Năm 2021, Hoa Kỳ giữ vững ngôi vị thị trường xuất khẩu số 1 của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch từ thị trường này đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ. Đứng vị trí thứ hai là Trung Quốc, đạt 1,49 tỷ USD (chiếm 10,5%), tăng 23,2% so với năm 2020. Nhật Bản vị trí kế tiếp, đạt 1,39 tỷ USD (chiếm 9,8%), tăng 9,7% so với năm 2020. Hàn Quốc đạt 869,36 triệu USD (chiếm 6,7%), tăng 6,4% so với năm 2020. Thị trường EU 27 nước đạt kim ngạch 597,76 triệu USD (chiếm 4,2%), tăng 11,4% so với năm 2020.

Các mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn năm 2021 bao gồm: đồ gỗ (đạt 6,23 tỷ USD, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 6,1% so với năm 2020); ghế ngồi (đạt 3,47 tỷ USD, chiếm 25%, tăng 30,1%); dăm gỗ (đạt 13,6 triệu tấn, tương đương 1,73 tỷ USD, chiếm 12%, tăng 17,2% về lượng và 16,7% về giá trị); gỗ dán/gỗ ghép (đạt trên 2,88 triệu m3, tương đương 1,08 tỷ USD, chiếm 8%, tăng 37,8% về lượng và 50,5% về giá trị); ván bóc/lạng (đạt 2,03 triệu tấn, tương đương 217,56 triệu USD, chiếm 2%, tăng 173% về lượng và 145% về giá trị) (Hình 1).

(ĐVT: tỷ USD)

22 8 23 1

Hình 1. Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam từ năm 2009-2021

Nguồn: Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng cục Hải quan

Hàng năm nước ta sử dụng khoảng 35 triệu m3 gỗ rừng trồng; nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn. Theo Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn năm 2050 thì định hướng phát triển nền công nghiệp chế biến gỗ theo hướng phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, hiệu quả, an toàn, ít phát thải và bền vững.

Ngày 10/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký, ban hành Quyết định số 327/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ sản phẩm gỗ. Trong đó: giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, gồm kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD năm 2030, kim ngạch xuất khẩu gỗ sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD; giá trị G&SPG tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030; Trên 80% cơ sở chế biến gỗ, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Đề án nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; hoàn thiện  cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; tuyên truyền, giáo dục; ứng dụng khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế; các dự án ưu  tiên, góp phần bảo vệ rừng, phát triển rừng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trước thực trạng hiện nay.

b) Hạ tầng, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản

Năm 2020, cả nước có trên 340 làng nghề, 5.840 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, tăng 73% so với năm 2010 trong đó có 4.674 doanh nghiệp chế biến gỗ; 349 doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo (146 doanh nghiệp ván ghép thanh; 132 doanh nghiệp ván lạng, ván bóc; 99 doanh nghiệp ván dán; 45 doanh nghiệp ván dăm và 17 doanh nghiệp ván MDF); 55 doanh nghiệp pallet; 25 doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, 188 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ và 459 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ. Có 26 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào chế biến gỗ ở Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, có hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, sản xuất được các chi tiết, sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên liệu. Phân theo mức độ trình độ công nghệ gồm:

- Nhóm các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn và vừa sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu: sử dụng công nghệ hiện đại với thiết bị nhập khẩu từ EU, Đài Loan (Trung Quốc).

- Nhóm các doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo (MDF, ván thanh, ván dán...): sử dụng công nghệ chế biến của châu Âu, có quy mô công suất từ 50.000 m3 đến 400.000 m3 sản phẩm/năm.

- Nhóm các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ tiêu thụ nội địa: sử dụng công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc với quy mô công suất nhỏ từ 1.000- 10.000m3 sản phẩm/năm.

- Nhóm các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ mỹ nghệ: chủ yếu sản xuất thủ công, làng nghề với công cụ truyền thống như xẻ tay, đục, chạm khắc.

2. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất chế biến gỗ

Thuật ngữ KTTH được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1990 bởi Pearce và Turner (1990). Dựa trên quan điểm rằng, mọi thứ đều có thể là đầu vào của một quá trình sản xuất, các tác giả phê phán hệ thống kinh tế tuyến tính truyền thống và đề xuất một mô hình kinh tế mới gọi là KTTH.

Kể từ khi được chính thức đưa ra bởi Pearce và Turner (1990), đã có nhiều định nghĩa khác nhau về KTTH. Ủy ban châu Âu cho rằng, KTTH chỉ các khía cạnh nguồn lực vật chất của nền kinh tế, tập trung vào tái chế, sử dụng lại các đầu vào vật chất của nền kinh tế và sử dụng chất thải như là nguồn lực đầu vào để giảm tiêu dùng tài nguyên cơ bản.

Mặc dù là khái niệm mới, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu trung KTTH bao gồm 3 nội dung cốt lõi: (1) Giảm thiểu phát thải ra môi trường thông qua  sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, năng lượng và sử dụng nguyên liệu, năng lượng có khả năng tái tạo; (2) Tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; (3) Tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào sản xuất. Phát triển KTTH là xu hướng phát triển hiện nay của thế giới, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng nguyên liệu chính là gỗ. Như chúng ta đã biết, rừng còn được ví như lá phổi xanh của trái đất, rừng có vai trò quan trọng hấp thu khí các-bon-níc, sản sinh ra khí ôxy cần thiết cho sự sống. Rừng giữ vai trò trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp oxy cho khí quyển và hấp thụ lượng khí các-bon-nic; rừng tạo ra nguyên liệu gỗ khi chúng được quản lý bền vững, đó như là một bắt đầu cho sự thay thế luân phiên nhau giữa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu gỗ; rừng có khả năng hấp thụ một phần mười lượng khí thải các-bon toàn cầu dự kiến trong nửa đầu của thế kỉ XXI để tạo thành sinh khối trong cây, thành đất, thành sản phẩm của cây và lưu trữ chúng theo nguyên tắc tuần hoàn,  lâu dài.

Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng sản xuất cả nước đạt 3.537.486 ha, đáp ứng gần 80% nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu trong chế biến. Phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi, từng bước giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó đã giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Đồng thời, tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển, với nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng đã tạo động lực, thu hút đầu tư để phát triển các dự án trồng rừng cung cấp nguyên liệu, góp phần ổn định đời sống cho người dân làm nghề rừng; đồng thời hạn chế phá rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Như vậy, có thể khẳng định rằng ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành kinh tế sinh thái, ngành KTTH. Sự phát triển của ngành đáp ứng được các mục tiêu của KTTH là phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

22 8 23 2

Hình 2. Sơ đồ tuần hoàn chuỗi giá trị sản xuất chế biến gỗ

a) Mô hình kinh tế tuần hoàn lĩnh vực ngành chế biến gỗ

Trên hình 2 và 3 thể hiện mô hình kinh tế lâm nghiệp theo xu hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chế biến gỗ, thể hiện sự liên kết giữa các lĩnh vực từ trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ.

22 8 23 3

Hình 3. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chế biến gỗ

Như vậy có thể thấy rằng, để phát triển ngành KTTH trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, chúng ta cần phải đẩy mạnh các lĩnh vực kinh tế:

+ Phát triển kinh tế trồng rừng

Trong đó tập trung các phát triển về nghiên cứu trồng rừng, tạo ươm giống cây cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh; trồng chăm sóc rừng, phủ xanh đồi núi trọc.

Có giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất, chuyển hoá rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn đáp ứng nguồn cung gỗ tròn sản xuất trong chế biến sâu, mang lại giá trị lớn cho sản phẩm gỗ rừng trồng.

+ Phát triển kinh tế công nghiệp chế biến gỗ

Tập trung phát triển hệ thống, các cơ sở sản xuất chế biến gỗ tạo ra các nhóm sản phẩm gỗ sử dụng hầu hết sinh khối của cây gỗ.

Tập trung đổi mới công nghệ, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao sử dụng tổng hợp, hiệu quả sinh khối gỗ.

Phát triển các sản phẩm gỗ chủ lực có giá trị xuất khẩu cao; Phát triển các sản phẩm giấy, xenlulo từ gỗ rừng trồng và phụ phẩm chế biến gỗ.

+ Phát triển hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ

Các nhà xưởng, cung cấp vật liệu, phụ kiện, bao bì, máy chế biến gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ

b) Mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng phụ phẩm trong nhà máy chế biến gỗ

Trong nhà máy chế biến gỗ luôn có các phụ phẩm chế biến gỗ ở các dạng khác nhau, tùy theo đặc thù, quy mô của nhà máy có phương án chế biến sử dụng một cách hiệu quả (Hình 4, hình 5).

22 8 23 4

Hình 4. Các phụ phẩm chế biến gỗ và sản phẩm tái sử dụng

Khi sử dụng được các phụ phẩm chế biến gỗ, sẽ nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế sản xuất và kinh doanh của nhà máy, đồng thời tạo môi trường xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Giá bán hoặc giá trị của các sản phẩm phụ về mặt kinh tế là một phần rất quan trọng trong thu nhập tài chính của công ty.

c) Mô hình tổng quát công nghệ chế biến gỗ và tái sử dụng phụ phẩm tại Công ty Cổ phần Phú Tài

Công ty Cổ phần Phú Tài, được thành lập là một doanh nghiệp Quân đội và cổ phần hoá năm 2004. Ngành chế biến gỗ của Công ty liên tục phát triển. Đến nay, Công ty có 4 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở Đồng Nai và Bình Định. Doanh số ngành gỗ của Công ty các năm gần đây liên tục tăng 12-20%: năm 2021 đạt 135 triệu USD (kế hoạch năm 2022 là 160 triệu USD). Sản phẩm là bàn ghế trong nhà và ngoài trời. Gỗ sử dụng 90% là Keo (acacia) và gỗ cao su nội địa. Năm 2021 Công ty đã sản xuất được 75.000 m3 gỗ tinh (sản phẩm) tương ứng với tiêu thụ 450.000 m3 gỗ tròn, năm 2022 dự kiến sản xuất được 90.000 m3 tinh (sản phẩm) tương ứng tiêu thụ 540.000 m3 gỗ tròn. Phụ phẩm từ cây gỗ được công ty tận dụng làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy. Hàng năm đã tiết kiệm được cho Công ty hàng trăm tỷ đồng từ việc tận dụng các phụ phẩm trong chế biến làm chất đốt cho nồi hơi sấy gỗ và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng đã đưa tổng lợi nhuận tăng 2-3%. Công ty hiện đang liên kết với các công ty trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín, từ trồng rừng bao tiêu toàn bộ sản phẩm rừng trồng, chế biến sâu các sản phẩm đồ gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.  Hình 3 khái quát mô hình tổng quát công nghệ chế biến gỗ tái sử dụng nguồn phụ phẩm gỗ tại Công ty Cổ phần Phú Tài, Bình Định.

22 8 23 5

Hình 5. Mô hình tổng quát công nghệ chế biến gỗ và tái sử dụng phụ phẩm tại Công ty Cổ phần Phú Tài

d) Nhận xét chung

- Trong quá trình chế biến gỗ, luôn phế liệu gỗ hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay phế liệu gỗ tại các nhà máy phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây. Việc này ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.

- Đặc thù của ngành chế biến gỗ là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, phân tán nên đối với các doanh nghiệp quy nhỏ, làng nghề, đã hình thành các cơ cở chuyên thu gom các phụ phẩm chế biến gỗ để tái sử dụng phụ phẩm sản xuất các sản phẩm như viên nén gỗ, ván dăm, ván MDF, giấy và bột giấy. Từ đó đã hình thành mối liên kết giữa các công ty chế biến gỗ với các cơ sở thu mua phế phụ phẩm.

- Một số nhà máy lớn, cụm chế biến gỗ đã áp dụng mô hình tái sử dụng phụ phẩm chế biến gỗ của nhà máy để tạo sản phẩm tái chế ngay tại doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

- Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế cho các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.

3. Kết luận

- Phát triển công nghiệp chế biến gỗ là giải pháp tái tạo tuần hoàn bền vững nhất đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ngành chế biến gỗ sử dụng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, các phụ phẩm chế biến gỗ có thể tái sử dụng hoàn toàn, đồng thời phát triển rừng trồng nguyên liệu một cách liên tục.

- Phát triển ngành chế biến gỗ cần thiết phải đẩy mạnh các ngành kinh tế lâm nghiệp bao gồm kinh tế trồng rừng, kinh tế công nghiệp chế biến gỗ. Các ngành kinh tế này phải phát triển mạnh và song song với nhau, trồng rừng và khai thác tới đâu thì tiêu thụ, chế biến sâu tới đó.

- Ưu điểm của sản phẩm ngành công nghiệp chế biến gỗ là tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường tuyệt đối, rất ít sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Khi hết vòng đời các sản phẩm của chuỗi có thể tái tạo vòng đời mới, tạo ra các sản phẩm, tạo ra nguồn năng lượng mới thay thế các năng lượng truyền thống, hoặc phân huỷ nhanh không gây ảnh hưởng môi trường và thậm chí có thể làm phân bón hữu cơ sử dụng trong kinh tế nông nghiệp và kinh tế trồng rừng. Xu hướng của thế giới sử dụng là gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới (hầu như tất cả các sản phẩm gia dụng thiết yếu, ly, chén dụng cụ nhà ăn, túi xách, chứa đồ, bao bì, pallet… đều làm bằng gỗ, giấy).

- Phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tái tạo liên tục các cánh rừng mới với chi phí thấp, cải tạo môi trường tạo giá trị gia tăng mới (mua, bán hạn mức các bon), góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang rất nóng hiện nay của thế giới.

4. Kiến nghị

Hiệu quả của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đã được các nước như Phần Lan, EU, Nhật phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn về giá trị kinh tế và môi trường cho đất nước. Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chúng tôi có một số kiến nghị với các cơ quan quản lý như sau để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, chế biến gỗ và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam:

- Về phát triển trồng rừng: Cần phát huy hiệu quả chính sách để tạo ra rừng quy mô lớn, liên kết tạo các hợp tác xã (liên kết các hộ dân) trồng rừng với các nhà máy chế biến gỗ. Đầu tư vốn ưu đãi… tạo rừng gỗ lớn, các loại gỗ có giá trị kinh tế cao nhằm chủ động nguồn nguyên liệu gỗ trong nước.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết trồng, khai thác và chế biến tiêu thụ để từ đó tạo vòng KTTH lớn. Tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực cho doanh nghiệp để có thể thiết lập khu liên hiệp, tổ hợp chế biến gỗ tập trung quy mô lớn.

- Hạn chế việc xuất khẩu thô nguyên liệu gỗ, đặc biệt là dăm gỗ thông qua việc tăng thuế cao xuất nguyên liệu thô (dăm gỗ) nhằm khuyến khích chế biến sâu, gia tăng giá trị.

- Khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản xuất.

- Đầu tư, xây dựng các mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất chế biến gỗ phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp làm cơ sở để nhân rộng và phát triển cho các doanh nghiệp tham quan học tập.

- Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả của KTTH.

Nguyễn Sĩ Hòe

Trường Đại học Lâm nghiệp

Vũ Huy Đại

Công ty Cổ phần Phú Tài, kiêm Giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
  2. Nhóm nghiên cứu của VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA (2002).
  3. Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm năm 2021
  4. Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây