Phương thức phân loại và tính giá nước, hướng tới quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước mặt hạ lưu Đập thuỷ điện Hoà Bình

Chủ nhật - 27/03/2011 23:32
Dựa trên quan điểm kinh tế, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất thiết phải có những hình thức phân loại và tính giá phù hợp. Đối với tài nguyên nước cũng vậy, chúng ta muốn quản lý hiệu quả và sử dụng hợp lý, cần phải có sự phân loại và tính toán giá trị của mỗi loại, đó là cơ sở cho việc tính phí và thuế sử dụng nước.
Vận dụng quan điểm này cho nhìn nhận phân loại và tính toán giá nguồn tài nguyên nước mặt ở hạ lưu đập Hoà Bình, chúng ta sẽ sử dụng hình thức phân loại dựa trên mục đích sử dụng, đó là:

  • Nước sử dụng cho sinh hoạt
  • Nước sử dụng cho nông nghiệp
  • Nước sử dụng cho công nghiệp
  • Nước sử dụng cho giao thông đường thuỷ

Mỗi mục đích sử dụng này sẽ có một mức giá nước riêng, phụ thuộc vào chất lượng nước yêu cầu, phương thức sử dụng, chi phí cơ hội, ngoại ứng môi trường..., tất cả các yếu tố đó tác động tới việc cấu thành giá nước.

1. Đối với nước sử dụng cho sinh hoạt

Nhìn chung, việc lấy nước ở đập Hoà Bình để cung cấp nước sạch sẽ giúp cắt giảm được chi phí khai thác nước ngầm trong chi phí sản xuất, thay vào đó là chi phí cho việc dẫn nước, bảo dưỡng các ống dấn nước cũng như các chi phí về lọc và xử lý nước cũng có những điểm khác biệt.

Thành phần của các chi phí được thể hiện trong hình 1.

Các chi phí Vận hành và Bảo trì (O&M) được ước lượng là 5.780 VNĐ/m3, bao gồm chi phí cho nước thô (4.080 VNĐ/m3). Các chi phí vốn cho các hệ thống được ước lượng khoảng 4.080 VNĐ/m3, trong Tổng Chi phí Cung cấp là 9.860 VNĐ/m3.

Chi phí cơ hội bằng chi phí của phương án tốt nhất đã bỏ qua, đó là sử dụng nước cho nông nghiệp, chi phí này ước tình là 1.649 VNĐ/m3.

Các ngoại ứng môi trường cũng được tính đến qua việc ước lượng các chi phí xử lý nước vào khoảng 8.500 VNĐ/m3. Vì thế Tổng Chi phí được ước lượng là 18.360/m3 (9.860 VNĐ + 8.500 VNĐ)/m3.

Như vậy, chi phí của việc sử dụng nước cho sinh hoạt là 20.009VNĐ/m3. Đây là cơ sở để xác định mức giá nước sinh hoạt.

2. Đối với nước sử dụng cho nông nghiệp

2.1. Phương pháp tính giá nước sử dụng cho nông nghiệp

Nước sử dụng cho nông nghiệp được chia làm những loại chính sau: nước dùng cho trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

Trên thực tế, nếu tính toán một cách chi tiết các yêu cầu về chất lượng nước, chi phí cơ hội và đặc điểm cụ thể của từng loại, xét theo quan điểm về các yếu tô cơ bản của chi phí nước, thì giá nước của từng loại sẽ có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, việc xác định được chất lượng nước thế nào cho phù hợp, hay tìm hiểu hết những điểm khác nhau của từng loại nước yêu cầu là điều hết sức khó khăn. Hơn nữa, mỗi vùng đất khác nhau, với những loại cây trồng riêng, cũng sẽ có yêu cầu về chất lượng và số lượng nước đặc thù. Đơn cử, khó có thể nói được nước dành cho nuôi trồng thuỷ sản phải có chất lượng cao hơn chăn nuôi hay trồng trọt, cao hơn thế nào, chi phí và giá trị khác nhau ra sao phụ thuộc rất nhiều về loại vật nuôi và cây trồng.

Việc thu thập thông tin và tình toán đầy đủ các giá trị này là hết sức phức tạp, hơn nữa, kết quả chỉ mang tính thời điểm, vì các loại cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp có thể được thay đổi theo từng vụ. Để đơn giản, chúng ta sẽ sử dụng chung một mức giá xác định cho cả 3 mục đích sử dụng nước này. Từ đó, xậy dựng được mức giá phù hợp của nước sử dụng cho nông nghiệp của từng vùng.

Việc xác định giá của nước trong nông nghiệp bao gồm tính toán các nhân tố như đã được trình bày trong hình 2. Lượng tiền thu được từ nông nghiệp biến đổi rất lớn qua mùa vụ ở các vùng có khí hậu nông nghiệp, và chúng phụ thuộc rất nhiều vào tính kịp thời của việc sử dụng nước và mức độ cũng như tính hiệu quả của việc sử dụng hơn là bản thân nước. Các ngoại ứng kinh tế tích cực bao gồm những lợi ích về sức khoẻ và thu nhập từ việc sử dụng nước tưới cho mục đích làm nước uống, vệ sinh cá nhân và chăn nuôi. Lợi ích ròng cũng có thể được ước lượng từ các dòng trở lại của thuỷ lợi.

Giá trị ròng của đầu ra trong nông nghiệp thuỷ lợi: Nếu có thị trường nước thì giá trị của nước trong nông nghiệp thuỷ lợi có thể thu được từ giá cả do người nông dân trả trong thị trường. Nếu không có thị trường nước (đặc biệt là thị trường dành cho nước tưới bề mặt), thì giá trị của nước trong nông nghiệp thuỷ lợi có thể thu được tương đương với giá trị ròng của đầu ra khi sử dụng lượng nước đó cho mùa tưới tiêu. Điều này được định nghĩa trong giá trị của nước nông nghiệp như dưới đây:

Giá trị ròng của nông sản được ước lượng bằng tổng giá trị của nông sản trừ đi chi phí trồng trọt. Lượng nước ở mẫu số chính là khối lượng nước được sử dụng cho tưới tiêu, mà không phải là nước dùng cho mùa màng hoặc lượng nước bị bay hơi. Sở dĩ như vậy là vì chi chí của việc cấp nước được xác định bởi lượng nước dự trữ hoặc sử dụng cho hệ thống tưới mà không phải là lượng nước được sử dụng cho mùa màng. Về mặt này, có những dòng trở lại tích cực từ lượng nước được sử dụng cho tưới tiêu, chúng cần được tính toán rõ ràng vào các ngoại ứng như được trình bày ở phần sau. Tương tự, nước mưa cũng không được tính đến trong khối lượng nước ở mẫu số nhưng nó lại được hạch toán khi xác định giá trị ròng của nông phẩm không có thuỷ lợi.

Điều chỉnh cho các mục tiêu xã hội: lợi ích xã hội của việc sẵn có lương thực (đặc biệt là ở khu vực thành thị) và giá ngũ cốc thấp là kết quả của lượng nông sản tăng thêm do được tưới nước cho thấy số tiền tăng thêm này có thể được tính vào lợi ích từ nông sản.

Lợi ích ròng từ những ứng dụng phi thuỷ lợi: lượng nước cung cấp cho thuỷ lợi đã tạo ra lợi ích bổ sung cho sinh hoạt của con người và vật nuôi. Không có một nghiên cứu trước đây nào tập trung vào việc lượng hoá giá trị bổ sung của các lợi ích này.

Lợi ích ròng từ các dòng trở lại: một phần của các dòng nước mặt sử dụng trong thuỷ lợi được ngấm vào các mạch nước ngầm, giúp tăng trữ lượng nước ngầm. Người ta sẽ tính đén lợi ích này nếu như tại khu vực có khai thác nước ngầm.

2.2. Ước lượng giá trị nước sủ dụng cho nông nghiệp tại hạ lưu đập Hoà Bình

Giá trị ròng của đầu ra: Theo lý thuyết, trong trường hợp có thị trường nước thì giá trị của nước trong nông nghiệp thuỷ lợi có thể thu được từ giá cả do người nông dân trả trong thị trường. Ngoài ra, chúng ta có thể tỉnh toán được giá trị của nước tại những khu vực chưa có đầu ra (chưa thu hoạch, thậm chí chưa tiến hành sản xuẩt) bằng phương pháp đối chứng. Theo đó, ta có các mức chi phí như sau:

Phương pháp tưới, tiêu

Chi phí (VNĐ)

Vụ Đông Xuân

Vụ Hè Thu

Vụ Mùa

- Tưới và tiêu bằng trọng lực

460.000 VNĐ/ha

280.000 VNĐ/ha

245.000 VNĐ/ha

- Tưới bằng bơm và tiêu bằng trọng lực

750.000 VNĐ/ha

500.000 VNĐ/ha

430.000 VNĐ/ha

Nguồn: Kết quả điều tra thực tế giá nước tại khu vực Hà Nội

Như vậy, tính trung bình, giá trị ròng của đầu ra mỗi năm là:

-         Tưới và tiêu bằng trọng lực: 328.000 VNĐ/ha

-         Tưới bằng bơm và tiêu bằng trọng lực: 560.000 VNĐ/ha

Điều chỉnh cho các mục tiêu xã hội: Sử dụng phương pháp chuyển giao lợi ích, so sánh với lưu vực sông Subernaekha tại Ấn Độ (nơi có điều kiện tự nhiên tương đối giống với hạ lưu đập Hoà Bình) lợi ích xã hội của an ninh lương thực, giá ngũ cốc thấp (đặc biệt là ở vùng nông thôn) và các mục tiêu về tăng cường việc làm được ước lượng vào khoảng 0,053 $/m3 » 1.100.000 VNĐ/ha

Giá trị ròng từ các ứng dụng phi thuỷ lợi: Tương tự như trên, chúng ta cũng thu được kết quả là 0,01 $/m3 » 208.000 VNĐ/ha cho các lợi ích tăng thêm đối với giá trị của nước dành cho tưới tiêu.

Lợi ích ròng từ các dòng trở lại: giả thiết rằng lợi ích ròng từ các dòng trở lại sẽ chiếm 25% lợi ích ròng của nông sản. Từ đó ước lượng được 140.000 VNĐ/ha lợi ích được tạo ra từ nước được sử dụng cho mục đích tưới tiêu.

Như vậy, tổng giá trị kinh tế của nước được sử dụng trong nông nghiệp là:

560.000 + 1.100.000 + 208.000 + 140.000 = 2.008.000 VNĐ/ha.

Kết quả này sẽ là cơ sở để quyết định giá của nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng thì mức giá này phải ≤ 2.008.000 VNĐ/ha.

3. Đối với nước sử dụng cho công nghiệp

Cần phải chú ý rằng tổng chi phí cung cấp ở khu vực hạ lưu đập Hoà Bình là tương đối thấp, nước sử dụng cho công nghiệp có thể được bơm từ sông và chi phí của việc bơm, vận chuyển và phân phối cũng tương đối thấp. Khu vực công nghiệp có thể nhận được lượng nước cung cấp từ hồ chứa trong suốt những tháng mùa khô, cần có chi phí lớn cho việc trữ nước vì nhu cầu tưới tiêu là rất nhiều

Chi phí cơ hội của nước được sử dụng ở khu vực công nghiệp chính là bằng lợi ích mà khu vực nông nghiệp thu được, ước lượng khoảng 1.649 VNĐ/m3.

Những tác động của ngoại ứng kinh tế cũng đã được ước lượng là 238 VNĐ/m3 để phản ánh những tác động đối với người sử dụng ở cuối nguồn.

Các chi phí môi trường đã được thể hiện qua chi phí xử lý nước để phục hồi trở lại chất lượng ban đầu, ước lượng khoảng 2.465 VNĐ/m3. Ngoài ra còn có chi phí cho việc xử lý và tái sử dụng nước thải từ các nhà máy điên (bao gồm bụi than và tro) được ước lượng là 2.159 VNĐ/m3.

Trung bình trọng số là 4.930 VNĐ/m3 phản ánh chi phí của ngoại ứng môi trường.

Giá trị của nước sử dụng trong công nghiệp là 44.200 VNĐ/m3 dựa trên trung bình của giá trị ròng tăng thêm trên mỗi đơn vị nước của các đơn vị công nghiệp có đầy đủ thông tin. Cần chú ý rằng giá trị này là tổng giá trị ròng của sản phẩm chia cho khối lượng nước ngọt sử dụng cho đơn vị công nghiệp đó. Nó không phản ánh giá trị cận biên của nước đối với đơn vị công nghiệp đó.

3. Đối với nước sử dụng cho giao thông đường thủy

Cải thiện việc vận tải, giao thông bằng đường thuỷ là một trong những chức năng của đập Hoà Bình. Phía hạ lưu, chỉ cần 2 tổ máy hoạt động theo công suất định mức, tàu có tải trọng 1000 tấn có thể qua lại được, và chấm dứt được tình trạng mắc cạn trong mùa khô.

Việc tính giá nước sử dụng cho giao thông đưòng thuỷ bao gồm những yếu tố sau:

-         Chi phí của đập Hoà Bình trong việc duy trì mức nước ổn định, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu bè qua lại.

-         Chi phí cho việc làm sạch nước, loại bỏ dầu và các chất thải độc hại từ các phương tiện đổ ra hồ.

-         Chi phí ngoại ứng liên quan khác trên dòng chảy như hệ thống phao tiêu, dẫn đường

Như vậy, mức giá mà các phương tiện phải trả sẽ tỉ lệ với độ dài đoạn đường đi qua, tải trọng và cả chất lượng của tàu thuyền.

Trên cơ sở phân chia nước theo mục đích sử dụng thành bốn loại là cơ sở cho việc tính giá nước dựa trên quan điểm tổng giá trị kinh tế do tính hữu ích của nước mang lại. Trong quản lý nguồn tài nguyên nước, đây là cơ sở cho việc xác lập thu phí và thuế của việc sử dụng nước đối với các ngành, đảm bảo phân bổ hiệu quả và chia sẻ lợi ích hợp lý. Nghiên cứu trên chỉ là cơ sở ban đầu và giá nước sử dụng cho tính toán là mức giá năm 2008, nếu sử dụng chỉ số CPI, chúng ta quy về thời điểm năm 2010 hay 2011 thì chắc chắn mức giá sẽ cao hơn.

 

PGS.TS. Nguyến Thế Chinh, NCS. Nguyễn Hoàng Nam

 

Tài liệu tham khảo

1. Peter Rogers Mamesh Bhatia and Annette Hubber, TAC Background papers, water as a social and Economic Good: How to put the principle into practice, August 1998

2. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo trình kinh tế & quản lý môi trường, NXB thống kê, Hà Nội 2003.

3. Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, Hướng dẫn nội bộ thực hiện giá mới 2005

4. LEE Poh Onn, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore,  Water Management Issues in Singapore, 2005

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây